Lần nào Đức Phanxicô ban hành một biện pháp quyết liệt cũng đều gây ra nhiều phản ứng dữ dội. Lần này cũng thế, sau khi ngài ban hành Tự sắc Traditionis Custodes. Những phản ứng như thế cộng với các biến cố như Con đường Đồng nghị Đức và vụ các nấm mộ tập thể ở Canada khiến nhiều người lo ngại một viễn tượng sụp đổ của Giáo Hội Công Giáo Rôma.



Tuy nhiên, đối với Phil Lawler của CatholicCulture, lo ngại ấy không có cơ sở. Trong bài nhận định “Quick Hits: schisms and fear of schisms” ngày 20 tháng 7, Phil Lawler cho rằng: Không thể phủ nhận đây là những thời điểm gây tranh cãi trong Giáo Hội Công Giáo. Một số người – kể cả những người chỉ trích tổ hợp CatholicCulture - cho rằng những người Công Giáo trung thành không nên tập chú vào các khó khăn trong Giáo hội. Eric Sammons viết trong Tạp chí Crisis: “Chúng ta được yêu cầu che giấu các khuyết điểm của mình vì tin xấu không truyền bá Tin mừng. Tuy nhiên, che giấu khuyết điểm cũng không phải là truyền bá Tin mừng, mà còn tiếp thị nữa”. Sammons đặt câu hỏi một cách khoa trương, tại sao nhiều người dường như nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo là một ngôi nhà làm bằng những quân bài, dễ bị sụp đổ ngay lập tức nếu một quân bài bị lấy đi. Một người Công Giáo tự tin - không nhất thiết tin vào chính mình, nhưng tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần - không nên sợ hãi việc khám phá sự thật. Sammons nhắc nhở chúng ta “Các tổ chức mạnh nhất là những tổ chức chống lại sự mong manh. Giáo Hội Công Giáo vốn chống lại sự mong manh: Giáo Hội đã chứng kiến hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác và đã vượt qua tất cả”.

Vì vậy, không ai nên hoảng sợ, đối với gợi ý cho rằng Giáo hội ngày nay chắc chắn đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn. Một bài báo sâu sắc của Francis X. Rocca, trên tờ Wall Street Journal, mang tiêu đề: "Có phải Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang dẫn dắt Giáo hội đến chỗ ly giáo hay không?" Tập chú của bài báo nói về phẩm trật Đức, với “Con đường Đồng nghị” của nó nhằm việc thay đổi triệt để. Bài báo của Rocca khá cân bằng, nhưng ông lưu ý rằng: a) trong khi cho rằng mình đại diện cho tương lai của đạo Công Giáo, thì hiện tại Giáo hội Đức đang mất đi hàng trăm nghìn thành viên; ấy thế mà, b) Đức Giáo Hoàng Phanxicô không hề tỏ một xu hướng nào muốn nhấn thắng khi các giám mục Đức đạp ga trên xa lộ dẫn đến việc tuyệt chủng.

Còn Trong First Things, Douglas Farrow giải thích về sự tức giận đối với các trường lưu trú của Canada. Tại sao các dòng tu Công Giáo lại điều hành những trường này? Bởi vì họ được tuyển dụng để thi hành một chương trình của chính phủ. Tại sao nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng? Bởi vì chính phủ đã không cung cấp đủ tài chính. Tại sao các em bị chôn cất trong những ngôi mộ không được đánh dấu? Thực ra đâu phải như thế; những ngôi mộ được đánh dấu bằng một cây thánh giá đơn giản bằng gỗ - đó là tất cả những gì ngân sách ít ỏi của chính phủ cho phép - và qua nhiều năm thời tiết đã làm mòn những cây thánh giá đó. Vậy tại sao sự phẫn nộ hiện nay lại nhằm vào Giáo Hội Công Giáo hơn là vào chính phủ Canada? Một câu hỏi hay. Farrow nhận xét: "Chúng ta bị cản trở trong công việc lành mạnh tôn vinh người chết này bằng khói của các nhà thờ đang cháy rụi, một điều nói với chúng ta rằng vấn đề trách nhiệm đối với 'cơn bão hoàn hảo' kéo dài đó đã không được trả lời như nó cần phải được trả lời".

Riêng đối với Tự sắc Traditionis Custodes, nhiều bài báo xuất sắc đã được viết về. Nhưng theo Lawler, Cha Raymond de Souza có thể giành được giải thưởng vì đã đưa ra những điểm nổi bật nhất trong không gian ngắn ngủi nhất, trong bài phân tích của ngài trên tờ National Catholic Register (và đã được VietCatholic News phổ biến). Ngài nhận định rằng:

1.Tự sắc bác bỏ rõ ràng phán quyết của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, tạo ra sự tương phản rõ ràng giữa hai vị Giáo hoàng;

2. Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên nói đến việc ra quyết định tản quyền, thì động thái này đã làm thay đổi cán cân nặng về phía Rôma;

3. Đức Giáo Hoàng biện minh cho hành động của ngài bằng cách trích dẫn kết quả của một cuộc tham khảo ý kiến, nói rằng Thánh Lễ Latinh đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong Giáo hội. Nhiều giám mục đã trả lời bằng cách nói rằng họ không thấy có vấn đề như vậy trong giáo phận của họ; các câu trả lời của các ngài có phản lại phân tích của Đức Giáo Hoàng về cuộc tham khảo đó không?

4. Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngụ ý rằng các linh mục gây chia rẽ bằng cách quảng bá Thánh Lễ Latinh. Cha de Souza nhận xét: “Tự sắc Summorum Pontificum của Đức Bênêđíctô có cách tiếp cận ngược lại, đó là, chính các linh mục đáp ứng một cách hào phóng cho những nhóm tín hữu mong muốn những hình thức cũ hơn”.

5. Đức Giáo Hoàng đã ban các năng quyền cho các linh mục của Hội Thánh Piô X, bất chấp tình trạng giáo luật bất thường của họ. Hội Thánh Piô X chắc chắn sẽ tiếp tục cử hành Thánh Lễ Latinh. Bao lâu Tự sắc ngăn cản các linh mục khác cử hành Thánh Lễ Latinh trong các giáo xứ đã được phê duyệt, nó chắc chắn sẽ đẩy một số người vào các nhà nguyện Hội Thánh Piô X chưa được phê duyệt: một chiến lược kỳ cục để chấm dứt sự chia rẽ trong Giáo hội.