Tự sắc Traditionis Custodes của Đức Phanxicô tiếp tục nhận được nhiều phản ứng rất khác xa nhau. Nhưng không thiếu những người, nhân dịp này, hoặc đề cao Đức Phanxicô hoặc hạ thấp vị tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđíctô, hơn là bình luận về chính tự sắc. Andrea Grillo, trên La Croix International, chẳng hạn, có hẳn một bài so sánh Traditionis Custodes (TC) và Summorum Pontificum (SP).



So sánh đầu tiên: Traditionis Custodes tái lập quyền Giám Mục đối với phụng vụ trong giáo phận, một nguyên tắc Giáo Hội học và cơ cấu đã được Vatican II phục hồi và nên được bảo vệ như một của qúy. Chứ không phải thứ “ngụy biện trơ trẽn (bold sophistry) ‘hai hình thức của cùng một Nghi Lễ Rôma’” của Summorum Pontificum . So sánh thứ hai: Sách lễ năm 1970 là biểu thức duy nhất của lex orandi trong Giáo Hội vì phù hợp với Vatican II, chứ không phải thứ “ngụy biện trơ trẽn” của Summorum Pontificum chủ trương “cùng hiện hữu song hành” hai hình thức nghi lễ “mâu thuẫn nhau”. So sánh thứ ba: với Summorum Pontificum , linh mục muốn cử hành hình thức nào tùy ý, “đó không phải là nguyên tắc hòa giải, mà là nguyên tắc tan rã”. Traditionis Custodes đã vượt qua thứ “ngụy biện này và trở về với lương tri [common sense]. So sánh thứ tư: thay vì tạo ra cân bằng, học hỏi lẫn nhau, Summorum Pontificum tạo ra phân cực vượt bực vì “chủ nghĩa song đôi nghi lễ được trên cao chúc phúc”. Với Traditionis Custodes , chỉ còn một: truyền thống Nghi lễ Rôma tìm thấy ở đó, không nơi nào khác...

Grillo nhận định thêm rằng “nhờ Summorum Pontificum , Thánh lễ Cũ, trên thực tế, đã trở thành biểu tượng của việc chống lại Vatican II”. Ông cho rằng, điều ngoại thường là “sự kiện là 14 năm qua, người ta đã cố gắng biện minh cho 1 điều không thể biện minh được”...

Người đọc kỹ Traditionis Custodes không thể có những so sánh và nhận định như trên. Như Đức Phanxicô quả quyết trong Traditionis Custodes và mọi người có lương tri đều thấy Summorum Pontificum không đi ngược Vatican II, vì Vatican II không hề cấm Thánh Lễ theo nghi thức năm 1962; cổ vũ hợp nhất (hội Thánh Piô X, hội Thánh Phêrô); thỏa mãn yêu cầu của các tín hữu muốn được hưởng lại nét thánh thiêng của nghi thức năm 1962. Tất cả đều hợp lý và hợp pháp, phản ảnh các thực tại có thật trong sinh hoạt Giáo Hội. Sự kiện nó bị lợi dụng cho các mục tiêu khác đâu phải là dụng ý của nó.

Sự kiện lợi dụng noí trên quả có đó. Có những người vẫn cho rằng Giáo Hội trước Vatican II mới là Giáo Hội thực và nghi lễ Rôma 1962 mới là lex orandi của Giáo Hội. Nhưng thực ra, những người này có trước cả Summorum Pontificum , chứ không phải do Summorum Pontificum đẻ ra. Đã đành, Summorum Pontificum có thể bị một số người giải thích theo chiều hướng trên và do đó họ cũng ngả theo chiều hướng đó, làm con số những người chỉ thừa nhận Giáo Hội và Nghi lễ Rôma trước Vatican II gia tăng.

Nhưng con số này là bao nhiêu? Đây là câu hỏi được rất nhiều người nêu ra. Trong đó có Đức Hồng Y Raymond Burke. Trong một tuyên bố, ngài mong Tòa Thánh công bố kết quả cuộc thăm dò ý kiến các Giám Mục của Bộ Giáo Lý Đức Tin về vấn đề này, nhất là phương pháp khoa học hướng dẫn cuộc thăm dò và giải thích kết quả.

Riêng tờ The Pillar, thì đi tìm con số những người hiện đang tham dự Thánh Lễ Ngoại thường, dựa vào Danh bạ Thánh Lễ Latinh (Latin Mass Directory) mà họ cho là chính xác từ 80% đến 90%.

Danh bạ trên liệt kê 657 địa điểm cung cấp Thánh Lễ Ngoại thường ở Hoa Kỳ. Các địa điểm trên thuộc 49 nhà thờ, nhà nguyện, hoặc các nơi thánh khác do các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Phêrô (FSSP), mà theo Đức Hồng Y Burke, được Đức Gioan Phaolô II giúp thiết lập, và 32 do các dòng tu hoặc các hội linh mục khác trông coi.

Phần còn lại được cung cấp bởi có linh mục triều hay không cho biết danh tính của vị chủ tế. Danh bạ không bao gồm các Thánh lễ do các linh mục hoặc tổ chức ở bên ngoài Giáo Hội cử hành, trong đó có Hội Thánh Piô X. 413 địa điểm liệt kê dâng ít nhất 1 Thánh Lễ Ngoại thường mỗi Chúa nhật, trong khi 244 địa điểm kia chỉ dâng Thánh Lễ Ngoại thường vào 1 số Chúa nhật hay cuối tuần.

Hiện có gần 17,000 giáo xứ Công Giáo đang hoạt động, nên 657 địa điểm chỉ là 4% mọi địa điểm Thánh lễ ở Hoa Kỳ. Huynh Đoàn Thánh Phêrô là tổ chức linh mục lớn nhất chuyên cung ứng Thánh Lễ Ngoại thường. Nhóm này chiếm ít nhất 7.5% các dịa điểm liệt kê và gần 0.3% mọi địa điểm Thánh Lễ ở Hoa Kỳ. Nhóm này có 112 linh mục làm việc tại Hoa Kỳ, chiếm 0.315% tổng số 35,513 linh mục Công Giáo tại Hoa Kỳ.

The Pillar cho hay rất khó đo lường con số các linh mục triều cử hành Thánh Lễ Ngoại thường. Đến 88% các địa điểm được liệt kê cử hành Thánh Lễ Ngoại thường là các nhà thờ không do các huynh đoàn và dòng tu chuyên lo cử hành loại Thánh lễ này trông coi. Nên có thể kết luận một cách hữu lý là đa số các Thánh Lễ Ngoại thường tại Hoa Kỳ được các linh mục triều cử hành.

Vương quốc Thống nhất (Anh) có khoảng 2,400 nhà thờ giáo xứ Công Giáo hoạt động, trong đó, 157 (hay 6.5%) cung cấp Thánh Lễ Ngoại thường. Con số ở Pháp càng khó kiếm hơn, vì nước này có đến khoảng 45,000 ngôi nhà thờ do chính phủ sở hữu. Nhưng vì chỉ có khoảng 7,000 linh mục dưới tuổi 75, nên tờ này ước lượng 199 địa điểm cử hành Thánh Lễ Ngoại thường được danh bạ liệt kê ở Pháp đại diện khoảng từ 1.5% đến 3% các Thánh lễ hiện có.

Thành thử nhiều nhà bình luận lấy làm lạ liệu con số những người Công Giáo tham dự Thánh Lễ Ngoại thường tương đối ít ỏi như thế có biện minh được số lượng chú ý đang dành cho vấn đề này hay không.

So sánh với những nhóm người khác trong Giáo Hội, họ chẳng thấm thía gì. Thí dụ, theo thăm dò của Gallup năm 2021, 0.7% người Hoa Kỳ tự nhận là đồng tính nữ, 1.4% là đồng tính nam, 3.1% là lưỡng tính, và 0.6% là đổi phái. Con số này, theo thăm dò cũng của Gallup năm 2017, là 24%. Nhưng dường như quan tâm mục vụ chưa được hướng vào những nhóm người này.

Thành thử những người như tiến sĩ Weigel coi việc ban hành Traditionis Custodes như một động thái “bắt nạt” của phe cấp tiến. Tựa đề bài báo của ông là “chủ nghĩa toàn trị cấp cấp tiến và Thánh Lễ Latinh Truyền thống” (Liberal authoritarianism and the traditional Latin Mass).

Weigel cho rằng ông là người của Novus Ordo (Thánh Lễ 1970), không ưa gì Thánh Lễ Latinh. Dù thế, ông vẫn coi Traditionis Custodes “bất nhất về thần học, chia rẽ về mục vụ, không cần thiết, tàn bạo, và là một điển hình đáng buồn của bọn bắt nạt cấp tiến đã trở nên quá quen thuộc ở Rôma trong những năm gần đây”.

Rất tiếc Weigel không khai triển gì thêm về những lời buộc tội khá gay gắt ấy. Ông chỉ nhắc lại rằng “Summorum Pontificum là một hành vị chăm lo mục vụ cho những người Công Giáo thấy sẽ hữu hiệu hơn nếu được thờ phượng theo sách lễ 1962...”. Và ông hy vọng Thánh Lễ Ngoại thường sẽ dẫn đến việc tái thánh thiêng hóa việc thờ phượng của Giáo Hội theo hình thức thông thường của Sách lễ 1970.

Ông cũng cho rằng hy vọng trên đã được chứng nghiệm tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới Trẻ tại Crakow, trong đó thánh lễ tại cuộc hội thảo do ông hướng dẫn được cử hành theo Novus Ordo, nhưng sử dụng bình ca cho phần thường lễ và các ca khúc Latinh cũng như ca khúc Taizé hiện đại (bằng cả Latinh lẫn tiếng Anh) trong phần nhập lễ, dâng lễ, rước lễ. Các người tham dự đã tham dự “trọn vẹn, tích cực, và đầy ý thức” trong bầu khí trang nghiêm, tôn kính, và hướng tới thánh thiêng.

Thực ra đó cũng là điều chính Đức Phanxicô rất hay thực hành tại Nhà thờ Thánh Phêrô và được toàn thế giới “thưởng ngoạn”: Thánh lễ theo Novus Ordo và toàn diện bằng tiếng Latinh. Ngài đâu có công kích chi tiếng Latinh. Ngài cũng đâu có công kích Thánh lễ 1962. Ngài chỉ công kích những ai coi thánh lễ ấy, dù bằng tiếng bình dân, như là lex orandi duy nhất hợp pháp đến bác bỏ cả Vatican II và Giáo Hội sau Vatican II.

Vì thế, việc Đức Hồng Y Kasper châm biếm một số linh mục cử hành thánh lễ tại các bàn thờ phụ ở Nhà thờ Thánh Phêrô tại Rôma bằng tiếng Latinh là điều hoàn toàn không đúng. Chỉ một mình các “Dominus vobiscum” [Chúa ở cùng anh chị em], “Orate fratres” [anh em hãy cầu nguyện] mà thôi đâu chắc đã là Novus ordo hay Vetus Ordo để mà châm biếm (xem https://www.ncregister.com/blog/cardinal-kasper-responds-to-pope-francis-new-motu-proprio-on-the-mass). Ngài có biết đâu các linh mục ấy cử hành theo Novus Ordo hay Vetus Ordo!

Cũng vậy, trong tuyên bố của ngài, Đức Hồng Y Raymond Burke hình như muốn châm biếm Đức Phanxicô khi cho rằng đáng lẽ Đức Phanxicô phải công bố Traditionis Custodes bằng tiếng Latinh mới đúng, thay vì tiếng Ý (https://gloria.tv/post/fLmTDWQkqmQP6Wc4Fyiy76YpF). Nhưng thực ra, ngôn ngữ không quan trọng ở đây. Như trên đã nói, không phải là Thánh Lễ bằng tiếng Latinh hay Thánh lễ bằng tiếng bình dân, mà là Thánh Lễ theo sự cải tổ của Vatican II (1970) và Thánh Lễ có trước đó dù đã được người triệu tập Vatican II hiệu đính lần cuối cùng (1962). Và cũng không phải cả hai loại Thánh Lễ này, mà là các ý nghĩ, chủ trương và thái độ của những người cử hành Thánh Lễ 1962. Chỉ sai và cần được loại bỏ là các ý nghĩ và chủ trương cho rằng chỉ có nó mới hợp pháp và hệ luận là Nghi lễ Rôma 1970 và Giáo Hội sau Vatican II là sai lạc.