Kabul rơi vào tay Taliban đem theo cả A Phú Hãn (Afghanistan) lọt vào tay những người có viễn kiến hết sức cực đoan về Hồi Giáo. Trong mấy ngày qua, người ta loay hoay với câu hỏi: với 20 năm hiện diện và thật nhiều sinh mạng (2,448) cùng tiền bạc (1 ngàn tỷ) đã đổ vào đây, vậy mà vẫn thua, là tại sao?
Trả lời câu hỏi đó, phần lớn người ta chú tâm tới khía cạnh chính trị, quân sự. Ít ai như Terry Mattingly (https://www.getreligion.org/getreligion/2021/8/16/trying-to-spot-religion-ghosts-in-the-dramatic-fall-of-americas-version-of-afghanistan-fail) đi tìm “bóng ma” tôn giáo trong thảm họa này. Anh tìm đọc nhiều bài báo, nhất là tờ New York Times, tờ báo được coi là hướng dẫn dư luận Mỹ. Nhưng anh thấy hình như họ thiếu một điều gì. Không như Mohammad Naeem, phát ngôn viên văn phòng chính trị của Taliban nói với Al Jazeera: “Tạ ơn Chúa, chiến tranh đã chấm dứt trên xứ sở”. Hay như nhận định của Jon Sopel của BBC: “Cố gắng của Hoa kỳ trong việc xuất cảng nền dân chủ tự do qua A Phú Hãn đã thực sự và rõ ràng kết liễu...”
Terry cho rằng trong khi Taliban có một viễn kiến hết sức rõ ràng về Hồi Giáo, thì Hoa Kỳ, đồng minh và chính phủ “dân chủ” A Phú Hãn dường như không đưa ra được một viễn kiến nào ngoài việc cổ vũ nữ quyền, thậm chí quyền của những người như LGBTQ.
Người ta chưa biết viễn kiến Hồi giáo cực đoan sẽ dẫn Taliban đến thái độ nào đối với những người Công Giáo A Phú Hãn. CNA, ngày 17 tháng 8, cho hay một nhóm nữ tu Công Giáo ở Kabul được an toàn sau khi thủ đô này bị Taliban chiếm đóng ngày 15 tháng 8. Tuy nhiên, Cha Matteo Sanavio, chủ tịch một cơ quan bác ái chuyên lo cho trẻ em cho hay, các nữ tu xin mọi người cầu nguyện “để mọi Kitô hữu hiện diện tại Kabul tìm được ơn cứu rỗi và, cùng với họ, người dân nghèo và bị tra tấn A Phú Hãn sớm có được một tương lai hòa bình”.
Hai linh mục Dòng Tên từ Ấn Độ và 4 nữ tu Dòng Truyền Giáo Bác Ái cũng đang có mặt tại Kabul. Các cha Dòng Tên đã ngưng vô thời hạn sứ vụ của họ tại A Phú Hãn và hai linh mục này đang chờ để được di tản về nước của họ.
Cộng đồng Kitô hữu tại A Phú Hãn rất nhỏ trong một đất nước Hồi Giáo, nơi người dân A Phú Hãn có thể bị khai trừ, thậm chí tử hình khi tuyên xưng đức tin Kitô giáo.
Chỉ có một nhà thờ Công Giáo duy nhất, tọa lạc trong tòa Đại sứ Ý ở Kabul. Năm 2018, có chừng 200 người Công Giáo trong nước, đa số là người ngoại quốc làm việc tại các tòa đại sứ.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập lãnh thổ truyền giáo Công Giáo hồi tháng 5 năm 2002. Bề trên của lãnh thổ này là Cha Giovanni M. Scalese, một linh mục người Ý, thuộc Dòng Barnabite. Cha lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở A Phú Hãn từ tháng Giêng năm 2015. Cha được CNA liên lạc bằng điện thoại, nhưng từ khước bình luận vì lý do an ninh.
Caritas Italiana, một cơ quan bác ái hiện đang làm việc tại A Phú Hãn, trong một bản tuyên bố, viết rằng tình hình bất ổn gia tăng nỗi sợ về “khả thể duy trì được sự hiện diện cả trong tương lai, cũng như sự an toàn cho số ít người A Phú Hãn có đức tin Kitô giáo”.
Thất bại lưỡng đảng giống Sài Gòn
Trong khi đó, Joan Frawley Desmond (https://www.ncregister.com/interview/afghanistan-tragedy-like-vietnam-an-epic-bipartisan-failure) phỏng vấn Đức Ông Stuart Swetland, S.T.D. về sự xụp đổ của A Phú Hãn. Đức Ông vốn tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ đồng thời là một Học Giả Rhodes, hiện là chủ tịch Cao đẳng Donnelly ở Kansas City, Kansas, nơi ngài làm giáo sư môn lãnh đạo và đạo đức học Kitô giáo. Ngài tốt nghiệp cử nhân vật lý, trong tư cách Học giả Rhodes, ngài nghiên cứu chính trị, triết học và kinh tế tại Đại Học Oxford, nơi ngài trở lại Đạo Công Giáo.
Trả lời câu hỏi về cảnh hỗn loạn tại Phi trường Kabul, Đức Ông cho hay: ai có tuổi đủ hẳn nhớ tới Việt Nam, và thấy có nhiều điểm tương tự. Cả hai đều là những thất bại lớn lao, có tính lưỡng đảng. Đáng lẽ nên có việc triệt thoái trật tự, có phương pháp. Đúng, Tổng thống Biden tuân theo thỏa hiệp đã được Tổng thống Trump ký, nhưng chúng ta có đến một năm để đặt kế hoạch. Việc tan hàng nhanh chóng và hỗn loạn của quân đội và chính phủ A Phú Hãn dưới ánh sáng cuộc rút lui của Hoa Kỳ cho thấy sự thiếu lãnh đạo và/hoặc tình báo đến ngỡ ngàng.
... Chúng ta cần phải tìm hiểu ngọn nguồn, phân tích chi tiết nhìn nhận các lỗi lầm đã phạm trong suốt cuộc chiến chống khủng bố, để đừng tái phạm nữa. Cho đến nay, xem ra chúng ta thiếu khả năng học hỏi từ quá khứ. Chúng ta cứ hy vọng là các lực lượng quân sự và chính phủ ở các quốc gia nơi chúng ta tới sẽ tiến bộ. Nhưng nhiều lực lượng và quốc gia chỉ biết nhận và ngay khi ta không đỡ họ nữa, họ xụp đổ.
Đức Ông xem ra chống đối việc Hoa Kỳ đổ quân vào A Phú Hãn, ngay từ những ngày sau khi Tòa Tháp Đôi ở New York bị khủng bố phá sập gây ra cái chết cho hơn 3 ngàn người Hoa Kỳ. Ngài cho biết lúc ấy, ngài đang làm tuyên úy tại Đại Học Illinois. Và vì từng nghiên cứu nhiều về lý thuyết chiến tranh chính nghĩa, nên ngài tham gia nhiều cuộc hội thảo ở Đại Học bàn về cuộc tấn công 11 tháng 9. Vấn đề tức khắc được nêu lên là có nên có một cuộc tấn công chống Taliban hay một hình thức trả đũa nào đó không. Ở bàn phối trí hội thảo, cha cho rằng trả đũa hay trả thù không bao giờ là động lực thích đáng cả. Lý do duy nhất có thể được biện minh là bảo vệ người vô tội khỏi việc gây hấn thực sự. Dĩ nhiên, al-Qaida có đủ phương tiện và ý chí tiếp tục việc gây hấn của chúng, nên một lập luận can thiệp có thể được đưa ra. Nhưng sau nhiều suy tư với cử tọa, Đức Ông đề nghị một khả thể khác: thay vì trả đũa, dù chính đáng, ta nên “giơ má bên kia” (Mt 5:38-40) chăng? Phải chăng nghĩa cử tự chế này là một tấm gương kiến tạo hòa bình cho nhiều người khác đang bị cuốn hút vào vòng bạo lực như ở Trung Đông và Bắc Ái Nhĩ Lan. Đức Ông cho hay lập luận này bị Ben Shapiro tấn côg mạnh mẽ trong cuốn Brainwashed của ông ta. Nhưng 20 năm sau, Đức Ông vẫn thấy đó là phương thức tốt hơn.
Đức Ông cho rằng ngay sau cuộc tấn công 9 tháng 11, có một cảm thức đoàn kết trong nhân dân Hoa Kỳ. Nhưng dần dà, cảm thức này mất đi. Có thể một phần vì các cuộc khai triển quân sự tại ngoại quốc. Vì ngay sau đó, ngay trong năm 2001, Quốc Hội thông qua “Lệnh Cho Phép Sử Dụng Lực Lương Quân Sự” giúp Tổng thống sử dụng lực lượng này chống những kẻ chịu trách nhiệm đối với các cuộc tấn công khủng bố. Năm 2002, một nghị quyết được thông qua cho phép sử dụng lực lượng quân sự chống lại Iraq. Kể từ đó, nhiều nghị quyết đã được sử dụng để biện minh cho hành động quân sự trong gần 2 thập niên qua. Và kết quả là không bao giờ có cuộc tranh luận đầy đủ nào về sứ vụ, mục đích hay mục tiêu của các hành động quân sự này.
Điểm yếu của cách tiếp cận trên nay được vạch trần: nếu các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta có thể tránh né các cuộc tranh luận khó nhá về việc tiếp tục sử dụng lực lượng quân sự, thì họ sẽ tránh né. Nhưng “các chủ nhân” thực sự của việc sử dụng lực lượng quân sự là “nhân dân chúng ta”, hành động qua các đại diện dân cử ở Hạ và Thượng viện, như hiến pháp Hoa Kỳ đã qui định rõ, chứ không phải ngành hành pháp.
Theo Đức Ông các nghị quyết trên phải chuyên biệt và giới hạn về thời gian. Điều này rất quan trọng vì, nếu việc dùng lực lượng cần được tái duyệt, thì người dân phải dựa vào thành tích, hy vọng sẽ cung cấp được các lập luận đặt để các mục tiêu và định rõ cách chúng ta thoát ra các mối bòng bong ở ngoại quốc. Nhờ thế, quyết định cho phép sử dụng lực lượng sẽ gần với dân chúng Hoa Kỳ hơn.
Mặc dù thừa nhận rằng, không như cuộc can thiệp bất chính vào Iraq, chiến tranh ở A Phú Hãn có đạt được một mục tiêu chủ yếu: giúp ngăn ngừa một cuộc tấn công khác trên đất Hoa Kỳ. Nhưng sau đó, chiến dịch quay qua việc xây dựng một quốc gia. Trong khi, Hoa Kỳ không hề có thành tích tốt trong việc này. Theo Qũy Carnegie về Hòa Bình Quốc Tế, từ cuộc xâm lăng Cuba năm 1898, Hoa Kỳ đã cố gắng “xây dựng quốc gia” đến 17 lần. Và chỉ thành công có 4 lần: Nhật Bản, Tây Đức, Granada, Panama. Hoa Kỳ nên thừa nhận các giới hạn của mình và tự chế hơn mới đúng. Trong khi Taliban vẫn có nơi trú ẩn an toàn ở Pakistan!
Lý do sự thất bại ở A Phú Hãn trong phương diện này là không ai huấn luyện binh lính Hoa Kỳ trong việc xây dựng một quốc gia. Đức Ông nghĩ Hoa Kỳ đáng lẽ nên huấn luyện lực lượng quân sự của mình kỹ năng xây dựng quốc gia và duy trì hòa bình, chứ không nguyên chỉ là đánh nhau.
Điều ấy khó xẩy ra vì chính quốc gia Hoa Kỳ cũng đang tan rã từng mảnh, không những về phương diện cơ cấu mà còn về phương diện văn hóa và luân lý. "Chúng ta không còn cái hiểu chung nào về ích chung và ích chung trông giống cái gì chúng ta cũng không có. Chúng ta rơi vào thứ duy tương đối dễ dãi, không còn tin vào sự thật khách quan nên không còn ích chung, chỉ còn ích tôi ích họ. Làm sao có sự hy sinh cho ích chung nữa".
Nói thế, nhưng Đức Ông vẫn không quên các hy sinh của những người lính nam nữ trên chiến trường A Phú Hãn. Nhân dân Hoa Kỳ, theo Đức Ông, luôn đoàn kết trong việc hỗ trợ những người đàn ông và đàn bà trong lực lượng quân sự Hoa Kỳ. "Họ đã tình nguyện tự đặt mình vào thế nguy hại theo lệnh các nhà lãnh đạo chính trị, như hệ thống của chúng ta đã đặt để. Và họ đã thi hành sứ mệnh một cách đáng khâm phục và thường rất anh hùng".
Đức Ông cũng cho rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ tinh thần phải bảo vệ những người cùng phục vụ với chúng ta và mạng sống hiện đang bị đe dọa khi Taliban nắm quyền. “Về phương diện công bằng, kế hoạch rút lui khỏi A Phú Hãn đáng lẽ phải dành ưu tiên cứu mạng những người A Phú Hãn từng phục vụ quân đội Hoa Kỳ, và việc chúng ta không bảo đảm cho họ ra đi an toàn, để họ ở lại chịu sự trả thù của Taliban, là điều sai lầm và là một thất bại thảm hại của giới lãnh đạo... Họ đã tin cậy chúng ta nhưng chúng ta đã không chu toàn trách nhiệm của chúng ta đối với họ”.