CHÚA KHÔNG CHỊU NỔI KHI CON NGƯỜI GIẢ HÌNH
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Đạo đức mà không hiện hữu trong tâm, thì hình thức có cố gắng “tô vẽ” đến đâu, vẫn chỉ là vô hồn, vỏ bọc, kịch cởm, lố bịch, lường gạt, gian dối, ngụy biện, thiếu tôn trọng con người…

Thậm chí, vì không có cái tâm mà chỉ là “sơn phết”, người ta trở nên độc ác, tàn nhẫn, giẫm đạp hạnh phúc tha nhân…

Đạo đức giả: dùng cái thiện để che đậy ác tâm, và thực hiện việc bất nhẫn cách trân tráo ghê rợn. Tin Mừng đã từng nhắc đến trong “nụ hôn Giuđa”.

Nụ hôn để bày tỏ yêu thương, tỏ sự gần gũi, bị Giuđa dùng làm ám hiệu dẫn tới cái chết oan trái của Thầy mình: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!” (Mt 26, 48).

Trong nụ hôn Giuđa, sự thiện bị lợi dụng để cái ác thắng thế; Lòng nhân bị đánh tráo để giả tâm lên ngôi; Đau đớn hơn, giả tâm lại bị đặt nằm trong chính hành vi lương thiện; Sự phản bội tình yêu thay thế hết mọi yêu đương của lòng người; Cái lợi tiền bạc biến con người nên tàn độc; Sự tàn độc đánh mù lương tri đến nỗi con người ngan nhiên dẫn mình phục vụ cái ác… Tâm không có, hành vi “hôn” của Giuđa trở thành hành vi muôn đời lên án…

Nụ hôn Giuđa, vì thế, trở thành biểu tượng của sự thâm ác mà con người dành cho nhau. Nó diễn tả cách cực độ sự bi thảm của đời sống con người. Nó trở thành kịch bản cho mọi toan tính độc ác nhất: bán đứng chính người thân của mình, để rồi dẫn đến một kết cục tàn bạo không thể có lời nào diễn tả hết: Người thân của mình bị sát hại đẫm máu ghê rợn. Người thân đó lại là người Thầy, người mà bản thân kẻ phản bội phải chịu ơn. Nhục nhằn! Đau đớn! Thảm thiết! Thê lương!

“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”.

Muôn đời, lời ấy của Chúa Giêsu không chỉ đáng chúng ta ghi nhớ, mà còn là lời thấm thía đòi chúng ta phải loại trừ sự dữ nơi lòng mình, loại trừ mọi thứ lương tâm không ngay chính, loại trừ mọi suy nghĩ bất nhân, loại trừ mọi kiểu che đậy, giả hình cho thứ tâm hồn vấy bẩn…

Một mặt, thế giới nội tâm làm cho con người cao trọng. Nhờ nội tâm phong phú, ta được khôn ngoan, biết đón nhận những bài học, có khả năng tư duy, phân biệt phải trái, ray rứt khi gây tội, vui mừng khi gieo bình an, biết cảm nhận, đúc kết, học tập, tiếp thu, phê bình…

Nếu không có nội tâm, không có phát triển, nâng cấp, sửa đổi, trang trí… Không có nội tâm, không bao giờ có kiến thức, khoa học, nghệ thuật, vô vàn vẻ đẹp con người làm nên…

Thế giới nội tâm cho chúng ta đứng trên mọi loài, trên cả vũ trụ. Nội tâm cao trọng đến nỗi, chúng ta làm chủ vũ trụ, điều hành và thống trị nó.

Nhưng mặt khác, thế giới nội tâm mà không được lành mạnh hóa, giáo dục hóa, hướng thiện hóa, như kiểu nội tâm thể hiện trong “nụ hôn Giuđa”, thì đau khổ và bất hạnh xảy ra. Nó tấn công nhân loại bằng những thủ đoạn không thể lường hết, không đủ lời diễn tả.

Tội ác của những kẻ thủ ác, mỗi lần nhắc đến, vẫn làm chúng ta quặng thắt lòng mình. Từ những khuôn mặt lịch sử nổi cộm, từ nụ hôn Giuđa, đến thực tế đời sống hàng ngày, loài người, và từng người chúng ta, phải chứng kiến, phải trở thành nạn nhân, phải rên siết một cách tức tưởi, nghẹn ngào…

Thế giới nội tâm mà đã nhiễm bẩn, nỗi bi đát sẽ là vô cùng. Nó đánh gục mọi thứ luân lý và tinh thần của con người. Nó đáng sợ trên mọi thứ đáng sợ. Nó làm cho con người tàn bạo hơn bất cứ một loài vật nào. Nó để lại những dư chấn mạnh trên tâm thần của nhiều nạn nhân. Nó xáo trộn trật tự xã hội. Nó thê thảm hóa mọi nỗ lực tìm kiếm an bình.