Theo VaticanNews, chiều ngày 12 tháng 9, 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Bratislava, Thủ đô Slovakia, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến tông du ngoại quốc thứ 34 của ngài.



Tại Phi trường Quốc tế Bratislava, ngài được một phái đoàn các thẩm quyền dân sự và tôn giáo, và hai trẻ em nghinh đón. Các em mặc y phục cổ truyền và mang theo quà tặng là bánh mì, muối và hoa, vốn được coi là biểu tượng của lòng hiếu khách Slovakia.

Đức Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ hai thăm Slovakia, sau Đức Gioan Phaolô II năm 2003.

Theo Spectator (https://spectator.sme.sk/c/22740682/pope-francis-has-arrived-in-slovakia.html), Đức Phanxicô được nghênh đón bởi Tổng thống Zuzana Čaputová, Thủ tướng Eduard Heger, Chủ tịch Quốc Hội Boris Kollár (Sme Rodina), Ngoại trưởng Ivan Korčok, Thị trưởng Bratislava Matúš Vallo, các đại diện Giáo Hội, các khách mời như Ombudswoman Mária Patakyová, František Mikloško trong tư cách đại diện cho phong trào bất đồng Công Giáo thời cộng sản, và nạn nhân sống sót thảm họa Diệt chủng Herta Vyšná,.

Cũng có cả hàng ngàn tín hữu nghinh đón ngài tại phi trường Bratislava.

Tổng thống Čaputová nói rằng lời lẽ đầu tiên Đức Giáo Hoàng nói với bà sau khi tới đây là “Bà mời tôi tới Slovakia hồi tháng 12, thì giờ đây tôi xin chu toàn lời hứa”.

Bà hy vọng chuyến viếng thăm của ngài sẽ góp phần vào việc hòa giải trong xã hội. Tổng thống gặp riêng Đức Giáo Hoàng tại phòng dành cho khách danh dự tại phi trường.

“Một người hành hương tại Slovakia”

Sau đó, vào buổi chiều, một cuộc gặp gỡ đại kết đã được tổ chức tại tòa sứ thần Tòa Thánh tại Bratislava. Trong bài diễn từ của ngài với cuộc gặp gỡ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cám ơn các vị đại diện Giáo Hội đã đến gặp gỡ ngài. Ngài tự xưng mình là “một người hành hương tại Slovakia”.

Ngài cũng nói về tự do, cho rằng tự do của anh chị em cũng là tự do của ngài. Ngài nói thêm rằng điều tốt đẹp nhưng cùng một lúc khó khăn là có được đức tin trong tự do. Trong diễn từ của ngài, Đức Giáo Hoàng nhắc tới di sản của hai thánh Cyril và Methodius và cả đóng góp của các ngài vào việc truyền bá Kitô giáo.

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng tỏ ý hy vọng Slovakia tiếp tục hành trình đại kết của mình.

Theo VaticanNews, tuy cuộc tông du này được mệnh danh là cuộc tông du tâm linh, nhưng cũng là một cuộc tông du trong đó, Đức Giáo Hoàng sẽ kéo người ta chú ý tới những người từng chịu đau khổ dưới các chế độ toàn trị, với con mắt hướng về tương lai. Vô số các câu truyện thuật lại các khó khăn thời cộng sản và quốc xã ở Slovakia. Cách nhà thờ chính toà chỉ bằng ném một hòn đá là đài kỷ niệm biến cố Diệt chủng, xây trên nền một nguyện đường từng bị phá sập để xây cây cầu qua Sông Danube.

Chế độ công sản cũng đem khổ cực cho xã hội và Giáo hội tại đất nước này với nhiều linh mục bị cấm thi hành thừa tác vụ của họ. Nhiều người ở đây vẫn còn nhớ tuổi trẻ của họ phải sống dưới sự cai trị của cộng sản.

Mặc dù thời thế đã thay đổi, nhất là trong 30 gần đây kể từ cuộc Cách Mạng Nhung (Velvet Revolution), cái bóng một Châu Âu ngày càng thế tục hóa là mối quan tâm của Giáo Hội tại Slovakia.

Một cuộc thống kê cách nay vài năm cho thấy có tới 70% dân chúng được thăm dò tự nhận là Kitô hữu. Tuy nhiên, các vị Giám Mục ở đây nhấn mạnh nhiều đe dọa mới, trong đó, có đe dọa vật chất chủ nghĩa và tương đối chủ nghĩa, và cảnh cáo Giáo Hội ở Slovakia không nên ngủ yên trên các thành tựu của mình.

Cũng như nhiều nước ở Âu Châu, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiểu tác động trầm trọng lên xã hội ở đây. Giới trẻ đang buộc phải học ở nhà và họ lo âu cho tương lai. Nhiều người tới các thành phố kiếm việc làm trong khi nhiều người nhìn sang các nước khác của Âu Châu và xa hơn nữa, hy vọng có việc làm tốt hơn. Ghi nhớ điều này, Giáo Hội ở Slovakia hy vọng rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dành cho tuổi trẻ xứ này một thông điệp khuyến khích họ “tiến tới” trong đức tin.

Cuộc viếng thăm của ngài, vì thế bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Ngài sẽ thăm Trung tâm Bethlehem dành cho người nghèo và vô gia cư, và Cộng đồng Roma ở Lunik IX thuộc Košice. Và Thứ Tư, ngài sẽ tới Đền thánh Quốc Gia tại Šaštín để kính viếng Đức Mẹ Sầu Bi.

Người dân Slovakia mong ngài đến để củng cố và tăng cường đức tin của họ, một đức tin đang có chiều hướng trở thành nửa nóng nửa lạnh.

VaticanNews phỏng vấn Cha Marek Vanus, SVD, hiện đang làm việc tại giáo xứ Suy tôn Thánh giá ở khu Petržalka thuộc Bratislava, đồng thời là một giảng sư về nền thần học Kinh Thánh.

Cha cho rằng củng cố đức tin đúng là ước mong của tín hữu Slovakia, nhưng phải là một đức tin được đem ra sống, không chỉ nhờ phụng vụ mà còn nhờ việc giúp đỡ những người kém may mắn như người nghèo và người bị gạt ra bên lề.

Theo cha, hiện nay có nhiều người trở nên “dửng dưng” đối với đức tin. Nên cha hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ giúp những người dửng dưng này gần lại đức tin hơn.

Trong chuyến viếng thăm này, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ tọa một buổi Phụng vụ Byzantine ở Prešov và viếng Đền Đức Mẹ Sầu bi ở Šaštín. Buổi đầu dành cho nghi lễ Công Giáo Hy Lạp, buổi sau dành cho Nghi lễ Rôma, qua hai cử chỉ này, Đức Giáo Hoàng muốn chứng tỏ “lòng tôn kính đối với cả hai truyền thống hiện đang cùng hiện diện tại Slovakia”.

Cha cũng cho rằng tình huynh đệ giữa mọi người theo tinh thần thông điệp Fratelli Tutti cũng sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh, tìm thấy nơi người khác một người bạn, một người anh em.

Ngoài ra, trong bầu khí bất ổn của đại dịch Covid-19, nhiều người trở thành ưa phê phán, không hài lòng với bất cứ điều gì và chỉ trích mọi người. Điều này không tốt: phải biết thừa nhận điều tốt nơi người khác và cố gắng tìm cách dẫn đầu một cuộc đối thoại, thay vì kết án người khác”.

Cha cũng mong nhờ chuyến viếng thăm này, ơn gọi đang trên đà xuống dốc sẽ tìm được sự khích lệ lớn lao.



Devin Watkins của VaticanNews nhấn mạnh tới khía cạnh đại kết, điều mà đức Phanxicô thực hiện đầu tiên khi đặt chân lên đất Slovakia. Ngài thúc giục cuộc gặp gỡ đại kết chống lại cơn cám dỗ nô lệ bên trong bằng sức mạnh kép của chiêm niệm và hành động. Cuộc gặp gỡ này diễn ra tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh và qui tụ đại diện của 11 Giáo Hội thành viên của Hội Đồng Đại Kết, trong đó, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Slovakia là quan sát viên.

Trong diễn từ với những người hiện diện, Đức Phanxicô nói rằng “một dấu hiệu là đức tin Kitô giáo là, và muốn là, một hạt giống hợp nhất và chất men huynh đệ tại xứ sở này.

Ngài nhắc lại nhiều năm bị chế độ vô thần bách hại thời Liên bang Xô viết, “khi tự do tôn giáo bị đàn áp tàn bạo”. Sau khi Bức Màn Sắt kết lliễu, tự do trở lại. “Nay qúy vị đang chia sẻ kinh nghiệm lớn lên trong đó, qúy vị đang tiến tới chỗ khám phá ra quả là tươi đẹp, nhưng cũng khó khăn xiết bao phải sống đức tin của qúy vị trong tự do”.

Ngài cảnh cáo người Slovakia chống lại cơn cám dỗ trở lại với cơn cám dỗ tồi tệ hơn: “Nô lệ bên trong”. Ngài nhắc đến “Huyền thoại Tòa Dị giáo Vĩ Đại” trong Anh em Nhà Karamazov, trong đó, Chúa Giêsu trở lại trần gian và một lần nữa bị cầm tù.

Tòa Dị Giáo tra vấn Chúa Giêsu, tố cáo Người đánh giá quá cao sự tự do của con người, cho rằng người ta thích trao đổi tự do của họ lấy “một thứ nô lệ êm ái hơn”.

Đức Phanxicô kêu gọi các Kitô Hữu đừng rơi vào cạm bẫy đổi tự do lấy “bánh mì và một chút gì khác thế” tức “không gian và đặc ân”. “Tại đây, từ tâm điểm Châu Âu Châu này, chúng ta có thể hỏi: phải chăng Kitô hữu chúng ta đã đánh mất một số nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng tiên tri? Chân lý Tin Mừng có giải phóng chúng ta hay không?”

Đức Phanxicô nhắc lại lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của hai thánh Cyril và Methodius, “Tông đồ của người Slavs”. Các ngài có thể giúp người Slovakia tái khám phá tình hiệp thông huynh đệ nhân danh Chúa Giêsu, và đặt tự do tôn giáo và nội tâm vào tâm điểm của các mối liên hệ giữa các tuyên tín khác nhau.

Ngài nói rằng không thể có hy vọng để Âu Châu được Tin Mừng ảnh hưởng nếu các Kitô hữu không hợp nhất với nhau. Ngài cầu nguyện “Xin các thánh Cyril và Methodius, ‘tiền hô của phong trào đại kết’ giúp chúng ta cố gắng hết sức làm việc cho một cuộc hoà giải tính đa dạng trong Chúa Thánh Thần”.

Và như trên đã nói, ngài đưa ra hai gợi ý giúp đổi mới tự do và đức tin nơi các Kitô hữu Slovakia: chiêm niệm và hành động. Ngài nói chiêm niệm là “nét khác biệt của các dân tộc Slav” có thể giúp họ tái khám phá “vẻ đẹp của viêc thờ phượng Thiên Chúa” và vượt thắng sự tập chú hẹp hòi “vào tính hiệu năng của tổ chức”. Hành động, theo ngài, bổ túc cho chiêm niệm, và dẫn Kitô hữu tới hợp nhất đưới cùng một chính nghĩa trợ giúp người nghèo và người bị hắt hủi.

Ngài nói, “chia sẻ công việc bác ái có thể mở ra các chân trời rộng rãi và giúp chúng ta thực hiện các tiến bộ lớn lao hơn nhằm vựơt qua thiên kiến và hiểu lầm”.

Sau cùng, Đức Giáo Hoàng tỏ bày niềm hy vọng mọi Kitô hữu một ngày kia sẽ tái hợp nhất quanh Bàn tiệc Thánh Thể của Chúa. Ngài nói, “Xin ơn phúc của Thiên Chúa hiện diện trên bàn cho mọi người, để, dù chúng ta chưa có thể chia sẻ cùng một Bữa ăn Thánh thể, chúng ta vẫn có thể cùng nhau nghinh đón Chúa Giêsu bằng cách phụng sự Người trong người nghèo”.