Theo John Allen của Tạp chí Crux, trên chuyến bay ngày 15 tháng 9, từ Slovakia trở lại Vatican, Đức Phanxicô có những phát biểu quan trọng về phá thai, “hôn nhân” đồng tính, rước lễ và vạ tuyệt thông khiến “không bên nào của một cuộc tranh luận hoàn toàn có thể cho là mình được chứng thực”.



Ngài khởi đầu cho hay ngài chưa bao giờ từ khước Thánh Thể cho bất cứ người nào. Ngài thậm chí cho cả một phụ nữ Do Thái rước lễ, một người rõ ràng “ở bên ngoài cộng đồng” được ngài gọi chung là “excommunicated” mà chúng ta chỉ hiểu là bị tuyệt thông. Chỉ có điều, chính ngài xác định: ngài không hề biết người được ngài cho rước lễ là một người Do Thái; ngài chỉ biết điều đó sau khi Thánh lễ đã hoàn tất và chính người phụ nữ thổ lộ với ngài như vậy. Chính ngài cũng xác nhận là ngài chưa bao giờ biết có người “excumminucated” nào tự trình diện trước ngài để rước lễ.

San Martín cũng của Crux cho biết thêm thời ngài còn ở Á Căn Đình, các chính trị gia Công Giáo đều phò sinh cả, chỉ từ khi ngài dọn tới Vatican, họ mới lao vào con đường phò chọn lựa. Thành thử khó có người phò phá thai nào đến trước ngài để được ngài cho rước lễ.

Nhưng đọc phát biểu của ngài trên chuyến bay, ai cũng hiểu ngài không ủng hộ việc tẩy chay rước lễ đối với bất cứ ai, kể cả những người ủng hộ phá thai.

Dù ngay sau đó, ngài thẳng thừng tuyên bố rằng phá thai là giết người vì theo phôi thai học, thai nhi 3 tuần đã đủ bộ phận của một con người rồi, đã là một con người đầy đủ rồi, giết em là giết người, không oong đơ gì cả [ngài dùng chữ Chấm Hết). Ai tham gia vào việc giết người này tự đặt mình ra ngoài cộng đồng (excommunicated) và do đó không thể rước lễ.

Rõ ràng đó là đèn xanh cho lập trường tẩy chay rước lễ đối với Joe Biden và Nancy Pelosi, những người đề cao quyền giết trẻ thơ.

Nhưng đừng vội mừng, ngay sau đó, Đức Phanxicô làm một đường “zigzag” trở lại với lập trường “không khước từ cho rước lễ đối với bất cứ ai” của chính ngài khi đưa ra việc phân biệt giữa những người “excommunicated” (có lẽ ám chỉ những người bị tuyệt thông vĩnh viễn) và những người “tạm thời ở bên ngoài cộng đồng” nhưng vẫn là “con cái Thiên Chúa và cần hành động mục vụ của chúng ta”.

Nhất là sự phân biệt giữa mục vụ và chính trị. Nghĩa là các Giám Mục phải mô phỏng sự dịu dàng và cảm thương của Thiên Chúa trong cả việc xử lý với những người bị tuyệt thông, và nếu từ bỏ nẻo đường này, các ngài “trở thành các chính khách”.

Đối với John Allen, “thật hợp lý khi kết luận rằng lập trường của Đức Giáo Hoàng là thế này: Phá thai là giết người, những ai tham gia việc phá thai ít nhất cũng bị tuyệt thông tạm thời, và, trong tư cách ấy, một cách tổng quát không nên rước lễ. Tuy nhiên, một linh mục hay một Giám Mục không nên là người xua đuổi một người như thế, vì có nguy cơ biến một điều nên là một đáp ứng mục vụ đầy cảm thương thành một việc sa vào tuyên bố chính trị”.

Nói cách khác, “không” phá thai và cũng “không” cấm rước lễ!

Còn về “hôn nhân” đồng tính, khi quả quyết hôn nhân phải là giữa một người đàn ông và một người đàn bà, rõ ràng Đức Phanxicô không chấp nhận việc coi cuộc sống chung của những cặp đồng tính là hôn nhân. Ít nhất đó là yếu tính của bí tích hôn nhân Công Giáo do Chúa thiết lập và Giáo Hội không có quyền thay đổi.

Tuy nhiên khi ủng hộ hay ít nhất khi mặc nhiên thừa nhận tính thích đáng của “những đạo luật [dân sư] nhằm giúp đỡ hoàn cảnh của nhiều người có các xu hướng tình dục khác nhau”, ngài mặc nhiện chấp nhận các hoàn cảnh sống chung của các cặp đồng tính. Có điều, cố gắng thỏa hiệp này không nên bao gồm việc chờ mong Giáo Hội phải “ban cấp một điều, mà từ bản chất của mình, Giáo Hội không thể ban cấp”.

Ngài quả quyết “Điều trên không có nghĩa lên án những người như thế, xin làm ơn, họ là anh chị em của chúng tôi và chúng tôi phải đồng hành với họ”.

Đồng hành làm sao? Đức Phanxicô không có câu trả lời rõ ràng. John Allen nhớ lại hồi tháng 10 năm 2013, sau cuộc đàm đạo của ngài với nhà báo kỳ cựu người Ý Eugenio Scalfari, phát ngôn viên Tòa Thánh lúc bấy giờ là Cha Federico Lombardi nhận định rằng khi Đức Phanxicô tương tác với báo chí, ngài xử lý bằng một văn phong giáo hoàng mới, một văn phong cố tình xuề xòa [informal], thường không quan tâm tới sự chính xác, và nhằm được coi như một phản ứng mục vụ trong lúc dầu sôi lửa bỏng hơn là một tuyên bố dứt khoát của huấn quyền. Cha cho hay ta cần hiểu bản chất của văn phong này trước khi phản ứng một cách thích đáng. Điều này rất đúng trong trường hợp các câu trả lời của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn trên đây dù đụng tới vấn đề phá thai, rước lễ, “hôn nhân” đồng tính và vạ tuyệt thông.

Nói đến vạ tuyệt thông, phải nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô cực lực phản đối việc này, ngài cho biết chuyện ấy đủ rồi. Nhưng chính ngài nói rõ: những người tham gia phá thai là tự đặt mình ra khỏi Giáo Hội, tức là tự động ra vạ tuyệt thông cho mình rồi. Những khuôn mặt trơ trẽn như Joe Biden hay Nancy Pelosi không biết có hiểu ra việc này hay không, nhưng dưới con mắt Đức Phanxicô, họ đang ở ngoài Giáo Hội, họ đang tự động ra vạ tuyệt thông cho chính họ và trong tư cách ấy họ không nên rước lễ vì rước lễ chỉ dành cho những người còn ở trong cộng đồng.

Joe Biden và Nancy Pelosi chắc chắn không hiểu ra như vậy, nên họ vẫn coi như vị đương kim giáo hoàng ủng hộ lập trường phò phá thai của họ để càng ngày càng đi quá trớn trong lập trường triệt để ủng hộ phá thai đến độ cho rằng sự sống con người không khởi đầu từ lúc thụ thai. Lập trường này quá khích một cách trơ trẽn đến độ vị Hồng Y Tổng Giám Mục của thủ đô Washington D.C., người hết lòng ủng hộ Joe Biden, phải lên tiếng bất đồng. Không có những phản biện công khai và mạnh mẽ, “tội ác” của bè lũ Biden – Pelosi chỉ càng ngày càng tồi tệ thêm.

Nói đến “tội ác” phá thai, theo Peter Jesserer Smith của tờ National Catholic Register, Đức Cha Edward Scharfenberger của giáo phận Albany, New York, cho hay: rõ ràng phải có một trừng phạt nào đó đối với các chính khách ủng hộ phá thai. Nhưng giáo luật đòi Giám Mục phải trưng được một tội ác theo giáo luật và phải tuân theo thủ tục hợp pháp. Và trong khi giáo luật nói rõ: dị giáo, ly giáo hay bỏ đạo là các cơ sở truyền thống để bị tuyệt thông, thì luật lại không có hướng dẫn minh nhiên nào về việc phải làm gì với những người Công Giáo cổ vũ phá thai và các tội ác nghiêm trọng khác từng bị Công Đồng Vatican II kết án như những “infamies” [ô danh] hiện đại vốn “chuốc độc xã hội loài người” và là một “xỉ nhục thượng thặng đối với Đấng Tạo Dựng”.

Nhưng điều 915 của Bộ Giáo luật 1983 thì sao? Điều này dạy rằng: “Không được nhận rước lễ: những người bị vạ tuyệt thông và cấm chế sau khi hình phạt đã tuyên kết hay tuyên bố; những người khác cố chấp trong một tội nặng công khai”. Vế đầu rõ ràng là bị Đức Phanxicô bác bỏ; không có chuyện tuyệt thông chính thức, được tuyên bố đối với các chính khách phò phá thai. Nên không thành vấn đề ở đây. Vế thứ hai, không minh nhiên nói đến việc cổ vũ phá thai. Đức Cha Scharfenberger còn cho rằng, điều 915 không hẳn nói về trừng phạt hình sự, mà chỉ nói đến kỷ luật bí tích.

Nói thế rồi, Đức Cha Scharfenberger nhấn mạnh ngài vẫn có bổn phận lớn tiếng nói “điều gì đúng, điều gì không đúng, điều gì tốt điều gì không tốt...Tôi phải nói sự thật”. Và sự thật, theo Đức Cha, là: phải làm cho mọi người hiểu không có gì sai lầm cho bằng giả định rằng quyền tự do của người đàn bà được thăng tiến và quyền bình đẳng của họ được bảo đảm chỉ khi nào thân xác trong thân xác họ không còn bất cứ giá trị nào.

Đức Cha cho hay ngài liên tục có những cuộc đàm đạo với các nhân vật công về vấn đề này. Và nếu một ngày kia cần phải có trừng phạt công khai, ngài cũng sẽ thông báo cho họ biết trước “để họ thay đổi tác phong”.