Một Nguyên Lý Nền Tảng: Lạy Cha Chúng Con…
(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXVII TN – Lc 11,1-5)
Có người nói rằng các tông đồ và Kitô hữu ngày xưa hơi bị khỏe vì chỉ đọc có một kinh duy nhất: “Lay Cha chúng con ở trên trời…”. Ngày nay thì đủ các thứ kinh, đọc mỏi miệng luôn. Đọc mỏi miệng mà không biết có sống đức tin đẹp ý Chúa không nhỉ? Một câu hỏi khiến chúng ta phải giật mình để xem lại kiểu cách sống đức tin của mình. Giáo hội minh nhiên khẳng định tầm quan trọng của lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu truyền dạy. Trong các cử hành Phụng vụ (việc thờ phương công khai chính thức của Giáo hội) thường luôn có kinh Lạy Cha. Và chúng ta phải xác tín rằng nội hàm của lời kinh này chính là nền tảng của đời sống đức tin.
Đến thế gian này sứ mạng chủ yếu của Đức Kitô là mạc khải cho nhân loại chân lý. Lời khẳng định của Chúa Giêsu với Philatô trước khi chịu khổ hình thập giá: “Phải Tôi là Vua, Tôi đến thế gian này là để làm chứng cho chân lý…” (x.Ga 18,37). Chân lý nền tảng mà Người rao giảng và làm chứng bằng cả cuộc đời, nhất là cuộc khổ nạn-phục sinh đó là Đấng dựng nên vũ trụ đất trời, Đấng mà rất nhiều người tin nhận là ông Trời, là Đấng Tạo Hóa chính là Cha Toàn Năng Chí Ái. Tin nhận Người là Cha thì chúng ta phải nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em một nhà với Người Anh Cả là Giêsu Kitô. Người không chỉ gọi Cha trên trời là “Abba” (ba ơi, bố ơi) mà còn dạy các môn đệ và chúng ta lời kinh duy nhất: Lạy Cha chúng con ở trên trời…”
Đây là nguyên lý nền tảng của đức tin Kitô giáo. Là con cái thảo hiếu thì việc làm rạng rỡ gia phong là điều tất yếu hàng đầu: “Nguyện Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến”. Và một cách thế bày tỏ lòng hiếu thảo đẹp lòng đấng sinh thành đó là làm hiện thực hóa ý nguyện của các ngài: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Xin đừng quên là chính chúng ta phải hân hoan và tích cực thực hiện những nội hàm mà chúng ta dâng trong lời kinh Lạy Cha.
Đạo thảo hiếu với bậc sinh thành đòi hỏi chúng ta phải sống với nhau trong tình hiếu đễ huynh đệ, tỉ muội một nhà. Như thế việc sống liên đới, tương thân tương ái với nhau từ chuyện cơm áo gạo tiền đến các mối liên hệ tinh thần khác là điều tất yếu. Cha trên trời đã đoái ban sức khỏe, các khả năng và những điều kiện tự nhiên thì chúng ta phải biết tổng hợp chúng lại để có vật chất đủ đầy tương xứng cho bản thân và cho những anh chị em nghèo hèn, kém phận và thiếu may mắn hơn chúng ta. “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Đã nhìn và nhận nhau là anh chị em một nhà thì việc lượng thứ cho nhau về những lỗi phạm vô tình và thậm chí hữu ý là chuyện đương nhiên phải có. “Xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có tội với chúng con”.
Bài đọc thứ nhất minh họa cho sự thật xuất bởi chân lý đức tin nền tảng ở trên. Ngôn sứ Giona sau khi chứng kiến việc Chúa tha thứ cho vua quan và dân thành Ninivê vì họ đã ăn năn sám hối thì đã “làm lẫy” với Chúa. Sau khi rao giảng xong, ông ra ngoài thành ngồi dưới bóng mát một cây dây dưa chờ xem Chúa phạt cả thành. Bỗng có con sâu cắn chết cây dây dưa, ông nóng nực quá nên bực mình xin Chúa cho chết quách cho xong. Thực ra ông bực mình vì thấy Chúa không phạt mà lại tha cho cả thành Ninivê. Và Chúa đã mở mắt mở lòng cho Giona: “Ngươi buồn bực vì dây dưa mà người không mất công vun trồng…Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao?” (Gn 4,9-11). Nếu nghe được lời mạc khải của Con Thiên Chúa làm người, Giêsu Kitô thì hẳn ngài Giona sẽ hiểu là dân thành Ninivê cũng là con của Cha trên trời và chính ông, Giona là anh em của họ.
Khắc ghi chân lý nền tảng của đức tin thì chúng ta không chỉ tránh được nhiều điều đáng tiếc, đáng trách mà còn biết sống liên đới với nhau trong tình yêu thương. “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. (Không phải “Lạy Cha của con hay của riêng con” đâu !). Lời kinh này không thể chỉ ở trên môi miệng mà phải được hiện thực hóa bằng cuộc sống. Vì đó là kinh duy nhất mà Chúa Giêsu truyền dạy.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXVII TN – Lc 11,1-5)
Có người nói rằng các tông đồ và Kitô hữu ngày xưa hơi bị khỏe vì chỉ đọc có một kinh duy nhất: “Lay Cha chúng con ở trên trời…”. Ngày nay thì đủ các thứ kinh, đọc mỏi miệng luôn. Đọc mỏi miệng mà không biết có sống đức tin đẹp ý Chúa không nhỉ? Một câu hỏi khiến chúng ta phải giật mình để xem lại kiểu cách sống đức tin của mình. Giáo hội minh nhiên khẳng định tầm quan trọng của lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu truyền dạy. Trong các cử hành Phụng vụ (việc thờ phương công khai chính thức của Giáo hội) thường luôn có kinh Lạy Cha. Và chúng ta phải xác tín rằng nội hàm của lời kinh này chính là nền tảng của đời sống đức tin.
Đến thế gian này sứ mạng chủ yếu của Đức Kitô là mạc khải cho nhân loại chân lý. Lời khẳng định của Chúa Giêsu với Philatô trước khi chịu khổ hình thập giá: “Phải Tôi là Vua, Tôi đến thế gian này là để làm chứng cho chân lý…” (x.Ga 18,37). Chân lý nền tảng mà Người rao giảng và làm chứng bằng cả cuộc đời, nhất là cuộc khổ nạn-phục sinh đó là Đấng dựng nên vũ trụ đất trời, Đấng mà rất nhiều người tin nhận là ông Trời, là Đấng Tạo Hóa chính là Cha Toàn Năng Chí Ái. Tin nhận Người là Cha thì chúng ta phải nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em một nhà với Người Anh Cả là Giêsu Kitô. Người không chỉ gọi Cha trên trời là “Abba” (ba ơi, bố ơi) mà còn dạy các môn đệ và chúng ta lời kinh duy nhất: Lạy Cha chúng con ở trên trời…”
Đây là nguyên lý nền tảng của đức tin Kitô giáo. Là con cái thảo hiếu thì việc làm rạng rỡ gia phong là điều tất yếu hàng đầu: “Nguyện Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến”. Và một cách thế bày tỏ lòng hiếu thảo đẹp lòng đấng sinh thành đó là làm hiện thực hóa ý nguyện của các ngài: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Xin đừng quên là chính chúng ta phải hân hoan và tích cực thực hiện những nội hàm mà chúng ta dâng trong lời kinh Lạy Cha.
Đạo thảo hiếu với bậc sinh thành đòi hỏi chúng ta phải sống với nhau trong tình hiếu đễ huynh đệ, tỉ muội một nhà. Như thế việc sống liên đới, tương thân tương ái với nhau từ chuyện cơm áo gạo tiền đến các mối liên hệ tinh thần khác là điều tất yếu. Cha trên trời đã đoái ban sức khỏe, các khả năng và những điều kiện tự nhiên thì chúng ta phải biết tổng hợp chúng lại để có vật chất đủ đầy tương xứng cho bản thân và cho những anh chị em nghèo hèn, kém phận và thiếu may mắn hơn chúng ta. “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Đã nhìn và nhận nhau là anh chị em một nhà thì việc lượng thứ cho nhau về những lỗi phạm vô tình và thậm chí hữu ý là chuyện đương nhiên phải có. “Xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có tội với chúng con”.
Bài đọc thứ nhất minh họa cho sự thật xuất bởi chân lý đức tin nền tảng ở trên. Ngôn sứ Giona sau khi chứng kiến việc Chúa tha thứ cho vua quan và dân thành Ninivê vì họ đã ăn năn sám hối thì đã “làm lẫy” với Chúa. Sau khi rao giảng xong, ông ra ngoài thành ngồi dưới bóng mát một cây dây dưa chờ xem Chúa phạt cả thành. Bỗng có con sâu cắn chết cây dây dưa, ông nóng nực quá nên bực mình xin Chúa cho chết quách cho xong. Thực ra ông bực mình vì thấy Chúa không phạt mà lại tha cho cả thành Ninivê. Và Chúa đã mở mắt mở lòng cho Giona: “Ngươi buồn bực vì dây dưa mà người không mất công vun trồng…Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao?” (Gn 4,9-11). Nếu nghe được lời mạc khải của Con Thiên Chúa làm người, Giêsu Kitô thì hẳn ngài Giona sẽ hiểu là dân thành Ninivê cũng là con của Cha trên trời và chính ông, Giona là anh em của họ.
Khắc ghi chân lý nền tảng của đức tin thì chúng ta không chỉ tránh được nhiều điều đáng tiếc, đáng trách mà còn biết sống liên đới với nhau trong tình yêu thương. “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. (Không phải “Lạy Cha của con hay của riêng con” đâu !). Lời kinh này không thể chỉ ở trên môi miệng mà phải được hiện thực hóa bằng cuộc sống. Vì đó là kinh duy nhất mà Chúa Giêsu truyền dạy.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột