Vatican - Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám quản Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, đã giải thích về nguồn gốc hệ thống tổ chức được gợi hứng từ thông điệp của Đức Giáo Hoàng: Tổ chức này sẽ chuyên chú vào việc đào tạo những người trẻ và xây dựng các mạng lưới và các dự án về môi sinh, chính trị, kinh tế và kinh doanh.
Giáo dục và đối thoại, nghệ thuật thánh thiêng và kinh tế, tuổi trẻ và khởi nghiệp. Đó là toàn thể cấu trúc đa diện của Tổ chức Vatican "Fratelli tutti" vừa mới hình thành, và được công bố bởi Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô, kiêm Tổng Đại diện của Đức Thánh Cha tại thành Vatican, và Chủ tịch Cơ quan đặc trách Đền thờ thánh Phêrô...
Đối với Đức Hồng Y, có ba từ căn bản để cùng nhau xây dựng tương lai: đối thoại, gặp gỡ và chia sẻ. Ba từ khóa này được phản ánh trong Tổ chức mới, khởi đầu từ Đền Thánh Phêro để đi theo đúng đường hướng do Đức Thánh Cha Phanxicô vạch ra và rập theo phương cách của Thượng Hội Đồng. Sau khi ra mắt ý tưởng - bên lề buổi thuyết trình trước Thượng viện Ý về cuốn sách của Cha Francesco Occhetta và Mariella Enoc – Đức Hồng Y Gambetti đã cung cấp thêm thông tin chi tiết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Vatican. Tổ chức này sẽ thực sự bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2022, chẳng hạn thông qua các sáng kiến trong lĩnh vực nghệ thuật thánh thiêng. Các hoạt động khác trên phương diện đào tạo, liên quan đến các cá nhân từ thế giới kinh doanh, các tổ chức và thậm chí cả chính trị, cũng đã được hoạch định.
-Thưa Đức Hồng Y, Ngài ví von Tổ chức Vatican « Fratelli tutti » với một "giấc mơ." Vậy bao giờ Giấc mơ này mới được chào đời?
Vâng giấc mơ này đã chào đời ở Assisi trước khi Đức Giáo Hoàng ban bố thông điệp Fratelli tutti; ra đời từ mong muốn nắm bắt những vấn đề, những câu hỏi hiện tại trên tinh thần đối thoại, gặp gỡ, chia sẻ, để cùng chung vai sát cánh xây dựng tương lai.
Trên thực tế, đôi khi tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị choáng ngợp, thậm chí có thể nói là bị những làn sóng thuộc các lĩnh vực kinh tế, khí hậu, chính trị và xã hội cuốn trôi đi mất. Nếu không có sự phát triển về ý thức công dân, về chủ nghĩa nhân văn vững chắc, chúng ta sẽ phải hứng chịu sự suy thoái. Một sự suy thoái ngày càng gây bất lợi cho con người: nếu mọi người sống đóng kín trong thế giới của riêng mình, nếu chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, nếu chúng ta ngày càng trăm bè bẩy mối, nếu chúng ta ngày càng thu góp nhiều lợi ích cá nhân hơn, thì thế giới sẽ chẳng còn đất sống...
Thiết nghĩ rằng, tiếp sau Fratelli tutti, phải là tầm nhìn mà chúng ta cố công gắng sức đạt tới trên toàn cầu, mong muốn này đã nẩy sinh từ ước mơ, để trở thành tầm nhìn, thành lý tưởng. Và bây giờ chúng tôi muốn thể hiện cách cụ thể. Chính vì thế, chúng tôi thiết lập Tổ chức này và bắt đầu khởi sự.
-Tổ chức sẽ liên quan đến các cơ cấu khác của Tòa Thánh Vatican. Vậy Tổ chức mới này sẽ hoạt động như thế nào trong thực tế?
Tổ chức sẽ bao gồm các tổ chức khác nhau, bao gồm cả các tổ chức của Vatican, đã và đang giải quyết các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực chính của đời sống con người. Vì vậy, Tổ chức ấy được khai sinh ở Vatican, nhưng mở ra với thế giới. Mục đích là thu hút sự tham gia của các thành phần khác trong xã hội dân sự, doanh nghiệp và các tổ chức để cùng nhau lập kế hoạch cho một số đường lối mà chúng tôi nhắm tới. Các dự án giáo dục chủ yếu nhằm vào mọi thành phần dân sự: từ thanh niên đến những người ngày nay có vai trò trách nhiệm trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả chính trị. Vâng, tất cả những điều này, bởi vì chúng tôi xác tín rằng chỉ bằng cách đến với nhau và xem xét cùng một câu hỏi và cùng một vấn đề từ các góc độ khác nhau, mới có thể làm nẩy sinh một giải pháp khả thi, một hướng đi theo một tầm nhìn chung chứ không đơn giản chỉ hùa theo trào lưu có thể đưa đẩy chúng ta xa khỏi tình đồng loại và tình anh em một nhà.
Đây là tâm điểm phải nhắm tới: tự đặt mình vào thực tế, trong đó mỗi người chúng ta tìm thấy chính mình với tất cả chân tướng và suy nghĩ của chính mình, nhưng phải được thực hiện với tinh thần xây dựng để một điều gì đó có thể xuất hiện và được nẩy sinh từ bên trong.
-Vậy điều gì có thể là thành quả đầu tiên của Tổ chức này?
Chúng tôi đã dự tính, có thể là vào đầu năm sau, đưa ra một số sáng kiến liên quan đến sự kết hợp giữa nghệ thuật và tâm linh, là những sáng kiến khởi đầu và cũng dễ dàng nhất để kích hoạt. Nhưng chúng tôi cũng đang nghĩ đến vấn đề giáo dục, chắc cũng sẽ khởi sự cùng với các bạn trẻ, dù rằng vẫn chưa đi đến quyết định chung kết được vì chúng tôi cần phải nghiên cứu kỹ hơn. Dù sao, ý tưởng là sẽ tổ chức một vài tuần gặp gỡ để mọi người có thể cùng nhau, chia sẻ, suy nghĩ về một số câu hỏi và sau đó cố gắng đưa ra một ý tưởng mới hoặc một cách tiếp cận mới. Ví dụ, nếu chúng ta nghĩ về những người trẻ tuổi, đó có thể là một công ty khởi nghiệp trong một lĩnh vực kinh tế, di chuyển, khí hậu và các vấn đề môi trường. Hoặc, nếu chúng ta quan tâm đến thế giới doanh nghiệp, tập hợp những người có vai trò lãnh đạo hoặc các vai trò quan trọng khác, chúng ta có thể xem xét câu hỏi về các mô hình phát triển mới.
-Đức Hồng Y có quan tâm đến chính trị?
Chúng tôi cũng có thể nghĩ về những phương cách làm chính trị mới, vì chính trị hiện nay có vẻ mệt mỏi hoặc ngột ngạt bởi những vấn đề đang tồn đọng, đó là những vấn đề thật sự rõ ràng cần phải được giải quyết. Nhưng bên cạnh sự mệt mỏi này, chúng ta cũng phải hướng nhìn xa hơn, nhìn về tương lai. Nếu chúng ta không giúp nhau có được tầm nhìn về tương lai, hoặc về một xã hội mà chúng ta muốn sống, chứ không chỉ khoanh tay ngồi nhìn những người khác đang sống, thì có lẽ chính trị nói riêng sẽ mất đi một phần thiên chức của mình.