“Trường đại học này là một diễn đàn tuyệt vời cho văn hóa, giáo dục và đối thoại và vì lý do này mà nó phải được hỗ trợ,” Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê, đưa ra lập trường trên trong buổi lễ tốt nghiệp long trọng của nhóm thanh niên đầu tiên đã hoàn thành chương trình học tại Đại học Công Giáo Erbil, ở Kurdistan thuộc Iraq.

Trường đại học lần đầu tiên mở cửa vào cuối năm 2015, khi phần lớn lãnh thổ Iraq đang bị Nhà nước Hồi giáo đe dọa. Những kẻ cực đoan đã chọn Mosul làm thành trì của chúng cách biên giới với khu tự trị chỉ vài chục km.

“Thay mặt cho Giáo Hội Chanđê, tôi muốn gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới tổng giáo phận Erbil, Đức Tổng Giám Mục, thành phố Ankawa, các giảng viên đại học và nhóm sinh viên tốt nghiệp đầu tiên”.

Buổi lễ long trọng, được phong phú với âm nhạc tưng bừng, đã được tổ chức hôm thứ Năm 21 tháng 10, trong khu vườn của trường đại học, ở Ankawa. Sự kiện này có sự tham dự của đông đảo các nhân vật tôn giáo và dân sự, trí thức, chính trị gia, Giáo chủ Giáo hội Đông Awa III của Assyriô, Sứ thần Tòa thánh tại Iraq, các giám mục, nữ tu, linh mục và thân nhân của các sinh viên. Con trai của chủ tịch khu tự trị người Kurd Idris Barzani, một số bộ trưởng và các viện sĩ, cũng như người sáng lập trường đại học, là Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda cũng đã phát biểu trong buổi lễ.

Qua hai bộ phim được thực hiện trước đó và phát sóng trong buổi lễ, những người có mặt đã có thể nghe thấy lời kể của một số sinh viên đại học, ước mơ và khát vọng của họ trong một thực tế mà không phải lúc nào cũng thuận lợi trong quá trình học tập của họ.

Đức Hồng Y nhận định rằng: “Giáo Hội Công Giáo đã nổi bật ngay từ những thế kỷ đầu tiên thành lập nhờ các tổ chức văn hóa và xã hội: trường học, trường đại học, tổ chức từ thiện cho người nghèo, bệnh viện và phòng khám bác ái”.

Trường đại học Công Giáo cũng như Bệnh viện Maryamana, cũng ở Erbil, là những “dự án quan trọng” nhằm củng cố vai trò và sự hiện diện của chính Giáo hội trong xã hội. Trong những ngày gần đây, một trung tâm dành cho bệnh tự kỷ ở Kirkuk đã được khai trương. Giáo Hội cũng đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm Thalassima. Một cơ sở dành cho bệnh nhân Alzheimer gần như đã hoàn thành ở Sulaymaniyah. Đức Hồng Y lưu ý rằng các sáng kiến xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế này “chuẩn bị cho một tương lai chung sống” trong nước và mang lại cơ hội cho kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, cho phép chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai.

Nói về trường học, Đức Thượng Phụ Chanđê hy vọng rằng “giáo dục tôn giáo” được cung cấp cho tất cả học sinh, sinh viên và nó không chỉ là về Kitô Giáo hay Hồi giáo, mà bao gồm các tín ngưỡng khác nhau để người trẻ “có thể biết những điểm chung và tránh chủ nghĩa cực đoan.”

Ngài nhận định rằng ngày nay có hai “khuynh hướng” trong số các tín hữu của các tôn giáo: thứ nhất là một tầm nhìn khăng khăng và cực đoan, không chấp nhận những sửa đổi, nhưng ca tụng quá khứ bất biến. Thứ hai là quan điểm đọc các tôn giáo một cách “chuyên sâu” và tìm kiếm “bản chất” hay thông điệp của các tôn giáo mà không làm mất đi “sức sống và động lực” của các tôn giáo ấy, đặc biệt là trong thời đại “kỹ thuật số” này.

Đức Hồng Y kết luận rằng tôn giáo “có một vai trò quan trọng” trong các vấn đề công cộng và “không thể giới hạn trong các nghi lễ và sự thờ phượng”, cho nên nhiệm vụ của các tôn giáo “là phục vụ con người” trong khi vẫn giữ gìn tự do và phẩm giá của họ, và như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, “tình huynh đệ của con người và đức tin vào Thiên Chúa, là trung tâm của tất cả các tôn giáo, phải đoàn kết chúng ta lại” đồng thời tôn trọng “sự đa dạng và đa nguyên”.
Source:Asia News