1. Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tái khẳng định sự ủng hộ của Tòa thánh đối với chính phủ Armenia
Việc mở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Armenia sẽ trở thành một biểu tượng xây dựng những nhịp cầu trong khu vực và mở ra những con đường mới cho một nền hòa bình công chính và lâu dài cho Armenia và cộng đồng quốc tế nói chung, Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã đưa ra lập trường trên trong cuộc họp báo chung với ông Ararat Mirzoyan, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia, tại Yerevan.
Đức Cha Edgar Peña Parra cho biết chuyến thăm chính thức của ngài tới Armenia và cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Armenia nhằm tái khẳng định mối quan hệ hợp tác và hữu nghị luôn tồn tại giữa Armenia và Tòa thánh.
Ngài nói: “Tôi mang theo lời chào của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã có những kỷ niệm tươi sáng từ chuyến thăm Armenia vào năm 2016 và cuộc gặp gần đây với Tổng thống Sarkissian và Đức Thượng Phụ Garegin II của Toàn Armenia”.
Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra cho biết mục đích chính trong chuyến thăm của ngài là khánh thành Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Armenia. Nhân dịp này, ngài bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Tổng thống Armenia và chính phủ đã thúc giục Tòa thánh mở cơ quan đại diện ngoại giao tại Armenia qua trung gian là Đại sứ Karen Nazaryan.
“Mặc dù thiếu nguồn lực và nhân viên, chương trình đã trở thành hiện thực trong vòng vài tháng, bởi vì tất cả chúng ta đều tin tưởng vào điều đó. Tôi tin chắc rằng Tòa Sứ thần Tòa Thánh này sẽ là biểu tượng xây dựng những nhịp cầu trong khu vực, tạo cơ hội tiếp xúc và mở ra những con đường mới cho hòa bình công chính và lâu dài cho Armenia và cộng đồng quốc tế nói chung.”
Ngài bày tỏ tin tưởng rằng sự hiện diện thể lý của Tòa Sứ thần Tòa Thánh chắc chắn sẽ hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề tiềm ẩn và tìm ra các giải pháp đầy đủ với các phương tiện pháp lý thích hợp.
Ngài nhấn mạnh rằng: “Sự kiện hôm nay cũng thể hiện sự tôn trọng mà người kế vị Thánh Phêrô và Giáo Hội Công Giáo dành cho vùng đất cao quý này, nơi đầu tiên đón nhận đức tin Kitô”.
Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra cũng nói về mối quan hệ hữu nghị giữa Tòa thánh và Tòa Etchmiadzin, nêu rõ hai Giáo Hội cam kết tiếp tục công việc vì lợi ích chung.
Để kết luận, Đức Cha Edgar Peña Parra tái khẳng định sự ủng hộ của Tòa thánh đối với các vấn đề trong chương trình nghị sự của chính phủ Armenia và cộng đồng quốc tế, nhằm mục tiêu hòa bình và giải trừ quân bị, nhân quyền, phát triển con người và văn hóa, bảo vệ các quyền tự do tôn giáo và môi trường.
Ngài nói: “Tôi cầu nguyện xin cùng Chúa với hy vọng rằng cả đất nước Armenia sẽ được hưởng một nền hòa bình lâu dài và tiến bộ xã hội thực sự, tiếp tục truyền thống Kitô được kế thừa từ tổ tiên của các bạn trong nhiều thế kỷ qua”.
Source:AmerPress
2. Các giám mục của Canada hy vọng chuyến thăm của Giáo hoàng sẽ hỗ trợ 'hòa giải và hàn gắn'
Các nhà lãnh đạo Công Giáo, dân sự và bộ tộc trên khắp Canada đã phản ứng với nhiều cảm xúc lẫn lộn trước thông tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ có chuyến tông du tới Canada trong tương lai.
“Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada đã mời Đức Thánh Cha thực hiện một chuyến tông du đến Canada, trong bối cảnh của tiến trình mục vụ lâu dài là hòa giải với các dân tộc bản địa,” một tuyên bố từ Vatican ngày 27 tháng 10 cho biết “Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự sẵn sàng đến thăm đất nước vào một ngày nào đó để các vấn đề được giải quyết thỏa đáng”.
Một thông cáo báo chí từ Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, sau thông báo này cho biết các giám mục “biết ơn” khi biết rằng lời mời của các ngài đã được chấp nhận.
Chủ tịch CCCB là Đức Cha Raymond Poisson, Giám Mục của Saint-Jérôme và Mont- Laurier nói:
“Chúng tôi cầu nguyện để chuyến thăm Canada của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là một cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới hòa giải và hàn gắn.”
Tin tức về lời mời được chấp nhận được đưa ra khoảng sáu tuần trước khi một nhóm người Canada bản địa sẽ gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Phái đoàn sẽ ở Rôma từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 12 năm 2021.
Ngoài lời xin lỗi, các nhà lãnh đạo Bản địa có kế hoạch yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiết lộ tất cả các hồ sơ liên quan đến các trường học dân cư và trả lại bất kỳ vật phẩm bản địa nào từ Canada mà Vatican có thể sở hữu trong kho lưu trữ của mình.
“Chúng tôi sẽ mời phái đoàn gồm những người bản địa sống sót, những người cao tuổi, những người gìn giữ tri thức và thanh niên gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô để mở lòng với Đức Thánh Cha và chia sẻ cả những đau khổ cũng như hy vọng và mong muốn của họ về chuyến thăm của ngài tới Canada”, Đức Cha Poisson nói thêm.
Ý tưởng về một chuyến thăm mục vụ đến Canada đã được thảo luận trong nhiều tháng, và CCCB gần đây đã cam kết “làm việc với Tòa thánh và các đối tác Bản địa về khả năng Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm mục vụ tới Canada.”
“Sau khi cam kết này được thông báo sau ba năm đối thoại đang diễn ra giữa các Giám mục Canada, Tòa thánh và Người bản địa, Chủ tịch và cựu Chủ tịch CCCB đã gặp Ngoại trưởng Tòa thánh tại Rôma để thảo luận về các bước tiếp theo trên hành trình hòa giải vào đầu tháng này và để chuẩn bị cho phái đoàn”, các giám mục nói.
Chuyến thăm cuối cùng của Giáo hoàng tới Canada là vào năm 2002.
Bộ trưởng Bộ Quan Hệ Giữa Chính Quyền Và Người Bản Địa mới được bổ nhiệm Marc Miller bày tỏ hy vọng hôm thứ Tư rằng chuyến thăm này sẽ mang lại sự chữa lành cho những người bị tổn thương.
Miller, người tự mô tả mình “không phải là một người Công Giáo,” nói rằng “trong kế hoạch lớn về cái mà chúng ta gọi là hòa giải, tôi nghĩ, đối với những người bản địa, việc nhận thức đầy đủ về những tổn hại gây ra là điều đã được chờ đợi từ lâu.”
Năm 2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, một người Công Giáo, đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra lời xin lỗi về vai trò của Giáo hội đối với hệ thống trường dành cho người bản địa của Canada. Giáo hoàng từ chối đưa ra lời xin lỗi, nhưng đã nhiều lần bày tỏ “nỗi buồn” trước những hành động tàn bạo khác nhau xảy ra tại các trường học do Giáo hội quản lý.
Từ các tài liệu của CCCB, đây là những điều người Công Giáo nên biết:
Thứ nhất: Chính sách buộc các trẻ em thổ dân da đỏ theo học tại các trường nội trú nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách của chính phủ Canada, không phải của Giáo Hội Công Giáo. Tất cả 130 trường nội trú đều là do chính phủ Canada dựng lên. Các phái bộ truyền giáo tham gia điều hành các trường nội trú này là vì thấy ở đây cơ hội truyền giáo.
Thứ hai: Ngày nay, người ta nói rằng chính sách hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada là một chính sách diệt chủng văn hóa. Cho mãi đến thập niên 1990, nhà cầm quyền Canada và xã hội nói chung không nghĩ như thế, mà đơn thuần chỉ nghĩ rằng chính sách này mang lại ánh sáng văn minh, và một cuộc sống khả quan hơn người bản địa.
Thứ ba: Sau khi giao phó các trường nội trú cho các tôn giáo điều hành, chính phủ đã cung cấp một kinh phí hạn hẹp. Điều này cộng hưởng với nỗi buồn phải xa nhà, tình trạng y tế khó khăn ở các vùng xa xôi đã khiến một số trẻ em thiệt mạng vì bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng tỷ lệ tử vong của các em sống trong các bộ lạc còn cao hơn rất nhiều so với các trường nội trú.
Thứ tư: Những ngôi mộ vô danh này là những ngôi mộ cá nhân, không phải các mồ chôn tập thể như báo chí cố ý xuyên tạc; và các học sinh này qua đời trong nhiều thập niên, chứ không phải cùng một lúc.
Giọng điệu của nhiều phương tiện truyền thông trong những ngày này thể hiện tâm tình bài Công Giáo mà họ đã ấp ủ từ lâu.
Source:Catholic News Agency
3. Giáo phận Canada yêu cầu Tiêm vắc xin COVID-19 để tham dự thánh lễ
Một giáo phận Công Giáo ở Canada đang yêu cầu bằng chứng về việc tiêm chủng và xác minh danh tính đối với bất kỳ tín hữu nào từ 12 tuổi muốn tham dự các Thánh lễ hoặc các sự kiện khác được tổ chức tại các giáo xứ.
“Có hiệu lực từ ngày 22 tháng 10 năm 2021, tất cả những người từ 12 tuổi trở lên muốn tham dự Thánh lễ hoặc các cử hành trong nhà thờ của chúng ta sẽ bắt buộc phải chứng minh bằng chứng đã tiêm chủng bằng cách sử dụng Hộ chiếu tiêm chủng: NLVaxPass hoặc bằng cách xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng bằng cách xuất trình mã QR của họ trước khi vào các nhà thờ của chúng ta,” lá thư ngày 15 tháng 10 từ Đức Cha Robert Anthony Daniels Giám Mục Grand Falls cho các linh mục và lãnh đạo mục vụ của giáo phận.
Giáo phận Grand Falls nằm ở tỉnh Newfoundland và Labrador. Lãnh thổ của nó là khoảng một nửa đảo Newfoundland.
Tỉnh đã ban hành hệ thống hộ chiếu vắc-xin của mình vào ngày 22 tháng 10, yêu cầu người dân tải xuống ứng dụng và xuất trình bằng chứng về việc tiêm chủng để vào “các doanh nghiệp không thiết yếu”.
Những ngôi nhà thờ, cùng với các phòng tập yoga, tiệm làm tóc, sân chơi bowling, tiệc cưới, nhà hàng trong nhà, phòng chơi lô tô, quán bar và sân chơi khúc côn cầu đều là những địa điểm cần phải có bằng chứng về việc tiêm phòng.
Giáo phận cho biết những ai mới bước sang tuổi 12 sẽ có “thời gian ân hạn” ba tháng để nhận vắc-xin COVID-19 trước khi phải tuân theo hệ thống hộ chiếu vắc-xin tại các nhà thờ.
Theo lá thư của Giám mục Daniels, những người muốn tham dự Thánh lễ trong giáo phận phải tải xuống ứng dụng NLVaxPass, hoặc in ra một bản sao của mã QR vắc-xin của họ để hiển thị cho người mở cửa trước khi họ có thể vào nhà thờ. Một ứng dụng khác, NLVaxVerify, sẽ được sử dụng bởi những người mở cửa, những người chào hỏi hoặc những người tình nguyện khác để xác minh tình trạng tiêm chủng khi vào nhà thờ.
Khi tình trạng tiêm chủng được xác minh, anh chị em còn phải xuất trình thẻ căn cước để tham dự Thánh lễ. Đối với bất kỳ ai từ 19 tuổi trở lên, đây phải là giấy tờ tùy thân có ảnh.
Đức Cha Daniels cho biết: “Tên trên giấy tờ tùy thân phải khớp với tên trên mã QR, Hồ sơ Tiêm chủng COVID-19 hoặc hình thức chứng minh tiêm chủng khác. Nếu tên và ngày sinh không trùng khớp, người mở cửa sẽ được hướng dẫn yêu cầu thêm một thẻ căn cước”.
Đức Cha Daniels cho biết ngài đã yêu cầu Bộ Y tế và Dịch vụ Cộng đồng của tỉnh “xác minh rằng bước này là cần thiết hay không”.
Ngài lưu ý rằng trong một số trường hợp “sẽ là gánh nặng cho những người tham dự thánh lễ phải cung cấp các bằng chứng”, các nhà thờ có thể cho phép vào bên trong với những hạn chế “vì lý do mục vụ”. Ngài lưu ý, ví dụ về những tình huống này bao gồm đám tang và đám cưới.
Bất chấp việc thực hiện giấy thông hành vắc xin, sức chứa tại các Thánh lễ ở Giáo phận Grand Falls vẫn bị giới hạn ở mức 50%, ca hát trong cộng đoàn bị cấm, các giáo sĩ và giáo dân phải luôn đeo khẩu trang y tế, bắt buộc phải giữ khoảng cách và tất cả những ai vào nhà thờ phải ghi thông tin của họ để liên hệ nếu cần.
Đức Cha Daniels cho biết, những hạn chế này sẽ được dỡ bỏ “đối với những giáo xứ, và nhà thờ tuân thủ Quy định về Hộ chiếu Tiêm chủng.” Ngài nói thêm rằng bộ y tế “đã bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta sẽ được thông báo kịp thời để thực hiện những thay đổi trong giáo xứ của chúng ta.”
Để đẩy nhanh quá trình xác minh tình trạng tiêm chủng trước Thánh lễ, văn phòng giáo xứ có thể lưu hồ sơ về những người đã tiêm chủng. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể được thực hiện khi có sự đồng ý của mỗi người.
Ngay sau khi có các giới hạn nghiêm nhặt này, các nhà thờ đã vắng hoe trong thánh lễ ngày Chúa Nhật 24 tháng 10.
Source:National Catholic Register