Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Thụy Sĩ nói tiếng Ý, phát sóng ngày 14 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche nói rằng “hình thức bình thường của việc cử hành Nghi thức Rôma được tìm thấy trong những tài liệu đã được công bố kể từ Công đồng Vatican II.”

Đức Tổng Giám Mục Roche nhận định rằng, trên hết, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đưa ra các nhượng bộ “để khuyến khích những người theo Đức Tổng Giám Mục Lefebvre, quay trở lại hiệp nhất với Giáo hội”

“Rõ ràng là Tự Sắc Traditionis Custodes đang nói: OK, thử nghiệm này không hoàn toàn thành công. Và vì vậy, chúng ta hãy quay trở lại những gì Công đồng Vatican II yêu cầu đối với Giáo hội”.

Tự Sắc Traditionis Custodes, có hiệu lực vào ngày 16 tháng 7, là ngày được công bố, nhấn mạnh rằng một giám mục có “thẩm quyền duy nhất” trong việc cho phép thánh lễ Latinh truyền thống trong giáo phận của ngài.

Tuy nhiên Tự Sắc cũng đặt ra trách nhiệm đối với các Giám Mục mà trong giáo phận của ngài đã có một hoặc nhiều nhóm dâng Thánh lễ dưới hình thức ngoại thường, buộc các Giám Mục phải bảo đảm rằng các nhóm này không phủ nhận hiệu lực của Công đồng Vatican II và Huấn quyền.

Các Giám Mục được hướng dẫn chỉ định một hoặc nhiều địa điểm nơi các tín hữu gắn bó với Thánh lễ Latinh Truyền thống có thể tụ họp để cử hành thánh thể. Tuy nhiên, không phải ở các nhà thờ giáo xứ và không được xây dựng thêm các giáo xứ tòng nhân mới.

Trong một bức thư gửi các giám mục trên thế giới giải thích quyết định của mình, Đức Thánh Cha nói rằng ngài cảm thấy buộc phải hành động vì việc sử dụng Sách Lễ năm 1962 “thường được đặc trưng bởi sự từ chối không chỉ cải cách phụng vụ, mà còn của chính Công đồng Vatican II, tuyên bố, với những khẳng định vô căn cứ và không thể biện minh được, rằng Công Đồng đã phản bội Truyền thống và 'Giáo hội chân chính.'

Tự Sắc Traditionis Custodes đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với Tự Sắc Summorum Pontificum, vào năm 2007 của Đức Bênêđíctô thừa nhận quyền của tất cả các linh mục được cử hành Thánh lễ bằng Sách lễ Rôma năm 1962.

Thánh lễ sử dụng Sách lễ năm 1962 được biết đến với nhiều hình thức khác nhau như là hình thức ngoại thường của Nghi thức Rôma, Thánh lễ Tridentinô, và Thánh lễ Latinh truyền thống.

Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II đã viết tông thư Ecclesia Dei vào năm 1988, sau khi Tổng Giám Mục Lefebvre tấn phong 4 giám mục mà không được phép của Tòa thánh. Đức Tổng Giám Mục Lefebvre, đặt trụ sở Huynh Đoàn Thánh Piô X ở Écône, Thụy Sĩ, đã bị vạ tuyệt thông cùng với bốn giám mục.

Đức Bênêđíctô đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông đối với bốn giám mục được tấn phong bất hợp pháp vào năm 2009, nhiều năm sau cái chết của Đức Tổng Giám Mục Lefebvre, như một phần trong nỗ lực của ngài để đưa Huynh Đoàn Thánh Piô X trở lại hiệp thông với Giáo Hội. Cho đến nay, Huynh Đoàn Thánh Piô X vẫn tiếp tục ở trong trạng thái không hiệp thông với Giáo Hội.

Trong phần bình luận của ngài với chương trình truyền hình Thụy Sĩ, Đức Tổng Giám Mục Roche nói rằng cải cách phụng vụ được đa số giám mục tham dự Công đồng Vatican II mong muốn, đã diễn ra tại Rôma từ năm 1962 đến năm 1965.

“Và chúng ta phải nhớ rằng cải cách phụng vụ không phải là ý muốn của giáo hoàng. Đây là ý muốn của đại đa số các giám mục trong Giáo Hội Công Giáo, những người đã được tập hợp lại với nhau trong công đồng đại kết lần thứ 21.”

Vị tổng giám mục 71 tuổi người Anh nói thêm: “Những gì được đưa ra vào năm 1570 là hoàn toàn phù hợp với thời điểm đó. Những gì được đưa ra trong thời đại này cũng hoàn toàn phù hợp với thời đại này”.

Năm 1570 là khi Đức Giáo Hoàng Piô V ban hành tông hiến Quo primum, quy định rằng việc sử dụng Sách lễ Rôma sửa đổi là bắt buộc trong toàn Giáo hội phương Tây, với một số ngoại lệ. Đức Piô V đã thực hiện các bước theo Công đồng Trent, từ đó bắt nguồn thuật ngữ thánh lễ Tridentinô.
Source:Catholic News Agency