Một ngày sau khi chương trình của KSHB 41 được phát sóng, hôm 16 tháng 11, Cha Pius Pietrzyk, dòng Đa Minh, khoa trưởng khoa mục vụ tại Chủng viện St. Patrick ở Menlo Park, California, đã đăng trên tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, một bài có nhan đề “Are ‘independent Catholic’ churches really Catholic?”, nghĩa là “Các nhà thờ 'Công Giáo độc lập' có thực sự là Công Giáo không?”.

Linh mục của một nhà thờ mới ở Thành phố Kansas cho biết họ đang chào đón những người cảm thấy họ bị Giáo Hội Công Giáo “loại trừ”.

Các phương tiện truyền thông địa phương ở Thành phố Kansas gần đây đã đưa tin về một cái gì đó tự xưng là “Giáo Hội Công Giáo Độc lập”. Bài báo mô tả nó là một phần của “phong trào Công Giáo độc lập” và gợi ý rằng nó là một phần của Giáo Hội Công Giáo. Có thể nảy sinh câu hỏi: Nhóm này có phải là Công Giáo không? Một người Công Giáo có nên tham dự Nhà thờ ở đó không?

Trọng tâm của những câu hỏi này là một câu hỏi sâu sắc hơn: Theo đạo Công Giáo nghĩa là gì? Một số người sẽ nói rằng chính phép rửa tội tạo nên một người Công Giáo. Và có một số sự thật cho điều đó. Giáo hội đã dạy rằng chính nhờ phép rửa tội mà người ta trở thành thành viên của một Giáo hội duy nhất của Chúa Giêsu Kitô. Hơn nữa, việc rửa tội trở thành người Công Giáo khiến người ta phải tuân theo giáo luật.

Nhưng trở thành người Công Giáo không chỉ là việc lãnh nhận bí tích rửa tội. Đó là bước đầu tiên cần thiết, nhưng để trở thành Công Giáo viên mãn đòi hỏi phải có sự hiệp thông với Giáo hội. Giáo luật của Giáo hội buộc mọi người Công Giáo phải duy trì sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội. Giáo hội, một cách tổng quát, cho rằng sự hiệp thông viên mãn bao gồm ba lãnh vực: đức tin, bí tích và quản trị. Nghĩa là, để trở thành người Công Giáo hoàn toàn, đòi hỏi người ta phải tin vào các chân lý của đức tin, tham gia vào đời sống bí tích, và phục tùng thẩm quyền hợp pháp của Giáo hội, cả Đức Giáo Hoàng và Đức Giám Mục bản quyền của mình.

Ở cấp độ đức tin, mọi người Công Giáo có nghĩa vụ phải chấp nhận những chân lý mặc khải và những chân lý do Huấn quyền đưa ra liên quan đến đức tin và đời sống luân lý. Ngay cả sự kiên trì nghi ngờ về một sự thật mà Giáo hội cho rằng đã được Thiên Chúa mạc khải cũng là một thất bại trong việc đặt mình vào sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội và sẽ khiến một người không đạt đến mức độ Công Giáo hoàn toàn theo nghĩa đó.

Điều này cũng đúng về quản trị. Giáo hội không chỉ là dân Chúa, nhưng là một xã hội hoàn chỉnh được cấu trúc vì lợi ích chung. Giáo Hội Latinh sẽ sớm mừng Lễ trọng Chúa Kitô Vua. Chúa Kitô thực sự cai trị và chăn dắt chúng ta, và những người được phong chức vụ thánh, đặc biệt là các giám mục, cai quản Giáo hội nhân danh Ngài. Cố ý loại bỏ chính mình khỏi thẩm quyền hợp pháp mà họ có trong Giáo hội là loại bỏ chính mình khỏi Giáo hội. Điều này cũng sẽ làm cho một người ít hơn là người Công Giáo thực sự.

Khó khăn đối với cái gọi là các Giáo Hội Công Giáo độc lập này là họ tự quảng cáo mình là có các bí tích hợp lệ nhưng lại loại trừ đức tin và sự quản trị của Giáo hội. Họ bác bỏ nhiều định đề về đức tin và nhất là về đời sống luân lý mà Giáo hội luôn cho là chân lý được mạc khải. Hơn nữa, họ cố tình từ chối công nhận thẩm quyền hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô và các Giám mục địa phương. Như vậy, họ khẳng định từ chối sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội.

Lịch sử của nhóm này ở Thành phố Kansas càng làm cho sự tách biệt này khỏi Giáo hội trở nên rõ ràng hơn. Trên trang web riêng của họ, họ tuyên bố tính hợp lệ của các bí tích bởi vì chức tư tế của họ bắt nguồn từ việc thụ phong bởi Emmanuel Milingo. Tuy nhiên, Milingo đã bị Đức Giáo Hoàng ra vạ tuyệt thông vào năm 2006 vì không tuân theo luật lệ của Giáo hội. Làm thế nào một người có thể tuyên bố là Công Giáo hoàn toàn từ một nguồn được công khai biết đến là bị vạ tuyệt thông – theo đúng định nghĩa của từ đó là không hiệp thông?

Là những người Công Giáo muốn duy trì sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội, chúng ta nên tránh những nhóm như vậy, ngay cả khi chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
Source:Aleteia