1. Độc tài Nicaragua trả đũa Giáo Hội Công Giáo, cách chức Niên trưởng Ngoại Giao Đoàn của Sứ thần Tòa Thánh
Một sắc lệnh của tổng thống Nicaragua ảnh hưởng đến Sứ Thần Tòa Thánh tại quốc gia Trung Mỹ này vừa được đưa ra dường như là để trả đũa những bình luận của các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương chỉ trích cuộc bầu cử bịp bợm của Daniel Ortega và bà vợ của ông ta.
Sắc lệnh của nhà độc tài Daniel Ortega được công bố vào hôm thứ Sáu 19 tháng 11 đã tước bỏ chức vụ và vai trò niên trưởng ngoại giao đoàn của Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh tại Managua, là Đức Cha Waldemar Stanislaw Sommertag.
Ở các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, chức vụ niên trưởng ngoại giao đoàn thường do Sứ thần Tòa Thánh nắm giữ, bất kể ngài đã ở quốc gia đó trong bao lâu.
Đức Tổng Giám Mục Sommertag, người Ba Lan, 53 tuổi, giữ chức vụ này từ năm 2018, đã công khai ủng hộ Giáo hội địa phương trong quan điểm bảo vệ nền dân chủ trong nước.
Công báo chính thức của Nicaragua cho biết thay đổi này hủy bỏ thỏa thuận trước đây với Vatican được thực hiện nhằm tuân thủ một điều khoản của Công ước Vienna năm 1961. Managua cho rằng Công ước Vienna đã tạo ra bất bình đẳng trong đoàn ngoại giao.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tại Rôma, một nguồn tin của Vatican và một giáo sư luật ngoại giao cho biết rằng không ai thắc mắc về Công ước Vienna, và hành động của bọn cầm quyền Nicaragua chỉ là một đòn trả đũa Giáo Hội Công Giáo.
Ortega, một cựu lãnh đạo du kích theo chủ nghĩa Marx thời Chiến tranh Lạnh, là người đã nắm giữ chức vụ từ năm 2007, đã nhận nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp vào đầu tháng này sau khi bỏ tù các đối thủ chính trị trước cuộc bầu cử bị nhiều người lên án là không được tự do.
Trước thềm cuộc bầu cử, Hội đồng Giám mục Công Giáo Nicaragua đã ra một tuyên bố cho biết đất nước đang thiếu “những điều kiện cơ bản và không thiết yếu để tổ chức bầu cử tự do, công bằng và minh bạch”.
Trước cuộc bầu cử, tổng giáo phận Managua đã ra một tuyên bố tố cáo điều mà họ gọi là vi phạm có hệ thống các quyền chính trị và hiến pháp cũng như “các mối đe dọa đối với Giáo Hội Công Giáo các hành vi phạm tội chống lại các linh mục và giám mục”.
Source:Reuters
2. Giáo Hội Công Giáo ở Ý tổ chức ngày quốc gia cầu nguyện đầu tiên cho các nạn nhân bị lạm dụng
Giáo Hội Công Giáo ở Ý đã tổ chức ngày cầu nguyện quốc gia đầu tiên cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục vào hôm thứ Năm 18 tháng 11.
Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Ghizzoni của Ravenna-Cervia, chủ tịch ủy ban bảo vệ trẻ vị thành niên của các giám mục Ý, nói rằng ngày này là một lời mời gọi “cầu nguyện, hỗ trợ các con đường phục hồi nhân bản và tinh thần cho các nạn nhân, cho bất cứ ai họ bị tổn thương, trong hay ngoài Giáo hội, các gia đình và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tội lỗi gây đau buồn cho những người thân yêu của họ”.
Hội đồng Giám mục Ý đã phân phát các lời cầu nguyện và các tài liệu khác trên trang web của mình để các giáo phận và giáo xứ sử dụng trong Thánh lễ hoặc các buổi cầu nguyện khác.
Sáng kiến này nhằm đáp lại lời mời gọi năm 2016 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra cho các giám mục trên toàn thế giới nhằm thiết lập một ngày cầu nguyện cho những người bị lạm dụng tình dục.
Đề xuất về một “Ngày cầu nguyện chung” đã được một nạn nhân đề nghị với Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên của Vatican, gọi tắt là PCPM.
Theo thông cáo báo chí ngày 17 tháng 11 từ PCPM, “theo kinh nghiệm của các thành viên của chúng tôi, các nạn nhân thường bày tỏ mong muốn cầu nguyện như một yếu tố quan trọng trong quá trình chữa lành của họ.”
Các giáo phận trên khắp nước Ý đã cử hành ngày này theo những cách khác nhau. Tại Tổng Giáo phận Milan, Đức Tổng Giám Mục Mario Delpini đã chủ sự chầu Thánh Thể và cử hành Thánh lễ trong nhà thờ chính tòa trong ngày cầu nguyện 18 tháng 11.
Tại Genoa, Đức Tổng Giám Mục Marco Tasca tuyên bố rằng Tổng giáo phận sẽ cử hành ngày cầu nguyện vào Chúa Nhật, ngày 21 tháng 11, với các giáo xứ cầu nguyện một lời cầu nguyện do hội đồng giám mục viết.
Lời cầu nguyện bắt đầu: “Lạy Cha, nguồn sự sống, với lòng khiêm nhường và nỗi tủi nhục, chúng con xin dâng lên Cha sự xấu hổ và hối hận về những đau khổ đã gây ra cho những người nhỏ bé và dễ bị tổn thương nhất của nhân loại, và chúng con xin Cha tha thứ”.
“Lạy Chúa Giêsu, là Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến để mạc khải lòng thương xót của Chúa Cha, chúng con phó thác cho Chúa tất cả những ai đã bị lạm dụng bởi quyền lực, tinh thần và lương tâm, thể xác và tình dục; xin cho vết thương của họ được chữa lành nhờ dầu xoa dịu là Lòng Thương Xót của Chúa và lòng cảm thương của chúng con, cầu mong cho họ tìm thấy sự chào đón và giúp đỡ của tình huynh đệ, cầu cho trái tim họ được bao bọc bởi sự dịu dàng và tràn đầy hy vọng.”
Các giám mục Ý đã chọn ngày 18 tháng 11 vì nó tương ứng với Ngày Âu Châu về Bảo vệ trẻ em chống lại sự bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Hồng Y Seán O'Malley cho rằng báo cáo tại Pháp là đáng ngạc nhiên
Giáo hội không thể sửa chữa những gì mình không nhìn nhận, Đức Hồng Y O'Malley đã cho biết như trên nói về tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ.
Thu thập thông tin thành các số liệu thống kê về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là một công cụ quan trọng để đánh giá các phản ứng đã được thiết lập và đưa ra các khuyến nghị để khắc phục một hệ thống không thành công, Đức Hồng Y Hoa Kỳ Seán P. O'Malley của Boston, chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ trẻ vị thành niên cho biết như trên.
“Chúng ta không thể sửa chữa những gì chúng ta không nhận ra. Chúng ta không thể khôi phục lại niềm tin đã đổ vỡ nếu chúng ta không giải quyết trọng tâm của vấn đề. Điều này đòi hỏi sự điều tra trung thực, điều tra độc lập và hành động theo những gì nhận được”, Đức Hồng Y nói trong một thông điệp, được công bố vào ngày 18 tháng 11, Ngày Âu Châu về Bảo vệ trẻ em chống lại bóc lột tình dục và lạm dụng tình dục.
Trong số các trường hợp đã được biết đến, 70% đến 85%, việc bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em được thực hiện bởi một người nào đó mà đứa trẻ biết, tức là một người nào đó “trong vòng tin tưởng của chúng”.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng 1/5 phụ nữ và 1/13 nam giới bị lạm dụng tình dục trước sinh nhật 18 tuổi và ít nhất 60% nạn nhân trẻ em không bao giờ tiết lộ việc bị lạm dụng, Đức Hồng Y O'Malley cho biết trong thông điệp của mình.
“Dữ liệu gần đây nhất mà chúng tôi nhận được về phạm vi lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo Hội Công Giáo cũng không kém phần nghiệt ngã”, ngài nói, trích dẫn những phát hiện gần đây của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội Công Giáo ở Pháp. Báo cáo đó cho biết ước tính có khoảng 216,000 trẻ em bị các linh mục lạm dụng kể từ năm 1950, và hơn 100,000 trẻ em khác bị lạm dụng bởi các nhân viên giáo dân của các cơ sở giáo hội.
“Tại Úc, 40% vụ lạm dụng tình dục trẻ em diễn ra trong giai đoạn đang được Ủy ban Hoàng gia xem xét xảy ra trong một khu vực liên quan đến Giáo Hội Công Giáo,” vị Hồng Y nói thêm.
“Đây là những thống kê đáng kinh ngạc. Nhưng chúng ta không thể để phản ứng của mình đối với chúng che khuất mục đích của chúng: Chúng ta cần đánh giá các biện pháp mà Giáo Hội thực hiện để điều trị tai họa này và đưa ra tất cả các khuyến nghị hữu ích cho việc chuyển đổi một hệ thống thất bại dựa trên các phân tích định lượng và định tính.”
Giáo Hội phải cởi mở để học hỏi từ xã hội dân sự và giới học thuật “về các mô hình nghiên cứu khoa học để có cách tiếp cận giầu thông tin hơn đối với các chiến lược phòng ngừa và các chính sách bảo vệ của chúng ta.”
Giáo hội cũng phải làm việc với các nạn nhân. Theo Đức Hồng Y, cả ủy ban và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều tin rằng những người nam nữ này “nắm giữ chìa khóa để giúp chúng ta thực hiện các chính sách và thủ tục có ý nghĩa và hiệu quả.”
Source:Boston Pilot