Trong Chúa Nhật thứ hai của Mùa Vọng này, Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta nhân vật Thánh Gioan Tẩy Giả. Tin Mừng nhấn mạnh hai khía cạnh của nhân vật này: nơi nhân vật này hiện diện, tức sa mạc, và nội dung sứ điệp của nhân vật này, tức việc hoán cải. Sa mạc và hoán cải: Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh về những điều này và việc nhấn mạnh nhiều này giúp chúng ta hiểu rằng những lời này liên quan trực tiếp đến chúng ta. Chúng ta hãy chào đón cả hai.



Sa mạc. Thánh sử Luca giới thiệu địa danh này một cách đặc biệt. Thực vậy, ngài nói đến những hoàn cảnh long trọng và những nhân vật vĩ đại của thời đó: ngài đề cập đến năm thứ mười lăm triều Hoàng đế Tiberius Caesar, thống đốc Pontius Pilate, vua Herod và các "nhà lãnh đạo chính trị" khác của thời đó; rồi ngài nhắc đến các nhà lãnh đạo tôn giáo như Anna và Caipha, những người ở gần Đền thờ Giêrusalem (x. Lc 3: 1-2). Đến đây, ngài tuyên bố: "có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa" (Lc 3: 2). Nhưng như thế nào? Chúng ta thường nghĩ rằng Lời Thiên Chúa ngỏ với một trong những con người vĩ đại vừa được liệt kê. Nhưng không. Một sự nghịch lý tinh tế xuất hiện trong các dòng chữ của Tin Mừng: từ những thượng tầng nơi những người nắm giữ quyền lực sinh sống, người ta đột nhiên bước vào sa mạc, gặp một người đàn ông vô danh và cô đơn. Thiên Chúa làm ta ngạc nhiên, sự lựa chọn của Người làm người ta ngạc nhiên: chúng không nằm trong dự đoán của con người, chúng không tuân theo quyền năng và sự vĩ đại mà con người thường liên kết với. Chúa thích sự nhỏ bé và khiêm nhường. Ơn cứu chuộc không bắt đầu ở Jerusalem, Athens hay Rome, nhưng trong sa mạc. Chiến lược nghịch lý này mang đến cho chúng ta một thông điệp rất đẹp: có thẩm quyền, có văn hóa và tiếng tăm không phải là một bảo đảm sẽ làm vui lòng Chúa; trái lại, nó có thể dẫn đến kiêu căng và bác bỏ việc này. Thay vào đó, cần phải nghèo khó bên trong, nghèo như sa mạc.

Chúng ta hãy tiếp tục ở lại nghịch lý sa mạc. Vị Tiền Hô chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Kitô đến một nơi khó tiếp cận và không chiều khách, đầy nguy hiểm này. Bây giờ, nếu ai muốn có một thông báo quan trọng, họ thường đến những nơi đẹp đẽ, nơi có nhiều người, nơi ai cũng thấy. Ngược lại, Thánh Gioan lại rao giảng trong sa mạc. Chính ở nơi đó, nơi khô cằn, nơi không gian trống trải dài đến độ mắt có thể nhìn thấy và là nơi hầu như không có sự sống, ở đó vinh quang của Chúa được tỏ bày, vinh quang mà - như lời Thánh Kinh đã tiên báo (x. Is 40 : 3 -4) - biến sa mạc thành hồ ao, đất khô cằn thành suối nước (x. Is 41:18). Đây là một thông điệp đáng khích lệ khác: Thiên Chúa, bây giờ cũng như hồi ấy, hướng ánh mắt của Người tới những nơi nỗi buồn và sự cô đơn ngự trị. Chúng ta có thể trải nghiệm điều đó trong cuộc sống: Người thường không đến với chúng ta khi chúng ta đang ở giữa những tiếng vỗ tay và chỉ nghĩ đến bản thân mình; Người thành công, trước hết, trong những giờ phút thử thách. Người đến thăm chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn, trong những khoảng trống trải của chúng ta vốn dành chỗ cho Người, trong những sa mạc hiện sinh của chúng ta. Ở đó, Chúa đến thăm.

Anh chị em thân mến, trong cuộc đời của con người không thể thiếu những giây phút mà người ta có ấn tượng như đang ở trong sa mạc. Và đây chính là nơi mà Chúa làm cho Người hiện diện, Đấng thường không được chào đón bởi những người cảm thấy mình thành công, mà bởi những người cảm thấy họ không thể thành công. Và Người đến với những lời gần gũi, từ bi và dịu dàng: «Đừng sợ, vì ta ở cùng ngươi; đừng mất hướng, bởi vì ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta làm cho ngươi trở nên mạnh mẽ và giúp đỡ ngươi "(câu 10). Rao giảng trong sa mạc, Thánh Gioan bảo đảm với chúng ta rằng Chúa đến để giải thoát chúng ta và đem lại sự sống cho chúng ta trong những tình huống tưởng như không thể cứu vãn, không có lối thoát: Người đến đó. Do đó, không có nơi nào mà Thiên Chúa không muốn đến thăm. Và hôm nay chúng ta chỉ có thể cảm thấy vui mừng khi thấy Người chọn sa mạc, để đến với chúng ta trong sự nhỏ bé của chúng ta, sự nhỏ bé mà Người yêu thương và trong sự khô cằn của chúng ta, sự khô cằn mà Người muốn làm dịu cơn khát của chúng ta! Vì vậy, anh chị em thân mến, anh chị em đừng sợ sự nhỏ bé, vì vấn đề không phải là nhỏ bé và ít oi, nhưng là mở lòng ra với Thiên Chúa và với tha nhân, và đừng sợ sự khô khan, vì Thiên Chúa không sợ những điều này, Đấng đến đó để thăm viếng chúng ta!

Chúng ta hãy chuyển sang khía cạnh thứ hai, khía cạnh hoán cải. Thánh Tẩy Giả đã rao giảng điều đó không ngừng và với giọng điệu mãnh liệt (x. Lc 3: 7). Đây cũng là một vấn đề "không thoải mái". Sa mạc không phải là nơi đầu tiên chúng ta muốn đến thế nào, thì lời mời hoán cải chắc chắn cũng không phải là lời đề nghị đầu tiên được chúng ta muốn nghe như vậy. Nói về sự hoán cải có thể khơi dậy nỗi buồn; nó dường như khó hòa hợp với Tin Mừng của niềm vui. Nhưng điều này xảy ra khi việc hóan cải bị giản lược vào nỗ lực luân lý, như thể đó chỉ là kết quả của việc chúng ta cam kết. Vấn đề nằm chính ở đây, dựa mọi sự vào sức mạnh của chúng ta. Điều này sai! Ở đây nỗi buồn và sự thất vọng về tinh thần đang rình rập: chúng ta muốn hoán cải, trở nên tốt hơn, khắc phục các khiếm khuyết của mình, thay đổi, nhưng chúng ta cảm thấy mình không đủ khả năng và mặc dù có thiện chí, chúng ta luôn thụt lùi. Chúng ta có cùng kinh nghiệm như Thánh Phaolô, người từ chính những vùng đất này, đã viết: " Tôi muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:18 -19). Vì vậy, nếu tự mình, chúng ta không có khả năng làm điều tốt mà chúng ta muốn, thì việc chúng ta phải hoán cải có nghĩa gì?

Ngôn ngữ của anh chị em, tiếng Hy Lạp, đẹp đẽ lắm, nó có thể giúp chúng ta với từ nguyên của động từ "hóan cải", metanoéin trong Tin Mừng. Nó bao gồm giới từ metá, ở đây có nghĩa là vượt ra ngoài, và động từ noéin, có nghĩa là suy nghĩ. Như thế, hoán cải là suy nghĩ xa hơn, nghĩa là vượt ra khỏi cách suy nghĩ thông thường, vượt ra ngoài các kế hoạch tinh thần thông thường của chúng ta. Tôi đang nghĩ tới chính các kế hoạch giản lược mọi sự vào bản thân của chúng ta, vào việc chúng ta đòi được tự cung tự cấp. Hoặc vào các kế sách khép kín bởi sự cứng ngắc và nỗi sợ hãi làm tê liệt, bởi cơn cám dỗ "sự việc luôn được làm cách này, tại sao lại thay đổi?", bởi ý nghĩ cho rằng sa mạc của cuộc sống là nơi chết chóc và không có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Bằng cách khuyến khích chúng ta hoán cải, Thánh Gioan mời gọi chúng ta đi xa hơn và không dừng lại ở đây; vượt xa những gì bản năng mách bảo và suy nghĩ của chúng ta ghi nhận, bởi vì thực tại luôn vĩ đại hơn: nó lớn hơn bản năng của chúng ta, những suy nghĩ của chúng ta. Thực tại là Thiên Chúa vĩ đại hơn. Vì vậy, hoán cải có nghĩa là không lắng nghe những điều phá hoại hy vọng, không lắng nghe những người lặp đi lặp lại rằng không có gì thay đổi trong cuộc sống – quả là những người bi quan mọi thời. Hoán cải từ chối tin rằng chúng ta bị tiền định phải chìm vào bãi cát lún của sự tầm thường. Hoán cải không đầu hàng trước những bóng ma bên trong, những bóng ma xuất hiện trước hết trong những khoảnh khắc thử thách để làm chúng ta nản lòng và nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ không vượt qua được, rằng mọi thứ đều sai và việc nên thánh không dành cho chúng ta. Điều này không phải vậy, bởi vì có Thiên Chúa. Chúng ta phải tin tưởng nơi Người, bởi vì Người là sức mạnh quá bên kia, là sức mạnh của chúng ta. Mọi sự sẽ thay đổi nếu chúng ta dành cho Người vị trí thứ nhất. Đây là sự hoán cải: cánh cửa của chúng ta rộng mở đủ để Chúa bước vào và làm những điều kỳ diệu, giống như sa mạc và những lời của Thánh Gioan đủ để Người đến thế gian. Người không yêu cầu nhiều hơn.

Chúng ta xin ơn biết tin rằng với Chúa, mọi sự sẽ thay đổi, Người sẽ chữa lành nỗi sợ hãi của chúng ta, chữa lành vết thương của chúng ta, biến những nơi khô cằn thành suối nước. Chúng ta xin ơn biết hy vọng. Vì chính hy vọng vực dậy niềm tin và nhen nhóm lòng bác ái. Bởi vì hy vọng chính là điều các sa mạc của thế giới đang khao khát ngày nay. Và trong khi cuộc gặp gỡ này của chúng ta đổi mới chúng ta trong niềm hy vọng và niềm vui của Chúa Giêsu, và tôi vui mừng được ở với anh chị em, chúng ta xin Mẹ của chúng ta, Đấng rất thánh, giúp chúng ta, giống như Mẹ, trở thành nhân chứng của hy vọng, gieo niềm vui xung quanh chúng ta – niềm hy vọng, thưa anh chị em, không bao giờ làm thất vọng, không bao giờ làm thất vọng -. Không những khi chúng ta hạnh phúc và ở bên nhau, mà hàng ngày, trên những sa mạc chúng ta đang cư ngụ. Bởi vì chính ở đó, với ân sủng Thiên Chúa, cuộc sống của chúng ta được mời gọi để hoán cải. Ở đó, trong nhiều sa mạc bên trong của chúng ta hoặc của môi trường, sự sống được kêu gọi để đơm bông. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng và lòng can đảm để đón nhận sự thật này.

***

Lời chào cuối cùng khi kết thúc thánh lễ

Anh chị em thân mến,

Vào cuối cử hành này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn về sự chào đón mà tôi đã nhận được giữa anh chị em. Cảm ơn anh chi em bằng cả tấm lòng của tôi! Efcharistó! [Cảm ơn!].

Do ngôn ngữ Hy Lạp mà có hạn từ này để tổng hợp hồng ân Chúa Kitô dành cho toàn thể Giáo hội: Lễ Tạ Ơn [Eucharist]. Và do đó, đối với những người Kitô hữu chúng ta, lời tạ ơn được ghi khắc ở tâm điểm của đức tin và cuộc sống. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi toàn thể con người và hành động của chúng ta thành một Lễ Tạ Ơn, một lời tạ ơn dâng lên Thiên Chúa và một món quà tình yêu dành cho anh chị em của chúng ta.

Trong bối cảnh này, tôi xin nhắc lại lòng biết ơn chân thành của tôi đối với các nhà chức trách dân sự, tới Bà Tổng thống Cộng hòa, đang hiện diện ở đây, và các Giám mục anh em, cũng như tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau đã cộng tác trong việc chuẩn bị và tổ chức chuyến thăm này. Cảm ơn tất cả anh chị em! Và cảm ơn ca đoàn đã giúp chúng ta cầu nguyện thật tốt.

Ngày mai tôi sẽ rời Hy Lạp, nhưng tôi sẽ không rời xa anh chị em! Tôi sẽ mang anh chị em theo với tôi, để tưởng nhớ và cầu nguyện. Và anh chị cũng vậy, xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!