1. Congo: Lăng mộ của Đức Hồng Y Biayenda bị phá phách trong Đêm Giáng Sinh

Một tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Congo bảo đảm với các tín hữu rằng thi thể của Đức Hồng Y Biayenda chưa bị động đến. Thông cáo báo chí này được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông loan tin rằng ngôi mộ của cố Hồng Y bị phá phách trong hai đêm 23 và 24 tháng 12. Tin tức này đã khiến người Công Giáo hết sức âu lo.

Một thông cáo báo chí từ Tổng giáo phận Brazzaville, cho biết đó là một “phép lạ của thiên đàng và nhờ tài năng của các vị trưởng lão của chúng ta, những người đã đặt một thiết bị an ninh khá vững chắc trên lăng mộ, mà thi hài của vị Hồng Y không bị động đến cũng như không bị xáo trộn mặc dù những kẻ phá hoại đã tiếp cận được”.

“Do đó, mọi thứ đều nguyên vẹn,” tuyên bố bảo đảm như trên với người Công Giáo.

Cho đến nay vẫn chưa xác định được thủ phạm. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cổng bảo vệ ngôi mộ bị hư hỏng nhẹ. Ngôi mộ này nằm trong khuôn viên của Nhà thờ Thánh Tâm, ở trung tâm Brazzaville.

Một nguồn tin thân cận với Giáo Hội địa phương, nói với RFI rằng đây là lần thứ ba trong năm nay ngôi mộ của vị Hồng Y đã bị mạo phạm.

Đến nay người ta vẫn chưa biết động cơ của những kẻ gây án.

Tổng Giáo phận cho biết thêm trong tuyên bố của mình: “Chúng tôi muốn trấn an quý vị rằng cảnh sát tư pháp đã vào cuộc và họ đang tiến hành các cuộc điều tra cần thiết trong những trường hợp như vậy”.

Đức Hồng Y Émile Biayenda bị ám sát năm 1977 ở tuổi 50. Cái chết của ngài, trong hoàn cảnh vẫn chưa rõ ràng cho đến nay, diễn ra chỉ vài ngày sau vụ ám sát tổng thống thứ ba của Congo, là ông Marien Ngouabi.
Source:.journaldebrazza.com

2. Đúng ngày lễ Giáng Sinh, chính phủ Ấn Độ đóng băng các tài khoản ngân hàng của Hội Thừa sai Bác ái

Động thái này của chính phủ Ấn Độ, diễn ra vào đúng ngày Giáng Sinh, đã gây ra sự tức giận lớn. Truyền thông Ấn Độ đưa tin, vào đúng ngày Lễ Giáng Sinh các tài khoản ngân hàng của Dòng Thừa sai Bác ái, gọi tắt là MoC, của Mẹ Têrêsa đã bị đóng băng sau khi chính phủ Ấn Độ từ chối phê duyệt tài trợ nước ngoài cho tổ chức này.

Mẹ Têrêsa từng đoạt giải Nobel, là một nữ tu Công Giáo qua đời năm 1997, đã thành lập Dòng Thừa sai Bác ái vào năm 1950.

Giờ đây, tổ chức của Mẹ Têrêsa không còn có thể sử dụng các tài khoản ngân hàng của mình nữa khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo không chấp thuận cho phép Dòng Thừa sai Bác ái nhận tiền nước ngoài theo Đạo luật quy định về đóng góp nước ngoài của Ấn Độ.

Những thành phần Ấn Giáo cứng rắn liên kết với Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi liên tục cáo buộc Dòng Thừa sai Bác ái dẫn đầu các chương trình cải đạo dưới chiêu bài bác ái bằng cách cung cấp tiền, giáo dục miễn phí và nơi ở cho các cộng đồng bộ lạc và người theo Ấn Giáo nghèo khó.

Tuy nhiên, động thái của chính phủ diễn ra vào đúng ngày Giáng Sinh đã làm dấy lên sự giận dữ lớn.

Mamata Banerjee, thủ hiến của Tây Bengal, đã viết trong một tweet. “Tôi bị sốc khi biết tin rằng vào ngày lễ Giáng Sinh, Liên Bộ trong nội các liên bang đã ĐÓNG BĂNG TẤT CẢ CÁC TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG của Dòng Thừa sai Bác ái Mẹ Têrêsa ở Ấn Độ!”

Ông Mamata, một nhà lãnh đạo phe đối lập và thường xuyên chỉ trích chính phủ Modi, nói thêm:

“22,000 bệnh nhân và nhân viên của họ đã lâm vào đường cùng vì không có thức ăn và thuốc men. Mặc dù luật pháp là tối quan trọng, nhưng các nỗ lực nhân đạo không thể bị tổn hại.”.

Đặt trụ sở chính tại Tây Bengal, Dòng Thừa sai Bác ái có hơn 3,000 nữ tu trên toàn thế giới điều hành các nhà tế bần, bếp ăn cộng đồng, trường học, các trại phong và nhà cho trẻ em bị bỏ rơi.

Các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái chưa đưa ra bình luận ngay lập tức, vì còn hy vọng chính phủ đổi ý trong khi Bộ Nội vụ liên bang cho biết họ đã không gia hạn giấy phép của nhà dòng sau khi được biết về lệnh đóng băng tất cả các tài khoản ngân hàng.

“Khi xem xét hồ sơ, đơn xin gia hạn của Dòng Thừa sai Bác ái đã không được chấp thuận. Đăng ký của nhà dòng có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 và chúng tôi không thể cấp giấy phép cho một tổ chức không có tài chính để vận hành.”

Cha Dominic Gomes, Tổng đại diện của Tổng giáo phận Kolkata, cũng lên tiếng về điều mà ông nói là “một cuộc tấn công dã man vào cộng đồng Kitô Giáo”.

Đầu tháng này, hãng tin AFP cho biết cảnh sát ở Gujarat đang điều tra xem Dòng Thừa sai Bác ái có buộc các cô gái trong một ngôi nhà tạm trú ở đó đeo thánh giá và đọc Kinh thánh hay không.

Về tội 'cải đạo', Cha Gomes nói điều đó là một cáo buộc “vô căn cứ” và chỉ ra rằng nếu các tổ chức Kitô Giáo có ý định chiêu dụ tín đồ “sẽ có nhiều Kitô Hữu hơn trong 2000 năm Kitô Giáo tồn tại trên đất Ấn Độ, chứ không rơi vào tình trạng thiểu số 2.3% như ngày hôm nay.”

Kể từ khi Modi lên nắm quyền vào năm 2014, các nhóm Ấn Giáo cánh hữu đã củng cố vị trí của họ trên khắp các bang và tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhằm vào các nhóm thiểu số tôn giáo, và biện minh rằng hành động của họ là để ngăn chặn các cuộc cưỡng bức cải đạo.

Một số bang của Ấn Độ đã thông qua hoặc đang xem xét các luật chống cải đạo thách thức quyền tự do tín ngưỡng và các quyền liên quan mà hiến pháp Ấn Độ bảo đảm cho các tôn giáo thiểu số.
Source:Dhaka Tribune[Thủy]

3. Sau cuộc viếng thăm Đức Thánh Cha của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, bách hại gia tăng mạnh tại Ấn Độ

Hôm thứ Bảy 31/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào mừng Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đến Vatican trong 55 phút. Đó là một thời gian rất lâu theo tiêu chuẩn của Vatican.

Bản thân Modi đã lên Twitter để nói với hơn 72 triệu người theo dõi của mình rằng ông đã có một “cuộc gặp rất ấm áp” với Đức Giáo Hoàng.

“Tôi đã có cơ hội thảo luận nhiều vấn đề với ông ấy và cũng mời ông ấy đến thăm Ấn Độ,” ông viết trong một thông điệp được minh họa bằng bốn bức tranh.

Trái với các phương tiện truyền thông Tây phương không tỏ ra mừng rỡ trước biến cố này. Họ thừa hiểu rằng Narenda Modi, từng là chủ tịch đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, chỉ làm một động tác giả với Đức Giáo Hoàng. Họ thậm chí còn tiên đoán rằng Giáo Hội tại Ấn Độ sắp phải đối diện với các khó khăn rất lớn sau khi động tác giả này được thực hiện tại Vatican để che mắt công luận thế giới. Thật thế, bách hại đã nổi lên tại 21 trong 28 bang của Ấn Độ. Hầu hết các bang thông qua luật cấm cải đạo nhằm chặn đứng cơ hội truyền giáo của các tín hữu Kitô.

Để chắc ăn hơn, đúng vào ngày lễ Giáng Sinh, Liên Bộ trong nội các liên bang đã ĐÓNG BĂNG TẤT CẢ CÁC TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG của Dòng Thừa sai Bác ái Mẹ Têrêsa ở Ấn Độ! Không tiền, không thể hoạt động, không thể truyền giáo.

Một báo cáo do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết, những người Thiên Chúa Giáo 305 hành vi bạo lực đã diễn ra ở 21 trong số 28 bang của Ấn Độ, và chiều hướng là ngày càng gia tăng.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, đã bị xếp hạng thứ 10 trong danh sách các nước đàn áp Kitô Giáo.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ từ năm 2020 đã liệt kê Ấn Độ vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo.

Bản báo cáo giải thích: Chính phủ Ấn Độ hiện nay do BJP lãnh đạo, đã thúc đẩy các chính sách dân tộc chủ nghĩa của người Ấn Giáo, dẫn đến vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng.

Ngày 16 tháng Năm 2014, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của BJP lên làm thủ tướng. Từ đó cho đến nay, các Kitô hữu lãnh đủ các hình thức bách hại.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Năm 2019, trước cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 17, kéo dài từ 11 tháng Tư cho đến 23 tháng Năm vừa qua, các Kitô hữu đã mừng thầm vì sau 5 năm vác thánh giá mệt mỏi, chắc đã đến lúc chấm dứt một triều đại kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Chẳng may, vô cùng chẳng may, khi số phiếu bầu được đếm xong, ngày 23 tháng 5, 2019, cha John Dayal, nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ và nhà hoạt động nhân quyền cho biết các Kitô hữu tại Ấn “tái mặt” nhận ra rằng BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước. Trong Quốc Hội gồm 542 ghế, BJP giành được 303 ghế. Đảng liên minh với nó là đảng Lok Sabha giành được 46 ghế khác. Với 349 ghế trong một Quốc Hội 542 ghế như thế, BJP dễ dàng thông qua bất cứ dự luật nào nhằm Ấn Giáo hoá quốc gia này.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.