Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Ấn Độ đã than thở về việc loại bỏ bài thánh ca “Abide With Me”, nghĩa là “Ở Lại Với Thầy”, khỏi các lễ kỷ niệm hàng năm đánh dấu Ngày Cộng hòa.

Theo truyền thống, bài hát được phát trong buổi lễ “Beating Retreat”, nghĩa là “Đánh Trống Thu Quân” diễn ra vào ngày 29 tháng Giêng, ba ngày sau Ngày Cộng hòa, cử hành vào ngày 26 tháng Giêng.

“Beating Retreat” hay “Đánh Trống Thu Quân” là một buổi lễ quân sự có từ thế kỷ 17 ở Anh và lần đầu tiên được sử dụng để triệu hồi các đơn vị tuần tra gần đó về lâu đài. Sau này, “Đánh Trống Thu Quân”, không còn ý nghĩa “thu quân” nguyên thủy nữa, cũng không chỉ giới hạn trong việc “đánh trống”, mà là một buổi biểu diễn đặc biệt của các ban quân nhạc với mọi loại nhạc cụ, và thường được thấy ở các thuộc địa cũ của Anh thuộc Khối thịnh vượng chung.

“Abide With Me” hay “Ở Lại Với Thầy” - do nhà soạn nhạc người Tô Cách Lan Henry Francis Lyte viết vào năm 1847 - là bài thánh ca Kitô Giáo yêu thích của Mahatma Gandhi và đã trở thành bài hát chính trong buổi lễ “Đánh Trống Thu Quân” kể từ năm 1950. Nó nổi tiếng hơn nữa khi được chơi trong đám cưới của Elizabeth II với Hoàng thân Philip vào năm 1947 và được cho là đã được ban nhạc chơi trên tàu Titanic khi con tàu bị chìm vào năm 1912.

Bài thánh ca Kitô giáo đã bị Thủ tướng Narendra Modi theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo bỏ đi để thay bằng bài hát “Aye Mere Watan Ke Logon”, nghĩa là “Hỡi Đồng Bào Của Đất Nước Tôi” của Kavi Pradeep, một bài hát yêu nước được viết sau cuộc chiến tranh Ấn Độ - Trung Quốc năm 1962.

Các quan chức chính phủ cho biết không có lý do gì để chơi một bài thánh ca của Anh 75 năm sau khi độc lập, mặc dù nó có liên quan đến Gandhi.

Đức Cha Thomas Menamparampil, Tổng Giám mục hiệu tòa Guwahti, nói với Crux rằng một người Ấn Độ trung bình cũng cảm thấy “bị tổn thương nghiêm trọng với bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạ cấp hình ảnh của Mahatma Gandhi,” người đã phổ biến “Ở Lại Với Thầy” ở Ấn Độ.

Xa hơn việc loại bỏ một bài Thánh Ca Kitô Giáo, Đức Tổng Giám Mục âu lo rằng “cuộc đấu tranh bất bạo động cho tự do của Gandhi đang bị xem là một đường lối chính trị lỗi thời khi cả thế giới nhìn vào nó với sự ngưỡng mộ. Con đường thuyết phục này đại diện cho sức mạnh của trí thông minh và sự kiên định trong quyết tâm của xã hội.”

“Vinh quang của Mahatma không chỉ đơn thuần là đã tránh được sự hung hãn trong cuộc chiến giành tự do của mình; nó còn bao gồm việc mang lại các giá trị đạo đức và sự nhạy cảm của con người trước một tình huống chính trị đối đầu và một thế giới bạo lực rộng lớn. Thậm chí việc có suy nghĩ tôn trọng đối thủ và đưa ra cách thuyết phục nhẹ nhàng trong thời kỳ Chiến tranh giữa các quốc gia chỉ gào lên các từ ngữ loại trừ và hận thù thì quả là đáng kinh ngạc.”
Source:Crux