1. Tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha Phanxicô đã buộc phải hủy chuyến đi đến Florence vào Chúa Nhật tuần này và các cử hành Phụng Vụ vào Thứ Tư Lễ Tro vì cơn đau cấp tính ở đầu gối. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã cho biết như trên hôm thứ Sáu.

Đức Giáo Hoàng năm nay 85 tuổi mắc chứng đau thần kinh tọa, một chứng bệnh thần kinh khiến chân ngài bị đau. Gần đây ngài đã phải ngồi để đọc một vài bài phát biểu, với lý do bị đau ở đầu gối.

Phát ngôn viên của Vatican, Matteo Bruni, cho biết bác sĩ của Giáo hoàng đã yêu cầu “một thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn”, mà không nói rõ thêm.

Tại Florence, theo dự trù Đức Phanxicô sẽ cử hành một thánh lễ để kết thúc cuộc họp của các giám mục và thị trưởng từ khu vực Địa Trung Hải. Thánh lễ này sẽ buộc ngài phải đứng trong vài giờ.

Vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, theo dự trù ngài sẽ dẫn đầu một cuộc rước giữa hai nhà thờ ở Rôma vào ngày đầu tiên của Mùa Chay của Kitô giáo. Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối. Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta. Các cử hành này đòi hỏi phải đi và đứng trong nhiều giờ, ngài không thể thực hiện được trong tình trạng sức khoẻ hiện nay.

Tối thứ Năm vừa qua, Đức Phanxicô đã tham gia một cuộc trò chuyện trực tuyến với các sinh viên đại học từ khắp nơi trên thế giới. Ngài ngồi sau chiếc bàn trong dinh Tông Tòa không hề tỏ ra đau đớn, vừa trò chuyện vừa đùa giỡn với các sinh viên.

Sáng thứ Sáu, ngài đã đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh gần Vatican mà không báo trước để phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải nhập viện trong 11 ngày vào tháng 7 để phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột kết của mình. Sau một thời gian nghỉ ngơi, ngài đã thực hiện một chuyến đi với thời gian biểu căng thẳng tới Hung Gia Lợi và Slovakia vào tháng Chín.

Nhìn chung sức khỏe của ngài rất tốt nhưng thỉnh thoảng bị đau ở chân và đầu gối.
Source:Reuters

2. Chủ ngân hàng, giầu sang tột bậc, bỏ đi tu trở thành nữ tu sĩ kỹ thuật số được yêu chuộng trên mạng xã hội

Thông điệp từ khắp nơi trên thế giới đã tràn ngập Twitter khi sơ Catherine Wybourne có biệt danh là “Digitalnun”, tức là “Nữ tu sĩ kỹ thuật số” qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 24 tháng 2, ở tuổi 68.

Sơ Wybourne sinh ra ở Catham, bên Anh năm 1954. Wybourne theo học lịch sử tại Đại học Cambridge và sau đó trở thành chủ ngân hàng. Năm 1981, ở tuổi 27, Wybourne quyết định rời bỏ thế giới tài chính để gia nhập tu viện Stanbrook của Dòng Biển Đức.

Vị Nữ tu Dòng Biển Đức đã quan tâm đến công nghệ khi điều hành xưởng in tại Stanbrook. Năm 2004, sơ thành lập Tu viện Holy Trinity, nay là Tu viện Howton Grove, ở Herefordshire. Đó là lúc sơ muốn bảo đảm tu viện có sự hiện diện trực tuyến. Các nữ tu đã xây dựng trang web của riêng họ, tạo podcast, video và bao gồm các yếu tố tương tác như diễn đàn và các cuộc họp trực tuyến.

Sơ Wybourne lên Twitter vào năm 2009 và được biết đến với cái tên “Digitalnun”, nghĩa là nữ tu kỹ thuật số. Với hơn 28,000 người theo dõi, sơ đã tweet về cuộc sống như một nữ tu và những diễn biến của thế giới. Các tweet hàng ngày của sơ yêu cầu được biết ý định cầu nguyện của những người theo dõi sơ và những lời cầu nguyện của sơ cho thế giới là không ngừng. Sơ cũng điều hành một blog.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với The Telegraph, sơ nói, “Nắm bắt được thông tin không có nghĩa là bạn phải có một tâm hồn khép kín, hoặc một cách tiếp cận khép kín đối với mọi thứ. Chúng tôi mô tả Internet là bức tường thứ tư trong hành lang của chúng tôi và nó mở cửa cho tất cả mọi người”.

Vị Nữ tu vẫn tweet cho đến vài giờ trước khi qua đời. Trong những giây phút cuối cùng, sơ đã bày tỏ sự đau buồn trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Ngay cả khi phải đến bệnh viện thăm khám và đau khổ, sơ vẫn đón nhận cái chết của mình với niềm vui và sự hài hước. Vào tháng 12 năm 2021, sơ Wybourne nhận được tin từ các bác sĩ rằng họ không thể làm bất cứ điều gì cho sơ về mặt y tế và sơ đã cận kề cái chết. Trong một trong những bài đăng trên blog cuối cùng của mình, sau khi nhận được tin này, sơ đã viết, “Công Giáo có thể là một tôn giáo khó sống nhưng là một tôn giáo đẹp để chết.”

Cô tiếp tục cảm ơn Chúa, và viết, “Thiên Chúa mà tôi tin tưởng vĩ đại hơn rất nhiều và vui vẻ hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ. Tôi cảm ơn Người vì đã cho tôi trở thành một nữ tu Dòng Biển Đức, đó là niềm vui lớn nhất của cuộc đời tôi, vì những tình bạn mà Ngài đã truyền cảm hứng và những ân sủng mà Ngài đã dành cho tôi bất chấp sự bướng bỉnh và thiếu hợp tác của tôi”.

“Tôi cũng nên cảm ơn Người vì cả những khó khăn.”
Source:Catholic News Agency

3. Những kẻ phá hoại đánh sập các bức tượng bên ngoài nhà thờ Công Giáo Milledgeville do một linh mục Việt cai quản

Cảnh sát ở Milledgeville đang điều tra trường hợp của hai tượng thiên thần bị lật nhào. Kẻ nào đó đã xô đổ các bức tượng và làm hỏng các bức tượng bên ngoài Nhà thờ Công Giáo Thánh Tâm vào ngày 17 tháng 2.

Nhân viên nhà thờ tìm thấy các bức tượng nằm úp mặt với các mảnh vỡ nằm rải rác trên vỉa hè.

Cha sở Young Nguyễn cho biết, ngài có nghe thấy tiếng động bên ngoài, nhưng khi ngài ra đến nơi thì cả hai đã bị hư hại và không có tăm hơi kẻ nào đã gây ra biến cố này.

Cha Nguyễn cho biết ngài và đàn chiên của mình rất đau buồn, nhưng họ không có lòng căm thù với những kẻ phá hoại.

“Với tư cách là những người ở đây tại cộng đoàn Thánh Tâm này chúng tôi tha thứ cho bạn. Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho họ và nếu họ cần bất kỳ sự giúp đỡ nào, chúng tôi sẽ làm hết sức mình.”

Các bức tượng được định giá hơn 2,500 đô la. Cảnh sát Milledgeville đang điều tra vụ phá hoại và yêu cầu ai có thông tin xin liên lạc số 1.877.68CRIME.
Source:13wmaz.com

4. Bàn về Ukraine

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine, ông đã có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “On Ukraine”, nghĩa là “Bàn về Ukraine”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Từ nhiều tháng nay, báo chí thế giới đã mô tả các đợt triển khai quân của Nga dọc theo biên giới Ukraine là mũi nhọn của một cuộc xâm lược có thể xảy ra. Tuy nhiên, sự thật là Nga đã xâm lược Ukraine cách đây 7 năm, khi Nga sáp nhập Crimea và “những người đàn ông áo xanh nhỏ bé” của Nga đã châm ngòi cho cuộc chiến ở miền đông Ukraine cướp đi sinh mạng của hơn 14,000 người và hơn một triệu người phải di tản. Dù diễn biến quân sự hiện tại như thế nào, thì một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vẫn chưa phải là “sắp xảy ra”; cuộc xâm lược đó đang diễn ra.

Sự thật đó đã bị che lấp bởi một chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch quy mô lớn của Nga. Vì vậy, có một số sự thật bắt buộc phải được nêu lên.

Sự thật đầu tiên: Đây là cuộc khủng hoảng của Nga, không phải là “cuộc khủng hoảng ở Ukraine”. Cái thường được gọi là “cuộc khủng hoảng Ukraine” hoàn toàn là do nhà độc tài Nga Vladimir Putin đưa ra. Ukraine đã không tạo ra cuộc khủng hoảng này. Hoa Kỳ đã không tạo ra nó, và cả NATO cũng vậy. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, đã, đang và sẽ luôn là một liên minh phòng thủ, không còn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga cũng như NATO không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Botswana. Tuyên bố rằng NATO đe dọa Nga là một lời nói dối lớn làm xáo trộn thực tế an ninh ở Trung và Đông Âu: các nước chư hầu cũ của Liên Xô trước đây là Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, Slovakia, Hung Gia Lợi, Rumani, Bảo Gia Lợi, và các nước vùng Baltic là Lithuania, Latvia, Estonia, đã gia nhập NATO vì họ sợ Nga, chứ không phải vì họ có ý định xâm lược Nga. Cơ sở lý luận tương tự giải thích cho việc xin gia nhập NATO của Ukraine.

Sự thật thứ hai: Cuộc khủng hoảng được tạo ra một cách giả tạo này, nhằm mục đích gây bất ổn và khuất phục Ukraine, là một trong những biểu hiện cho thấy quyết tâm của Putin trong việc đảo ngược phán quyết của lịch sử trong Chiến tranh Lạnh. Putin đã khá rõ ràng về điều này trong hai mươi năm, và chỉ những kẻ ngu ngốc hoặc những kẻ nhìn qua lăng kính ý thức hệ của “chủ nghĩa bảo thủ quốc gia” mới không hiểu được điều gì đang xảy ra ở đây. Putin, bộ máy cũ của KGB, đang muốn lật ngược chiến thắng của các nền dân chủ non trẻ trước các chế độ chuyên chế lão luyện trong cuộc Cách mạng năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô năm 1991. Mục tiêu chiến lược lớn đó là trọng tâm của liên minh được công bố gần đây giữa Chế độ độc tài tham nhũng của Putin ở Nga và chế độ diệt chủng của Tập Cận Bình ở Trung Quốc - một thông báo mà hai kẻ độc ác này đưa ra ngay trước Thế vận hội Mùa đông. Putin và Tập không muốn gì khác hơn là một sự sắp xếp lại cơ bản các vấn đề thế giới, trong đó các chế độ áp bức của chúng gọi là điều hòa. Trong nỗ lực giành quyền bá chủ toàn cầu của các tên bạo chúa, Ukraine và Đài Loan có vai trò như Áo và Tiệp Khắc vào cuối những năm 1930: Nếu họ rơi vào tay các chế độ bạo chúa, những nước khác sẽ lần lượt theo sau.

Sự thật thứ ba: Sự xâm lược đang diễn ra ở Ukraine của Nga được tạo ra bởi một sự trình bày sai lầm về lịch sử, bao gồm cả lịch sử Kitô giáo. Tuyên bố của Putin rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự được củng cố bởi một Lời nói dối lớn khác: rằng Nga là người thừa kế duy nhất của lễ rửa tội của người Slav ở phía đông vào năm 988, và do đó, là người bảo vệ hợp pháp duy nhất cho những gì các nhà tư tưởng và các nhà biện hộ của Putin gọi là Russkiy mir, hay “Thế giới Nga.” Tuy nhiên, Ukraine, các cộng đồng Chính thống giáo và Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ít nhất cũng có các tuyên bố mạnh mẽ về quyền gia sản lịch sử đó như Nga và Nhà thờ Chính thống Nga. Sự hồi sinh của chủ nghĩa đế quốc Nga ngày nay có lẽ không phải là điều đáng ngạc nhiên; thói quen cũ khó thay đổi. Nhưng vai trò của Giáo Hội Chính thống Nga, gọi tắt là ROC, trong việc hỗ trợ mưu toan làm sai lệch lịch sử của Putin và các thiết kế đế chế mới của hắn đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sự nghiệp của Chúa Kitô ở một đất nước đang phục hồi sau sự tàn phá của chủ nghĩa vô thần do nhà nước bảo trợ. Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban đại kết của ROC, gần đây đã nhận được từ Tổng thống Putin “Huân chương của Thánh Alexander Nevsky” vì những “đóng góp to lớn trong việc phát triển các mối quan hệ quốc tế và giữa các hệ phái Kitô”. Lý do của giải thưởng có thể được đọc một cách trung thực hơn là thế này: “vì những dịch vụ cho nhà nước Nga và chế độ Điện Cẩm Linh hiện tại”.

Sự thật thứ tư: Sự gây hấn của Nga ở Ukraine nhằm vào tất cả mọi người, kể cả trẻ em. Cuộc chiến hỗn hợp của Nga chống lại nền dân chủ Ukraine đã bao gồm khoảng 1,000 lời đe dọa đánh bom giả đã làm các trường học trên khắp Ukraine phải đóng cửa kể từ đầu năm - cao gấp 10 lần so với tỷ lệ đe dọa đánh bom giả vào năm 2020 và 2021. Loại người nào lại cố tình khiến hàng trăm nghìn trẻ em và cha mẹ của chúng khiếp sợ trong nỗ lực gây bất ổn cho một người hàng xóm hiền hòa không đe dọa? Kẻ đã sát hại Boris Nemtsov và đầu độc Alexei Novotny, kẻ can thiệp vào cuộc bầu cử của các quốc gia khác, và kẻ nói dối nơi công cộng với sự trơ trẽn có thể khiến Joachim von Ribbentrop phải đỏ mặt.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đã làm việc rất hiệu quả để xây dựng lại xã hội dân sự ở Ukraine ngày nay, đã yêu cầu đồng bào Công Giáo ủng hộ bằng lời cầu nguyện. Giáo Hội can đảm đó rất xứng đáng và không chỉ người Ukraine đang mắc nợ Giáo Hội ấy.
Source:First Things

5. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô lên án cuộc xâm lược Ukraine

Sáng 25 tháng Hai, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople đã có một cuộc nói chuyện dài với Đức Thượng Phụ Epiphanius, là Thượng Phụ của Kiev và Toàn Ukraine, Giáo chủ của Giáo Hội Chính thống Ukraine, là người đã được Tòa Thượng Phụ Constantinople ban cho Tomos vào ngày 6 tháng Giêng năm 2019 theo các quy tắc của Chính thống giáo, nhưng bị Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa phản đối kịch liệt.

Trong cuộc trò chuyện, Đức Thượng Phụ Đại Kết cho biết ông rất kinh hoàng trước cuộc xâm lược Ukraine của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga.

Trong một tuyên bố do Tòa Thượng Phụ Đại Kết đưa ra vào tối hôm 24 tháng Hai, Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô bày tỏ sự đau buồn sâu sắc về hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế này, cũng như sự ủng hộ của ngài đối với người dân Ukraine, những người đang đấu tranh cho sự toàn vẹn của quê hương họ.

Tuyên bố của Tòa Thượng Phụ Constantinople đã lên án hành động tấn công vô căn cứ này của Nga nhằm vào Ukraine, một quốc gia độc lập và có chủ quyền ở Âu Châu, cũng như sự vi phạm nhân quyền và bạo lực tàn bạo đối với nhân loại, đặc biệt là đối với dân thường.

Đức Thượng Phụ cũng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện để Chúa của chúng ta, Thiên Chúa của tình yêu và hòa bình, soi sáng cho các nhà lãnh đạo của Liên bang Nga nhận ra hậu quả bi thảm từ những quyết định và hành động của họ, thậm chí có thể gây ra một cuộc chiến tranh thế giới.

Trong lời kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác, cũng như các thể chế Âu Châu và các tổ chức quốc tế, Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô kêu gọi một giải pháp hòa bình cho tình huống nguy cấp này, thông qua đối thoại trung thực. Theo quan điểm của ngài, đây là cách duy nhất để giải quyết mọi vấn đề hoặc tranh chấp.

Cuối cùng, Đức Thượng Phụ đại kết đã gửi lời kêu gọi huynh đệ đối với các Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, cũng như tất cả các Kitô hữu và mọi người thiện chí, hãy tham gia cầu nguyện liên tục thay mặt cho người dân Ukraine và cho việc tái lập hòa bình và công lý ở Ukraine.
Source:Asia News