1. Công tố viên hàng đầu của Ukraine cáo buộc Putin tra tấn, hãm hiếp và hành quyết thường dân Ukraine

Nói với Sky News, Iryna Venediktova cho biết nhóm của cô đang giải quyết gần 8.000 trường hợp tội phạm chiến tranh từ khắp Ukraine, bao gồm các vụ hành quyết tập thể, bạo lực tình dục và buộc trục xuất trẻ em sang Nga.

Venediktova cho biết “có một số lượng lớn các trường hợp quân đội Nga giết người Ukraine chỉ vì những người Ukraine này không thích chúng”.

Chỉ riêng tại khu vực Kyiv, nhóm của cô đã có thông tin về hơn 1.000 dân thường thiệt mạng tại các khu vực bị quân Nga chiếm đóng trước đây, mặc dù tổng số có thể cao hơn.

Khi được hỏi liệu cô ấy có nghĩ rằng việc bắn thường dân, theo kiểu hành quyết, đã được Nga lên kế hoạch trước trước cuộc xâm lược hay không, Venediktova nói:

Tôi nghĩ đó là một chiến lược của tổng tư lệnh của họ, bởi vì chúng tôi thấy chiến lược tương tự ở các nước khác.

Họ có Kế hoạch A: các thành phố phải đầu hàng, nếu một thành phố không đầu hàng thì họ quay sang Kế hoạch B, đó là khiến dân số này sợ hãi ở mức tối đa. Giết, hãm hiếp, tra tấn, và những thứ tàn bạo khác.

Đó là một chiến lược chiến tranh của người Nga.

Một chiến lược chiến tranh của người Nga là vấn đề xua đuổi người Ukraine chạy sang các nước thuộc Liên Hiệp Âu Châu.

Thật vậy, khi mới bắt đầu cuộc xâm lược, Nga chỉ tấn công vào các khu dân cư, ít khi tấn công vào các cơ sở hạ tầng giao thông. Hôm 25 tháng Ba, tại một cuộc họp báo ở Brussels sau phiên họp chung của các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, Đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell nhận xét rằng:

“Tôi tin rằng Putin đang sử dụng người tị nạn như một công cụ, như một vũ khí. Gửi càng nhiều càng tốt. Họ đã không phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông; mà họ chỉ phá hủy các thành phố để khiến dân thường khiếp sợ và khiến họ chạy trốn” sang các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu. Qua đó, Putin khiến Liên Hiệp Âu Châu phải gánh chịu chi phí trong việc giúp đỡ người tị nạn Ukraine.

Các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng đường sắt của Ukraine trong thời gian gần đây cho thấy Nga đã đổi chiến thuật. Sau khi xua đuổi 7,7 triệu người Ukraine chạy ra nước ngoài, giờ đây họ tấn công các cơ sở hạ tầng đường sắt của Ukraine để chặn đường tiếp tế cho các đơn vị quân đội Ukraine ở phía Đông, cũng như đường viện trợ từ các nước khác.

Nga đã phong tỏa Hắc Hải, khả năng tiếp tế cho Ukraine bằng đường thủy không còn nữa. Nếu khả năng tiếp tế cho Ukraine bằng đường bộ cho Ukraine cũng mất luôn thì hầu chắc cuộc chiến tại Ukraine sẽ lan rộng khi NATO và Hoa Kỳ không còn lựa chọn nào khác là viện trợ cho Ukraine bằng đường hàng không.
Source:The Guardian

2. Một giám mục Công Giáo Ấn Độ lên án vụ bắt giam 55 Kitô hữu trong Tuần thánh

Đức Cha Gerald Matthias, Giám mục Công Giáo của Giáo phận Lucknow thuộc bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, lên án vụ nhà cầm quyền bắt giam 55 tín hữu Kitô tại Fatehpur, thuộc huyện Harihar Ganj ở bang này, vì cho rằng các tín hữu này vi phạm luật cấm cải đạo.

Đức Cha Matthias nói rằng “vụ bắt giam các tín hữu Kitô vừa nói là điều bất hợp pháp và hoàn toàn đáng lên án. Các tín hữu đó chỉ tham dự một lễ nghi Tuần thánh, chứ không phải là một cuộc trở lại đạo. Việc cáo buộc các tín hữu ấy cải đạo là điều tuyệt đối vô căn cứ”.

Đức Cha nói với hãng tin Asia News rằng: “lời cáo buộc các tín hữu Kitô ấy là điều hoàn toàn dựng đứng do những thành phần Ấn giáo cực đoan. Những tín hữu Kitô bị bắt sau đó đã được trả tự do vì lời cáo buộc hiển nhiên là giả dối”.

Đức Cha Matthias cho biết những thành phần Ấn giáo cuồng tín thường đi tuần như những kẻ canh chừng để gọi là “thi hành công lý”. Khoảng 100 tín hữu thuộc Giáo hội Tin lành Ấn Độ đã tập họp trong một nhà thờ ở Fatehpur để cử hành Tuần thánh. Họ bị những người Ấn giáo khóa cửa lại từ bên ngoài. Khi cảnh sát đến, các tín hữu ấy bị tra hỏi về lời cáo buộc là đang cố gắng hoán cải dân chúng.

Sau khi giam các tín hữu ấy một đêm, cảnh sát rút lại lời cáo buộc vi phạm luật cấm cải đạo.

Ông Jeff King, Chủ tịch tổ chức quốc tế quan tâm bảo vệ nhân quyền, nói rằng: “Điều đáng buồn là Uttar Pradesh là một trong những bang vi phạm tự do tôn giáo một cách ngặt nghèo nhất Ấn Độ. Khi nhà cầm quyền củng cố những hành vi của một nhóm bạo động chống lại một nhóm nạn nhân, tức là họ gửi tới một tín hữu nói rằng hành vi tội ác được chính quyền chấp thuận khi những hành động này nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số. Vụ này càng làm cho bầu không khí tự do tôn giáo trở nên tồi tệ và gia tăng thế yếu của các Kitô hữu, họ càng trở thành nạn nhân của bạo lực”.

Ông King nói thêm rằng: “Luật chống cải đạo rất chủ quan và vì thế nó hoàn toàn hạn chế quyền của các tín hữu Kitô trong việc công khai bày tỏ tín ngưỡng của mình”.

Các thống kê của Diễn đàn Kitô thống nhất ở Ấn cho thấy bang Uttar Pradesh có một trong những cuộc bách hại tôn giáo hung bạo nhất, với 105 vụ tấn công các nhóm tôn giáo thiểu số trong năm ngoái 2021.

3. Ukraine: Các bà mẹ ở Mariupol xin Đức Thánh Cha Phanxicô giúp đỡ

Đức Hồng Y y Michael Czerny, tổng trưởng tạm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện, đã chuyển một bức thư gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô bởi một nhóm phụ nữ bị mắc kẹt ở thành phố Mariupol của Ukraine.

Khi giao tranh tiếp tục diễn ra dữ dội ở thành phố Mariupol bị bao vây, trong khi các binh sĩ Ukraine vẫn đang chống cự trong khu liên hợp nhà máy thép Azovstal, chính quyền Ukraine đã thông báo rằng họ hy vọng sẽ tiếp tục các nỗ lực di tản để đưa khoảng 6.000 dân thường ra khỏi thành phố cảng bị chiến tranh tàn phá vào hôm thứ Tư.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết trong một tuyên bố rằng có một thỏa thuận “sơ bộ” để hình thành một hành lang nhân đạo hướng tới thành phố Zaporizhzhia do Ukraine kiểm soát. Nó sẽ áp dụng cho phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi từ chiều thứ Tư.

120.000 vẫn bị mắc kẹt ở Mariupol

Là nơi sinh sống của 400.000 người trước cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, Mariupol đã chứng kiến trận giao tranh tồi tệ nhất trong cuộc chiến. Trong bảy tuần bị bao vây và bắn phá, thành phố cảng chiến lược trên Biển Azov đã bị san bằng, với hàng nghìn dân thường thiệt mạng, và ước tính khoảng 120.000 người vẫn bị mắc kẹt mà không có thức ăn, điện, nước uống, cũng như thuốc men cho người bị thương.

Ukraine cáo buộc Nga đã cản trở việc di tản khỏi thành phố hoặc nổ súng dọc theo tuyến đường đã thỏa thuận, thường chỉ dành cho những người sử dụng phương tiện cá nhân.

Trước tình hình gay cấn này, một nhóm phụ nữ Ukraina ở Mariupol đã gửi một bức thư tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu sự hỗ trợ của ngài, để thường dân và thương binh được di tản.

Bức thư dài hai trang có chữ ký của “những người mẹ, người vợ và con cái của những người bảo vệ Mariupol” đã được nhà báo Saken Aymurzaev của kênh truyền hình nhà nước Ukraine “UATV-Channel” chuyển cho Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện.

Đức Hồng Y Czerny nói với Vatican Media rằng nó “cung cấp thêm bằng chứng cho những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói kể từ đầu” về cuộc chiến, đặc biệt là trong Thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi, “khi ngài nói rõ ràng về sự phi lý của chiến tranh tổng lực”.

Cầu mong có hòa bình cho Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, đã bị thử thách rất nhiều bởi bạo lực và sự tàn phá của cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa mà quốc gia này đã bị kéo vào. Trong đêm đen đau khổ và chết chóc khủng khiếp này, cầu mong một tia sáng hy vọng mới sẽ sớm xuất hiện! Hãy có một quyết định cho hòa bình. Cầu mong chấm dứt tình trạng gồng các cơ bắp trong lúc người ta đang khổ sở. Làm ơn, đừng để chúng ta quen với chiến tranh! Tất cả chúng ta hãy cam kết cầu xin hòa bình, từ những ban công và trên các đường phố của chúng ta! Cầu mong các nhà lãnh đạo của các quốc gia nghe thấy lời cầu xin hòa bình của mọi người. Mong họ lắng nghe câu hỏi đầy âu lo được đặt ra bởi các nhà khoa học gần 70 năm trước: “Chúng ta sẽ đặt một dấu chấm hết cho loài người, hay loài người sẽ từ bỏ chiến tranh?” (Tuyên ngôn Russell-Einstein, ngày 9 tháng 7 năm 1955).

Tôi ôm chặt trong trái tim mình tất cả những nạn nhân Ukraine, hàng triệu người tị nạn và những người phải di dời nội bộ, những gia đình bị chia cắt, những người già bơ vơ, những cuộc đời tan nát và những thành phố tan hoang. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của những đứa trẻ mồ côi chạy trốn khỏi chiến tranh. Khi nhìn vào chúng, chúng ta không thể không nghe thấy tiếng kêu đau đớn của chúng, cùng với tiếng kêu đau đớn của tất cả những đứa trẻ khác đang phải chịu đựng trên khắp thế giới của chúng ta: những đứa trẻ đang chết vì đói hoặc không được chăm sóc y tế, những nạn nhân của lạm dụng và bạo lực, và những thai nhi bị từ chối quyền được chào đời.

Bức thư của những người mẹ kể lại những đau khổ và thống khổ của thành phố bị tàn phá, nơi mà những người phụ nữ Ukraine nói, đã “biến thành tro tàn” sau nhiều tuần bị oanh tạc không ngừng và đã trở thành tâm điểm của “một thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Âu Châu thế kỷ 21”.

Những người ký tên lưu ý rằng thảm họa này một lần nữa đặt ra vấn đề về sự “không thể chấp nhận được” của cuộc bao vây các thành phố, cũng như “các cuộc tấn công bừa bãi”, sự tàn phá phi lý và đau khổ khôn lường cho những người cần được bảo vệ bởi luật nhân đạo quốc tế.

Do đó, các bà mẹ kêu gọi sự can thiệp của Đức Thánh Cha Phanxicô để thường dân, cũng như những binh lính bị thương không thể điều trị, được phép di tản khỏi thành phố càng sớm càng tốt.

“Lời thỉnh cầu tuyệt vọng này cũng được gửi đến tất cả những ai có thể giúp mở các hành lang nhân đạo, với một lệnh ngừng bắn, đó là chính xác những gì tình hình đòi hỏi ngay bây giờ,” Đức Hồng Y Czerny nhận xét.
Source:Vatican News