Cùng với việc Đức Phanxicô kêu gọi chuẩn bị hôn nhân nhiều hơn, tỷ lệ hôn nhân Công Giáo ngày càng giảm

Bài Phân tích của Brendan Hodge, The Pillar, 11 tháng 6, 2022



Một dự thảo mới được công bố của Vatican kêu gọi tạo ra các chương trình chuẩn bị hôn nhân theo lối “thời kỳ dự tòng”, chương trình này sẽ cung cấp khoảng một năm đào tạo cho các cặp vợ chồng dự kiến kết hôn trong Giáo hội, cùng với những năm hỗ trợ bổ sung sau khi kết hôn.

Việc đánh giá đề xuất trên đòi hỏi một số nhận thức về tình trạng hôn nhân giữa những người Công Giáo. Thế nên, tạp chí The Pillar suy xét một vài con số thống kê dưới đây:

Tài liệu

Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống ngày 15 tháng 6 đã công bố tài liệu “Các Hành trình theo lối thời kỳ Dự tòng dành cho Đời sống Hôn nhân”, một bản dự thảo được công bố bằng tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha, với lời giới thiệu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trong phần giới thiệu của mình, Đức Giáo Hoàng viết rằng tài liệu này đáp ứng "nhu cầu cần có một ‘thời kỳ dự tòng mới’ trong việc chuẩn bị hôn nhân" - một nhu cầu mà Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài từng báo hiệu trước đây.

Mô tả những khó khăn mà các khuyến cáo nhằm giải quyết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng:

“Điều xuất hiện là mối lo ngại nghiêm trọng rằng, với việc chuẩn bị quá hời hợt, các cặp vợ chồng có nguy cơ thực sự đi vào một cuộc hôn nhân vô hiệu hoặc có một nền tảng yếu kém đến mức nó ‘rơi rụng’ trong một thời gian ngắn và không thể đứng vững những cuộc khủng hoảng đầu tiên khó tránh”.

Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng Giáo hội đã dành nhiều năm để đào tạo các ứng cử viên cho chức linh mục và đời sống tu trì, và nhận xét rằng so với việc Giáo hội chỉ cung cấp một vài ngày hoặc vài tuần để tích cực đào tạo các cặp vợ chồng tiến tới hôn nhân, vốn là một ơn gọi cũng có tầm quan trọng như thế trong Giáo hội.

Để lấp đầy khoảng trống này, tài liệu quy định một thời kỳ dự bị hôn nhân theo lối thời kỳ dự tòng, một thời kỳ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả như sau:

“Nó được cấu trúc theo ba giai đoạn: chuẩn bị hôn nhân (xa, gần và ngay lập tức); cử hành đám cưới; đồng hành với cuộc sống hôn nhân trong những năm đầu tiên.”

Tình hình

Theo Giáo hội, gia đình là nền tảng của xã hội loài người.

Nhưng trong khi số lượng người Công Giáo trên thế giới tăng 17% trong 12 năm qua, số lượng các cuộc hôn nhân được Giáo hội cử hành lại giảm 26% so với cùng thời gian đó, theo số liệu thống kê được công bố trên Annuarium Statisticum Ecclesiae (Niên giám Thống Kê của Giáo Hội).

Thật vậy, ở mọi khu vực trên thế giới, số lượng các cuộc hôn nhân được cử hành trong Giáo hội đã giảm xuống so với dân số Công Giáo trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2019 – khá đáng kể trong một số trường hợp.



Tại Hoa Kỳ, số lượng hôn lễ được cử hành hàng năm trong dân số nói chung đang giảm, nhưng số lượng các cuộc hôn nhân Công Giáo được cử hành trong Giáo hội và theo giáo luật của Giáo hội đang giảm nhanh hơn.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng trong việc làm tông đồ, trong năm 2000, cứ 1,000 người Công Giáo thì có 4 hôn lễ được cử hành theo hình thức giáo luật Công Giáo. Đến năm 2019, con số đó đã giảm xuống một nửa. Giáo luật và thần học Công Giáo không công nhận là hợp lệ những cuộc hôn nhân do người Công Giáo ký hợp đồng ngoài hình thức giáo luật bắt buộc của Giáo hội, với rất ít trường hợp ngoại lệ.



Nhưng dữ kiện không có nghĩa là người Công Giáo ít kết hôn hơn, ít nhất là về mặt dân sự.

Thật vậy, trong một cuộc khảo sát về hôn nhân và gia đình năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng 51% người Công Giáo cho biết họ đã kết hôn, so với 47% dân số nói chung. Con số đó bao gồm những người Công Giáo kết hôn ngoài hình thức giáo luật Công Giáo.

Một lý do khiến người Công Giáo ít kết hôn hơn thực sự đáng khích lệ: người Công Giáo ít có khả năng ly hôn hơn. Pew phát hiện ra rằng 25% người Công Giáo đã ly hôn, so với 31% dân số nói chung.

Theo Báo cáo Thống kê Y tế Quốc gia năm 2012, với gần 50% các cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc bằng ly hôn trong vòng 20 năm, tỷ lệ ly hôn (và do đó tái hôn) thấp hơn dẫn đến các cuộc hôn nhân nói chung ít hơn so với dân số chung.

Nhưng một yếu tố khác là nhiều người Công Giáo không kết hôn trong Giáo hội. Theo Cơ quan Nghiên cứu Pew, chỉ 68% người Công Giáo kết hôn dân sự đã kết hôn trong Giáo hội.

Hơn nữa, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng chọn không kết hôn mà là sống chung với nhau trong các mối liên hệ sống chung. Ở Mỹ, tỷ lệ người trưởng thành sống trong các cặp kết hôn đã giảm từ 69% xuống còn 50% kể từ năm 1970, trong khi tỷ lệ sống trong mối liên hệ sống chung tăng từ 1% lên 8%.



Nơi các cặp vợ chồng trẻ, xu hướng này thậm chí còn rõ rệt hơn. Trong số những người trưởng thành ở Mỹ trong độ tuổi 25-34, tỷ lệ sống trong các mối quan hệ vợ chồng đã giảm từ 82% vào năm 1970 xuống còn 38% vào năm 2021, trong khi tỷ lệ sống thử đã tăng từ dưới 1% lên 17%.



Ở một số nước châu Âu, các xu hướng này thậm chí còn đáng kể hơn. Gần 40% các cặp vợ chồng ở Pháp trong độ tuổi 25-44 đang sống thử, trong khi ở Tây Ban Nha, tỷ lệ sống thử của các cặp trong độ tuổi đó chỉ dưới 30%.

Và trong khi ly hôn tiếp tục là một vấn đề của các cặp vợ chồng đã kết hôn, các mối liên hệ sống chung có xu hướng thậm chí còn ngắn hơn hôn nhân.

Vì vậy, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Bộ Đặc trách về Giáo dân, Gia đình và Sự sống suy nghĩ về tình trạng hôn nhân trong Giáo hội ngày nay, các ngài nhìn thấy những thách thức song hành của tình trạng một tỷ lệ phần trăm đáng kể người Công Giáo ly hôn, và gần một phần ba số người Công Giáo kết hôn ngoài hình thức giáo luật Công Giáo.

Phân tích

Rõ ràng là có những vấn đề với tình trạng hôn nhân và các mối liên hệ. Và có những dấu hiệu cho thấy việc thực hành đức tin Kitô giáo sâu hơn và việc hòa nhập vào cộng đồng Kitô hữu có thể giúp các cặp vợ chồng tránh được những cạm bẫy này.

Trong một nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Gia đình nêu bật, các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan của Đại Học Harvard phát hiện ra rằng các cặp vợ chồng thường xuyên tham dự các buổi lễ tôn giáo có nguy cơ ly hôn thấp hơn 45% so với các cặp vợ chồng không đi lễ. Và mặc dù những kết quả như vậy đôi khi gợi ý cho các nhà phân tích rằng những người theo đạo có nhiều khả năng cảm thấy bị thôi thúc phải ở lại một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nghiên cứu tương tự cũng cho thấy mức độ hạnh phúc cao hơn ở những người tham dự nhà thờ thường xuyên.

Các phân tích khác do IFS thực hiện gợi ý rằng các cặp vợ chồng tuân theo các giáo lý Công Giáo về hôn nhân và tình dục sẽ ít có sác xuất ly hôn hơn. Một kết quả cho thấy rằng các cặp vợ chồng không sống thử trước khi kết hôn có nguy cơ ly hôn thấp hơn khoảng 20% so với các cặp vợ chồng cùng tuổi đã sống thử trước khi kết hôn.

Một nghiên cứu khác cho thấy những người không có nhiều bạn tình trước khi kết hôn có 10% sác xuất ly hôn trong vòng 5 năm đầu tiên của cuộc hôn nhân, trong khi những người có nhiều bạn tình có 20% đến 30% sác xuất ly hôn trong vòng 5 năm đầu của cuộc kết hôn.

Khi Giáo hội tìm cách giúp các cặp vợ chồng sống trọn cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền lâu, những phát hiện này cho thấy rằng nền tảng trong cả việc thực hành tôn giáo tích cực và đạo đức tình dục Công Giáo sẽ giúp ích cho các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn.

Đồng thời, việc hoàn thành những mục tiêu này qua thời kỳ chuẩn bị hôn nhân theo kiểu thời kỳ dự tòng có thể là một thách thức, vì thời điểm mà một cặp đôi đã đính hôn và chuẩn bị cho đám cưới có thể khá muộn để có thể khắc sâu các thực hành và niềm tin.

Có lẽ cách tốt nhất để chuẩn bị cho các cặp vợ chồng tiến tới hôn nhân là chuẩn bị cho họ và gia đình họ nhiều năm trước đó để sống đời sống bí tích tích cực trong Giáo hội, và nuôi dưỡng niềm tin vào giáo huấn luân lý liên tục của Giáo hội.