1. Quân đội Ukraine san bằng căn cứ quân Nga
Trong bản báo cáo ngày 1 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội Ukraine đã tấn công một căn cứ của Nga trong vùng Donbas, san bằng bộ chỉ huy, một nhà kho và các phương tiện bọc thép của họ
Quân đội Ukraine cho biết họ đã sử dụng trọng pháo M777 do Anh sản xuất để phá hủy căn cứ của Nga. Các hình ảnh thu được từ máy bay không người lái cho thấy bộ chỉ huy, 3 chiếc thiết giáp, một nhà kho và các phương tiện giao thông khác đã bị phá hủy.
Được sản xuất bởi bộ phận Hệ thống chiến đấu toàn cầu của BAE Systems, M777 được sử dụng bởi lực lượng bộ binh của Úc, Canada, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Ukraine và Hoa Kỳ.
2. Sergei Lavrov cho biết 'bức màn sắt' mới đã hạ xuống giữa Nga và phương Tây
Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, cho biết, một “bức màn sắt” mới đang hạ xuống giữa Nga và phương Tây, và rằng Mạc Tư Khoa sẽ không tin tưởng Washington và Brussels “từ bây giờ”.
Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Lavrov nói: “Liên quan đến bức màn sắt, về cơ bản nó đã ha xuống rồi.” Lavrov nói rằng tiến trình cô lập đối với các nước khác quy trình “đã bắt đầu” sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Belarus.
Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc Liên Hiệp Âu Châu không “quan tâm chút nào” trong việc tìm hiểu các lợi ích của Nga, đồng thời nói thêm:
“Họ chỉ quan tâm đến những gì đã được quyết định ở Brussels. Và những gì đã được quyết định ở Washington cũng đã được quyết định ở Brussels”.
3. Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo hoàn tất thỏa thuận chuyển giao 39 xe hỗ trợ chiến đấu bọc thép cho Ukraine.
Khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Trudeau nói rằng các xe hỗ trợ chiến đấu bọc thép, gọi tắt là ACVS, ban đầu được dự trù dành cho quân đội Canada và đang trong quá trình chuyển giao nhưng thay vào đó sẽ được chuyển hướng đưa tới Ukraine.
“Các phương tiện bọc thép hạng nhẹ mà chúng tôi đang gửi đến sẽ cực kỳ hiệu quả,” Trudeau nói với các phóng viên hội nghị thượng đỉnh. Chúng tôi rất vui khi được giúp đỡ và chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét và đáp ứng những thứ Ukraine cần.”
Ông trấn an các phóng viên rằng quân đội Canada sẽ tiếp tục tăng thêm kho dự trữ: “Dự trữ cho quân đội Canada sẽ được bổ sung nhanh nhất có thể... Chúng tôi cần bảo đảm rằng phụ nữ và nam giới của Lực lượng Canada có trang bị mà họ cần để tiếp tục sứ mệnh của họ và nâng cao khi cần thiết.”
Trudeau nói thêm, “Chúng tôi cũng nhận ra rằng cách sử dụng tốt nhất, ngay bây giờ, những thứ như trọng pháo và súng bắn tỉa và tất cả các thiết bị khác mà chúng tôi đã gửi đến Ukraine – hiện nay tốt nhất cho an ninh Canada, cho sự ổn định địa chính trị - là dưa chúng vào trong tay của người Ukraine.”
4. Estonia và Latvia mua sắm các hệ thống phòng không tầm trung
Các bộ trưởng quốc phòng Estonia và Latvia đã ký một bức thư chung tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid về việc mua sắm chung các hệ thống phòng không tầm trung.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks cho biết: “Sự gây hấn của Nga ở Ukraine cho thấy rõ ràng sự cần thiết của các hệ thống phòng không.” Ông nói thêm rằng động thái này sẽ hỗ trợ hợp tác khu vực và phòng thủ chung giữa các nước Baltic khi khu vực này phản ứng với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
“Hội nghị thượng đỉnh NATO đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng sự giúp đỡ sẽ được trao cho những người sẵn sàng tự vệ,” Ngoại trưởng Estonia, Pabriks Kalle Laanet, nói thêm.
Cả Estonia và Latvia đều là thành viên Liên Hiệp Âu Châu và NATO.
Một đề xuất cụ thể về việc mua sắm các hệ thống này dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 7, nhưng vẫn chưa có thông tin chi tiết nào được công bố về chi phí hoặc ngày giao hàng.
5. Nga triệu tập Đại sứ Anh tại Mạc Tư Khoa để phản đối những nhận xét xúc phạm của Thủ tướng Anh
Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã triệu tập Đại sứ Anh tại Mạc Tư Khoa, Deborah Bronnert, để phản đối những nhận xét “xúc phạm” của Boris Johnson liên quan đến Nga và Vladimir Putin.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết Đại sứ Anh đã được nghe sự phản đối mạnh mẽ về “những tuyên bố rõ ràng là ngớ ngẩn của giới lãnh đạo Anh liên quan đến Nga, nhà lãnh đạo và đại diện chính thức của chính quyền, cũng như người dân Nga”.
Bộ Ngoại Giao Nga cho biết Đại Sứ Bronnert đã được trao một bản ghi nhớ nói rằng “những lời lẽ xúc phạm từ các đại diện của chính quyền Vương quốc Anh là không thể chấp nhận được”
Phát ngôn nhân Zakharova nói Nga phản đối các tuyên bố của Anh có chứa “thông tin cố ý sai lệch, đặc biệt là về ‘các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân’”.
Động thái này của Nga diễn ra sau khi Thủ tướng Johnson nói rằng Putin sẽ không bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine nếu ông là phụ nữ và nói rằng hoạt động quân sự là “một ví dụ hoàn hảo về nam tính độc hại”.
Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, đã kích động Mạc Tư Khoa khi ông nhấn mạnh thêm rằng cả phụ nữ Nga cũng cay độc không thua cánh đàn ông, và cáo buộc phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, “hàng tuần, đe dọa sẽ ném hạt nhân vào tất cả mọi người.”
6. Tổng thống Nga, Vladimir Putin, phủ nhận việc Nga vũ khí hóa lương thực
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã phủ nhận việc Mạc Tư Khoa đang ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine; và tìm cách hạ thấp tác động của việc hàng hóa nông nghiệp của Ukraine vắng mặt trên thị trường lương thực thế giới.
Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, ông Putin nói: “Chúng tôi không ngăn cản việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Quân đội Ukraine đã thả thủy lôi ngăn cản việc tiếp cận các cảng của họ, không ai ngăn cản họ dọn những quả mìn đó và chúng tôi bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển ngũ cốc ra khỏi đó”.
Nhà lãnh đạo Nga cũng đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra các vấn đề trên thị trường lương thực toàn cầu và làm giá cả tăng cao.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gặp Putin tại Điện Cẩm Linh sau khi có chuyến thăm Kyiv.
Tổng thống Widodo, nói với các phóng viên rằng Indonesia sẽ tiếp tục hợp tác với Nga và nói rằng điều quan trọng là phải tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông cho biết ông đã “chuyển” một thông điệp từ Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, tới Putin, đồng thời bày tỏ “sự sẵn sàng” của mình để giúp bắt đầu “giao tiếp” giữa hai nhà lãnh đạo.
7. Ba thanh niên Belarus phá hoại đường sắt chở khí tài chiến tranh của Nga đối diện với án tử hình
Những người đàn ông bị cáo buộc phá hoại đường sắt để làm chậm bước tiến của quân Nga sẽ phải đối mặt với cái chết ở Belarus.
Ba người đàn ông được cho là đã cố gắng làm chậm bước tiến quân sự của Nga qua Belarus vào đầu cuộc xâm lược Ukraine của Vladimir Putin sẽ phải đối mặt với án tử hình vì tội phản quốc với tình tiết gia trọng.
Ba người đàn ông, những người được cáo buộc là thành viên “đảng đường sắt,” không được nêu tên nhưng được cho là ở độ tuổi 29, 33 và 51. Họ bị các công tố viên Belarus cáo buộc là “khủng bố” và “phản bội”.
Họ bị chế độ Belarus - thường được coi là chế độ độc tài cuối cùng ở Âu Châu - buộc tội phản quốc vì cáo buộc đã làm hư hại một tuyến đường sắt trong nỗ lực ngăn chặn nguồn cung cấp vũ khí và thiết bị của Nga quá cảnh qua Belarus để đến Ukraine.
Họ hiện đang phải đối mặt với cáo buộc phản quốc và khủng bố từ chế độ của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người nắm quyền từ năm 1994 và là đồng minh thân cận của Putin, đến mức cho phép Nga sử dụng Belarus như một khu vực tập trung lực lượng Nga ngay từ đầu cuộc xâm lược Ukraine, khi quân đội Nga tấn công để chiếm thủ đô Kyiv.
Vào cuối tháng 5 năm 2022, Lukashenko đã ký một đạo luật, theo đó,mọi nỗ lực “khủng bố” đều bị “trừng phạt bằng cái chết.”
Ủy ban Điều tra của Cộng hòa Belarus cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm: “Cuộc điều tra vụ án hình sự đối với những kẻ thực hiện hành vi khủng bố trên đường sắt đã hoàn tất.”
“Cục Điều tra Tội phạm có Tổ chức và Tham nhũng đã hoàn tất việc điều tra vụ án hình sự đối với những kẻ phản bội Tổ quốc.”
“Theo cuộc điều tra, một cư dân 29 tuổi của Svetlogorsk vào tháng 2 năm nay, theo sáng kiến của riêng mình, đã tham gia vào nhóm cực đoan 'Peramoga'. Từ những người lãnh đạo nhóm này, anh ta đã nhận nhiệm vụ vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng đường sắt trong vùng Gomel”.
“Các thành viên lãnh đạo của nhóm tội phạm này đã gửi cho anh ta những hướng dẫn chi tiết về cách chế tạo các công cụ và cách phạm tội, cũng như các khuyến nghị về các biện pháp cần áp dụng khi thực hiện âm mưu”.
“Thanh niên này đề nghị một số bạn bè tham gia vào nhóm tội phạm. Hai người đàn ông, một người 33 tuổi và một người 51 tuổi, đã đồng ý tham gia. Để thúc đẩy họ phạm tội, đại diện của nhóm cực đoan đã trả cho họ mọi chi phí chuẩn bị, đồng thời chuyển tiền 'cho công việc đã hoàn thành' vào một tài khoản điện tử. Tổng cộng, các bị cáo được trả hơn 1.000 đồng Belarus, khoảng hơn 290 đô la, một chút”.
“Sau khi thảo luận về kế hoạch, nhóm khủng bố phân công, thảo luận về các phương án cho âm mưu và đường thoát. Đúng thời gian đã định, đêm 28-2, theo phân công nhận được, các đối tượng đã phóng hỏa tủ tiếp điện gây nguy cơ tạo ra những hậu quả thảm khốc, bao gồm cả việc sập các đoàn tàu.”
“Cuộc điều tra xác định rằng các hành động phạm tội của các bị cáo gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Cộng hòa Belarus, là phản bội Tổ quốc.”
“May mắn thay, thảm họa và thương vong về người do hậu quả của cuộc tấn công khủng bố trên đường sắt đã được tránh khỏi, nhưng thiệt hại do hành động phạm tội của các bị cáo lên tới khoảng 55.000 đồng Belarus hay 16.160 USD”.
Theo trung tâm nhân quyền Belarus Viasna, ít nhất 11 người đã bị buộc tội “hành động khủng bố” liên quan đến phá hoại đường sắt.