Hàng ngày tái khám phá vẻ đẹp sự thật của việc cử hành Kitô giáo
21. Nhưng chúng ta phải cẩn thận: để liều thuốc giải độc của Phụng vụ có hiệu quả, mỗi ngày chúng ta phải tái khám phá vẻ đẹp sự thật của việc cử hành Kitô giáo. Một lần nữa tôi đề cập đến ý nghĩa thần học, như số 7 của hiến chế Sacrosanctum Concilium đã mô tả rất hay: Phụng vụ là chức tư tế của Chúa Kitô, được mặc khải và ban cho chúng ta trong Mầu nhiệm Vượt qua của Người, được làm cho hiện diện và hoạt động bằng các dấu chỉ được ngỏ với các giác quan (nước, dầu, bánh, rượu, các cử chỉ, lời nói), để Chúa Thánh Thần, khi dìm chúng ta trong mầu nhiệm vượt qua, có thể biến đổi mọi chiều kích của đời sống chúng ta, khiến chúng ta ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.
22. Việc liên tục tái khám phá vẻ đẹp của Phụng vụ không phải là việc tìm kiếm một thẩm mỹ thuộc nghi lễ vốn chỉ bằng lòng với việc cẩn thận tuân giữ bên ngoài một nghi thức hoặc được thỏa mãn với việc tuân thủ cẩn thận các qui định. Hiển nhiên, những gì tôi đang nói ở đây không hề mong muốn tán thành thái độ ngược lại, bằng bất cứ cách nào, một điều gây nhầm lẫn giữa tính đơn giản với tính tầm thường bất cẩn, hoặc điều thiết yếu với điều hời hợt thiếu hiểu biết, hoặc tính cụ thể của hành động nghi lễ với chủ nghĩa duy chức năng thực tế gây bực tức.
23. Chúng ta hãy nói rõ ở đây: mọi khía cạnh của cử hành phải được chăm chút cẩn thận (không gian, thời gian, cử chỉ, lời nói, đồ vật, lễ phục, bài hát, âm nhạc…) và mọi qui định đều phải được tuân thủ. Sự chú ý như vậy đủ để ngăn chặn việc cướp đoạt của cộng đoàn những gì nó vốn sở hữu; cụ thể là mầu nhiệm Vượt qua được cử hành theo nghi thức được Giáo hội ấn định. Nhưng ngay cả khi phẩm chất và hành động thích hợp của cử hành được bảo đảm, điều đó vẫn không đủ để làm cho sự tham gia của chúng ta đầy đủ.
Ngạc nhiên trước Mầu nhiệm Vượt qua: một phần thiết yếu của hành vi phụng vụ
24. Nếu không ngạc nhiên trước sự kiện mầu nhiệm Vượt qua được làm cho hiện diện cách cụ thể qua các dấu chỉ bí tích, thì chúng ta thực sự có nguy cơ không thấm nhập vào đại dương ân sủng vốn tràn ngập mọi cử hành. Các cố gắng nhằm cổ vũ phẩm chất cao hơn của cử hành, dù đáng khen, vẫn chưa đủ; cả lời kêu gọi phải có một nội tâm tính lớn hơn cũng thế. Nội tâm tính này có thể có nguy cơ tự giản lược thành một chủ quan tính trống rỗng nếu nó không tiếp nhận sự mặc khải của mầu nhiệm Kitô giáo. Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa không phải là kết quả của một tìm kiếm Người trong nội tâm cá nhân, nhưng nó là một sự kiện đã đã có đó. Chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua sự kiện Nhập thể mới, là sự kiện, trong Bữa ăn tối Sau cùng, đã đạt tới cực điểm của việc Người khao khát được chúng ta ăn. Làm thế nào sự bất hạnh trong đó chúng ta tự tách rời khỏi sức hấp dẫn đẹp đẽ của hồng phúc này lại có thể xảy ra với chúng ta?
25. Khi nói về sự ngạc nhiên trước mầu nhiệm vượt qua, tôi hoàn toàn không có ý định ám chỉ điều mà đôi khi đối với tôi dường như là một biểu thức mơ hồ của “cảm thức mầu nhiệm”. Đôi khi đây là một trong những cáo buộc chính bị coi là chống lại cuộc cải cách phụng vụ. Người ta nói rằng cảm thức mầu nhiệm đã bị loại bỏ khỏi việc cử hành. Sự ngạc nhiên hay thán phục mà tôi nói đến không phải là loại bị vượt qua khi đối diện với một thực tại tối tăm hoặc một nghi thức mầu nhiệm. Ngược lại, nó rất đáng ngạc nhiên do sự kiện này là chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được mạc khải trong hành động vượt qua của Chúa Giêsu (xem Ep 1, 3-14), và quyền năng của hành động vượt qua này tiếp tục đến với chúng ta khi cử hành “các mầu nhiệm” bí tích. Điều vẫn còn đúng là, đối với sự hữu hạn của con người chúng ta, tính viên mãn của mặc khải có một sự dư dật vượt lên trên chúng ta và sẽ được hoàn thành vào lúc tận cùng thời gian khi Chúa sẽ trở lại. Còn nếu sự ngạc nhiên đúng loại, thì không hề có rủi ro nào là người ta không nhận biết tính khác biệt của Thiên Chúa, ngay cả trong sự gần gũi mà mầu nhiệm Nhập thể vốn dự định. Nếu cuộc cải cách đã loại bỏ “cảm thức mầu nhiệm” mơ hồ đó, thì đó là công phúc của nó chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến những lời buộc tội. Cũng giống như sự thật, vẻ đẹp luôn tạo ra sự ngạc nhiên, và khi những điều này nói đến mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng dẫn đến sự tôn thờ.
26. Thán phục là một phần thiết yếu của hành vi phụng vụ bởi vì đó là cách nhìn sự vật của những người biết họ đang tham gia vào tính đặc thù của các cử chỉ tượng trưng. Đó là việc ngạc nhiên của những người trải nghiệm sức mạnh của biểu tượng, một việc không hệ ở việc đề cập đến một số khái niệm trừu tượng mà là chứa đựng và phát biểu một cách rất cụ thể những gì nó biểu thị.
Sự cần thiết của việc đào tạo phụng vụ nghiêm túc và quan yếu
27. Vì vậy, câu hỏi căn bản là: làm thế nào để chúng ta phục hồi được khả năng sống trọn vẹn các hoạt động phụng vụ? Đây là mục tiêu cải cách của Công đồng. Thách thức này vô cùng đòi hỏi vì con người hiện đại - không phải trong mọi nền văn hóa và ở cùng một mức độ - đã mất khả năng tham gia vào hành động biểu tượng, vốn là một đặc điểm thiết yếu của hành vi phụng vụ.
28. Với thời hậu hiện đại, con người càng cảm thấy mình bị lạc lõng hơn, không có bất cứ hình thức tham chiếu nào, thiếu thốn về giá trị bởi vì họ đã trở nên dửng dưng, hoàn toàn mồ côi, sống cảnh vỡ vụn trong đó chân trời ý nghĩa dường như không còn khả hữu. Và do đó, nó càng bị đè nặng bởi di sản nặng nề mà kỷ nguyên trước đã để lại cho chúng ta, bao gồm chủ nghĩa duy cá nhân và chủ nghĩa duy chủ quan (điều này gợi lên một lần nữa những vấn đề của thuyết Pêlagiô và thuyết ngộ đạo). Nó cũng bao gồm một chủ nghĩa tâm linh trừu tượng vốn mâu thuẫn với chính bản chất con người, vì con người là một tinh thần nhập thể và do đó có khả năng hành động biểu tượng và hiểu biết biểu tượng.
29. Chính với thực tại của thế giới hiện đại này, mà Giáo hội, hợp nhất trong Công đồng, đã muốn tiếp xúc, tái khẳng định ý thức của mình về việc trở thành bí tích của Chúa Kitô, là Ánh sáng của các dân tộc (Lumen gentium), đặt mình vào việc tận tụy lắng nghe Lời Chúa (Dei Verbum), và nhìn nhận là của mình các niềm vui và hy vọng (Gaudium et spes) của con người thời đại chúng ta. Các Hiến chế lớn của Công đồng không thể bị tách biệt khỏi nhau, và không phải ngẫu nhiên mà nỗ lực to lớn duy nhất được suy tư tại Công đồng chung bắt đầu với việc suy tư về Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium); đây cũng là biểu thức cao nhất nói lên tính đồng nghị trong Giáo hội mà sự phong phú của nó tôi, cùng với tất cả anh chị em, được kêu gọi trở thành người trông coi.
30. Bế mạc kỳ họp thứ hai của Công đồng (ngày 4 tháng 12 năm 1963) Thánh Phaolô VI đã phát biểu như sau:
“Các cuộc tranh luận khó khăn, phức tạp đã có kết quả phong phú. Chúng đã đưa ra một chủ đề để kết luận, đó là phụng vụ thánh thiêng. Được bàn luận trước tất cả những điều khác, theo một nghĩa nào đó, nó được ưu tiên hơn tất cả những điều khác vì phẩm giá nội tại và tầm quan trọng của nó đối với đời sống của Giáo hội và hôm nay chúng ta sẽ long trọng ban hành văn kiện về phụng vụ. Do đó, tinh thần của chúng ta nhẩy mừng với niềm vui thực sự, vì theo cách mà mọi sự đã diễn ra, chúng ta ghi nhận sự tôn trọng đối với thang giá trị và bổn phận đúng đắn. Thiên Chúa phải giữ vị trí đầu tiên; cầu nguyện với Người là bổn phận đầu tiên của chúng ta. Phụng vụ là nguồn hiệp thông thần linh đầu tiên, trong đó Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của chính Người với chúng ta. Nó cũng là trường học đầu tiên của đời sống thiêng liêng. Phụng vụ là món quà đầu tiên chúng ta phải dành cho những Kitô hữu hợp nhất với chúng ta trong đức tin và lòng nhiệt thành cầu nguyện của họ. Nó cũng là một lời mời gọi hàng đầu gửi tới loài người, để giờ đây mọi người có thể cất lên giọng nói thầm lặng của họ trong lời cầu nguyện chân thật và chúc phúc, và do đó có thể cảm nghiệm được sức mạnh tái sinh khôn tả khi họ tham gia cùng chúng ta trong việc cao rao những lời ngợi khen Thiên Chúa và những hy vọng của trái tim con người qua Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần”. [7]
31. Trong bức thư này, tôi không thể nói với anh chị em về sự phong phú của các cách diễn đạt khác nhau của đoạn văn, mà tôi đề nghị anh chị em nên suy gẫm này. Nếu phụng vụ là “đỉnh cao mà hoạt động của Giáo hội hướng tới, và đồng thời là nguồn suối mà từ đó mọi quyền lực của Giáo hội tuôn chảy,” (Sacrosanctum Concilium, n. 10), thì chúng ta có thể hiểu điều gì đang bị đe dọa trong vấn đề phụng vụ. Quả là chuyện tầm phào nếu chỉ đọc các căng thẳng, không may đã xuất hiện xung quanh việc cử hành, như một sự khác biệt đơn giản giữa các thị hiếu khác nhau liên quan đến một hình thức nghi lễ đặc thù. Vấn đề chủ yếu có tính giáo hội học. Tôi không thấy làm thế nào người ta có thể nói rằng họ công nhận tính hợp lệ của Công đồng - mặc dù tôi ngạc nhiên nếu một người Công Giáo nào đó lại có thể không nghĩ như vậy – nhưng cùng một lúc, không chấp nhận cuộc cải cách phụng vụ phát xuất từ Sacrosanctum Concilium, một văn kiện diễn tả thực tại của Phụng vụ gắn bó mật thiết với viễn kiến về Giáo hội một cách đáng ngưỡng mộ được mô tả trong Lumen gentium. Vì lý do này, như tôi đã bày tỏ trong thư gửi tất cả các giám mục, tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ khẳng định rằng “Các sách phụng vụ do Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II ban hành, phù hợp với các sắc lệnh của Công đồng Vatican II, là cách diễn đạt độc đáo của Lex orandi [luật cầu nguyện] của Nghi lễ Rôma. " (Motu Proprio Traditionis custodes, điều 1)
Việc không chấp nhận cuộc cải cách phụng vụ, cũng như một sự hiểu biết hời hợt về nó, làm chúng ta xao lãng nghĩa vụ phải tìm ra các câu trả lời cho câu hỏi mà tôi xin nhắc lại: làm thế nào chúng ta lớn lên trong khả năng sống trọn vẹn hành động phụng vụ của mình? Làm thế nào chúng ta tiếp tục để mình ngạc nhiên trước những gì diễn ra trong việc cử hành dưới chính con mắt của chúng ta? Chúng ta đang cần một việc đào tạo phụng vụ nghiêm túc và năng động.
32. Chúng ta hãy trở lại phòng tiệc ly ở Giêrusalem. Vào sáng ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội được khai sinh, tế bào ban đầu của nhân loại mới. Cộng đồng người nam và người nữ duy nhất - hòa giải vì được tha thứ, sống vì Người đang sống, đích thật vì được Thánh Thần sự thật cư ngụ ở trong - mới có thể mở toang không gian chật hẹp của chủ nghĩa cá nhân thiêng liêng.
33. Chính cộng đoàn của Lễ Ngũ Tuần mới có thể bẻ Bánh khi biết chắc rằng Chúa đang sống, sống lại từ cõi chết, hiện diện bằng lời của Người, bằng cử chỉ của Người, bằng việc dâng Mình và Máu Người. Kể từ thời điểm đó, việc cử hành đã trở thành địa điểm đặc biệt - mặc dù không phải là địa điểm duy nhất - của cuộc gặp gỡ với Người. Chúng ta biết rằng chỉ nhờ ân sủng của cuộc gặp gỡ này, con người mới trở thành con người trọn vẹn. Chỉ có Giáo hội của Lễ Ngũ tuần mới có thể quan niệm con người như một ngôi vị, cởi mở đón nhận mối liên hệ trọn vẹn với Thiên Chúa, với sáng thế và với anh chị em mình.
34. Trong điều này, trọn vấn đề quyết định của việc đào tạo phụng vụ đã được đặt ra. Romano Guardini từng nói, “Đây cũng là nhiệm vụ thực tế đầu tiên được chỉ ra: tiến bước theo sự biến đổi nội tâm này của thời đại chúng ta, chúng ta phải học lại cách liên hệ về tôn giáo như những hữu thể hoàn toàn nhân bản.” [8] Đây là điều mà Phụng vụ làm cho khả hữu. Vì điều này, chúng ta phải được đào tạo. Guardini không ngần ngại tuyên bố rằng nếu không có sự đào tạo phụng vụ “thì những cải cách về nghi lễ và văn bản sẽ không giúp ích được gì nhiều”. [9] Tôi không có ý định trình bày ở đây một cách toàn diện về chủ đề rất phong phú của việc đào tạo phụng vụ. Tôi chỉ muốn đưa ra một số điểm khởi đầu để suy gẫm. Tôi nghĩ có thể phân biệt hai khía cạnh: đào tạo cho Phụng vụ và đào tạo bởi Phụng vụ. Điều đầu tiên phụ thuộc vào điều thứ hai vốn là điều chủ yếu.
35. Vốn cần và vẫn còn cần phải tìm ra các đường kênh cho một việc đào tạo xứng với một nghiên cứu về Phụng vụ. Ngay từ đầu phong trào phụng vụ, nhiều việc đã được thực hiện về phương diện này, với sự đóng góp quý báu của các học giả và viện hàn lâm. Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ là phải phổ biến kiến thức này ra ngoài môi trường học thuật, một cách dễ dàng tiếp cận, để mỗi người trong hàng tín hữu có thể phát triển kiến thức về ý nghĩa thần học của Phụng vụ. Đây là vấn đề có tính quyết định, và nó dựa trên mọi cách hiểu và mọi thực hành phụng vụ. Nó cũng tạo cơ sở cho chính việc cử hành, giúp mỗi người và mọi người có được khả năng hiểu các bản văn kinh nguyện, động lực nghi lễ và ý nghĩa nhân học của chúng.
36. Tôi nghĩ đến nhịp điệu đều đặn của các cộng đoàn chúng ta đến với nhau để cử hành Bí tích Thánh Thể vào Ngày của Chúa, hết Chúa Nhật này sang Chúa Nhật nọ, hết Lễ Phục Sinh này sang Lễ Phục Sinh nọ, vào những khoảnh khắc đặc thù trong cuộc sống của mỗi con người riêng rẽ và của cộng đồng, thuộc mọi lứa tuổi của cuộc sống. Các thừa tác viên thụ phong thi hành một hoạt động mục vụ có tầm quan trọng hàng đầu khi họ cầm tay các tín hữu đã được rửa tội để dẫn dắt họ vào kinh nghiệm lặp đi lặp lại của Mầu nhiệm Vượt qua. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng chính Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, là chủ thể cử hành chứ không chỉ là linh mục. Loại kiến thức có được từ nghiên cứu chỉ là bước đầu tiên để có thể đi vào mầu nhiệm được cử hành. Hiển nhiên, để có thể dẫn dắt anh chị em mình, các thừa tác viên chủ tọa các cộng đoàn phải biết đường đi, biết nó từ việc nghiên cứu nó trên bản đồ nghiên cứu thần học của họ nhưng cũng từ việc thường xuyên lui tới phụng vụ trong thực hành thực sự kinh nghiệm sống đức tin, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện - và chắc chắn không những chỉ như một nghĩa vụ phải hoàn thành. Vào ngày được truyền chức, mọi linh mục đều nghe vị giám mục nói với mình: “Hãy hiểu những gì con sẽ làm, hãy bắt chước những gì con sẽ cử hành, và phù hợp cuộc sống của con với mầu nhiệm Thập giá của Chúa”. [10]
37. Ngoài ra, kế hoạch nghiên cứu về Phụng vụ trong các chủng viện phải tính đến khả năng phi thường mà việc cử hành thực sự tự nó có được để cung ứng một viễn kiến hữu cơ và thống nhất về tất cả các kiến thức thần học. Mọi ngành thần học, theo quan điểm riêng, phải cho thấy mối liên hệ mật thiết của nó với Phụng vụ, mà dưới ánh sáng của nó, tính thống nhất của việc đào tạo linh mục được làm rõ ràng và thực hiện (x. Sacrosanctum Concilium, n. 16). Một kế hoạch nghiên cứ phụng vụ-khôn ngoan trong việc đào tạo thần học của các chủng viện chắc chắn sẽ có những hậu quả tích cực trong hoạt động mục vụ. Không có khía cạnh nào của đời sống Giáo hội lại không tìm được đỉnh cao và suối nguồn của nó trong Phụng vụ. Không chỉ là kết quả của những chương trình công phu, việc thực hành mục vụ toàn diện, hữu cơ và tổng hợp là kết quả của việc đặt Bí tích Thánh Thể Chúa Nhật, nền tảng của sự hiệp thông, làm trung tâm của đời sống cộng đoàn. Sự hiểu biết thần học về Phụng vụ không hề cho phép việc hiểu những hạn từ này theo nghĩa thu gọn mọi sự vào khía cạnh thờ phượng. Một cuộc cử hành không truyền giảng Tin Mừng là không chân chính thế nào, thì một lời rao giảng không dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa Phục sinh trong việc cử hành là không chân chính như thế. Và rồi cả hai điều này, nếu không có chứng từ của lòng bác ái, cũng giống như tiếng cồng ồn ào hoặc tiếng chũm chọe chói tai. (1 Cr 13: 1)
38. Đối với các thừa tác viên cũng như đối với tất cả những người đã rửa tội, việc đào tạo phụng vụ theo nghĩa đầu tiên này không phải là điều có thể đạt được một lần và mãi mãi. Vì hồng phúc của mầu nhiệm được cử hành vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta, nên nỗ lực này chắc chắn phải đi cùng với sự đào tạo thường hằng của mọi người, với lòng khiêm nhường của những người nhỏ bé, thái độ bừng nở thành lòng thán phục.
39. Một nhận xét cuối cùng về các chủng viện: ngoài chương trình học, họ cũng phải cung cấp khả thể trải nghiệm việc cử hành không những mẫu mực theo quan điểm nghi lễ, mà còn chân thực và sống động, giúp sống thực sự hiệp thông với Thiên Chúa; nhận thức thần học cũng phải hướng tới cùng một sự hiệp thông này. Chỉ có hành động của Chúa Thánh Thần mới có thể đem sự hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa của chúng ta đến chỗ hoàn tất, vì mầu nhiệm Thiên Chúa không phải là vấn đề về một điều gì đó có thể nắm bắt bằng trí khôn mà là một mối liên hệ đụng đến trọn cuộc sống. Một kinh nghiệm như vậy có tính nền tảng để, một khi các chủng sinh của chúng ta trở thành các thừa tác viên thụ phong, họ có thể đồng hành với các cộng đoàn trong cùng một hành trình hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa, vốn là mầu nhiệm tình yêu.
40. Xem xét cuối cùng này đưa chúng ta đến suy tư về ý nghĩa thứ hai được chúng ta hiểu trong thành ngữ “đào tạo phụng vụ”. Tôi đề cập đến việc chúng ta được đào tạo từ việc tham gia cử hành phụng vụ này, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình. Ngay cả kiến thức phát xuất từ các nghiên cứu mà tôi vừa nói, để nó không trở thành một loại chủ nghĩa duy lý, cũng phải phục vụ cho việc thể hiện hành động đào tạo của chính Phụng vụ nơi mỗi tín hữu tin vào Chúa Kitô.
41. Từ tất cả những gì chúng ta đã nói về bản chất của Phụng vụ, có thể thấy rõ rằng sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô, câu hỏi quyết định cho cuộc đời chúng ta, không hệ ở việc hấp thụ một ý tưởng nào đó về phương diện trí thức nhưng hệ ở việc gắn bó hiện sinh thực sự với con người của Người. Theo nghĩa này, Phụng vụ không nói về “kiến thức,” và phạm vi của nó không phải chủ yếu về mặt sư phạm, mặc dù nó có giá trị sư phạm rất lớn. (Xem Sacrosanctum Concilium, n. 33) Đúng hơn, Phụng vụ nói về sự ngợi khen, về sự cảm tạ Lễ Vượt Qua của Chúa Con, Đấng có quyền năng đối đời sống chúng ta. Việc cử hành liên quan đến thực tại chúng ta ngoan ngoãn đối với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động qua nó cho đến khi Chúa Kitô được thành hình trong chúng ta. (Xem Gl 4:19) Trọn bộ phạm vi đào tạo của chúng ta là sự đồng hình đồng dạng của chúng ta với Chúa Kitô. Tôi xin nhắc lại: nó không liên quan đến một diễn trình trí tuệ trừu tượng, mà liên quan đến việc trở thành Người. Đây là mục đích mà vì thế Chúa Thánh Thần đã được ban cho, mà hoạt động của Người luôn luôn và chỉ để cấu thành Thân Thể Chúa Kitô. Cũng như thế với bánh Thánh Thể, và với mỗi người đã chịu phép rửa được kêu gọi trở nên mỗi ngày một hơn điều đã được lãnh nhận như một hồng ân trong Bí tích Rửa tội; cụ thể là, trở thành chi thể của Thân thể Chúa Kitô. Đức Lêô Cả từng viết, “Việc chúng ta tham dự Mình và Máu Chúa Kitô không có mục đích nào khác hơn là khiến chúng ta trở thành điều chúng ta ăn.” [11]
42. Việc tham dự hiện sinh này xảy ra một cách bí tích - liên tục và phù hợp với phương pháp Nhập thể -. Phụng vụ được thực hiện với những điều hoàn toàn trái ngược với những điều trừu tượng tinh thần: bánh, rượu, dầu, nước, nước hoa, lửa, tro, đá, vải, màu sắc, cơ thể, lời nói, âm thanh, sự im lặng, cử chỉ, không gian, chuyển động, hành động, thứ tự, thời gian, ánh sáng. Toàn bộ sáng thế là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, và từ khi tình yêu đó được thể hiện trọn vẹn nơi thập giá của Chúa Giêsu, thì trọn sáng thế đều bị thu hút về phía đó. Chính toàn bộ công trình sáng tạo được giả định để phục vụ cho cuộc gặp gỡ với Ngôi Lời: nhập thể, bị đóng đinh, chết, sống lại, lên trời về với Chúa Cha. Nó như lời cầu nguyện trên nước tại giếng rửa tội từng ca hát, nhưng cũng là lời cầu nguyện trên dầu để tạo dầu thánh và những lời để dâng bánh và rượu – tất cả đều là hoa trái của trái đất và công lao của bàn tay con người.
43. Phụng vụ tôn vinh Thiên Chúa không phải vì chúng ta có thể thêm được điều gì vào vẻ đẹp của ánh sáng không thể nào tiếp cận được trong đó Thiên Chúa cư ngụ (x. 1Tt 6:16). Chúng ta cũng không thể thêm vào sự hoàn hảo của bài ca thiên thần vốn đời đời vang lên khắp các nơi trên thiên đàng. Phụng vụ tôn vinh Thiên Chúa vì nó cho phép chúng ta - ở đây, trên mặt đất này - nhìn thấy Thiên Chúa trong việc cử hành các mầu nhiệm, và, nhờ nhìn thấy Người, rút tỉa được sự sống từ Lễ Vượt qua của Người. Chúng ta, những người đã chết vì tội lỗi của mình và đã được làm cho sống lại với Chúa Kitô - chúng ta là sự vinh hiển của Thiên Chúa. Nhờ ân sủng, chúng ta đã được cứu rỗi (Ep 2: 5). Thánh Irênê, doctor unitatis [tiến sĩ hợp nhất], nhắc chúng ta điều này: “Sự vinh hiển của Thiên Chúa là con người sống động, và sự sống của con người hệ ở việc nhìn thấy Thiên Chúa: nếu sự mặc khải của Thiên Chúa qua sáng thế luôn ban sự sống cho mọi hữu thể sống động trên trái đất, thì sự biểu lộ của Chúa Cha qua Ngôi Lời còn là nguyên nhân của sự sống cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa xiết bao hơn thế nữa.” [12]
44. Guardini từng viết, "Ở đây có phác thảo nhiệm vụ đầu tiên của công việc đào tạo phụng vụ: con người phải một lần nữa trở nên có khả năng biểu tượng." [13] Đây là trách nhiệm đối với mọi người, đối với các thừa tác viên thụ phong cũng như các tín hữu. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng vì con người hiện đại đã trở nên mù chữ, không còn khả năng đọc được các biểu tượng; gần như thể sự hiện hữu của chúng thậm chí không được nghi vấn. Điều này cũng xảy ra với biểu tượng của cơ thể chúng ta. Cơ thể của chúng ta là một biểu tượng bởi vì nó là sự kết hợp mật thiết giữa linh hồn và thể xác; nó là tính hiển thị của linh hồn thiêng liêng trong trật tự xác thân; và tính độc đáo của con người, chuyên biệt của con người không thể bị giản lược vào bất cứ hình thức sinh vật nào khác đều hệ ở việc này. Sự cởi mở của chúng ta đối với thể siêu việt, đối với Thiên Chúa, là yếu tố cấu thành nên chúng ta. Không nhận ra điều này chắc chắn chúng ta không những không biết về Thiên Chúa mà còn không biết về chính mình. Chỉ cần nhìn vào cách nghịch lý trong đó cơ thể được đối xử, có lúc được chăm sóc một cách gần như ám ảnh, lấy cảm hứng từ huyền thoại tuổi trẻ vĩnh cửu, có lúc, lại giản lược cơ thể thành vật chất hoàn toàn bị phủ nhận mọi phẩm giá. Thực tại là không thể dành giá trị nào cho cơ thể nếu chỉ bắt đầu từ chính cơ thể. Mọi biểu tượng vừa mạnh mẽ vừa mong manh. Nếu nó không được tôn trọng, nếu nó không được đối xử như chính nó là, nó sẽ tan vỡ, mất đi sức mạnh, trở nên vô nghĩa.
Chúng ta không còn có cái nhìn của Thánh Phanxicô, người đã nhìn vào mặt trời - mà ngài gọi là anh em vì ngài cảm thấy nó như vậy - và thấy nó đẹp đẽ và rạng rỡ với vẻ lộng lẫy tuyệt vời, và đầy thán phục, ngài đã hát rằng nó mang hình ảnh giống như Ngài, hỡi Đấng Tối Cao. [14] Việc mất khả năng nắm bắt giá trị biểu tượng của cơ thể và của mọi sinh vật khiến ngôn ngữ biểu tượng của Phụng vụ hầu như không thể tiếp cận được đối với não trạng hiện đại. Thế nhưng, chắc chắn người ta phải từ bỏ một ngôn từ như vậy. Nó không thể bị từ bỏ bởi vì đó là cách Chúa Ba Ngôi đã chọn để vươn tới chúng ta qua xác thịt của Ngôi Lời. Đúng hơn đây là vấn đề khôi phục khả năng sử dụng và hiểu các biểu tượng của Phụng vụ. Chúng ta không được mất hy vọng bởi vì chiều kích này trong chúng ta, như tôi vừa nói, có tính cấu thành; và bất chấp những điều xấu xa của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy linh - cả hai đều phủ nhận tính thống nhất của linh hồn và thể xác - nó luôn sẵn sàng xuất hiện trở lại, cũng như mọi chân lý.
45. Vì vậy, câu hỏi tôi muốn đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể một lần nữa trở nên có khả năng biểu tượng? Làm thế nào chúng ta có thể biết cách đọc chúng và có thể sống chúng một lần nữa? Chúng ta biết rõ rằng việc cử hành các bí tích, bởi ân sủng của Thiên Chúa, tự nó hữu hiệu (ex opere operato), nhưng điều này không bảo đảm sự tham dự đầy đủ của mọi người nếu không có một cách thức thỏa đáng để họ tự đặt mình vào mối liên hệ với ngôn ngữ cử hành. “Đọc” một cách biểu tượng không phải là một nhận thức của trí tuệ, không phải là việc tiếp thu các khái niệm, mà là một kinh nghiệm sống.
46. Trên hết, chúng ta phải lấy lại niềm tin về sự sáng tạo. Tôi muốn nói rằng sự vật - các bí tích “được tạo thành” từ sự vật – phát xuất từ Thiên Chúa. Chúng được quy hướng về Người, chúng được Người mang lấy, và được mang lấy một cách đặc thù trong biến cố Nhập thể, để chúng trở nên công cụ cứu rỗi, phương tiện của Chúa Thánh Thần, máng chuyển ân sủng. Trong điều này, rõ ràng là khoảng cách giữa viễn kiến này và viễn kiến duy vật hay duy linh rộng lớn biết chừng nào. Nếu những vật được tạo dựng là một phần căn bản, thiết yếu của hành động bí tích mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta, thì chúng ta phải sắp xếp mình trước sự hiện diện của chúng với một sự quan tâm mới mẻ, không hời hợt, tôn trọng và biết ơn. Ngay từ khởi nguyên, các sự vật được tạo dựng đã chứa đựng hạt giống ơn thánh hóa của các bí tích.
47. Vẫn còn trong diễn trình suy nghĩ về việc Phụng vụ đào tạo chúng ta như thế nào, một câu hỏi quyết định khác là việc giáo dục cần thiết để có thể có được thái độ nội tâm giúp chúng ta sử dụng và hiểu các biểu tượng phụng vụ. Tôi xin diễn đạt nó một cách đơn giản. Tôi luôn nghĩ đến cha mẹ, hay có khi hơn nữa đến ông bà, nhưng cũng cả các mục tử và giáo lý viên của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đã học được sức mạnh của các cử chỉ phụng vụ từ họ, chẳng hạn như dấu thánh giá, quỳ gối, các công thức đức tin của chúng ta. Có lẽ chúng ta không thực sự nhớ được việc học này, nhưng chúng ta dễ dàng hình dung ra cử chỉ bàn tay lớn hơn nắm lấy bàn tay nhỏ bé của một đứa trẻ và từ từ kèm bàn tay đó vạch trên cơ thể lần đầu tiên dấu hiệu ơn cứu rỗi của chúng ta. Những lời nói đi kèm với chuyển động, những lời này cũng được nói ra một cách chậm rãi, gần như muốn chiếm hữu mọi khoảnh khắc của cử chỉ, chiếm hữu toàn bộ cơ thể: “Nhân danh Cha… và Con… và Thánh Thần. …. Amen.” Và sau đó bàn tay của đứa trẻ được để lại cho một mình nó, và được quan sát việc lặp lại việc đó một mình, với sự trợ giúp sẵn sàng ở bên cạnh nếu cần. Nhưng nay, cử chỉ đó được ủy thác, giống như một thói quen sẽ phát triển cùng với Người, ban cho nó một ý nghĩa mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới biết cách thực hiện. Từ thời điểm đó trở đi cử chỉ đó, sức mạnh tượng trưng của nó, là của chúng ta, nó thuộc về chúng ta; hoặc nói đúng hơn, chúng ta thuộc về nó. Nó cung cấp cho chúng ta mô thức. Chúng ta được hình thành bởi nó. Không cần nhiều lời ở đây. Không cần thiết phải hiểu tất cả mọi điều trong cử chỉ đó. Điều cần thiết là trở thành nhỏ bé, cả trong việc ủy thác lẫn lãnh nhận nó. Phần còn lại là công việc của Chúa Thánh Thần. Bằng cách này, chúng ta được khai tâm vào ngôn ngữ biểu tượng. Chúng ta không thể để mình bị cướp mất sự phong phú như vậy. Lớn lên chúng ta sẽ có nhiều cách để có thể hiểu, nhưng luôn với điều kiện vẫn còn là những đứa trẻ.
Còn một kỳ