1. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk bày tỏ âu lo khi Nga tăng cường các cuộc tấn công tầm xa

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã bày tỏ những âu lo của ngài sau khi có những báo cáo cho thấy chỉ trong một quần tuần qua đã có gần 150 thường dân vô tội chết vì các cuộc tấn công hỏa tiễn tầm xa của Nga.

Trước đó, tại Thượng hội đồng giám mục, diễn ra ở Ba Lan từ ngày 7 đến 15/7, các giám mục Công Giáo Ukraine đã cùng nhau tập trung cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào thành phố Vinnytsia, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

Ngay khi Thượng hội đồng giám mục vừa bế mạc, còi báo động cảnh báo các cuộc không kích vang lên khắp Kyiv hôm thứ Bảy khi Nga tăng cường bắn phá tầm xa vào các thành phố của Ukraine khiến ít nhất 34 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong ba ngày qua.

Thống đốc khu vực, Valentyn Reznichenko, cho biết vào cuối ngày thứ Sáu, hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng thành phố trung tâm Dnipro, khiến 3 người thiệt mạng và 15 người bị thương. Ông cho biết trên Telegram, hỏa tiễn đã bắn trúng một nhà máy công nghiệp và một con phố bên cạnh nó.

Đoạn phim trên các mạng xã hội cho thấy khói đen dày đặc bốc lên từ các tòa nhà và ô tô bốc cháy.

Thống đốc Pavlo Kyrylenko cho biết 8 người đã thiệt mạng và 13 người bị thương trong một loạt đạn pháo ở 10 nơi ở miền đông Donetsk.

Hôm thứ Năm, hỏa tiễn hành trình Kalibr phóng từ một tàu ngầm Nga ở Hắc Hải đã bắn trúng một khu đông đúc ở Vinnytsia, tây nam Kyiv, trong một cuộc tấn công mà Ukraine cho biết đã giết chết ít nhất 24 người.
Source:The Guardian

2. Theo Ngũ Giác Đài, khoảng 100 đến 150 dân thường đã thiệt mạng do các cuộc không kích của quân đội Nga ở Ukraine trong hai tuần qua.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu, Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài bày tỏ âu lo về cách hành xử của người Nga đối với thường dân Ukraine.

Ông cho biết: “Tôi nghĩ rằng tất cả những gì đã xảy ra trong tuần qua nói với chúng ta rất nhiều điều. Chúng ta đang có trong tay khoảng 100, 150, khoảng đó, những thương vong dân sự, những thường dân chết, trong tuần này ở Ukraine như một kết quả của các cuộc tấn công của Nga”.

Sự gia tăng số người chết trong thời gian gần đây diễn ra khi các lực lượng quân sự của Nga và Ukraine vẫn đang ở trong một trận chiến khốc liệt trên tiền tuyến của các vùng lãnh thổ phía đông Ukraine.

Khi được hỏi liệu cuộc chiến đã đi vào bế tắc hay chưa, Tướng Kirby cho biết: “Có lẽ còn quá sớm để đưa ra phỏng đoán như vậy. Tôi nghĩ, bạn biết đấy, HIMARS đã có tác dụng.”

“Tôi nghĩ những gì chúng ta đang thấy là sự kết hợp giữa một bên là sự xuống tinh thần đến mức tồi tệ của người Nga và ý chí mạnh mẽ của người Ukraine.”

Cựu Tổng thống Ba Lan từ 1995 đến 2005, Alexander Kwasniewski, nhận định rằng cuộc chiến của Nga chống Ukraine có thể còn kéo dài. Một mặt, Putin không muốn thua trong cuộc chiến nên sẽ tiếp tục gây hấn với những cường độ khác nhau.

“Mặt khác, Ukraine không thể đầu hàng vì Ukraine giờ đây đã bị thuyết phục về tính đúng đắn của mình, họ chiến đấu vì đất đai, quyền lợi của mình, vì sự an toàn của người dân. Nếu phương Tây giúp đỡ và đã cam kết làm như vậy, đặc biệt là về mặt quân sự, thì họ sẽ cung cấp càng nhiều vũ khí nếu cần, và nhiều hơn thế nữa. Tính đến tất cả những điều này, điều đó có nghĩa là cuộc chiến có thể kéo dài và mệt mỏi”

Cựu Tổng Thống Ba Lan thừa nhận rằng ông khó có thể hình dung ra một bước ngoặt của cuộc chiến khi cả hai bên sẽ sẵn sàng nhượng bộ và ngồi xuống bàn đàm phán.

“Tôi không tin rằng Putin đã sẵn sàng nhượng bộ và trở lại tình trạng trước ngày 24 tháng 2 trong điều kiện Nga đã hiện diện ở phía nam, khi ông ấy mở một hành lang tới Crimea và giành quyền kiểm soát Biển Azov và Mariupol. Đồng thời, tôi không thể tưởng tượng được bất kỳ chính trị gia Ukraine nào lại bắt đầu nói về bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào cho Nga. Do đó, một giải pháp hòa bình cho vấn đề là hoàn toàn không thể rằng vào lúc này”

Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ tình trạng “xung đột bị đóng băng tại một thời điểm nhất định”

“Nếu cả hai bên, đặc biệt là người Nga, thừa nhận rằng họ đã cạn kiệt sức người và lực lượng, cần thời gian để hồi phục, thì sáng kiến đình chiến nào đó có thể xuất hiện. Trước tình hình cạn kiệt tài nguyên, lực lượng và phương tiện, cũng có thể phía Ukraine chấp nhận. Nhưng chúng tôi biết xung đột đóng băng là gì. Trong điều kiện như vậy, rất khó để phát triển hoặc có bất kỳ kế hoạch sâu rộng nào, bởi vì hôm nay xung đột đã bị đóng băng, và ngày mai nó có thể không bị đóng băng. Trong tất cả các kịch bản, kịch bản này có vẻ là khả thi nhất”, cựu tổng thống Ba Lan nhấn mạnh.

3. Đồng Chủ tịch Tiến Trình Công Nghị Đức kêu gọi 'cung cấp dịch vụ phá thai trên toàn quốc'

Một nữ giáo dân hàng đầu và là đồng chủ tịch của “Tiến Trình Công Nghị” của Đức đã yêu cầu “cung cấp dịch vụ phá thai trên toàn quốc” tại quốc gia đông dân nhất của Liên minh Âu Châu.

Trong các bình luận được xuất bản bởi tuần báo Die Zeit của Đức, Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương những người Công Giáo Đức (ZdK), 65 tuổi này đã viết rằng “cần phải bảo đảm việc cung cấp trên phạm vi toàn quốc can thiệp y tế phá thai. Đây không phải là trường hợp hiện nay vì đặc biệt là vùng nông thôn còn thiếu dịch vụ chăm sóc phụ khoa”.

Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức, cùng với Hội đồng Giám mục Đức là những thành phần chính trong “Tiến Trình Công Nghị” gây tranh cãi. Là chủ tịch của ủy ban giáo dân, Stetter-Karp cũng là đồng chủ tịch của Tiến Trình Công Nghị.

Bình luận của Stetter-Karp đã bị Alexandra Linder, chủ tịch Hiệp hội Liên bang về Sự sống ở Đức (Bundesverband Lebensrecht), chỉ trích gay gắt. Hiệp hội là đơn vị tổ chức Cuộc Tuần Hành Vì Cuộc Sống hàng năm ở Berlin.

Trong các bình luận với CNA Deutsch, Lindner cáo buộc Stetter-Karp đã ngụy biện cho “những tuyên bố sai trái của việc vận động phá thai” và kêu gọi tư vấn và hỗ trợ tốt hơn cho những người mang thai thay vì xúi giục họ phá thai.

“Các con số ở Đức không giảm chút nào, có thể dễ dàng nhận thấy tỷ lệ phá thai luôn ở mức cao. Hơn nữa, do không có báo cáo bắt buộc, một tỷ lệ lớn hơn các ca nạo phá thai không được thống kê.”

Nội các Liên bang Đức vào tháng 3 đã bãi bỏ lệnh cấm quảng cáo phá thai, một động thái được hoan nghênh bởi Liên đoàn Thanh niên Công Giáo Đức, gọi tắt là BDKJ, một tổ chức bảo trợ các hiệp hội trẻ em và thanh niên Công Giáo.

BDKJ cũng chỉ trích thực tế là không thể tiếp cận đầy đủ các thủ thuật phá thai trên khắp nước Đức. Phát ngôn nhân của hiệp hội thanh niên Công Giáo phàn nàn: “Ở một số khu vực ở Đức, người ta không còn tiếp cận được thủ thuật phá thai. “Điều này khiến phụ nữ mang thai phải chịu thêm áp lực về thời gian, gây khó khăn trong việc quyết định phá thai hay chống lại việc phá thai”.

Đức hiện cho phép phá thai trong 12 tuần đầu của thai kỳ, với tư vấn bắt buộc tại một trung tâm được nhà nước phê duyệt, cũng như việc phá thai sau 12 tuần trong một số trường hợp nhất định.

Đất nước 83 triệu dân ghi nhận khoảng 100.000 ca nạo phá thai trong năm đại dịch 2020.

Sau quyết định của chính phủ liên bang Đức vào tháng 3, hội đồng giám mục Đức đã công bố một tuyên bố bày tỏ sự chỉ trích thận trọng về kế hoạch của chính phủ nhằm dỡ bỏ lệnh cấm quảng cáo phá thai.


Source:Catholic News Agency