1. Thượng Phụ Kirill tiếp tục biện minh cho cuộc xâm lược của Nga

Trong cuộc họp ngày 29 tháng 7, Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã lên án quyết định gần đây của chính phủ Anh áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thượng Phụ Kirill.

Dịp này Thánh Công Đồng đã ra một thư chung nhấn mạnh rằng các tín hữu phải bảo vệ tổ quốc trước các “trung tâm quyền lực ở nước ngoài.” Người dân Nga cần phải khám phá lại sự hiệp nhất bên trong của họ. Trích dẫn một nhận định trước đó của Thượng Phụ Kirill, lá thư nhấn mạnh rằng “hiệp nhất là sức mạnh của chúng ta, và nếu chúng ta giữ gìn trong trái tim mình niềm tin của cha ông chúng ta, thì nước Nga sẽ là bất khả chiến bại.”

Kirill giải thích rằng “chiến thắng không phải lúc nào cũng đến từ vũ khí, nhưng chiến thắng cũng đến từ tinh thần, và nhiều người ngày nay muốn tinh thần này biến mất.” Ông liệt kê các chiến thuật của kẻ thù, là những kẻ “gieo rắc sự nhầm lẫn, tạo ra những hình tượng mới, thu hút sự chú ý đến những giá trị giả mới được vẽ vời ra, để lật đổ các chiều kích ý thức của con người, từ chiều dọc hợp nhất với Chúa đến chiều ngang nhân bản, trên đó tất cả những yêu cầu liên quan đến nhục dục của con người đều được cấy ghép”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô, mạnh mẽ phê bình việc Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, dùng tôn giáo để biện minh cho chiến tranh chống Ukraine, và Đức Hồng Y gọi đây là một “lạc giáo”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Công Giáo “Die Tagespost”, Điện Báo, số ra ngày 30 tháng Sáu năm 2022, tại thành phố Wuerzburg bên Đức, Đức Hồng Y Koch, người Thụy Sĩ, nói: “Coi nhẹ cuộc chiến tàn bạo của ông Putin chống Ukraine như một ‘cuộc hành quân đặc biệt’ là một sự lạm dụng ngôn từ. Tôi phải lên án điều này như một lập trường tuyệt đối không thể chấp nhận được... Thật là một lạc giáo khi vị thượng phụ dám biện minh cho cuộc chiến tàn bạo và vô lý tại Ukraine với những lý do tôn giáo ngụy tạo”.

Đức Hồng Y Koch nhắc đến việc Đức Thượng phụ Kirill dựa trên sự thống nhất quốc gia giữa người Nga và Ukraine, như kết quả của “phép rửa tội cho miền Rus tại Kiev” hồi năm 988 và Đức Hồng Y nói rằng: “Tuy người Nga và Ukraine xuất phát từ cùng một phép rửa tội, nhưng ngày nay người Nga đang tấn công người Ukraine và gây chiến, thì sự hiệp nhất bị phủ nhận”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Koch cũng tiết lộ về cuộc gặp gỡ qua video giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Kirill hồi tháng Ba năm nay: chính Đức Hồng Y, hồi tháng Hai trước đó, đã đề nghị với Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Nga, theo đó Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ cùng công bố một tuyên ngôn chống chiến tranh tại Ukraine. Nhưng ít lâu cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám Mục Hilarion, Đức Hồng Y Koch nhận được câu trả lời rằng Đức Thượng phụ không sẵn sàng có một tuyên ngôn chung với Đức Giáo Hoàng. Chỉ vài tuần sau đó, Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa mới yêu cầu có một cuộc gặp gỡ qua video với Đức Giáo Hoàng. Ngay sau đó, Tòa Thượng phụ Chính thống Nga công bố một thông cáo cho biết Đức Thượng phụ cám ơn vì Đức Giáo Hoàng có cùng một quan điểm về cuộc xung đột tại Ukraine. Vì thế, Tòa Thánh đã phải mau lẹ công bố điều mà Đức Giáo Hoàng thực sự đã nói.

Đức Hồng Y Koch tỏ ra dè dặt về một cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Đức Giáo Hoàng và Đức Thượng phụ Kirill. Ngài nói: “Nếu một cuộc gặp gỡ như vậy diễn ra, nếu những hành động chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, và nếu Đức Kirill tiếp tục biện minh cho chiến tranh với lập trường không thể chấp nhận được, như cho đến nay, thì sẽ có sự hiểu lầm nghiêm trọng. Dầu vậy, chúng ta không bao giờ được khép cửa”.

2. Giám Mục Belarus bảo vệ cho một linh mục bị độc tài giam cầm

Một giám mục ở Belarus đã bảo vệ một linh mục Công Giáo bị bỏ tù sau một phiên tòa kín vì “tổ chức một cuộc tụ họp quần chúng” bất hợp pháp, trong một vụ can thiệp nhân đạo hiếm hoi của Giáo Hội trước bọn độc tài.

“Tôi yêu cầu tất cả những người liên quan cầu nguyện cho cha Andrei Vashchuk, hiện đang ở sau song sắt”, Đức Cha Yuri Kasabutsky, phụ tá tổng giáo phận Minsk-Mogilev, cho biết trong một thông điệp trên Facebook. “Đây là một LINH MỤC, tôi viết hoa một cách có ý thức chữ này, theo sự quan phòng của Thiên Chúa và là một con người cao cả, hết lòng vì Thiên Chúa, Giáo hội và mọi người, phục vụ mọi người và hiến thân không do dự”.

Vị giám mục đã phản ứng lại việc kết án Cha Vashchuk, Cha sở giáo xứ Holy Spirit ở Vitebsk, người đã bị bỏ tù 15 ngày vì “vi phạm các thủ tục liên quan đến việc tổ chức một buổi họp mặt công chúng”.

Các phương tiện truyền thông Công Giáo không chính thức đưa tin rằng lý do chính xác cho lời buộc tội vẫn chưa được đưa ra, nhưng cho biết người ta tin rằng linh mục, một thành viên của dòng Chúa Quan Phòng, đã đeo một chiếc mặt nạ có ghi khẩu hiệu, “Một đất nước cho sự sống”, có liên quan đến ứng cử viên tổng thống đối lập lưu vong, Sviatlana Tsikhanouskaya.

Cha Vashchuk là linh mục Công Giáo thứ tư bị kết án vì cáo buộc phạm tội chính trị trong năm nay ở Belarus, nơi đã diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối cuộc bầu cử gian lận diễn ra vào tháng 8 năm 2020, để Tổng thống Alexander Lukashenko tiếp tục cầm quyền sau 26 năm cai trị quốc gia một cách khắc nghiệt và độc tài.

Vào đầu tháng Bảy, một linh mục ở Smorgon, Cha Yevhen Uchkuronis, đã bị phạt vì bị cáo buộc đăng lại một “văn bản cực đoan” trên Facebook, trong khi hai người khác, Cha Andrzej Bulczak và Oleksandr Baran, đã bị phạt vào tháng Tư và tháng Năm vì đã đăng lời xin lỗi người Ukraine vì sự ủng hộ của tổng thống Belarus đối với chiến tranh ở Ukraine.

Có tới 30 giáo sĩ Công Giáo và Chính thống giáo đã bị kết án tương tự kể từ mùa hè năm 2020, theo nhóm Christian Vision liên kết với phe đối lập ở Belarus, nơi ước tính 1260 tù nhân chính trị hiện đang phải ngồi tù.

Hội đồng Giám mục Belarus đã không đề cập đến các bản án trên trang web của các ngài và đã tránh bất kỳ đề cập nào đến các vấn đề nhân quyền kể từ tháng Giêng năm 2021, sau khi chủ tịch cũ của các ngài, là Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusewicz, được phép trở lại sau một cuộc lưu đày ngắn hạn sau những can thiệp của Vatican.

Một linh mục khác từ Vitebsk, cha Vyacheslav Barok, đã phải trốn sang nước láng giềng Ba Lan sau khi mãn hạn tù, nói với Christian Vision rằng các cơ quan mật vụ đặc biệt của Belarus đang “giám sát rất chặt chẽ” tất cả các tuyên bố và hành động của các linh mục, và nói thêm rằng cha Vashchuk cũng có thể là một mục tiêu của cảnh sát địa phương.

Những người bảo vệ nhân quyền cho rằng chế độ đang nhắm mục tiêu truy tố các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật trong cộng đồng địa phương của họ nếu họ công khai phản đối bạo lực của chế độ sau cuộc bầu cử tổng thống gian dối năm 2020 hoặc phản đối vai trò của Belarus trong cuộc xâm lược mới của Nga vào Ukraine. Nhà của một số linh mục Công Giáo và những người khác đã bị đột kích vào cuối tháng 3 năm 2022.

Trong số hai linh mục Công Giáo bị nhắm mục tiêu vào tháng 3 ở Vùng phía bắc Vitebsk, cha Aleksandr Baran đã bị kết án tù 10 ngày, trong khi cha Andrzej Bulczak - một công dân Ba Lan đã phục vụ 14 năm ở Belarus - đã bỏ trốn khỏi đất nước trước phiên tòa có thể sẽ bỏ tù ngài dài hạn.

Vào ngày 25 tháng 3, cảnh sát đã đột kích vào nhà của Mục sư Tin Lành Baptist Roman Rozhdestvensky ở Cherikov, và vào nhà Cha Vasily Yegorov, một linh mục Công Giáo nghi lễ Đông phương, ở Mogilev. Cha Yegerov đã bị sách nhiễu vì dán một khẩu hiệu “Ukraine, hãy tha thứ cho chúng tôi” trên xe của mình.

Các cuộc đột kích vào cuối tháng Ba diễn ra khi những người Công Giáo và những người theo đạo Tin lành đang ở giữa Mùa Chay.

Cha Aleksandr Baran, người đã bị kết án tù 10 ngày, nhận xét rằng chế độ đang “can thiệp vào cuộc sống của mỗi người, vào đời sống của Giáo Hội, họ muốn chà đạp nhân quyền và bịt miệng mọi người.” Bình luận sau khi bị bắt, Cha Aleksandr Baran nói: “họ đã chuẩn bị cho việc bắt giữ tôi; đã có hàng đống giấy tờ và một số tài liệu khác về tôi nằm sẵn ở đó.”