1. Đức Cha Schneider đặt câu hỏi về 'siêu thị của các tôn giáo'

Philip Pullella, ký giả chuyên về Vatican của Thông tấn xã Reuters, là người vừa tháp tùng Đức Thánh Cha, có bài tường trình nhan đề “As pope Kazakhstan visit ends, conservative critic speaks out”, nghĩa là “Cuối chuyến viếng thăm Kazakhstan của Đức Thánh Cha, một nhà phê bình bảo thủ lên tiếng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc chuyến tông du đến Kazakhstan vào thứ Năm khi một trong những nhà phê bình thẳng thắn nhất của ngài công khai đặt câu hỏi về giá trị của các cuộc họp các niềm tin tôn giáo lớn như cuộc họp mà Đức Giáo Hoàng đã tham dự, gọi những cuộc tụ họp như thế là “siêu thị của các tôn giáo”, và bày tỏ lo ngại rằng những cuộc họp này làm giảm địa vị của Giáo Hội Công Giáo.

Vào ngày cuối cùng của chuyến thăm ba ngày, Đức Phanxicô đã chủ trì một cuộc họp giữa các giám mục, linh mục và nữ tu tại nhà thờ chính tòa thủ đô Kazakhstan.

Tham dự có Đức Cha Athanasius Schneider, một người theo bảo thủ, là người thường xuyên chỉ trích thẳng thừng vị giáo hoàng tiến bộ về nhiều vấn đề.

Lý do chính cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha là để tham dự Đại hội lần thứ bảy các nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống và thế giới, một cuộc họp quy tụ những người theo Kitô Giáo, Do Thái, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và nhiều tín ngưỡng khác, chủ yếu là các tôn giáo nhỏ hơn.

Trong khi ca ngợi khả năng của đại hội trong việc “thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau trên thế giới,” Đức Cha Schneider, 61 tuổi, nói rằng ngài tin rằng đại hội có “nguy cơ” khi đặt Công Giáo lên cùng bình diện với các tôn giáo khác.

Schneider nói với các phóng viên tại nhà thờ: “Nó có thể tạo ấn tượng về một siêu thị của các tôn giáo, và điều đó là không chính xác, bởi vì chỉ có một tôn giáo thực sự, đó là Giáo Hội Công Giáo do chính Chúa thành lập”.

Những vị bảo thủ như Đức Cha Schneider đã chỉ trích một số khía cạnh của Công đồng Vatican II kéo dài từ 1962 đến 1965, khuyến khích đối thoại với các tôn giáo khác.

Những vị bảo thủ cũng cho rằng người Công Giáo nên tích cực truyền giáo để đưa những người khác theo Công Giáo và phản đối sự khăng khăng của Đức Phanxicô rằng những người cải đạo sang Công Giáo nên được lôi cuốn bằng tấm gương của các tín hữu Kitô.

Đức Cha Schneider, người nói tiếng Anh hoàn hảo và được quốc tế biết đến vì ngài thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Công Giáo bảo thủ, nói rằng Vatican nên nghĩ lại sự hiện diện của mình tại các đại hội như vậy. Ngài nói, đối thoại tốt hơn nên ở cấp địa phương.

Ngài cũng bảo vệ quyền chỉ trích Đức Giáo Hoàng một cách công khai, gọi đó là nghĩa vụ huynh đệ có ích cho toàn thể Giáo hội 1,3 tỷ thành viên.

“Chúng tôi không phải là nhân viên của Đức Giáo Hoàng, các giám mục chúng tôi là anh em với nhau. Khi có lương tâm tốt, tôi cảm thấy có điều gì đó không đúng hoặc mơ hồ, tôi phải nói điều đó với ngài, với sự tôn trọng, và trong tình huynh đệ,” Đức Cha Schneider nói.

Ngài nói rằng các giám mục không đồng ý với Đức Giáo Hoàng phải thẳng thắn, và không nên bị cuốn vào “những lời nịnh hót và xông hương” hoặc “cư xử như một nhân viên đối với một ông chủ”.

Trong bài phát biểu bế mạc đại hội trước khi lên đường trở về Rôma, Đức Phanxicô cho biết tình hình quốc tế hiện nay, vốn đã bị biến động bởi đại dịch COVID-19, đã trở nên trầm trọng “thêm bởi một cuộc chiến tranh hoàn toàn điên rồ”.

Hôm thứ Tư, Đức Phanxicô nói với cuộc họp rằng Chúa không hướng dẫn các tôn giáo hướng tới chiến tranh, một lời chỉ trích ngầm đối với Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill, người ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine và tẩy chay đại hội.

Giáo Hội Chính thống Nga đã cử một phái đoàn do Thượng phụ Anthony, là nhân vật số hai, đứng đầu.

Tuyên bố cuối cùng của Quốc hội, được đa số đại biểu chấp thuận, nói chống lại “việc khơi mào cho bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào” nhưng không đề cập cụ thể đến cuộc chiến Ukraine.

Khoảng 70% người Kazakhstan theo đạo Hồi và khoảng 26% Kitô hữu Chính thống giáo. Chỉ có khoảng 125.000 người Công Giáo trong số 19 triệu dân của đất nước Trung Á rộng lớn.
Source:Reuters

2. Ký giả Gianni Valente được bổ nhiệm làm tân Giám đốc hãng tin Fides thay cha Nguyễn Đình Anh Nhuệ

Hôm 10 tháng Chín vừa qua, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle đã trao thư bổ nhiệm ký giả Gianni Valente làm Giám đốc hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo, kế nhiệm cha Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ.

Hiện diện tại phòng hội của Bộ Truyền giáo cũng có Đức Tổng Giám Mục Giampietro Dal Toso, Chủ tịch các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, và cha Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ, Tổng thư ký Liên hiệp Truyền giáo. Cho đến nay, cha Nhuệ kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc hãng tin Fides. Hiện thời cha vẫn kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Quốc tế Linh hoạt truyền giáo. Tuy nhiên cha không cư ngụ tại trung tâm này, và việc điều hành trung tâm do một nhân viên khác đảm trách.

Ký giả Gianni Valente, người Ý, năm nay 59 tuổi, tốt nghiệp lịch sử Đông phương Kitô giáo, và nguyên là ký giả của nguyệt san “30 ngày trong Giáo hội và trên thế giới”. Từ năm 2012, ông là biên tập viên của hãng tin Fides. Ông cũng là tác giá của một số sách và khảo luận.

Ngoài ấn bản tiếng Ý, hãng tin Fides còn ấn hành bằng năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và tiếng Hoa.

3. Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay trở về từ Kazakhstan. Đối thoại với Trung Quốc

Elise Allen, CRUX: “Cảm ơn các Đức Thánh Cha đã ở bên chúng con tối nay. Hôm qua tại Đại hội, Đức Thánh Cha đã phát biểu về tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Như Đức Thánh Cha đã biết cùng ngày chủ tịch Trung Quốc đã đến thành phố, nơi có rất nhiều mối quan tâm về vấn đề này từ rất lâu, đặc biệt bây giờ với phiên tòa đang diễn ra chống lại Đức Hồng Y Quân. Đức Thánh Cha có coi việc xét xử ngài là một sự vi phạm tự do tôn giáo không? “

Để hiểu được Trung Quốc cần một thế kỷ, và chúng ta không sống trong một thế kỷ. Não trạng Trung Quốc là một não trạng phong phú, và khi ốm đau một chút thì nó mất đi sự phong phú của nó; nó có khả năng mắc sai lầm. Để hiểu được nó, chúng ta đã chọn con đường đối thoại, cởi mở để đối thoại.

Hiện có một ủy ban song phương giữa Vatican và Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, từ từ, bởi vì tốc độ của Trung Quốc khá chậm, họ có cả một cõi vô tận để tiến tới: họ là một dân tộc có lòng kiên nhẫn vô tận. Từ những kinh nghiệm đã có trước đây: chúng ta nghĩ tới những nhà truyền giáo người Ý đã đến đó và được tôn trọng như những học giả; ngày nay cô cũng nên nghĩ, rất nhiều linh mục hoặc tín hữu được các trường đại học Trung Quốc mời gọi vì điều này mang lại giá trị cho nền văn hóa. Không dễ hiểu được não trạng của người Trung Quốc, nhưng cần tôn trọng nó, tôi luôn tôn trọng điều này. Và ở đây tại Vatican, có một ủy ban đối thoại đang diễn ra tốt đẹp, do Hồng Y Parolin chủ trì và ngài là người hiểu rõ nhất về Trung Quốc và đối thoại với người Trung Quốc hiện nay. Đó là một diễn trình chậm chạp, nhưng các bước tiến về phía trước luôn được thực hiện.

Xếp hạng Trung Quốc như quốc gia không dân chủ, tôi không đồng ý với điều đó, bởi vì đó là một quốc gia phức tạp... vâng, đúng là có những thứ dường như không dân chủ đối với chúng ta, đó là sự thật. Tôi nghĩ Đức Hồng Y Quân sẽ bị xét xử vào những ngày này. Và ngài nói những gì ngài cảm nhận, và cô có thể thấy có những hạn chế ở đó. Hơn cả việc xếp hạng, bởi vì nó khó khăn, và tôi cũng muốn xếp hạng, việc ấy gây ấn tượng, nhưng tôi cố gắng hỗ trợ con đường đối thoại.

Rồi, trong cuộc đối thoại, cô làm sáng tỏ nhiều điều và không chỉ về Giáo hội, còn về các lĩnh vực khác; thí dụ như phạm vi của Trung Quốc, các thống đốc của các tỉnh, thẩy đều rất đa dạng. Có những nền văn hóa khác nhau bên trong Trung Quốc, nó là một nước khổng lồ, và hiểu biết về Trung Quốc là một điều hết sức lớn lao. Nhưng cô không nên mất kiên nhẫn, điều ấy cần nhiều thời gian, nhưng chúng ta phải theo con đường đối thoại, tôi cố gắng kiềm chế không xếp hạng... nhưng chúng ta hãy tiến lên.

Elise Allen: “Còn Tập Cận Bình?”

Ông ấy đã có chuyến thăm cấp Nhà nước ở đó, nhưng tôi không gặp ông ấy.

Maria Angeles Conde Mir, ROME REPORTS: “Trong Tuyên bố mà họ đã ký [tại Đại hội], tất cả các nhà lãnh đạo nhấn mạnh lời kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế bảo vệ những người bị đàn áp vì sắc tộc hoặc tôn giáo của họ. Thật không may, đây là những gì đang xảy ra ở Nicaragua. Chúng con biết rằng Đức Thánh Cha đã nói về điều này vào ngày 21 tháng 8 trong lúc đọc kinh Truyền tin. Nhưng có lẽ Đức Thánh Cha có thể bổ sung một số điều cho người Công Giáo, đặc biệt ở Nicaragua. Cũng xin một câu hỏi khác. Chúng con đã thấy Đức Thánh Cha thành công trong chuyến đi này. Chúng con muốn biết liệu sau hành trình này, Đức Thánh Cha có thể tiếp tục hành trình đến Phi Châu mà Đức Thánh Cha đã hoãn lại hay không và liệu có những hành trình khác được lên kế hoạch hay không.”

Về Nicaragua, tin tức đã rõ ràng. Có đối thoại. Đã có các cuộc đàm phán với chính phủ; có đối thoại. Điều đó không có nghĩa là cô chấp thuận mọi điều chính phủ làm hoặc cô không chấp thuận điều gì. Nó không có nghĩa như vậy. Có đối thoại và cần phải giải quyết vấn đề.

Ngay bây giờ đang có nhiều vấn đề. Ít nhất tôi cũng mong các nữ tu của Mẹ Teresa có thể trở lại. Những người phụ nữ này là những nhà cách mạng tốt lành, nhưng của Tin Mừng! Họ không gây chiến với bất cứ ai. Đúng hơn, tất cả chúng ta đều cần những người phụ nữ này. Đây là một cử chỉ khó hiểu... Nhưng hy vọng họ sẽ được trở lại.

Và mong sao cuộc đối thoại sẽ tiếp tục. Nhưng đừng bao giờ ngừng đối thoại. Có những điều cô không hiểu. Việc đuổi một sứ thần ra khỏi biên giới là một vấn đề ngoại giao nghiêm trọng. Sứ thần là một người tốt, đến nay đã được bổ nhiệm ở những nơi khác. Những điều này thật khó hiểu và cũng khó nuốt. Nhưng ở Mỹ Latinh, có những tình huống như vậy ở nhiều nơi khác nhau.

Còn về việc du hành: nó khá khó khăn. Đầu gối của tôi vẫn chưa lành. Điều đó thật khó, nhưng tôi sẽ làm chuyến du hành tiếp theo [có ý nói đến chuyến đi có thể có đến Bahrain vào tháng 11, chú thích của ban biên tập.] Sau đó, vào một ngày khác, tôi đã nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Welby [Tổng Giám mục Canterbury và người đứng đầu tượng trưng của Hiệp thông Anh giáo, chú thích của ban biên tập.] Và chúng tôi thấy tháng Hai có khả thể đến Nam Sudan. Và nếu tôi đến Nam Sudan, tôi cũng sẽ đến Congo. Chúng tôi đang cố gắng. Cả ba chúng tôi phải cùng đi với nhau: vị đứng đầu Giáo Hội Scotland, Đức Tổng Giám Mục Welby, và tôi. Chúng tôi đã có một cuộc họp qua Zoom vào một ngày khác về điều này...

4. Biểu tình dữ dội tại Tòa Đại Sứ Nga ở Ottawa để phản đối tội ác Nga tại Izium

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga đã triệu tập đại sứ Canada tại Mạc Tư Khoa để đưa ra phản đối về các cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Nga ở Ottawa.

Maria Zakharova cho rằng một người không rõ danh tính đã ném một quả bom xăng vào khuôn viên của Đại sứ quán Nga ở Ottawa. Bà ta cũng nói rằng những người biểu tình mà ba ta cho là “quá khích” đã chặn lối vào đại sứ quán.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly cho biết bạo lực và phá hoại là không thể chấp nhận được và các nhà chức trách đang xem xét vấn đề.

“Chúng tôi biết rằng người dân Canada bị sốc trước những hình ảnh mới nhất từ Izium. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ không tiếc bất kỳ nỗ lực nào để buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin và các đồng phạm của ông ta phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh của họ. Tuy nhiên, bạo lực và phá hoại là không thể chấp nhận được”.

Hàng ngàn người Canada đã tụ tập trước đại sứ quán Nga ở Ottawa từ hôm Chúa Nhật sau khi các quan chức Ukraine cho biết họ đã tìm thấy 440 thi thể trong rừng cây gần Izium, một thị trấn ở đông bắc Ukraine đã được các lực lượng Ukraine tái chiếm hôm 10 tháng 9 trong một cuộc phản công ngoạn mục ở khu vực Kharkiv. Các nhà chức trách cho biết hầu hết những người chết là dân thường.

Theo Agence France-Presse, một số thi thể được tìm thấy bị trói tay giật ra sau, và có những dấu đạn bắn từ phía sau. Những người khác có những dấu hiệu bị bạo hành nghiêm trọng như bị xẻo mất các phần thân thể bao gồm tai, và bộ phận sinh dục.

Tuần trước, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã thông báo về việc phát hiện ra một ngôi mộ tập thể ở Izium sau khi tptp được chiếm lại từ tay người Nga.

Tại một khu chôn cất, hơn 440 ngôi mộ có niên đại từ tháng 3 đến tháng 9 đã được phát hiện.

Các nhà điều tra đã khai quật thi thể của ít nhất 17 binh sĩ Ukraine tại một địa điểm. Một cây thánh giá trên ngôi mộ có dòng chữ: “Quân đội Ukraine, 17 người. Nhà xác Izium.”

Các nhà chức trách cho biết có hơn 440 ngôi mộ vì con số cuối cùng đếm được từ các cây thánh giá là 445. Một số cây thánh giá được làm từ gỗ đánh vecni và cũng mang tên và ngày tháng từ trần của người quá cố.

Các nhà điều tra cho biết khoảng 100 thi thể đã được khai quật.

Các quan chức Ukraine cho rằng một số người thiệt mạng đã bị lực lượng Nga tra tấn trong thời gian họ chiếm đóng vùng Kharkiv ở phía đông bắc.

Các nhà báo của AFP cho biết đã chứng kiến các nạn nhân “bị trói tay, gãy hàm và hai vết đâm ở lưng”. Cũng có các bộ hài cốt được xác định là từ một chiến binh tình nguyện chiến đấu bên cạnh quân Ukraine.

Những thường dân thiệt mạng trong cuộc giao tranh hồi tháng 3 để giành quyền kiểm soát thành phố cũng đã được khai quật.

Khoảng 10 đội - mỗi nhóm khoảng 4 người, bao gồm cả đại diện của văn phòng công tố - đã tham gia cuộc điều tra sau khi phát hiện ra các ngôi mộ.

Công tố viên Kharkiv Yevgen Sokolov, người đang dẫn đầu cuộc điều tra, cho biết ông không có con số chính xác về những người được cho là đã phải chịu những cái chết bạo lực.

Một số người đã bị “thương tích từ các vật sắc nhọn và có dấu hiệu của cái chết dữ dội”, ông nói. Sokolov cho biết một chiến binh đã bị “trói tay sau lưng” và một người khác được tìm thấy với “dây thừng quanh cổ và tay chân bị gãy”. Ông cũng cho biết một thi thể đã được khai quật “với nhiều vết đâm”.

Trong một video được đăng trên kênh truyền hình Rada TV Chúa Nhật của Quốc hội Ukraine, Thị trưởng Valerii Marchenko bày tỏ âu lo rằng tầm mức tội ác của quân Putin tại thành phố của ông vượt rất xa những gì tìm thấy tại Bucha. “Ở Bucha, quân Nga chỉ có chưa đầy một tháng. Ở đây chúng có đến hơn 5 tháng trời.”

“Cho đến nay đã có những câu chuyện được chính các nạn nhân hay gia đình của họ kể lại như các vụ quân Nga hãm hiếp tập thể các phụ nữ, cắt xẻo các phần trên thân thể họ để mua vui. Một số phụ nữ may mắn sống sót nhưng nhiều người đã bị quân Nga giết chết sau đó. Lại có trường hợp hai thanh niên bị quân Nga xẻo mất lỗ tai trước khi đem đi chôn sống. Người dân trong vùng đã tìm cách đánh dấu vị trí hai thanh niên bị giết hại. Quân Nga mở cuộc điều tra lùng bắt người đã đánh dấu. Vài ngày sau đó dân chúng thấy nổi lên trên sông một xác người đầu bị trùm trong bao bố. Biết bao những chuyện khốn nạn không thể tưởng tượng nổi có thể xảy ra trong thời đại này, đã xảy ra tại thành phố này. Putin đã muốn thiết lập một tầng đầu địa ngục ở thành phố của chúng tôi,” Marchenko nói.

5. Điện Cẩm Linh đã bác bỏ những cáo buộc rằng lực lượng Nga đã thực hiện tội ác chiến tranh ở tỉnh Kharkiv.

Khoảng 450 thi thể, trong đó Ukraine nói là của dân thường, đã được tìm thấy trong các ngôi mộ tập thể gần Izium sau khi quân đội Nga vào tháng này buộc phải rời khỏi khu vực Kharkiv, phần lớn các thành phố này đã bị Nga chiếm đóng kể từ những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược Ukraine mà họ vẫn thường rêu rao là một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết các nhà điều tra tại địa điểm này đã tìm thấy bằng chứng tra tấn, bao gồm các thi thể bị trói tay, và cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh.

Được hỏi hôm thứ Hai về những tuyên bố của Zelenskiy, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Đó là kịch bản giống như ở Bucha. Đó là một lời nói dối, và tất nhiên chúng tôi sẽ bảo vệ sự thật liên quan đến câu chuyện này”.

Trước đó, Nga đã bác bỏ cáo buộc rằng quân đội của họ đã phạm tội ác chiến tranh ở Bucha, ngoại ô Kyiv, sau khi bằng chứng về việc thường dân bị giết trong khi thị trấn do quân đội Nga kiểm soát được đưa ra ánh sáng sau khi Nga rút quân vào cuối tháng Ba.

Tuần trước, Zelenskiy cáo buộc Nga “bỏ mặc cái chết ở khắp mọi nơi”. Các phóng viên của hãng tin Reuters cho biết, các nhà điều tra Ukraine đã bắt đầu đào xác vào thứ Sáu tuần trước trong khuôn khổ cuộc khai quật hàng loạt tại địa điểm này, các phóng viên của hãng tin Reuters cho biết đã chứng kiến tận mắt 20 thi thể, trong đó nhiều người bị trói bằng dây quanh cổ và tay.