1. Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị Dòng OMI

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tu sĩ Dòng Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm tăng cường cuộc sống hiệp thông để có thể đáp ứng ơn gọi làm thừa sai hy vọng.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng ngày 03 tháng Mười vừa qua, dành cho Tổng tu nghị thứ 14 của dòng đang tiến hành tại Trung tâm Nemi của dòng Ngôi Lời, cách Roma 35 cây số, từ ngày 14 tháng Chín đến ngày 14 tháng Mười tới đây, với chủ đề: “Những người lữ hành hy vọng trong tình hiệp thông”. Dòng Hiến sinh thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm, gọi tắt là OMI, do thánh Eugène de Mazenod, người Pháp sáng lập và hiện có khoảng 3.800 tu sĩ hoạt động tại 67 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi tinh thần truyền giáo của dòng và ngài nhận định rằng: “Là những thừa sai của niềm hy vọng có nghĩa là biết đọc những dấu chỉ sự hiện diện của hy vọng ẩn náu trong đời sống thường nhật của dân chúng. Học nhận ra hy vọng nơi những người nghèo mà anh em được sai tới. Họ thường tìm thấy hy vọng trong những tình trạng khó khăn nhất. Để cho mình được những người nghèo loan báo Tin mừng: họ dạy anh em con đường hy vọng, cho Giáo hội và thế giới”.

Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Nếu anh em muốn là những thừa sai hy vọng trong tình hiệp thông thì cần nhớ rằng tình hiệp thông ngày nay là một thách đố mà tương lai của thế giới, của Giáo hội và đời sống thánh hiến tùy thuộc. Để là những thừa sai hiệp thông thì cần sống hiệp thông trước tiên giữa chúng ta, trong các cộng đoàn chúng ta và trong các tương quan với nhau, đồng thời vun trồng tình hiệp thông với tất cả mọi người, không trừ một ai... Tôi nhắn nhủ anh em hãy trở thành những người thăng tiến tình hiệp thông qua những biểu hiệu của tình liên đới, sự gần gũi, tinh thần đồng hành và huynh đệ với tất cả mọi người. Ước gì người Samaritano nhân lành trong Tin mừng là mẫu gương và khích lệ cho anh em trở nên những người thân cận của mọi người, với tình yêu thương và dịu dàng đã thúc đẩy họ chăm sóc người bị cướp bóc và bị đả thương” (Xc Lc 10,29-37).

2. Ngoại trưởng Tòa Thánh gặp Ngoại trưởng Tây Ban Nha

Hôm 03 tháng Mười vừa qua, Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, đã gặp gỡ và trao đổi, tại Vatican, với Ngoại trưởng Tây Ban Nha, ông José Manuel Albares.

Trong cuộc hội kiến, hai vị đã bàn về cuộc tấn công của Nga chống Ukraine, vai trò của Liên hiệp Âu châu và tầm quan trọng của sự đa phương và chương trình xã hội và chính trị tại Mỹ châu Latinh.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng giải thích các biện pháp được Liên hiệp Âu châu đề ra chống chế độ của Tổng thống Vladimir Putin, như câu trả lời cho cuộc xâm lăng bất hợp pháp và bất công tại Ukraine, cho đến nay đã có bảy loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại của Nga, những biện pháp lớn nhất từ trước đến nay. Ngoại trưởng Albares cũng nhắc lại sự lên án đồng loạt của 27 nước thuộc Liên hiệp Âu châu chống lại cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức để sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine vào Liên bang Nga. Ngoài ra, Liên hiệp cũng cung cấp 38 triệu Euro viện trợ cho Ukraine và các nước lân cận, việc đón nhận các công dân Ukraine đã phải rời bỏ quê hương từ đầu cuộc xung đột đến nay, cũng như việc cung cấp các võ khí và quân trang quân dụng cho Ukraine để bảo vệ đất nước của họ.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha nêu bật sự hiệp nhất và gắn bó của Âu châu cũng như nhiệm kỳ làm chủ tịch theo lượt mà Tây Ban Nha sẽ đảm trách từ nửa sau của năm tới, 2023, trong đó Tây Ban Nha sẽ nỗ lực để các tổ chức Âu châu trở nên gần gũi hơn với các công dân, và dành ưu tiên cho vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh lương thực và các mục tiêu khác.

3. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Ukraine sẽ giảm 35% khi nước này đối phó với cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga.

AFP đưa tin rằng: Tổ chức tài chính quốc tế mô tả nền kinh tế Ukraine “bị tổn thương do bị phá hủy năng lực sản xuất, thiệt hại về đất nông nghiệp và nguồn cung lao động giảm” trong một bản cập nhật kinh tế cho Âu Châu và Trung Á.

Ngân hàng Thế giới cũng ước tính rằng hơn 14 triệu người đã phải di dời do chiến tranh, với các nỗ lực phục hồi và xây dựng lại có thể lên đến 349 tỷ Mỹ Kim, gấp 1,5 lần quy mô nền kinh tế Ukraine trước chiến tranh.

Mỹ đã viện trợ thêm 12,3 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine vào tuần trước để giúp đất nước bị chiến tranh tàn phá trong cuộc chiến chống lại Nga