1. Thông điệp của Kirill trong ngày sinh nhật thứ 70 của Putin gây ngỡ ngàng

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Vladimir Putin, người đã gây ra cuộc xâm lược Ukraine khiến cho hàng chục ngàn người Nga phải tử trận, kinh tế của Nga lao đao, Thượng Phụ Kirill đã tuyên bố với người đứng đầu Điện Cẩm Linh: “Chúa đã đặt ngài lên nắm quyền để ngài có thể thực hiện một công việc có tầm quan trọng đặc biệt và trách nhiệm lớn lao đối với vận mệnh của đất nước và nhân dân được Chúa giao cho ngài chăm sóc”.

Cha Ioann Burdin của Nhà thờ Phục sinh ở vùng Kostroma phía tây của Nga đã bị giam giữ và sắp phải ra tòa vì bị cáo buộc làm mất uy tín của lực lượng quân đội Nga, đã nhận xét cay đắng rằng “Ngài Kirill lại bán đứng Chúa, bất kể đang trong tình trạng nguy ngập vì coronavirus.”

Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga cho biết, tình trạng của Thượng Phụ Kirill không cải thiện bao nhiêu sau khi bị nhiễm coronavirus vào ngày 30 tháng 9 vừa qua.

Thượng phụ Kirill không thể thực hiện các chuyến thăm tới nhà thờ chính tòa Thánh Sergiô của Trinity Lavra và Tu viện Donskoy theo kế hoạch vào ngày 8 tháng 10 và ngày 9 tháng 10. Ngài vẫn mệt nhọc và vẫn có kết quả xét nghiệm coronavirus dương tính, Vladimir Legoyda, người đứng đầu dịch vụ báo chí của Tòa Thượng Phụ, nói với các phóng viên vào hôm thứ Năm 6 tháng 10.

Thượng phụ Kirill đã ccó kế hoạch chủ sự các buổi lễ nhà thờ vào những ngày tưởng nhớ Thánh Sergiô của Radonezh và Thánh Tikhon, Thượng phụ của Mạc Tư Khoa và Toàn nước Nga.

Là nhà lãnh đạo của Chính thống Nga từ năm 2009, Thượng phụ Kirill là người ủng hộ trung thành các chính sách của Tổng thống Vladimir Putin.

https://www.ansa.it/sito/notizie/mondo/2022/10/07/kirill-per-70-anni-di-putin-dio-ti-ha-dato-il-potere_6b285bdb-97bc-40e7- b044-ab1233349a70.html

2. Đức Thánh Cha Phanxicô thương tiếc 23 trẻ em và một số người lớn thiệt mạng trong vụ tấn công nhà trẻ ở Thái Lan

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự đau buồn và thương tiếc sâu sắc trước tin tức về một vụ thảm sát tại một trung tâm chăm sóc ban ngày ở Thái Lan khiến ít nhất 34 người thiệt mạng - trong đó có 23 trẻ em.

Trong một bức điện do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký, Đức Giáo Hoàng đã gửi lời chia buồn chân thành.

“Vô cùng đau buồn khi biết về vụ tấn công kinh hoàng xảy ra tại một trung tâm chăm sóc trẻ em ở Uthai Sawan, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn chân thành và bảo đảm về sự gần gũi thiêng liêng của ngài đối với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành động bạo lực khôn lường này đối với trẻ em vô tội.”

Đức Giáo Hoàng cầu nguyện rằng các gia đình đau buồn và tất cả những người bị thương sẽ nhận được sự hỗ trợ từ những người hàng xóm của họ và kết luận thông điệp của ngài với “lời chúc bình an và sự kiên trì trong mọi điều tốt đẹp.”

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, vụ thảm sát do một người đàn ông duy nhất, trang bị súng và dao, gây ra vào ngày 6 tháng 10 tại thị trấn Uthai Sawan, cách thủ đô Bangkok khoảng 310 dặm về phía đông bắc.

Các nhà chức trách xác định người đàn ông này là một cựu cảnh sát, dường như đang phải hầu tòa với tội danh ma túy. Động cơ của y vẫn là chủ đề của cuộc điều tra cảnh sát đang tiếp tục. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, thủ phạm ban đầu đã đi đón con mình sau khi hầu tòa vào đầu ngày. Khi không tìm thấy con mình ở đó, anh ta bắt đầu cuộc tấn công.

Theo báo cáo của BBC News, chỉ có một đứa trẻ duy nhất sống sót sau cuộc thảm sát.

Kẻ tấn công 34 tuổi sau đó trở về nhà, giết vợ và con riêng trước khi tự sát.

Vụ thảm sát được hiểu là một trong những vụ thảm sát liên quan đến trẻ em tồi tệ nhất trong lịch sử.

3. Đức Hồng Y Müller cảnh giác nguy cơ tự tử tập thể của nhân loại

Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, cảnh giác về trào lưu văn hóa và nhân loại học theo chủ thuyết hư vô, có thể dẫn nhân loại đến chỗ tự hủy diệt tập thể.

Đức Hồng Y bày tỏ lập trường trên đây, hôm 30 tháng Chín vừa qua, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 14 về gia đình, tiến hành tại thủ đô Mêhicô, từ ngày 30 tháng Chín đến ngày 02 tháng Mười vừa qua. Bài thuyết trình của Đức Hồng Y Müller bằng tiếng Tây Ban Nha được bí thư của ngài tuyên đọc và phổ biến trên mạng của hội nghị. Đức Hồng Y giải thích rằng: “Chủ thuyết hư vô là một cảm thức của thời đại mới, theo đó Thiên Chúa đã chết, như triết gia Hegel đã viết, nó có thể dẫn đến cảm tượng “chẳng có gì là xấu trong hữu thể người và mọi sự con người thích đều là điều được phép, nếu chúng ta tin nơi sự hợp lý nhân hậu của thần linh đối với tất cả những gì hiện hữu trong công trình sáng tạo của Ngài”.

Đức Hồng Y Müller cảnh giác chống chủ thuyết hư vô về nhân loại học, tỏ ra thù nghịch đối với sự sống, vì thế họ khuyến khích việc phá thai như một nhân quyền và chủ trương “Euthanasia”, giết người vì lòng thương xót, đối với những người “cạn kiệt” hoặc không còn hữu ích nữa.

Chủ thuyết này cũng đặt lại vấn đề hôn nhân giữa người nam và người nữ, và coi đây chỉ là một trong những hình thái khác nhau của sự vui hưởng tình dục.

Trong lãnh vực này, Đức Hồng Y Müller cũng nói đến ý thức hệ Gender về giống, phân biệt giả tạo giữa phái tính sinh lý và gender như một kết quả của văn hóa xã hội. Ngài nói: “Ngoài sự kiện chứng minh được về sinh lý, theo đó một sự đổi phái tính thực sự là điều không thể được, sự tưởng tượng tự do chọn lựa giống (gender) là một sự chối bỏ ý muốn của Thiên Chúa đối với con người chúng ta. Mỗi người hiện hữu trong bản tính thân thể của mình, như người nam hoặc người nữ”.

Ngoài ra, “chủ thuyết hư vô về nhân loại học trở nên thực sự nguy hiểm đối với Giáo hội, khi mà cả những nhà thần học, ở vị trí quan trọng, không còn chấp nhận sự kiện có một không hai về lịch sử và mạc khải không thể bỏ qua của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Trái lại, họ thỏa hiệp sai trái với chủ thuyết hậu nhân bản, chỉ với mục đích làm cho Giáo hội được sinh tồn như một tổ chức xã hội, trong một thế giới tân tiến không có Thiên Chúa. Đối với thứ thần học không có Thiên Chúa này, công trình sáng tạo và giao ước, sự nhập thể và hy tế của Chúa Giêsu trên thánh giá cũng như sự sống lại của thân xác Chúa, chỉ được coi như những biểu tượng hiện sinh có tính chất huyền thoại”.

Và Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng: “Niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô vượt thắng thứ văn hóa chết chóc và chủ thuyết hư vô nhân loại học. Đức tin mở cho chúng ta vào một nền văn hóa sự sống trong tình thương của Chúa Ba Ngôi, vì chúng ta được giải thoát khỏi nô lệ những gì chóng qua để được tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa”.

4. Công bố chương trình Đức Thánh Cha viếng thăm Bahrain

Ngày 06 tháng Mười vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại tiểu quốc Bahrain, từ ngày 03 đến ngày 06 tháng Mười Một tới đây, nhân dịp “Diễn đàn Bahrain đối thoại: Đông và Tây phương cho cuộc sống chung của nhân loại”.

Đức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 9 giờ 30 sáng thứ Năm, ngày 03 tháng Mười Một và tới Căn cứ không quân Sakhir ở Awali lúc 4 giờ 45 phút chiều giờ địa phương.

Sau nghi thức đón tiếp tại sân bay, Đức Thánh Cha sẽ đến viếng thăm Quốc Vương tại Hoàng cung lúc 5 giờ 30 rồi gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn lúc 6 giờ 30.

Sáng thứ Sáu, ngày 04 tháng Mười Một, lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha sẽ tham dự buổi bế mạc Diễn đàn Bahrain ở khu vực Hoàng cung, nơi Quảng trường Al-Fida.

Ban chiều lúc 4 giờ cùng ngày, tại nơi ngài cư ngụ, thuộc hoàng cung, Đức Thánh Cha sẽ gặp riêng Đại Imam của Đền thờ Al-Azhar ở Cairo, Ai Cập. Tiếp đến, ngài gặp các thành viên Hội đồng Trưởng Lão Hồi giáo tại Đền thờ Hồi giáo Hoàng cung Sakhir lúc 4 giờ 30.

Hoạt động của Đức Thánh Cha kết thúc với buổi gặp gỡ đại kết và cầu nguyện cho hòa bình tại nhà thờ Chính tòa Đức Bà Arabia, lúc 5 giờ 45 phút.

Thứ Bảy, ngày 05 tháng Mười Một, lúc 8 giờ 30 sáng, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ tại Sân vận động Quốc gia Bahrain, và 5 giờ chiều cùng ngày, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ tại Trường Thánh Tâm.

Chúa nhật, 06 tháng Mười Một, lúc 9 giờ 30 sáng, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi cầu nguyện và đọc kinh Truyền tin với các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại nhà thờ Thánh Tâm ở thủ đô Manama của Bahrain.

Sau đó lúc 12 giờ 30 trưa, có nghi thức tiễn biệt tại Căn cứ không quân Sakhir, trước khi Đức Thánh Cha rời nước này, dự kiến sẽ về đến phi trường Ciampino lúc 5 giờ chiều cùng ngày Chúa nhật.

Ngoài chương trình trên đây, Phòng Báo chí Tòa Thánh cũng công bố khẩu hiệu và huy hiệu chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Khẩu hiệu rút từ lời các thiên thần hát trong đêm Chúa Giáng Sinh: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Còn huy hiệu là quốc kỳ Bahrain màu trắng và đỏ, và quốc kỳ Vatican màu vàng và trắng, được diễn tả như hai bàn tay mở ra hướng về Thiên Chúa, tượng trưng sự dấn thân của các dân nước gặp gỡ nhau trong tinh thần cởi mở, không chút thiên kiến, như anh chị em với nhau. Kết quả cuộc gặp gỡ huynh đệ là hồng ân hòa bình, được diễn tả qua cành ôliu ở giữa hai bàn tay.

Bên dưới đó có chữ Đức Giáo Hoàng Phanxicô màu xanh dương, ngụ ý cuộc tông du của Đức Thánh Cha được phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, được tôn kính với tước hiệu Đức Bà Arabia, cùng tên với nhà thờ Chính tòa nước này. Dưới đó là hàng chữ Vương Quốc Bahrain, từ ngày 03 đến ngày 06 tháng Mười Một năm 2022.