1. Thánh tích trở lại nhà thờ sau 500 năm sau

Tờ Times đưa tin, Nhà thờ Lichfield ở Vương quốc Anh đang chuẩn bị đón một di tích đặc biệt quan trọng trở lại sau 500 năm lưu lạc. Nhật báo Anh kể lại câu chuyện bắt đầu từ cuộc đời của Thánh Chad sinh năm 634 và qua đời năm 672, một tu sĩ đến từ vương quốc Northumbria ở Anh thời trung cổ. Cuộc đời của ngài được biết đến là nhờ vào biên niên sử nổi tiếng của Bậc Đáng Kính Bede.

Thánh Chad là viện trưởng của một số tu viện và sau đó cũng trở thành giám mục. Sau đó ngài qua đời ở Lichfield và ngay lập tức được dân chúng tôn vinh là một vị thánh. Thi thể của ngài được bảo quản trong một hòm bia bằng gỗ và sau đó được chuyển đến một hòm bia bằng kim loại được trang trí lộng lẫy.

Vào thời kỳ Cải cách nước Anh, Vua Henry VIII đã cử người của mình đi chiếm giữ các của cải của Giáo Hội, nhưng trước khi họ đến nhà thờ Lichfield, một giáo sĩ đã mang di tích của Thánh Chad trốn đi. Các di tích được cất giấu trong nhiều thế kỷ và cuối cùng bị chia cắt, một số phần được gửi đến Pháp và những phần khác được gửi đến nhà thờ Công Giáo Thánh Chad ở Birmingham.

Ngày 7 tháng 11, di tích của Thánh Chad đã được đưa trở lại trong một hòm bia bằng bạc mới tinh.


Source:Aleteia

2. Đức Thượng phụ Pizzaballa: Sau bầu cử, Israel vẫn như thường

Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa của Giáo Hội Công Giáo Latinh Jerusalem nhận định rằng kết quả cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Israel hầu như chưa có ảnh hưởng gì đáng kể đối với các tín hữu Kitô tại Thánh địa.

Với cuộc bầu cử mới đây, cựu Thủ tướng Netanyahu sẽ trở lại nắm chính quyền, liên minh với phe cực hữu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức, hôm ngày 07 tháng Mười Một vừa qua, Đức Thượng phụ Pizzaballa nói: tôi thấy sẽ không có thay đổi nào lớn. Kết quả cuộc bầu cử này sẽ không có ảnh hưởng đối với ngành du lịch và các hoạt động đón tiếp các tín hữu hành hương hoặc công việc của các nhóm xã hội và nhân quyền. Đời sống tiếp tục như mọi khi, trừ khi có điều gì lớn xảy ra như tại Iran hay Ucraina. Hiện nay vẫn còn quá sớm, chưa thể đưa ra những tuyên bố cụ thể về kết quả cuộc bầu cử, vì người ta vẫn chưa được biết về đội hình của chính phủ mới.

Tuy nhiên, Đức Thượng phụ tỏ ra bi quan về viễn tượng hòa bình giữa Israel và Palestine. “Từ nhiều năm nay không còn tiến trình hòa bình và cũng không còn những cuộc thương thảo giữa hai bên, và trong những năm tới đây chắc chắn là cũng chẳng có việc mở lại các cuộc thương thuyết.”

Trong khi đó, chính phủ Giordani cảnh giác Israel đừng thay đổi tại Núi Đền Thờ, nơi có Đền thờ Hồi giáo, và cổ thành Jerusalem. Báo chí Israel ra ngày 07 tháng Mười Một đưa tin: Giordani nói rằng mọi toan tính thay đổi nguyên trạng của Núi Đền thờ sẽ làm thương tổn vĩnh viễn quan hệ giữa Giordani và Israel”.

Lời cảnh giác này phản ánh quan tâm của Giordani trước sự thắng cử của lãnh tụ phe đối lập Benjamin Netanyahu, trong cuộc bầu cử quốc hội và có thể liên minh với đảng tôn giáo cực hữu theo chủ nghĩa Sion, để trở lại chính quyền. Từ lâu ông Itamar Ben-Gvir, thủ lãnh đảng này, vẫn chủ trương Israel phải nắm chủ quyền các nơi thánh, và đòi quyền cho người Do thái được cầu nguyện trên núi Đền thờ, nơi có Đền thờ của Hồi giáo được coi là nơi thánh thiêng đứng thứ ba của Hồi giáo, sau La Mecca và Medina.

Nếu đảng này liên minh với đảng của ông Netanyahu để lập chính phủ, thì ông Ben-Gvir đòi làm bộ trưởng an ninh, cơ quan có trách nhiệm duy trì an bình và trật tự tại các nơi thánh.

Ngay trước cuộc bầu cử quốc hội ngày 01 tháng Mười Một vừa qua, ông Netanyahu tuyên bố rằng ông sẽ không động chạm đến Thoả ước Nguyên Trạng, duy trì hiện trạng của các nơi thánh. Cho đến nay, Núi Đền thờ được mở ra cho những người không Hồi giáo được viếng thăm, nhưng không có quyền cầu nguyện tại nơi được dành cho người Hồi giáo.

Núi Đền thờ là nơi thánh quan trọng đối với người Do thái, Hồi giáo và Kitô. Trước khi bị người La Mã phá hủy hồi năm 70, nơi này là Đền thờ của người Do thái. Theo nhiều truyền thống Kinh thánh và tôn giáo, đây là nơi ông Adam và bà Eva được Chúa dựng nên, là nơi Abraham định sát tế Isaac, còn Hồi giáo tin rằng đây là nơi Ngôn sứ Mohammad lên trời.

Nhiều lần người Do thái đòi cầu nguyện tại Núi Đền thờ này, và những cuộc biểu tình bạo động phản đối của người Palestine và cuộc đàn áp của cảnh sát Israel là cho nhiều người chết và bị thương.

3. Đại hội thứ 35 của Hội đồng Giám mục Ấn Độ

Đại hội lần thứ 35 của Hội đồng Giám mục Ấn Độ đang tiến hành tại Đại học Y khoa thánh Gioan ở thành phố Bangalore, Nam Ấn, từ ngày 07 đến ngày 11 tháng Mười Một này, với sự tham dự của hơn 200 giám mục toàn quốc còn hoạt động và 64 giám mục về hưu thuộc 174 giáo phận.

Giáo Hội Công Giáo tại Ấn có ba nghi lễ: Latinh, Syro Malabar và Syro Malankara, mỗi nghỉ lễ có Hội đồng Giám mục riêng và cứ hai năm một lần các giám mục thuộc cả ba nghi lễ nhóm họp chung. Nhưng lần trước đây, đại hội đã không tiến hành được vì đại dịch Covid-19. Vì thế đây là khóa họp chung lần đầu tiên kể từ bốn năm nay, tính từ tháng Hai năm 2018.

Đại hội lần này thảo luận về đề tài: “Đồng hành tính: lời kêu gọi trở thành một Giáo hội đồng hành”. Do đề tài này, tại đại hội cũng có sự hiện diện của Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục.

Trong thời gian qua, tất cả các giáo phận ở Ấn Độ đã tham dự hành trình do Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu để việc chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới kỳ thứ 16 sẽ tiến hành vào tháng Mười năm tới, 2023, về đề tài: “Tiến tới một Giáo hội đồng hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”. Đức Thánh Cha đã kéo dài thêm Công nghị này với khóa thứ hai vào tháng Mười năm 2024. Tại các giáo phận có thảo luận về những cách thức mới để toàn thể dân Chúa can dự vào hành trình của Giáo hội. Trong những ngày qua, công cuộc chuẩn bị đã tiến sang giai đoạn đại lục và tài liệu làm việc cho giai đoạn này đã được Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục công bố.

Nhân Đại hội của các giám mục toàn Ấn Độ hiện nay, Đức Tổng Giám Mục Felix Machado, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ấn, đã phổ biến vài con số đáng chú ý, đó là hiện nay có khoảng 22 triệu tín hữu Công Giáo ở Ấn, với hơn 60.000 linh mục và tu huynh, 125.000 nữ tu. Giáo Hội Công Giáo tại nước này đảm trách 54.000 cơ sở giáo dục, phục vụ toàn dân Ấn, với 60 triệu học sinh các cấp, 20.000 bệnh viện và bệnh xá.

Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng giám mục giáo phận Mumbai, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ, trong cuộc họp báo chiều ngày 06 tháng Mười vừa qua, đã nói rằng “Đối thoại không phải là một chọn lựa tùy ý, nhưng là một nhu cầu đối với Giáo hội tại Ấn Độ. Giáo hội muốn là người xây dựng hòa bình và liên kết mọi người. Giáo hội gần gũi với những người di dân, các cộng đoàn những người LGBT, đồng tính luyến ái, lưỡng tính, đổi giống, những người ở ngoài lề xã hội, những người đã rời bỏ Giáo hội, người trẻ và phụ nữ. Trong bối cảnh đó, mỗi thành phần của Giáo hội được kêu gọi giữ một vai trò tích cực”.

Sáng thứ Hai, ngày 07 tháng Mười Một vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ khai mạc với các giám mục Ấn. Trong bài giảng, ngài mời gọi các giám mục hiệp với ý nguyện do Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị cho tháng Mười Một này, cầu cho các trẻ em đang chịu đau khổ vì chiến tranh. Ngoài ra, Đức Sứ thần trích dẫn thư thánh Phaolô gửi môn đệ Titô, như đọc trong phụng vụ, nhắc đến một số đức tính của giám mục, được kêu gọi hãy trở thành những người quản trị của Thiên Chúa, đáng tín nhiệm và không có gì đáng trách, hiếu khách, yêu chuộng lòng từ nhân, hữu lý, công chính, sùng mộ, tự chủ, có khả năng giữa lời hứa và trung thành với giáo huấn của Giáo hội”. Và Đức Sứ thần Tòa Thánh nhắc lại lời thánh Phaolô VI Giáo hoàng nói rằng: “Loan báo Tin mừng cho con người ngày nay là một việc phục vụ cộng đoàn Kitô và cho cả toàn thể nhân loại”.