Một cuộc khảo sát gần đây đối với các linh mục cho thấy sự mất lòng tin ngày càng tăng của các ngài đối với các giám mục và những lo ngại lớn rằng các linh mục sẽ không nhận được sự hỗ trợ nếu phải đối mặt với những cáo buộc sai trái về lạm dụng.

82% các linh mục trả lời một cuộc khảo sát do The Catholic Project, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, DC, thực hiện, cho biết họ luôn sống trong nỗi sợ hãi bị cáo buộc sai trái về lạm dụng tình dục.

Và chỉ có 51% linh mục giáo phận tin rằng giám mục của họ sẽ hỗ trợ họ trong quá trình điều tra lạm dụng, theo cuộc khảo sát được công bố vào tháng Mười. Trong khi đó, chỉ 36% tin rằng giáo phận của họ sẽ cung cấp các nguồn lực cần thiết để tự bảo vệ mình trong một cuộc điều tra pháp lý.

CNA đã thảo luận những kết quả khảo sát đó với các giám mục tham dự đại hội mùa thu của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ tại Baltimore vào đầu tháng này. Trong cuộc họp thường niên, các giám mục Hoa Kỳ đã đánh dấu kỷ niệm 20 năm các giao thức Hiến chương Dallas mà hội nghị đã thông qua vào năm 2002 để đáp lại các cáo buộc lạm dụng chống lại giáo sĩ.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco gọi những phát hiện của cuộc khảo sát là “rất đáng lo ngại”, đồng thời nói thêm rằng các giám mục phải “hỗ trợ các linh mục đang gặp khó khăn và rắc rối” và “có lòng trắc ẩn và kiên nhẫn với họ.”

Đức Cha Cordileone cho biết khả năng bị buộc tội kết thúc sự nghiệp ở một số vùng của đất nước thậm chí còn lớn hơn ở những vùng khác.

“Các linh mục đang chịu rất nhiều áp lực, và chúng ta cần đánh giá cao điều đó, đặc biệt là trong hoàn cảnh ở một số tiểu bang, như tiểu bang của chúng tôi, California, một lần nữa đã dỡ bỏ thời hiệu tố cáo. Bây giờ mọi người đều dễ bị buộc tội,” Đức Cha Cordileone nói.

Giám Mục Phụ Tá Robert Reed của Tổng giáo phận Boston bày tỏ sự đồng cảm với những lo lắng của các linh mục, nói rằng các linh mục sống với sự hiểu biết rằng họ “chỉ cần một lời buộc tội vu vơ là nghỉ hưu” và trong nhiều trường hợp, “nếu bạn bị buộc tội về điều gì đó, đó gần như sẽ kết thúc với một bản án oan sai”.

Sự thiếu tin tưởng của các linh mục vào giám mục bản quyền góp phần trực tiếp vào sự kiệt sức. Theo khảo sát của Dự án Công Giáo, các linh mục trẻ dường như đặc biệt dễ bị tổn thương, với 60% linh mục triều dưới 45 tuổi lên tiếng về tình trạng kiệt sức ở một mức độ nào đó.

Đức Cha Kevin Rhoades của Giáo phận Fort Wayne-South Bend, Indiana, nói với CNA rằng việc kết nối và giúp đỡ từng linh mục cảm thấy được hỗ trợ là một “thách thức đối với các giám mục”.

“Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng,” Đức Cha Rhoades nói, và nhấn mạnh thêm rằng ngài phải yêu cầu nhân viên của mình hỗ trợ thêm “để tôi có thời gian với các linh mục.”

Tuy nhiên, khi nói đến các cuộc điều tra lạm dụng tình dục, những thách thức đó càng được phóng đại hơn. “Bạn càng cố tỏ ra nhạy cảm với nạn nhân, hay những người được cho là nạn nhân, thì bạn càng phải ở đó với họ. Sau đó mới đến các linh mục,” Đức Cha Rhoades nói. “Vì vậy, đó là một điều thực sự rất khó giải quyết, nhưng chúng ta phải làm.”

Đối với Đức Cha Reed, giải pháp cho sự ngờ vực của các linh mục đối với các giám mục là “ít quản lý hơn, tiếp xúc cá nhân nhiều hơn”. Theo ý kiến của Đức Cha Reed, công việc của giám mục “phải có khía cạnh truyền giáo”. “Bạn biết đấy, một tách cà phê với một linh mục, cử hành thánh lễ buổi sáng, đi ăn tối, có thể ở lại nhà xứ, đại loại như thế.”

Đức Cha Reed thừa nhận rằng mặc dù một giám mục có thể làm việc chăm chỉ để cải thiện lòng tin với các linh mục của mình, nhưng “bạn thực sự không thể làm gì” trước thực tế một lần là chấm dứt cuộc đời linh mục trong các cáo buộc lạm dụng.

Đối với Đức Cha Cordileone, điều đó phụ thuộc vào vị linh mục được đề cập và thành tích của ngài. Đức Cha Cordileone nói rằng nếu “rõ ràng là anh ấy vô tội, và anh ấy là một mục tử được kính trọng suốt đời… thì giám mục của vị linh mục ấy phải chiến đấu để bảo vệ danh tiếng của vị linh mục… ngay cả khi vị Giám Mục sẽ phải gánh chịu những lời cay độc. Tôi nghĩ rằng đó là một điều có thể giúp xây dựng lại niềm tin với các linh mục.”
Source:Catholic News Agency