Một bức ảnh lớn của một em bé chưa chào đời đã được đặt bên ngoài văn phòng của thủ tướng Malta vào hôm Chúa Nhật khi những người biểu tình kêu gọi chính phủ hãy dừng kế hoạch sửa đổi luật chống phá thai nghiêm ngặt của đất nước.

Cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm đã thu hút hàng nghìn người bao gồm cả giám mục Công Giáo hàng đầu của Malta và lãnh đạo phe đối lập bảo thủ, và được lãnh đạo bởi một cựu tổng thống trung tả, Marie Louise Coleiro Preca.

Maria Formosa, sinh viên đại học 19 tuổi, một trong những diễn giả tại cuộc biểu tình, cho biết: “Chúng tôi ở đây để trở thành tiếng nói của thai nhi. Khi phá thai, sự sống luôn bị mất đi.”

Một số người có mặt mang theo những tấm bảng ghi những khẩu hiệu như “Hãy ngăn chặn việc phá thai ở Malta” và “Hãy bảo vệ con cái của chúng ta”. Họ cũng hô vang “Không phá thai, đồng ý với sự sống”.

Tuân giữ truyền thống Công Giáo, Malta là thành viên duy nhất của Liên minh Âu Châu cấm phá thai trong mọi trường hợp, ngay cả khi tính mạng hoặc sức khỏe của người phụ nữ bị đe dọa do mang thai.

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Chris Fearne đã trình bày một sửa đổi trước quốc hội, theo đó sẽ khiến các bác sĩ không còn phải đối mặt với nguy cơ bị phạt tù 4 năm nếu sự can thiệp của họ để giúp đỡ những phụ nữ có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng dẫn đến việc phá thai.

Cho đến nay, không có bác sĩ nào bị truy tố về tội danh này.

Phe đối lập trung hữu, Giáo Hội Công Giáo hùng mạnh và một số tổ chức phi chính phủ đã mô tả việc sửa đổi là không cần thiết và mở đường cho việc tự do hóa hoàn toàn việc phá thai. Đảng Lao động trung tả cầm quyền đã bác bỏ cáo buộc này.

Chính phủ của Thủ tướng Robert Abela chiếm đa số và không có bất đồng nào xuất hiện trong hàng ngũ của họ, nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số phản đối việc phá thai, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

Không ai trong chính phủ đưa ra bất kỳ bình luận nào để đáp lại cuộc biểu tình vào Chúa Nhật.

Động thái thay đổi các quy định về phá thai được đưa ra sau khi một du khách người Mỹ, Andrea Prudente, hồi tháng 6 bị từ chối yêu cầu chấm dứt thai kỳ không thể sống được sau khi cô bắt đầu ra máu nhiều.

Các bác sĩ của cô ấy nói rằng tính mạng của cô ấy đang gặp nguy hiểm và cuối cùng cô ấy đã được chuyển đến Tây Ban Nha để phá thai. Sau đó, cô đã kiện chính phủ Malta, kêu gọi tòa án tuyên bố rằng việc cấm phá thai trong mọi trường hợp là vi phạm nhân quyền.

Vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Source:Reuters