LM Nguyễn Trung Tây
Đức Mẹ Guadalupe và Đức Mẹ La Vang


Không ai có hình ảnh về thân mẫu của Đức Giêsu. Nhưng là một người Do Thái sinh sống tại Palestine của thế kỷ thứ nhất công nguyên, Đức Mẹ cũng mang trên người những nét đặc thù của phụ nữ vùng Trung Đông: tóc đen, da nâu, v.v.

Nhưng thật bất ngờ, năm 1531, Đức Mẹ hiện ra với thánh Juan Diego, một người thổ dân da đỏ Chichimec tại Guadalupe. Đức Mẹ quyết định lưu lại chính hình ảnh của mình trên vạt áo trước của thánh Juan. Đức Mẹ Guadalupe được linh họa trong nét của một người phụ nữ thổ dân da đỏ.

Năm 1798, tại Việt Nam, nhiều tín hữu Công Giáo thuộc vùng Quảng Trị trốn chạy vô rừng bởi những cuộc bách hại dưới thời vua Cảnh Thịnh. Trong một lần, trong khi họ đang tụ họp nhau đọc kinh cầu nguyện, Đức Mẹ La Vang hiện ra. Mẹ an ủi tín hữu Việt Nam, dạy họ lấy một loại lá uống chữa bệnh sơn lam chướng khí. Đức Mẹ La Vang được Giáo hội Việt Nam công nhận từ lâu. Một linh đài Đức Mẹ La Vang được dựng lên ngay tại cây đa nơi Đức Mẹ đã hiện ra với tín hữu Công Giáo thời đó. Gần đây, Giáo hội Việt Nam chuẩn y tượng Đức Mẹ La Vang mặc áo dài Việt Nam, đầu vấn khăn.

Trong tất cả những hình tượng Đức Mẹ xuất hiện trong Giáo Hội Công Giáo, duy nhất chỉ có hình ảnh Đức Mẹ Guadalupe là được chính Đức Mẹ linh họa để lại cho người tín hữu. Linh ảnh Đức Mẹ Guadalupe nguyên bản hiện nay vẫn còn được treo trên cung thánh của Vương Cung Thánh đường Guadalupe. Hình ảnh Đức Mẹ Lộ Đức và Đức Mẹ Fatima, được minh họa trong nét của một người phụ nữ Tây phương, thật sự ra đã được mô phỏng lại theo lời kể của những nhân chứng trong cuộc. Riêng Đức Mẹ La Vang đã được bối cảnh hóa trong nét văn hóa Việt Nam.

Dưới lăng kiếng đức tin, hình tượng Đức Mẹ Guadalupe trong nét phụ nữ thổ dân Chichimec khẳng định một điều, Thiên Chúa xác nhận thần học bối cảnh và giá trị của hội nhập văn hóa. Nói một cách khác, nếu Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể đã được bối cảnh trong văn hóa Do Thái, Mẹ Maria cũng được bối cảnh hóa để tín hữu địa phương cảm nhận được nét thân thuộc và gần gũi của Thiên Chúa trong bối cảnh địa phương của chính họ.