Khi Giáng Sinh đến gần, quảng trường Thánh Phêrô lại tràn ngập hơn một trăm cảnh Chúa Giáng Sinh! Một trăm hai mươi máng cỏ Giáng Sinh với đủ hình dạng, kích cỡ và chất liệu tô điểm cho hàng cột của Quảng trường trong phiên bản thứ năm của cuộc triển lãm hàng năm, “100 máng cỏ Giáng Sinh ở Vatican.”

Dưới đây là 10 trong số những gì tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, coi là những máng cỏ Giáng Sinh sáng tạo nhất.

Thứ nhất là máng cỏ Giáng Sinh tưởng nhớ 440 thiên thần từ Ukraine vào Giáng Sinh này

Ngay khi bước vào triển lãm, cảnh Chúa Giáng Sinh đầu tiên sẽ nhắc người xem về sự khủng khiếp của chiến tranh. Đặc điểm nổi bật nhất là một cây thông Giáng Sinh được đặt ngay cạnh máng cỏ. Trên cây có 440 thiên thần màu trắng tượng trưng cho số trẻ em đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine do Putin khởi xướng vào ngày 24 tháng 2. Các thiên thần là “motanka”, một loại búp bê truyền thống của Ukraine. Cảnh Chúa Giáng Sinh thực tế, do Đại sứ quán Ukraine tặng cho Tòa thánh, đã được vận chuyển từ Nhà thờ Thánh Nicholas quận Thaumaturge ở thủ đô Kyiv, cũng là một phần của Bảo tàng Kiến trúc Dân gian và Đời sống Quốc gia của Ukraine. Trên thực tế, khung cảnh có nhiều biểu tượng gợi lại cuộc sống nông nghiệp và dân gian của Ukraine.

Thứ hai là máng cỏ Giáng Sinh của người Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô Giáo

Cảnh Chúa Giáng Sinh độc đáo này sẽ đưa người xem vào cuộc hành trình qua các tín ngưỡng chính của Áp-ra-ham: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Một ánh sáng định kỳ chiếu sáng các phần khác nhau của tác phẩm, đại diện cho các thời điểm trong ngày, giúp người xem hiểu được những điểm tương đồng giữa ba tôn giáo này. Ở trung tâm của màn hình có Chúa Giêsu với Đức Maria và Thánh Giuse. Các yếu tố quan trọng khác được nêu bật là Áp-ra-ham và Y-sác, Môi-se, Mái vòm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và Mái vòm Đá tảng của đền thờ Hồi Giáo Núi Đền ở Giê-ru-sa-lem.

Thứ ba là máng cỏ Giáng Sinh có tên chặng tới là Bethlehem

ATAC, công ty vận tải công cộng của Rôma, lại gây ấn tượng trong năm nay với một cảnh Chúa Giáng Sinh khác theo chủ đề xe buýt. Trong khi người lái xe đang làm công việc của mình ở ghế trước thì Hài nhi Giêsu được sinh ra ở ghế sau. Chiếc xe buýt màu đỏ điển hình của Rome đã được biến thành Bethlehem, hoàn chỉnh với những bụi cây, những người chăn cừu và động vật của họ.

Thứ tư là máng cỏ Giáng Sinh kể câu chuyện về người đàn ông vô gia cư yêu thích cảnh Chúa Giáng Sinh

Ở phía cuối của hàng dài các máng cỏ Giáng Sinh, có một máng cỏ với một câu chuyện độc đáo. Nó được tạo ra bởi Gioacchino Rezza, một người nghiện rượu đang hồi phục và yêu thích việc làm máng cỏ Giáng Sinh từ khi còn nhỏ. Thông điệp được ghim bên cạnh tác phẩm của anh ấy giải thích rằng ở đỉnh điểm của cơn nghiện, anh ấy là người vô gia cư và sống ở quảng trường Thánh Phêrô. Rezza đã cai nghiện tại trung tâm cai nghiện Giacomo Cusmano cách Rôma không xa. Ở đó, anh ấy đã có thể khám phá lại niềm đam mê làm cảnh Chúa Giáng Sinh của mình. “Sau tất cả những gì tôi đã trải qua, sau khi ngủ ngay tại đây như một người vô gia cư, cảnh Chúa Giáng Sinh của tôi tại triển lãm 100 máng cỏ Chúa Giáng Sinh khiến tôi cảm thấy mình như được tái sinh,” thông điệp viết.

Thứ năm là máng cỏ Giáng Sinh Lính cứu hỏa Vatican bảo vệ Hài nhi Giêsu

Lính cứu hỏa của Quốc gia Thành phố Vatican không chỉ bảo vệ Đức Giáo Hoàng và các cư dân Vatican khác mà còn cả Chúa Hài đồng! Trong cảnh Chúa Giáng Sinh này, em bé nép mình vào phía sau chiếc xe tải mà họ dùng để chữa cháy và cứu mạng sống. Ba vua nhẹ nhàng tiếp cận chiếc xe với những món quà của họ.

Thứ sáu là máng cỏ Giáng Sinh Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Thánh Gia

Thông qua những cánh cửa mở của cảnh Chúa Giáng Sinh này, được bảo vệ cẩn mật bởi Vệ binh Thụy Sĩ, những người quan sát có thể lén nhìn vào một căn phòng của Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô đang quỳ gối cầu nguyện một cách chăm chú, cây gậy của ngài nằm bên cạnh. Trước mặt ngài là Đức Maria và Thánh Giuse đang bồng Hài Nhi Giêsu.

Thứ bẩy là máng cỏ Giáng Sinh Một cuộc sống mới sau bi kịch

Ngày 18 tháng Giêng 2017, một trận tuyết lở ở Rigopiano thuộc vùng Abruzzo (Italy) đã khiến 29 người thiệt mạng. Franca Petricca đã tạo ra cảnh Chúa Giáng Sinh phức tạp này từ những nhánh và rễ mà cô tìm thấy nằm rải rác sau trận tuyết lở. Máng cỏ Giáng Sinh của cô là biểu tượng của hy vọng và sự tái sinh sau bi kịch.

Thứ tám là máng cỏ Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng yêu ông bà!

Chăm sóc người già và mối quan hệ giữa ông bà và cháu của họ là những chủ đề trọng tâm trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cảnh Chúa Giáng Sinh này ghi lại điều đó một cách hoàn hảo với bàn tay của Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình dang rộng trên một người ông và hai đứa cháu của ông, những người đang quây quần quanh một cảnh Chúa Giáng Sinh nhỏ nhưng ấm cúng.

Thứ chín là máng cỏ Giáng Sinh Khải Huyền

Thập giá của Chúa Kitô tỏa ánh sáng trên Thánh Gia, những người được bao quanh bởi nước, sa mạc khô cằn và bầu trời sấm sét. Giữa thiên nhiên khải huyền dường như đã bao trùm thế giới, Chúa Giêsu đắc thắng ở trung tâm của cảnh Chúa Giáng Sinh, khi Đức Maria, Thánh Giuse, các nhà thông thái và muông thú vây quanh ngài.

Thứ mười là máng cỏ Giáng Sinh Hy vọng giữa xung đột

Triển lãm bắt đầu bằng lời nhắc nhở về sự khủng khiếp của cuộc chiến ở Ukraine và kết thúc bằng máng cỏ Giáng Sinh tượng trưng cho thông điệp hy vọng giữa cuộc xung đột. Một cảnh Chúa Giáng Sinh nhỏ được đặt bên trong một miếng trái cây, được đặt trên một cây cọ màu vàng và xanh đang mở. Thánh Gia được an toàn bên trong một nhà thờ đã bị phá hủy một nửa, khi những người lính đứng gác bên ngoài và những đứa trẻ chứng kiến sự ra đời của Chúa Giêsu Hài đồng và một ánh sáng xanh tỏa khắp hiện trường. Trong một bức tranh khác, do một nữ tu người Ukraine thực hiện, cảnh Chúa Giáng Sinh được trưng bày bên trong nhà máy thép Azovstal, nơi bị quân đội Nga bao vây suốt vài tháng trong chiến tranh. Nữ tu muốn “thông báo với thế giới rằng Chúa Giêsu trẻ tuổi cũng được sinh ra ở Ukraine, nơi chịu đựng bạo lực của chiến tranh.”


Source:Aleteia