Cha Oleksandr Bogomaz, một linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, ở Melitopol, điều đó với SIR, cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Italia rằng ngài đã bị bắt bằng vũ lực, thẩm vấn trong ba giờ và bị đe dọa. Rồi sau khi đọc xong “bản án” kết tội hài hước, ngài bị đuổi ra khỏi thành phố: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết nhưng tôi rất sợ. Có một người đàn ông đã mắng mỏ tôi rất nhiều, anh ta mắng tôi và nói đủ thứ điều ghê tởm, thậm chí anh ta còn dọa bắn tôi. Tôi không có hận thù hay cảm xúc tiêu cực đối với họ. Tôi thậm chí không muốn nghĩ về điều đó. Tôi không muốn nuôi dưỡng cái ác trong lòng mình”

“Tôi không bị bạo lực thể xác, tôi không bị rụng một sợi tóc nào trên đầu. Nhưng đó là một phép lạ vĩ đại mà tôi không giải thích được lý do”. Thành phố Melitopol được gọi là “cửa ngõ vào Crimea” do vị trí của nó nằm ở ngã tư của hai đường cao tốc chính và một tuyến đường sắt quan trọng nối Nga với bán đảo và các vùng lãnh thổ khác mà Nga xâm lược ở miền nam Ukraine.

Melitopol là một lãnh thổ chiến lược mà các lực lượng Ukraine đang cố gắng giành lại cùng với toàn bộ khu vực Zaporizhzhia, và cả vùng Kherson gần đó.

Cha Oleksandr Bogomaz nói: “Tôi đã thi hành sứ vụ của mình tại thành phố Melitopol từ năm 2016. Trong ba năm, tôi đã giúp chăm sóc mục vụ tại giáo xứ Chúa Giáng Sinh của Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh, và sau đó trong ba năm rưỡi, tôi là cha sở giáo xứ.”

“Tôi bị bắt vào ngày 1 tháng 12. Đây là lần thứ bảy đại diện của các dịch vụ đặc biệt của Nga đến khám xét nhà tôi. Tôi hỏi họ là ai, nhưng họ không tự giới thiệu. Có cuộc lục soát trong nhà, mọi thứ đảo lộn. Họ cũng lấy đi xe buýt của chúng tôi.”

Phóng viên của SIR hỏi ngài: “Thưa cha, cha có bị bắt không?”.

“Tôi không bị giam giữ, tôi chỉ được các đặc vụ Nga này bảo rằng ở vùng Zaporizhzhia do Liên bang Nga kiểm soát, Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và Giáo Hội Công Giáo Rôma, hiện đã bị cấm. Tôi bị cưỡng bức đưa đến trạm kiểm soát áp chót, gần Vasylivka, rồi đi bộ băng qua ranh giới. Quân đội và cảnh sát Ukraine, theo yêu cầu của tôi, đã đưa tôi đến Zaporizhzhia.”

“Thưa cha, vì những lý do gì mà cha bị đuổi khỏi Melitopol?”

“Bản án đã được đọc cho tôi tại trạm kiểm soát áp chót, do quân đội Nga kiểm soát, gần Vasylivka. Có một lá cờ của Liên bang Nga. Tôi được yêu cầu ngồi cạnh lá cờ này và quyết định đã được đọc cho tôi nghe.”

Tên chính thức của quá trình này là 'vydvoreniie' trong tiếng Nga có nghĩa là 'dứt phép thông công', 'vì kích động thù hận chủng tộc, kích động thù hận liên tôn, cản trở các hoạt động dịch vụ xã hội và là người nguy hiểm cho xã hội'. Đây ít nhiều là cách các cáo buộc chống lại tôi được hình thành và vì lý do đó mà tôi bị 'trục xuất'.

Tôi cũng được cho biết rằng quyết định không phải do những người cụ thể đã đưa tôi đi, mà do ban quản lý cấp cao hơn, tức là các cơ quan có thẩm quyền cao hơn.

“Thưa cha, cha có sợ chết không?”

“Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này. Tôi đã hoảng sợ. Có một người đàn ông ở Vasylivka, tôi nghĩ anh ta đến từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga, anh ta mắng tôi rất nhiều, mắng tôi, nói đủ thứ điều ghê tởm, dọa bắn tôi. Nhưng tôi nhận ra chúng chỉ là những lời đe dọa. Họ gây rất nhiều áp lực tâm lý cho tôi. Tôi đã bị thẩm vấn trong ba giờ. Họ hỏi tôi có phải là thành viên của 'Hiệp sĩ Columbus' không. Nhiều thứ… bây giờ tôi không nhớ hết được. Nhưng tôi biết điều gì đã cho tôi sức mạnh trong suốt 9 tháng xâm lược. Bí tích Thánh Thể, cử hành phụng vụ hàng ngày, đọc Sách Thánh hàng ngày, suy niệm và cầu nguyện, ít nhất ba lần một ngày, lần hạt Mân Côi. Đây là những gì đã cứu tôi.

“Thưa cha, cha có cảm thấy căm ghét những người đã bắt cha không?”

“Khi tôi bị bắt đi, tôi đã cầu nguyện cho bốn người lính Nga đã đưa tôi đi. Tương tự như vậy, khi tôi đi về phía Zaporizhzhya, tôi đã cầu nguyện cho những người đó, xin Chúa cho họ được ơn hoán cải.”

“Tôi không có hận thù hay cảm xúc tiêu cực đối với họ. Tôi thậm chí không muốn nghĩ về nó. Tôi không muốn nuôi ác trong lòng.”

“Thưa cha, tại sao, bất chấp cuộc xâm lược của Nga đang diễn ra, cha lại quyết định ở lại thành phố đó?”

“Cũng trong các cuộc thẩm vấn, tôi được người Nga hỏi tại sao tôi quyết định ở lại. Tôi ở lại vì có rất nhiều người của chúng tôi ở đó, con cái của chúng tôi, những người trẻ tuổi, có những gia đình và những người chúng tôi chăm sóc, những người chúng tôi giúp đỡ. Có những người hiện đang sống dưới sự xâm lược và đang gặp rất nhiều khó khăn. Và Giáo hội, với việc cử hành Phụng vụ, với Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội, là điều ban sức mạnh và gắn kết mọi người lại với nhau. Tôi được kể rằng khi mọi người nghe tin tôi bị bắt đi, họ đã khóc rất nhiều. Họ cũng làm như vậy với Cha Petro Krenytskyi. Thật là một mất mát lớn nếu không có Phụng Vụ Thánh.”

“Thưa cha, hai linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ Berdyansk, trong khu vực Donetsk, là Cha Ivan Levitskyi và Cha Bohdan Heleta, đã bị bắt. Cha nghĩ tình trạng các ngài bây giờ ra sao?”

“Tôi không biết tình trạng các ngài hiện nay ra sao, nhưng theo những gì tôi đã kinh qua, tôi cảm thấy không lạc quan. Tại sao Thiên Chúa cứu tôi. Tôi biết tôi không xứng đáng, tôi không xứng đáng với điều này. Tôi tin rằng tất cả những điều này yêu cầu tôi sử dụng thời gian này một cách hiệu quả mà Chúa là Thiên Chúa đã ban cho tôi. Đối với các Cha Ivan và Bohdan, tôi cầu nguyện cho các ngài”.

“Thưa cha, điều gì đã thay đổi trong cuộc sống của cha sau những gì cha đã trải qua?”

“Tôi vẫn còn trong trạng thái sợ hãi, mặc dù đã 13 ngày trôi qua. Tôi đang bị căng thẳng. Tôi vẫn chưa thể bình tâm, chưa tìm được chỗ đứng cho mình. Tôi thường nghĩ về điều đó. Suy nghĩ đến với tâm trí. Tôi có một giáo xứ, tôi có người dân, cộng đồng. Bây giờ tôi bị đày ải, tôi không có nơi nào để gối đầu. Tôi đã và đang đến thăm các gia đình tị nạn ở các thành phố của Ukraine. Họ là những cuộc gặp gỡ sâu sắc. Tôi không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Tôi biết rằng bây giờ cần phải hỗ trợ những gia đình đã rời Melitopol. Chúng tôi mơ ước có thể quay lại với nhau.”

“Thưa Cha Oleksandr, theo cha hòa bình là gì sau những gì cha đã trải qua?”

“Hòa bình là gì? Bình an là khi có Chúa trong lòng. Và nếu tôi yêu Chúa, tôi không thể làm điều ác. Rồi sẽ có hòa bình.”

“Bình an cũng là có thể bước ra khỏi vùng an toàn của mình để gặp một người đang cần. Giống như người Samaritanô tốt bụng đã làm, hãy chìa tay ra, cho người đó sự tự do và yêu thương họ bất kể quyết định của họ là gì. Và chờ đợi người kia cũng làm như vậy, gặp bạn và yêu bạn như chính con người bạn. Đây là hòa bình”.
Source:SIR