Lúc 12g trưa ngày Lễ Giáng Sinh 25/12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Từ bao lơn chính giữa đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đọc sứ điệp Urbi et Orbi, gởi dân thành Rôma và Thế giới.

Mở đầu sứ điệp Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em ở Rôma và trên toàn thế giới thân mến, Chúc Mừng Giáng Sinh!

Xin Chúa Giêsu, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, mang đến cho tất cả anh chị em tình yêu Thiên Chúa, suối nguồn cậy trông và hy vọng, cùng với hồng ân bình an đã được các thiên thần loan báo cho các mục đồng Bêlem: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2:14).

Vào ngày lễ này, chúng ta hãy hướng ánh nhìn về Bêlem. Chúa đến thế gian trong chuồng gia súc và được đặt nằm trong máng cỏ dành cho súc vật vì cha mẹ Người không tìm được chỗ trong quán trọ, khi Đức Maria đã đến ngày sinh nở. Ngài đến giữa chúng ta trong thinh lặng và trong đêm tối mịt mù vì Lời Chúa không cần ánh đèn sân khấu hay tiếng nói ồn ào của con người. Chính Người là Ngôi Lời mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; Người là Ánh Sáng soi đường ta đi. Tin Mừng cho chúng ta biết “Ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến thế gian” (Gioan 1:9).

Chúa Giêsu sinh ra ở giữa chúng ta; Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đến để đồng hành với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, để chia sẻ với chúng ta mọi sự: niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và sợ hãi của chúng ta. Ngài đến như một đứa trẻ bơ vơ. Ngài sinh ra trong đêm lạnh giá, nghèo nàn giữa những người nghèo. Cần mọi sự, Người gõ cửa trái tim ta để tìm hơi ấm và nơi nương tựa.

Giống như những người chăn cừu ở Bêlem, được bao quanh bởi ánh sáng, chúng ta có thể lên đường để xem dấu chỉ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Cầu mong chúng ta khắc phục được tình trạng uể oải tâm linh và ánh hào quang hời hợt của ngày lễ khiến chúng ta quên mất Đấng mà chúng ta đang cử hành sinh nhật của Ngài. Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng những màu sắc và sự ồn ào làm chết tâm hồn chúng ta là những điều khiến chúng ta dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị những đồ trang trí và những lễ vật hơn là suy ngẫm về biến cố trọng đại: Con Thiên Chúa đã sinh ra cho chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hướng mắt về Bêlem và lắng nghe tiếng kêu yếu ớt đầu tiên của Hoàng Tử Hòa Bình, vì Chúa Giêsu thực sự là hòa bình của chúng ta: hòa bình mà thế gian không thể ban cho, hòa bình mà Thiên Chúa Cha đã ban cho nhân loại bằng cách sai Con của Ngài đến thế gian. Thánh Leo Cả đã tóm tắt thông điệp của ngày hôm nay trong một câu tiếng Latinh ngắn gọn: Natalis Domini, natalis est pacis: “Chúa giáng sinh là sự giáng thế của hòa bình” (Serm. 26, 5).

Chúa Giêsu Kitô cũng là con đường hòa bình. Qua sự nhập thể, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của mình, Người đã mở ra con đường dẫn từ một thế giới khép kín và bị áp bức bởi bóng tối của thù hận và chiến tranh đến một thế giới cởi mở và tự do để sống trong tình huynh đệ và hòa bình. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đi theo con đường đó! Tuy nhiên, để làm được như vậy, để có thể bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải cởi bỏ những gánh nặng đang đè nặng và cản đường chúng ta.

Những gánh nặng đó là gì? Sức nặng chết người ấy là gì? Thưa: Đó cũng chính là những lực lượng tiêu cực đã ngăn cản vua Hêrôđê và triều thần của vua ấy nhìn nhận và chào đón sự giáng sinh của Chúa Giêsu: đó là ham muốn quyền lực và tiền bạc, kiêu căng, đạo đức giả, giả dối. Những lực lượng này ngăn cản chúng ta đến Bêlem; chúng loại trừ chúng ta khỏi ân sủng của Lễ Giáng Sinh, và chúng chặn lối vào con đường hòa bình. Thật vậy, chúng ta phải đau buồn thừa nhận rằng, cho dù Hoàng tử Hòa bình đã được ban cho chúng ta, những ngọn gió lạnh lùng của chiến tranh vẫn tiếp tục tàn phá nhân loại.

Nếu chúng ta muốn có một lễ Giáng Sinh, lễ Chúa Giêsu giáng sinh và được bình an, chúng ta hãy nhìn lên Bêlem và chiêm ngắm dung nhan của Hài Nhi được sinh ra cho chúng ta! Và trên khuôn mặt nhỏ nhắn và ngây thơ đó, chúng ta hãy nhìn thấy khuôn mặt của tất cả những đứa trẻ ở khắp mọi nơi trên thế giới đang khao khát hòa bình.

Chúng ta cũng hãy nhìn khuôn mặt của những anh chị em Ukraine đang trải qua lễ Giáng sinh năm nay trong bóng tối và giá lạnh, xa nhà vì sự tàn phá của 10 tháng chiến tranh. Xin Chúa soi dẫn chúng ta đưa ra những cử chỉ liên đới cụ thể để trợ giúp tất cả những người đang đau khổ, và xin Người soi sáng tâm trí của những người có quyền lực dập tắt tiếng sấm của vũ khí và chấm dứt ngay cuộc chiến vô nghĩa này! Đáng buồn thay, chúng ta thích nghe theo những lời khuyên khác, thống trị bởi tư duy phàm tục. Tuy nhiên, ai là người đang lắng nghe tiếng nói của Hài Nhi đây?

Thời đại của chúng ta đang trải qua một nạn đói hòa bình nghiêm trọng cũng ở các khu vực khác và các hí trường khác của cuộc chiến tranh thế giới thứ ba này. Chúng ta hãy nghĩ đến Syria, vẫn còn vết sẹo bởi một cuộc xung đột đã lùi vào hậu cảnh nhưng vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến Thánh Địa, nơi mà trong những tháng gần đây, bạo lực và đối đầu đã gia tăng, gây ra chết chóc và thương tật. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ở đó, trên mảnh đất đã chứng kiến sự ra đời của Ngài, cuộc đối thoại và những nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa người Palestine và người Israel có thể được nối lại. Xin Chúa Giêsu Hài Đồng nâng đỡ các cộng đồng Kitô hữu sống ở Trung Đông, để mỗi quốc gia đó có thể cảm nghiệm được vẻ đẹp của sự chung sống huynh đệ giữa các cá nhân thuộc các tín ngưỡng khác nhau. Cầu xin Chúa Hài Đồng đặc biệt giúp đỡ Libăng, để cuối cùng nước này có thể phục hồi với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và với sức mạnh phát sinh từ tình huynh đệ và liên đới. Chớ gì ánh sáng Chúa Kitô chiếu soi vùng Sahel, nơi mà sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc và các truyền thống bị phá vỡ bởi xung đột và các hành động bạo lực. Cầu mong ánh sáng đó dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở Yemen và hòa giải ở Miến Điện và Iran và một dấu chấm hết cho mọi đổ máu. Cầu mong ánh sáng Chúa Kitô truyền cảm hứng cho các nhà chức trách chính trị và tất cả những người có thiện chí ở Mỹ Châu cố gắng làm dịu những căng thẳng chính trị và xã hội mà nhiều quốc gia đang trải qua; Tôi đặc biệt nghĩ đến người dân Haiti, những người đã phải chịu đau khổ trong một thời gian dài.

Hôm nay đây, khi chúng ta ngồi quanh một chiếc bàn trải rộng, mong sao chúng ta không rời mắt khỏi Bêlem, một thị trấn mà tên của nó có nghĩa là “Nhà Bánh”, nhưng hãy nghĩ đến tất cả những người, đặc biệt là trẻ em, đang bị đói trong khi một lượng lớn lương thực hàng ngày vẫn bị lãng phí và tài nguyên đang được sử dụng cho vũ khí. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình này, đẩy toàn bộ người dân vào nguy cơ bị đói, đặc biệt là ở Afghanistan và các quốc gia vùng Sừng Phi Châu. Chúng ta biết rằng mọi cuộc chiến đều gây ra nạn đói và chúng khai thác lương thực như một vũ khí, cản trở việc phân phát lương thực cho những người vốn đã phải chịu đau khổ. Vào ngày này, chúng ta hãy học hỏi từ Hoàng tử Hòa bình và bắt đầu với những người nắm giữ trách nhiệm chính trị, cam kết biến thực phẩm thành một công cụ duy nhất của hòa bình. Và khi chúng ta thích quây quần bên những người thân yêu của mình, chúng ta hãy nghĩ đến những gia đình đang trải qua nhiều khó khăn và những gia đình đang phải vật lộn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế này do thất nghiệp và thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Anh chị em thân mến, hôm nay cũng như lúc đó, Chúa Giêsu, Ánh sáng thật, đến trong một thế giới đang trầm kha trong căn bệnh thờ ơ, một thế giới không chào đón Ngài (Ga 1:11) và thực sự từ chối Ngài, như nó đã làm với nhiều người ngoại quốc, hoặc phớt lờ Ngài, như tất cả chúng ta cũng thường làm với người nghèo. Hôm nay chúng ta đừng quên nhiều người di tản và người tị nạn gõ cửa nhà chúng ta để tìm kiếm sự an ủi, hơi ấm và thức ăn. Chúng ta đừng quên những người bị gạt ra bên lề, những người sống một mình, những đứa trẻ mồ côi, những người già – là những người khôn ngoan cho dân tộc của họ – nhưng lại gặp nguy cơ bị gạt sang một bên, và những tù nhân, những người mà chúng ta chỉ đơn thuần nhắc đến vì những lỗi lầm mà họ đã mắc phải chứ không phải như những người nam nữ đồng loại của chúng ta.

Anh chị em thân mến, Bêlem cho chúng ta thấy sự đơn sơ của Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra không phải cho những người khôn ngoan và thông thái, nhưng cho những kẻ bé mọn, cho những ai có tâm hồn trong sạch và rộng mở (Mt 11:25). Giống như các mục đồng, chúng ta cũng hãy vội vã lên đường và để cho mình kinh ngạc trước biến cố không thể tưởng tượng nổi của Thiên Chúa, Đấng trở thành người phàm để cứu độ chúng ta. Ngài, nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, tự làm cho mình nghèo đi, xin bố thí từ chính nhân loại tội nghiệp chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình được cảm động sâu xa trước tình yêu của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy theo Chúa Giêsu, Đấng đã lột bỏ vinh quang của mình để cho chúng ta được thông phần vào sự sung mãn của Người.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana