1. Người viết tiểu sử Đức Bênêđíctô nói: “Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh. Tôi sẽ rất nhớ đến ngài”

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “Benedict XVI is a saint. I will miss him terribly”: His biographer shares his closeness”, nghĩa là “Người viết tiểu sử Đức Bênêđíctô chia sẻ sự gần gũi với ngài và nói: “Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh. Tôi sẽ rất nhớ đến ngài”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thúy Nga.

Peter Seewald đã đồng hành với Đức Bênêđictô XVI trong hơn một phần tư thế kỷ trên phương diện báo chí. “Lần tới tôi sẽ gặp lại anh trên thiên đường,” Đức Bênêđíctô nói, khi vẫy tay tạm biệt tôi.

“Mọi thứ về Đức Bênêđictô XVI rất khiêm tốn, đơn sơ, dễ tiếp cận. Tôi đã rời bỏ Giáo hội, nhưng tôi quay về khi trải nghiệm các ấn tượng bởi cách Đức Ratzinger nói về tình yêu.” Peter Seewald sinh năm 1954, là người đã đồng hành, trong hơn một phần tư thế kỷ, trên phương diện báo chí với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger sau này là Đức Bênêđíctô XVI, vị Giáo hoàng danh dự đầu tiên trong nhiều thế kỷ.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền này cho Aleteia, nhà báo người Đức nêu bật lòng dũng cảm của Đức Giáo Hoàng Danh dự trong việc bảo vệ đức tin, không màng đến sự nổi tiếng và không thỏa hiệp. Ngài là một thiên tài, được yêu mến và bị ghét bỏ. Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh. Tôi sẽ rất nhớ đến ngài”

“Công nghiệp của ngài sẽ còn mãi.”

Seewald, tác giả của cuốn tiểu sử hai tập Cuộc Đời Đức Bênêđíctô, cho biết: “Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, huấn quyền của Đức Bênêđictô XVI là không thể thiếu đối với tương lai của Giáo hội.

Những cảm xúc và suy tư nào mà những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Đức Bênêđictô XVI khơi dậy nơi anh?

Một mặt, tôi rất buồn khi Đức Giáo Hoàng Danh dự kết thúc cuộc đời trần thế của mình. Đáng buồn hơn hết là ngài đã phải chịu đựng quá nhiều. Mặt khác, tôi đã cầu nguyện cho ngài có một cái chết êm đẹp để được “về quê hương” vĩnh hằng, là điều mà ngài đã mong mỏi từ lâu.

Hình ảnh về nhiều cuộc gặp gỡ của chúng tôi cũng lướt qua tâm trí tôi. Là một cựu đảng viên cộng sản và là nhà văn của Der Spiegel, một tuần báo nổi tiếng của Đức, tôi không cảm thấy đặc biệt gần gũi với Đức Joseph Ratzinger. Đó là lý do tại sao tôi càng ngạc nhiên hơn khi bắt gặp trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi vào tháng 11 năm 1992, một người không mảy may có chút gì là ông hoàng của Giáo hội, và thậm chí chẳng có chút gì là “Hồng Y Panzer”, hay “Hồng Y thiết giáp” một thuật ngữ do những người chỉ trích Đức Ratzinger đặt ra. Panzer là một loại xe tăng được Đức Quốc xã sử dụng trong Thế chiến II.

Mọi thứ về ngài có vẻ khiêm tốn, đơn sơ, dễ gần gũi. Tôi đã rời bỏ Giáo hội, nhưng tôi có ấn tượng sâu sắc với cách Đức Ratzinger nói về tình yêu. Ngài đã chỉ ra rằng tôn giáo và khoa học, đức tin và lý trí không đối lập nhau như thế nào.

Cách dạy bảo của ngài làm tôi nhớ đến những vị thầy tâm linh không thuyết phục người ta bằng những bài học sáo rỗng, mà bằng những cử chỉ lặng lẽ, những ám chỉ nhẹ nhàng và nhiều đau khổ. Trên hết, thông qua tấm gương của chính ngài, bao gồm sự chính trực, trung thực, can đảm và sẵn sàng chịu đựng.

Tôi thấy sự dũng cảm của ngài để đứng lên bảo vệ niềm tin của mình là đặc biệt gây ấn tượng. Ngay cả khi vì thế mà ngài không được người ta ưa chuộnh. Đặc biệt khi ngài chống lại mọi nỗ lực biến thông điệp của Chúa Kitô thành một tôn giáo phù hợp với nhu cầu của “xã hội dân sự”.

Ngài nói: “Giáo hội có ánh sáng từ Chúa Kitô. Nếu nó không thu được ánh sáng đó và truyền nó đi, thì nó chẳng khác gì một mảnh đất buồn tẻ.”

Tôi cũng thích sự thanh thản, thái độ cao quý, sự hài hước của ngài. Đức Bênêđictô XVI là một vị thánh. Tôi sẽ rất nhớ đến ngài.

Anh nghĩ Đức Bênêđíctô sẽ được nhớ đến như thế nào?

Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta và vào sự phát triển của Giáo hội. Dù sao đi nữa, Đức Joseph Ratzinger đã để lại một khối tác phẩm trong đó ngài đưa ra những câu trả lời quan trọng cho các vấn đề của một xã hội đã đánh mất ý thức về Thiên Chúa; và các vấn nạn của một Giáo hội đang đánh mất niềm tin.

Có một điều chắc chắn: với sự qua đi của Đức Bênêđictô XVI, thế giới đã mất đi một nhân cách phi thường. Không phải ngẫu nhiên mà ngài được coi là một trong những trí thức quan trọng nhất của thế kỷ và là nhà thần học vĩ đại nhất từng đảm nhận chức vụ giáo hoàng. Nhiều người coi ngài là Tiến sĩ Hội thánh thời hiện đại. Trong mỗi bài viết của mình, thái độ cơ bản của ngài rất rõ ràng: Giáo hội và đức tin không thể được tạo ra bởi một người cho riêng mình.

Nếu Chúa hiện hữu, nếu mặc khải hiện hữu, nếu nền tảng của Chúa Giêsu hiện hữu, thì điều này không đến từ chúng ta, mà đến như một ân sủng. Đối với những kẻ thù của mình, ngài có thể vẫn là “Hồng Y thiết giáp” khủng khiếp, nhưng hàng triệu người Công Giáo trên khắp thế giới nhìn thấy ở Đức Bênêđíctô ánh sáng trên ngọn đồi, một biểu tượng của sự chính thống để định hướng bản thân. Công việc của Đức Bênêđíctô sẽ tồn tại.

Tôi rất vui được tham gia cùng người kế nhiệm của ngài trong đánh giá này. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, huấn quyền của Đức Bênêđictô XVI là điều không thể thiếu cho tương lai của Giáo hội. Thật vậy, “nó sẽ” ngày càng vĩ đại và mạnh mẽ hơn từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Kỷ niệm cuối cùng của anh về Đức Bênêđictô XVI là gì?

Ngài đã bị yếu sức buộc phải sử dụng xe lăn trong một thời gian dài. Tinh thần của ngài rất tỉnh táo, nhưng gần đây giọng nói của ngài trở nên yếu ớt đến mức hầu như không thể nghe được. Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi, vào ngày 15 tháng 10, điều có thể sờ thấy rõ nhất là nỗi đau khổ mà ngài mang trên vai, nỗi buồn sâu sắc của ngài về những gì đang xảy ra trên thế giới và cuộc khủng hoảng trong Giáo hội, đặc biệt là ở quê hương của ngài.

“Papa Benedetto, cha nghĩ tại sao cha vẫn chưa được về với Chúa?” Tôi đã hỏi Đức Giáo Hoàng danh dự. Câu trả lời của ngài là ngài vẫn phải ở lại, như một “dấu chỉ”. Một dấu chỉ của tiến trình mà ngài đang bảo vệ; đó là thông điệp của Chúa Giêsu, người mà ngài đã dành trọn cuộc đời mình để truyền đạt một cách thuần khiết.

“Lần tới tôi sẽ gặp lại anh trên thiên đường,” ngài nói, vẫy tay tạm biệt tôi. Ngài biết chính xác cuộc hành trình sẽ đi về đâu và điều gì đang chờ đợi ngài ở đích đến. Lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu của Chúa Kitô là một trong những chủ đề yêu thích của Đức Bênêđíctô.

Ngài từng nói: “Nếu việc thuộc về Giáo hội có ý nghĩa gì, thì đó là việc nó mang lại cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu và do đó, cuộc sống công bằng và chân chính. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.”

2. Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng năm mới và ban phép lành

Ngày 1 tháng Giêng, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Lễ trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 54.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca

Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê lem. Họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này.

Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.

Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Khởi đầu của năm mới được phó thác cho Đức Maria Rất Thánh mà chúng ta mừng kính hôm nay là Mẹ Thiên Chúa. Vào lúc này, chúng ta hãy xin Mẹ chuyển cầu đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI, người đã rời bỏ thế giới này vào sáng hôm qua. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau, với một trái tim và một linh hồn, tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân người tôi tớ trung thành của Tin Mừng và của Giáo hội. Gần đây chúng ta đã xem trên TV, chương trình “Sua Immagine”, tất cả những gì ngài đã làm và cuộc đời của Đức Bênêđictô.

Khi chiêm ngắm Mẹ Maria trong chuồng gia súc nơi Chúa Giêsu sinh ra, chúng ta có thể tự hỏi: Đức Trinh Nữ dùng ngôn ngữ nào để nói với chúng ta? Đức Maria nói như thế nào? Chúng ta có thể học được gì từ Mẹ cho năm mới đang bắt đầu này? Chúng ta có thể nói: “Lạy Đức Mẹ, xin dạy chúng con phải làm gì trong năm nay”.

Trong thực tế, nếu chúng ta quan sát khung cảnh mà Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta, chúng ta sẽ nhận thấy rằng Đức Maria không nói. Mẹ đón nhận mầu nhiệm Mẹ đang cảm nghiệm với lòng kính sợ, Mẹ ấp ủ mọi sự trong lòng và nhất là Mẹ quan tâm đến Hài Nhi, như Phúc Âm đã nói, “được đặt nằm trong máng cỏ” (x. Lc 2,16). Động từ “đặt” này có nghĩa là đặt cẩn thận, và điều này cho chúng ta biết rằng ngôn ngữ riêng của Đức Maria là từ mẫu: Mẹ dịu dàng chăm sóc Hài Nhi. Đây là sự vĩ đại của Đức Maria. Khi các thiên thần hát mừng, những người chăn cừu chạy đến và mọi người lớn tiếng ca ngợi Chúa về những gì đã xảy ra, Đức Maria không nói, Mẹ không giải thích cho khách của mình mọi thứ đã xảy ra với Mẹ, Mẹ không đánh cắp buổi biểu diễn – với chúng ta những người thích phỗng tay trên các chương trình! – Mẹ không đánh cắp chương trình. Ngược lại, Mẹ đặt Hài Nhi làm trung tâm, Mẹ âu yếm chăm sóc Người. Một nhà thơ đã từng viết rằng Đức Maria “thậm chí còn biết cách im lặng một cách trang trọng, […] bởi vì Mẹ không muốn đánh mất Chúa của mình” (A. Merini, Corpo d'amore. Un incontro con Gesù, Milano 2001, 114).

Đây thường là ngôn ngữ của người mẹ: sự dịu dàng khi chăm sóc. Trên thực tế, sau khi sinh ra món quà là một thần đồng bí ẩn trong bụng mẹ suốt 9 tháng, các bà mẹ liên tục đặt con mình vào trung tâm của sự chú ý: họ cho chúng ăn, ẵm chúng trên tay, dịu dàng đặt chúng vào nôi.. Chăm sóc – đây là ngôn ngữ của Mẹ Thiên Chúa, ngôn ngữ của những bà mẹ: đó là chăm sóc.

Thưa anh chị em, giống như tất cả những người mẹ, Đức Maria đã cưu mang sự sống trong cung lòng của mình và do đó, Mẹ nói với chúng ta về tương lai của chúng ta. Nhưng đồng thời, Mẹ cũng nhắc nhở chúng ta rằng, nếu chúng ta thực sự muốn có một Năm Mới tốt lành, nếu chúng ta muốn xây dựng lại niềm hy vọng, chúng ta cần phải từ bỏ ngôn ngữ, những hành động và những lựa chọn do chủ nghĩa vị kỷ khởi xướng và học ngôn ngữ của tình yêu, đó là hãy chăm sóc. Chăm sóc là một ngôn ngữ mới chống lại những ngôn ngữ của chủ nghĩa vị kỷ. Đây là cam kết: hãy chăm sóc cuộc sống của chúng ta – mỗi người chúng ta cần chăm sóc cuộc sống của chính mình – chăm sóc thời gian của chúng ta, tâm hồn của chúng ta; chăm sóc tạo vật và môi trường chúng ta đang sống; và hơn thế nữa, hãy chăm sóc người lân cận của chúng ta, những người mà Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta, cũng như những anh chị em của chúng ta đang gặp khó khăn và những người kêu gọi sự quan tâm và lòng trắc ẩn của chúng ta. Khi nhìn Đức Mẹ đang chăm sóc Hài Nhi của Mẹ, chúng ta hãy học cách chăm sóc người khác, kể cả chính mình, chăm sóc sức khỏe nội tâm, đời sống thiêng liêng, bác ái.

Kỷ niệm Ngày Hòa bình Thế giới hôm nay, chúng ta hãy ý thức lại trách nhiệm đã được trao phó cho chúng ta để xây dựng tương lai – trước những khủng hoảng cá nhân và xã hội mà chúng ta đang sống, trước thảm kịch chiến tranh,” chúng ta được kêu gọi đương đầu với những thách thức của thế giới chúng ta với tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn” (Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 56, 5). Và chúng ta có thể làm được điều này nếu chúng ta quan tâm đến nhau và nếu tất cả chúng ta cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria Rất Thánh, Mẹ Thiên Chúa, để trong thời đại này, bị ô nhiễm bởi sự lạnh lùng và thờ ơ, Mẹ có thể làm cho chúng ta có khả năng cảm thương và quan tâm – có khả năng cảm thương và quan tâm – có khả năng “nhìn kỹ hơn”. và thông cảm với người khác bất cứ khi nào cần thiết” (Apos. Tông huấn Evangelii Gaudium, 169).

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Với tất cả anh chị em có mặt ở đây, và với tất cả những ai đang theo dõi qua các phương tiện truyền thông, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho Năm Mới. Tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Tổng thống Cộng hòa Ý, Ngài Sergio Mattarella, cầu chúc sự thịnh vượng cho người dân Ý; và những lời chúc tương tự đến với Thủ tướng chính phủ.

Vào ngày này mà Thánh Phaolô Đệ Lục muốn dành để cầu nguyện và suy tư cho hòa bình trên thế giới, chúng ta hãy cảm nhận mạnh mẽ hơn nữa sự tương phản của chiến tranh, mà ở Ukraine và ở các khu vực khác, đang gieo rắc chết chóc và hủy diệt. Tuy nhiên, chúng ta đừng mất hy vọng vì chúng ta có niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã mở ra cho chúng ta con đường bình an nơi Đức Giêsu Kitô. Kinh nghiệm về đại dịch đã dạy chúng ta rằng không ai có thể tự cứu mình mà cùng nhau chúng ta có thể theo đuổi con đường hòa bình và phát triển. Trên khắp thế giới, từ mọi người dân, tiếng kêu đang vang lên: Không chiến tranh! Không tái vũ trang! Cầu xin cho các nguồn tài nguyên hướng tới phát triển, y tế, thực phẩm, giáo dục, việc làm.

Trong số vô số sáng kiến được thúc đẩy trong cộng đồng Kitô hữu, tôi nhớ lại cuộc tuần hành toàn quốc diễn ra ngày hôm qua ở Altamura, sau bốn đoàn lữ hành đã mang tình đoàn kết của họ đến Ukraine. Tôi xin chào và cảm ơn đông đảo bạn bè của cộng đồng Thánh Egidio, những người đã đến trong năm nay để làm chứng cho cam kết của họ vì hòa bình ở mọi vùng đất, ở đây và ở nhiều thành phố trên thế giới. Cảm ơn các anh chị em thân yêu của cộng đồng Thánh Egidio.

Và tôi chào mừng hai ban nhạc đến từ Virginia và Alabama, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – chúng ta muốn nghe họ ngay sau đây! Tôi chào các bạn trẻ thuộc phong trào Regnum Christi – cám ơn các bạn! Họ đang làm cho mình được lắng nghe! – từ nhiều quốc gia khác nhau ở Mỹ Châu và Âu Châu, cũng như các trẻ em và gia đình từ Cộng đồng Nhà Tiệc Ly, xin chúc lành cho Mẹ Elvira và cho tất cả cộng đồng.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật thú vị và một năm mới hạnh phúc. Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana