1. Lần đầu tiên cho nhà thờ chính tòa Kyiv được lấy lại: Thánh Lễ Giáng Sinh bằng tiếng Ukraine

Thông tấn xã AP có bài tường trình nhan đề “A first for reclaimed Kyiv cathedral: Christmas in Ukrainian”, nghĩa là “Lần đầu tiên cho nhà thờ chính tòa Kyiv được lấy lại: Thánh Lễ Giáng Sinh bằng tiếng Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Chen nhau trong một nhà thờ để tham dự lễ Giáng Sinh Chính thống giáo, hàng trăm tín hữu đã nghe nghi lễ trong nhà thờ đó bằng tiếng Ukraine lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thật là một cuộc biểu tình độc lập khỏi Giáo Hội Chính thống Nga.

Được trang trí lộng lẫy với các biểu tượng và tấm bảng bằng vàng, nhà thờ — một phần của khu phức hợp được gọi là Tu viện Hang động và Di sản Thế giới được UNESCO công nhận — đặt một màn hình video bên ngoài để thu hút đông đảo tín hữu, bất chấp nhiệt độ lạnh giá -10 độ C.

Nhìn ra hữu ngạn sông Dnipro, khu phức hợp nhà thờ và tu viện đã là một địa điểm hành hương trong nhiều thế kỷ. Và lần đầu tiên sau 31 năm độc lập của Ukraine, buổi lễ được cử hành bằng tiếng Ukraine. Quân đội Ukraine mặc quân phục nằm trong số những người hát những bài hát mừng nổi tiếng của Ukraine.

Chính phủ Ukraine hôm thứ Năm đã tiếp quản nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Yên Nghỉ tại tu viện Kyiv-Pechersk và cho phép Giáo Hội Chính thống Ukraine sử dụng ngôi thánh đường này cho nghi lễ Giáng Sinh của Chính thống giáo. Động thái này nêu bật những căng thẳng kéo dài giữa hai Giáo Hội đang trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

“Đó là một chiến thắng đầu tiên” cho Ukraine, Oksana Abu-Akel cho biết và ca ngợi đây là một bước quan trọng để các tín hữu Chính thống giáo cắt đứt quan hệ với Nga sau khi nước này bắt đầu cuộc chiến hơn 10 tháng trước. “Đây là lần đầu tiên sau 300 năm chúng ta thực sự có cử hành riêng của mình ở đây. Mọi người đều cảm thấy niềm vui này. Đó là một chiến thắng cho tất cả người Ukraine.”

Bộ trưởng Văn hóa Ukraine Oleksandr Tkachenko cho biết hôm thứ Năm rằng nhà thờ chính tòa này đã được nhà nước tiếp quản sau khi hợp đồng thuê nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Mạc Tư Khoa hết hạn vào ngày 31 tháng 12. Tkachenko đã tham dự buổi lễ hôm thứ Bảy.

“Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời. Trước đây nơi này — trên lãnh thổ Ukraine, bên trong Kyiv — đã được liên kết với Mạc Tư Khoa. Bây giờ chúng ta cảm thấy đây là của chúng ta, đây là tiếng Ukraine. Đây là một phần của quốc gia Ukraine,” Alex Fesiak, người tham dự buổi lễ, cho biết.

Vào năm 2019, Giáo hội Chính thống Ukraine đã nhận được sự công nhận từ Thượng phụ Đại kết Constantinople. Mạc Tư Khoa và hầu hết các Thượng Phụ Chính thống giáo khác liên kết với Nga từ chối chấp nhận sự công nhận này, vì cho rằng quyết định của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã chính thức hóa sự chia rẽ với Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, vẫn trung thành với Thượng phụ Mạc Tư Khoa từ thế kỷ 17, dù đã tuyên bố độc lập khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. UOC đã coi thường Mạc Tư Khoa trong nghi lễ phụng vụ bằng cách bỏ các lời cầu nguyện cho Thượng phụ Mạc Tư Khoa Kirill với tư cách là người lãnh đạo của Giáo Hội này này trong các buổi lễ công khai và làm phép dầu thánh của riêng mình thay vì sử dụng nguồn cung cấp của Mạc Tư Khoa.

Đức Tổng Giám Mục Epiphanius, giáo chủ của Giáo Hội Chính thống Ukraine, gọi tắt là OCU, không chỉ nói về Giáng Sinh mà còn đưa ra một thông điệp chính trị về chiến tranh.

“Là một quốc gia, chúng ta tìm cách chung sống hòa bình, có thiện cảm với tất cả các nước láng giềng. Nhưng kẻ thù đã phá vỡ hòa bình một cách ác ý và xảo quyệt và xâm chiếm đất đai của chúng ta, gây đổ máu, gieo rắc chết chóc và muốn tiêu diệt địa vị quốc gia cũng như bản sắc Ukraine của chúng ta,” ngài nói trong bài giảng thánh lễ.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Những người giam cầm chúng ta không thể chịu đựng được những thành tựu và thành công của chúng ta. Ác tâm và sự ghen tị của ma quỷ đã thôi thúc chúng gây chiến, nhưng chúng chắc chắn sẽ bị đánh bại. Nói cho cùng, sự thật đứng về phía chúng ta.”

Natalia Levshyna cho biết chồng cô không thể đến dự lễ Giáng Sinh vì anh ấy đang chiến đấu ở tiền tuyến, nhưng cô ấy sẽ gửi cho anh ấy những bức ảnh về buổi lễ vì nó rất quan trọng với anh ấy. Xuất thân từ Donbas, cô cho biết cô đã ngừng tham dự nhà thờ của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa vào năm 2014, khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và ủng hộ cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.

“Cảm xúc của chúng tôi dâng trào,” cô nói, hầu như không cầm được nước mắt, mô tả niềm tin của mình rằng Giáo Hội Ukraine trên đất Ukraine phải độc lập với Giáo hội Chính thống Nga.

“Giáo Hội của chúng ta phải đồng bộ với chính sách của nhà nước. Họ phải là một,” Levshyna nói.

Những người khác ở Ukraine đã quyết định tách mình ra khỏi Nhà thờ Chính thống Nga bằng cách tổ chức lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12.

Hôm thứ Sáu, Tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa đã lên án kế hoạch tổ chức một buổi lễ tại nhà thờ chính tòa ở Kyiv của Ukraine là “một nỗ lực nhằm cưỡng chiếm... nhà thờ bằng tống tiền và thông tin sai lệch xã hội”.

Vào năm 2019, Giáo hội Chính thống Ukraine đã nhận được sự công nhận từ Thượng phụ Đại kết Constantinople, nhưng Thượng phụ Mạc Tư Khoa từ chối công nhận điều đó.

Giáo hội Chính thống Ukraine tuyên bố độc lập khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào ngày 24 tháng 2, chấm dứt lòng trung thành của Giáo hội Ukraine đối với Thượng phụ Mạc Tư Khoa có từ thế kỷ 17. Nhà thờ Chính thống Ukraine đã loại bỏ Thượng phụ Kirill ở Mạc Tư Khoa với tư cách là người lãnh đạo việc thờ phượng công khai và hiện sử dụng dầu bí tích của riêng mình để ban phước thay vì dầu do Mạc Tư Khoa cung cấp.

Nhưng các cơ quan an ninh Ukraine đã tuyên bố rằng một số người trong UOC đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mạc Tư Khoa. An ninh Ukraine đã đột kích vào nhiều cơ sở của Giáo Hội này và sau đó đăng những bức ảnh về tiền Nga, hộ chiếu Nga và những truyền đơn có thông điệp từ Thượng phụ Mạc Tư Khoa để làm bằng chứng cho thấy một số quan chức Giáo Hội đã trung thành với Mạc Tư Khoa.

Các nhà lãnh đạo nổi tiếng của UOC đã bác bỏ các cáo buộc về mối quan hệ với Mạc Tư Khoa, khẳng định rằng họ đã trung thành ủng hộ Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến và một cuộc đàn áp của chính phủ sẽ chỉ tạo ra những lý do cho tuyên truyền cho Nga.


Source:AP

2. Đức Thánh Cha gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho Lễ Giáng Sinh Chính thống ngày 7 tháng 1

Xin Chúa Giáng Sinh gieo niềm an ủi, gieo niềm hy vọng, ngài cầu nguyện như trên đặc biệt cho Ukraine.

Theo lịch Giuliô, ngày 7 tháng Giêng là lễ Giáng Sinh thay vì ngày 25 tháng 12 theo lịch Grêgôriô.

Sau khi chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật vào ngày lễ Hiển Linh, ngày 6 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những người cử hành lễ Giáng Sinh theo lịch Giuliô.

Đức Thánh Cha nói:

Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các cộng đồng của các Giáo hội Đông phương, cả Công Giáo và Chính thống, những người cử hành Lễ Chúa Giáng Sinh vào ngày mai.

Một cách đặc biệt, tôi muốn gởi đến anh chị em của những người đau khổ ở Ukraine. Xin Chúa Giáng Sinh gieo niềm an ủi, gieo niềm hy vọng; và cầu mong lễ Giáng Sinh truyền cảm hứng cho những bước cụ thể cuối cùng có thể dẫn đến kết thúc cuộc chiến và đi đến hòa bình. Chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho Ukraine và cho hòa bình.
Source:Aleteia

3. Chính thống giáo Nga mừng lễ Giáng Sinh trong bóng tối xung đột

Các tín hữu Chính Thống Giáo đã chật cứng các nhà thờ vào tối thứ Sáu để tham gia các nghi lễ đêm Giáng Sinh, một ngày lễ trở nên đen tối đối với nhiều người bởi cuộc xung đột đang diễn ra giữa các nước láng giềng Chính thống giáo là Nga và Ukraine.

Thượng phụ Kirill, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, giáo phái Chính thống lớn nhất thế giới, đã chủ trì các buổi lễ kéo dài trong nhiều giờ tại Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Mạc Tư Khoa, với hàng chục linh mục và quan chức mặc lễ phục long trọng, đung đưa lư hương bốc khói giữa các lời kinh phụng vụ.

Trước đó một ngày, Kirill đã kêu gọi ngừng bắn trong 36 giờ ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đồng ý nhưng các quan chức Ukraine cáo buộc đó chỉ là nỗ lực cho phép các lực lượng Nga tập hợp lại.

Ông nói: “Xét đến lời kêu gọi của Đức Thượng phụ Kirill, tôi chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga áp dụng chế độ ngừng bắn dọc theo toàn bộ giới tuyến của các bên ở Ukraine từ 12:00 trưa ngày 6 tháng Giêng năm 2023 đến 24:00 ngày 7 tháng Giêng, 2023,” Putin nói trong mệnh lệnh được đưa ra hôm thứ Năm.

“Xuất phát từ thực tế là một số lượng lớn công dân theo Chính thống giáo sống trong các khu vực chiến sự, chúng tôi kêu gọi phía Ukraine tuyên bố ngừng bắn và cho phép họ tham dự các buổi lễ vào Đêm Giáng Sinh, cũng như vào Ngày Giáng Sinh.”

Tuy nhiên, trong thực tế không hề có lệnh ngừng bắn. Quân Nga nổ súng trên tất cả các mặt trận. Họ thậm chí còn pháo kích vào thường dân vô tội. Thành phố Kherson bị pháo kích đến 38 lần trong thời gian họ gọi là hưu chiến.

Putin đã tham dự các buổi lễ tại Nhà thờ Truyền tin, một trong số các nhà thờ trong khuôn viên của Điện Cẩm Linh.

Nga có 142 triệu dân, trong đó Chính Thống Giáo được cho là chiếm 15% dân số. Tuy nhiên, trong số 21.3 triệu Kitô Hữu Chính Thống Giáo, chỉ có 1% thực hành đạo. Thành ra, sẽ là sai lầm khi nói rằng Nga là một quốc gia Kitô Giáo. Điều đó được minh chứng một lần nữa trong dịp Giáng Sinh Chính Thống Giáo vừa qua với các thông điệp được AFP mô tả là “hầm bà lằng”. Nhiều giáo sĩ Chính Thống Giáo gọi cuộc chiến tại Ukraine là một cuộc thánh chiến và lên tiếng kích động chiến tranh. Những lời lẽ đó không nên được thốt ra trên môi miệng hàng giáo sĩ khi chào đón Hoàng Tử Bình An.
Source:AP

4. Putin gửi thông điệp Giáng Sinh khi giao tranh vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Delivers Christmas Message as Fighting Continues Despite Cease-Fire”, nghĩa là “Putin gửi thông điệp Giáng Sinh khi giao tranh vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Vladimir Putin đã ca ngợi sự ủng hộ của Giáo hội Chính thống Nga đối với cuộc xâm lược Ukraine của ông, sau lời kêu gọi ngừng bắn của ông trong thời gian Giáng Sinh.

Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn trong ngày lễ tôn giáo và một nhóm vận động cho Giáo hội Kitô Chính thống toàn cầu đã mô tả lời kêu gọi ngừng bắn của nhà lãnh đạo Nga là “không gì khác hơn là một hành động đạo đức giả xuất phát từ sự tuyệt vọng và mưu đồ”.

Putin được nhìn thấy đứng một mình trong buổi lễ lúc nửa đêm tại Nhà thờ Truyền tin trong khuôn viên Điện Cẩm Linh khi ông đánh dấu Lễ Giáng Sinh Chính thống giáo, thường được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng.

Nhà lãnh đạo Nga đã trình bày bối cảnh tôn giáo cho cuộc chiến ở Ukraine trong thông điệp Giáng Sinh của mình, khi ông vinh danh các tổ chức trong Giáo Hội vì đã “hỗ trợ cho những người lính của chúng ta tham gia vào một chiến dịch quân sự đặc biệt”. Chiến dịch quân sự đặc biệt là thuật ngữ của Mạc Tư Khoa để chỉ cuộc xâm lược Ukraine.

“Công việc vĩ đại, nhiều mặt, thực sự khổ hạnh như vậy xứng đáng được tôn trọng chân thành nhất,” ông nói trong thông điệp, ca ngợi cách các tổ chức của Chính Thống Giáo Nga “ưu tiên duy trì hòa bình và hòa hợp giữa các sắc tộc và tôn giáo ở đất nước chúng ta.”

Putin đã kêu gọi ngừng bắn 36 giờ trong cuộc chiến để cử hành ngày lễ tôn giáo này, mặc dù điều này đã bị Ukraine bác bỏ. Các chuyên gia cho rằng đây là một mưu đồ của Điện Cẩm Linh nhằm cho phép quân đội Nga tập hợp lại và nhằm mô tả Kyiv là không sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Bảy rằng giao tranh vẫn tiếp tục ở “mức độ thường lệ” trong thời kỳ Giáng Sinh Chính thống giáo, trong khi Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Laura Cooper mô tả tuyên bố của Putin là điều gì đó “chúng ta phải coi như muối bỏ bể”.

Trong khi đó, Ủy ban Công vụ Chính thống, gọi tắt là OPAC, một nhóm vận động cho Giáo hội Kitô Chính thống toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã lên án đề xuất của Putin.

“Mặc dù chúng tôi ủng hộ và khuyến khích chấm dứt chiến sự ở Ukraine, dù chỉ là tạm thời, lệnh ngừng bắn đơn phương do Putin đề xuất không gì khác hơn là một hành động đạo đức giả xuất phát từ sự tuyệt vọng và mưu đồ”

OPAC lưu ý rằng “không có lệnh ngừng bắn nào như vậy được đề xuất cho Tuần Thánh và Lễ Phục sinh năm 2022, và các vụ đánh bom nhằm vào thường dân vô tội vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt các ngày lễ và rằng “lòng đạo đức được dàn dựng này... rõ ràng được thiết kế để lừa gạt những người chán nản, thất vọng, và những người dân Nga đang giận dữ.”

“Chính phủ Nga và Giáo Hội Chính thống Nga đừng nại đến danh Hoàng tử Hòa bình trừ khi chính họ thực hành hòa bình,” tuyên bố nói thêm.

OPAC đã nhiều lần lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga và sự hợp tác với cuộc chiến của Chính thống giáo Nga là Giáo Hội Chính Thống lớn nhất thế giới.

Người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, là một đồng minh của Putin, và đã bị các nhóm nhân quyền cáo buộc đồng lõa với các tội ác chiến tranh ở Ukraine khi ông đưa ra lời biện minh tôn giáo cho cuộc chiến.

Trong một bài giảng ngay sau cuộc xâm lược, ông gọi Ukraine là một phần của “thế giới Nga” và nói rằng những người Ukraine bảo vệ đất nước của họ là “thế lực xấu xa”. Thượng Phụ Kirill cũng đã kêu gọi ngừng bắn tạm thời trong ngày Giáng Sinh.

Giáo Hội Chính thống Ukraine không liên kết với nhà thờ Nga.

Newsweek đã liên hệ với bộ phận quan hệ với nhà thờ bên ngoài của Giáo hội Chính thống Nga để xin bình luận.
Source:Newsweek