Cha Aondover cho biết các cuộc tấn công diễn ra vào khoảng 9 giờ tối thứ Năm tại một ngôi làng gần Makurdi, thủ phủ của Bang Benue, nơi có một trại tị nạn.

Một số nạn nhân của vụ tấn công đang phải nằm bệnh viện ở Agan và Makurdi, bang Benue, Nigeria.

Ít nhất 11 người, hầu hết là người Công Giáo, đã thiệt mạng vào ngày 19 Tháng Giêng khi những người chăn gia súc Fulani tấn công một ngôi làng gần trại tị nạn ở Giáo phận Makurdi của Nigeria, một quan chức giáo phận cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Phi Châu, Cha Moses Aondover Iorapuu, tổng đại diện của giáo phận, đã kể lại cuộc bách hại “khủng khiếp” mà người Công Giáo phải chịu trong cuộc tấn công.

“Những hình ảnh về vụ tấn công thật kinh hoàng, và tôi luôn nói rằng ngay cả IS cũng không thể thực hiện hành vi tàn bạo như vậy. Sau khi giết người, những kẻ này đã chặt đầu một số người và lấy các bộ phận đó đi để làm bằng chứng trình cho những người đã sai họ đến đó.”

“Tính đến tối nay, 11 người đã thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, và nhiều người bị thương trong bệnh viện.”

“Hầu như tất cả các nạn nhân” của cuộc tấn công đều là người Công Giáo, ngài nói thêm: “Những kẻ tấn công là người Fulani, những kẻ đã xâm lược một số ngôi làng và đốt phá trong các cuộc đột kích trước đó.”

Cha Aondover chỉ trích phản ứng chậm trễ của các binh sĩ an ninh. Ngài nói: “Phản ứng của cảnh sát và quân đội như mọi khi: đến hiện trường quá muộn là bình thường, và những kẻ tấn công vẫn chưa được xác định danh tính.”

Nigeria rơi vào tình trạng mất an ninh kể từ năm 2009 khi cuộc nổi dậy của Boko Haram bắt đầu với mục đích biến đất nước này thành một quốc gia Hồi giáo.

Kể từ đó, nhóm này, một trong những nhóm Hồi giáo lớn nhất ở Phi Châu, đã tung ra các cuộc tấn công khủng bố bừa bãi vào nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm các nhóm tôn giáo và chính trị cũng như dân thường.

Tình hình mất an ninh ở quốc gia Tây Phi càng trở nên phức tạp hơn do có sự tham gia của những người chăn gia súc Fulani chủ yếu theo đạo Hồi, còn được gọi là Dân quân Fulani, những người thường xuyên xung đột với nông dân theo Kitô Giáo để tranh giành đất chăn thả gia súc.

Cha Aondover cho biết cuộc tấn công vào ngôi làng vào ngày 19 Tháng Giêng đã chứng kiến cư dân “bị những người chăn gia súc này đuổi ra khỏi nhà một cách mtàn bạo,” Cha Aondover nói, đồng thời than thở về “các cuộc tấn công không ngừng mà không có một vụ bắt giữ nào và chẳng có một phản ứng có ý nghĩa từ chính phủ.”

Ngài nói: “Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và bị bỏ rơi bởi chính phủ của chúng tôi và cộng đồng quốc tế.
Source:National Catholic Register