Luke Coppen của trang mạng The Pillar tường trình rằng Phiên họp Lục địa về đồng nghị của châu Âu hôm thứ Năm đã kêu gọi phải có “những quyết định can đảm về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.”
Theo tài liệu cuối cùng của Phiên họp - ở dạng dự thảo và dự kiến sẽ chỉ được hoàn tất trong nhiều tuần - những người tham gia Phiên họp ở Prague đã ủng hộ việc tham gia nhiều hơn của phụ nữ “ở tất cả các bình diện, kể cả trong diễn trình ra quyết định và thực hiện quyết định. ”
Bản văn không nêu rõ “quyết định can đảm” hay “diễn trình ra quyết định” mà nó đề cập đến có nghĩa gì.
Một số đại biểu, đặc biệt là từ Đức, đã thúc giục hội đồng tán thành việc phong chức phó tế và linh mục cho phụ nữ, nhưng họ vấp phải sự phản đối từ những người tham gia khác.
Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương Giáo dân Công Giáo Đức (ZdK), nói với các đại biểu vào ngày 8 tháng 2 rằng “việc giam cầm phụ nữ trong không gian ở bên ngoài thừa tác vụ thụ phong” đã khiến các phụ nữ trẻ rời bỏ Giáo hội.
Nhưng cùng ngày, đại biểu Ba Lan Aleksander Bańka đã chỉ trích điều mà ông gọi là “sự quyến rũ lừa dối của các giải pháp hời hợt, chẳng hạn như ý tưởng về việc phong chức cho phụ nữ,” dường như “rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa tân giáo sĩ trị”.
Dự thảo tài liệu cuối cùng đã được đọc lên vào ngày 9 tháng 2, ngày cuối cùng của phần đầu tiên của Phiên họp cấp châu lục: một hội đồng toàn giáo hội (ecclesial assembly) bao gồm điều mà các nhà tổ chức Thượng hội đồng gọi là “toàn thể dân Chúa”.
Sau phiên họp toàn giáo hội, một phiên họp dành riêng cho các giám mục (episcopal assembly) — với sự tham dự của các chủ tịch hội đồng giám mục Châu Âu — đã bắt đầu vào ngày 10 tháng 2 tại cùng một địa điểm. Các giám mục dự kiến sẽ thông qua một “bài nhận định” về tài liệu cuối cùng trước khi cuộc họp mặt của họ kết thúc vào ngày 12 tháng Hai.
Bản văn cuối cùng, hiện dài 20 trang, chưa được công bố vì nó có khả năng kết hợp một số thay đổi đáng kể do những người tham gia đề xuất cả trong lẫn sau Phiên họp.
Nhưng những người tổ chức Phiên họp đã đưa ra một tuyên bố có tựa đề là “các nhận xét cuối cùng”, gần giống hệt như phần kết luận (xem bên dưới) của bản dự thảo tài liệu cuối cùng được đọc vào ngày 9 tháng Hai.
Bản văn dự thảo trình bầy sự cương quyết hưởng ứng các nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm thúc đẩy “tính đồng nghị” trong Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu.
Bản văn dự thảo được đọc hôm thứ Năm cho biết, “Suốt những ngày của Phiên họp, chúng ta đã trải qua một hình thức Lễ Hiện Xuống, lần đầu tiên dẫn chúng ta đến kinh nghiệm này là có thể gặp gỡ, lắng nghe nhau và đối thoại, bắt đầu từ những khác biệt của chúng ta và vượt qua nhiều trở ngại, nhiều bức tường và rào cản mà lịch sử của chúng ta đặt trên đường đi của chúng ta.
“Chúng ta cần yêu mến tính đa dạng trong Giáo Hội của chúng ta và hỗ trợ lẫn nhau trong sự quí mến lẫn nhau, được củng cố bởi đức tin của chúng ta vào Chúa và vào quyền năng của Thánh thần Người. Đây là lý do tại sao chúng ta muốn tiếp tục bước đi theo phong cách đồng nghị. Hơn cả một phương pháp luận, chúng ta coi đó là một lối sống của Giáo hội chúng ta, của việc biện phân cộng đồng và việc biện phân các dấu chỉ của thời đại.”
Dự thảo tài liệu cuối cùng ghi nhận một đề xuất về “một phiên họp toàn giáo hội châu Âu” vào năm 2025, đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày công bố Gaudium et spes, Hiến chế Mục vụ của Công đồng Vatican II về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại.
Phiên họp sẽ “tụ tập để chia sẻ niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và nỗi thống khổ của con người trong thời đại chúng ta,” đề xuất cho biết như thế, cũng như để “lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và Trái đất ở châu Âu và trên thế giới.”
Bản dự thảo tài liệu cuối cùng kêu gọi Phiên họp châu lục “đừng mãi là một trải nghiệm biệt lập, nhưng trở thành một cuộc hẹn định kỳ.”
Bốn ngày thảo luận sâu rộng ở Prague đã làm nổi bật sự khác biệt rõ rệt giữa các phái đoàn quốc gia.
Irme-Stetter Karp, một trong những nhân vật hàng đầu trong “Con đường Đồng nghị” gây tranh cãi của Đức, đã có lúc phàn nàn rằng khi chữ “Quỷ” được nhắc đến, một số đại biểu đã nhìn vào bà. Bà nói “quả mất lòng đấy”.
Đức Tổng Giám Mục Gintaras Grušas, chủ tịch Liên Hội đồng các Hội đồng Giám mục Châu Âu (CCEE), giám sát Phiên họp, cho biết: “Phần lớn, chúng ta đã có thể duy trì được sự tôn trọng lẫn nhau và phẩm giá mà chúng ta thấy ở nơi nhau, ngay cả với những khác biệt và căng thẳng của chúng ta, và chúng ta có thể cảm ơn Thiên Chúa về điều đó.”
Ngài nhắc đến một hình ảnh người ta có về Chúa Giêsu lúc sắp chết trên Thập giá đã hỏi: “Các con có yêu ta khi ta như thế này không?”
Ngài nói: “Hình ảnh đó ám chỉ Giáo hội với tất cả những vết thương, với tất cả những vết bầm tím của nó, và chúng ta được kêu gọi yêu mến Giáo hội khi Giáo hội bị bầm dập, khi chúng ta bị tổn thương.
“Và chúng ta tiếp tục cuộc hành trình này, bị bầm dập và đánh đập, và tràn đầy hy vọng cho tương lai, từng bước một với sự cởi mở để được chữa lành và cởi mở để lắng nghe nhau.”
Tài liệu cuối cùng và bài nhận định của các giám mục sẽ được đệ trình lên văn phòng Tổng thư ký của Thượng hội đồng tại Vatican. Các bản văn này sẽ giúp cung cấp thông tin cho tài liệu làm việc của thượng hội đồng về tính đồng nghị, một tập hợp các giám mục thế giới ở Rome bắt đầu vào tháng Mười.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Prague với hãng thông tấn Đức KNA, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich gợi ý rằng giáo dân có thể có quyền bỏ phiếu tại thượng hội đồng về tính đồng nghị.
“Đại hội ở Rôma sẽ là một thượng hội đồng giám mục theo giáo luật. Nhưng cũng sẽ có một số lượng lớn hơn các giáo dân, và tôi có thể tưởng tượng rằng một số người trong số họ cũng sẽ có quyền bỏ phiếu,” Đức Hồng Y nói thế, ngài là người sẽ phục vụ với tư cách Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng.
Tài liệu cuối cùng của Phiên họp châu Âu có thể sẽ được công bố khi nó ở dạng hoàn chỉnh trên trang mạng chính thức của biến cố và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên các trang mạng của hội đồng giám mục.
Kết luận của dự thảo tài liệu cuối cùng của Phiên họp Lục địa Châu Âu tại Prague
Ghi theo bài đọc trực tuyến trên prague.synod2023.org
Vào cuối bốn ngày lắng nghe và đối thoại, dựa trên các vang dội khơi lên từ tài liệu làm việc cho giai đoạn lục địa trong các Giáo Hội mà từ đó chúng ta xuất phát, trong tư cách Phiên họp lục địa châu Âu, chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã có một trải nghiệm tâm linh sâu sắc thông qua phương pháp đồng nghị.
Chúng ta tạ ơn Chúa Thánh Thần, Đấng đã hướng dẫn chúng ta, vì hồng ân chúng ta đã nhận lãnh. Và ở đây chúng ta muốn chia sẻ nó. Chúng ta đào sâu những hiểu biết sâu sắc mà các cộng đồng giáo hội của lục địa chúng ta đã đạt được thông qua các tiến trình đồng nghị, cũng như những căng thẳng và câu hỏi mà các giáo hội châu Âu đang phải đối đầu.
Trên hết, một lần nữa chúng ta cảm nhận được nỗi đau của những vết thương vốn đánh dấu lịch sử của chúng ta, bắt đầu với những vết thương mà Giáo hội đã gây ra qua những lạm dụng do những người đang thi hành thừa tác vụ hoặc chức vụ trong Giáo hội gây ra, và kết thúc với những vết thương do bạo lực tàn nhẫn của chiến tranh gây ra, làm biến dạng Ukraine và trận động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Công việc của chúng ta rất phong phú và kích thích, mặc dù không phải không có những vấn đề và khó khăn. Nó đã cho phép chúng ta nhìn vào con mắt của Giáo hội ở Châu Âu, với tất cả kho báu của hai truyền thống vĩ đại Latinh và Đông phương từng tạo nên nó. Với ý thức đã phát triển trong suốt thời gian diễn ra Phiên họp, hôm nay chúng ta cảm thấy chúng ta có thể khẳng định rằng Giáo hội của chúng ta rất đẹp, biểu lộ sự đa dạng vốn cũng là sự giàu có của chúng ta. Chúng ta cảm thấy chúng ta yêu Giáo Hội sâu sắc hơn bất chấp những vết thương mà Giáo Hội đã gây ra, những vết thương mà Giáo Hội cần xin sự tha thứ để có thể tiến tới hòa giải, hàn gắn ký ức và chào đón những người bị thương.
Chúng ta tin chắc rằng những tâm tình này cũng lấp đầy trái tim của tất cả những người đã tham gia vào hành trình của Thượng Hội đồng Giám mục 2021-2024 kể từ tháng 9 năm 2021. Trong suốt những ngày của Phiên họp, chúng ta đã trải qua một hình thức Lễ Hiện Xuống, lần đầu tiên dẫn chúng ta đến cảm nghiệm này là có thể gặp gỡ, lắng nghe nhau và đối thoại, bắt đầu từ những khác biệt của chúng ta và vượt qua nhiều trở ngại, bức tường và rào cản mà lịch sử đặt lên đường đi của chúng ta.
Chúng ta cần yêu mến tính đa dạng trong Giáo Hội của chúng ta và hỗ trợ lẫn nhau trong sự quí mến lẫn nhau, được củng cố bởi đức tin của chúng ta vào Chúa và vào quyền năng của Thánh thần Người. Đây là lý do tại sao chúng ta muốn tiếp tục bước đi theo phong cách đồng nghị. Hơn cả một phương pháp luận, chúng ta coi đó là một lối sống của Giáo hội chúng ta, của việc biện phân cộng đồng và việc biện phân các dấu chỉ của thời đại.
Một cách cụ thể, chúng ta muốn Phiên họp châu lục này không phải là một kinh nghiệm biệt lập, mà trở thành một cuộc hẹn định kỳ dựa trên việc áp dụng chung phương pháp đồng nghị vốn thấm nhuần tất cả các cấu trúc và thủ tục của chúng ta ở mọi bình diện. Theo phong cách này, sẽ có thể giải quyết các vấn đề mà trên đó, các nỗ lực của chúng ta cần phải trưởng thành và thâm hậu hóa: việc đồng hành với những người bị thương, tính chủ đạo của những người trẻ và phụ nữ, việc học hỏi từ những người bị gạt ra ngoài lề.
Phong cách đồng nghị cũng cho phép chúng ta giải quyết những căng thẳng từ góc độ truyền giáo mà không bị tê liệt vì sợ hãi nhưng rút tỉa được năng lực để tiếp tục đường đi. Hai căng thẳng đặc biệt đã xuất hiện trong công việc của chúng ta. Căng thẳng đầu tiên khuyến khích sự thống nhất trong đa dạng, thoát khỏi sự cám dỗ của sự độc dạng. Căng thẳng thứ hai nối kết sự sẵn sàng đón nhận như một nhân chứng cho tình yêu vô điều kiện của Chúa Cha dành cho con cái của Người với lòng can đảm công bố toàn bộ sự thật của Tin Mừng. Chính Thiên Chúa hứa: tình yêu và sự thật sẽ gặp nhau.
Chúng ta biết rằng tất cả những điều này đều khả hữu vì chúng ta đã trải nghiệm nó trong Phiên họp này, nhưng thậm chí còn hơn thế nữa bởi vì đời sống của các Giáo Hội mà từ đó chúng ta phát xuất đã làm chứng cho điều đó. Đặc biệt, ở đây chúng ta nghĩ đến cuộc đối thoại đại kết và liên tôn, vốn đã gây tiếng vang mạnh mẽ trong công việc của chúng ta. Nhưng trên hết, chúng ta tin rằng điều đó có thể thực hiện được vì có liên quan đến ân sủng. Thực thế, việc xây dựng một Giáo hội ngày càng đồng nghị là một cách để thực hiện một cách cụ thể sự bình đẳng về phẩm giá của tất cả các thành viên của Giáo hội, được tạo lập trong phép rửa, vốn làm chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, và là các chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô, đồng trách nhiệm đối với sứ mệnh loan báo Tin Mừng độc nhất mà Chúa đã trao phó cho Giáo hội của Người.
Chúng ta tin tưởng rằng việc tiếp tục Thượng Hội đồng 2021-24 có thể hỗ trợ và đồng hành với chúng ta đặc biệt qua việc giải quyết một số ưu tiên sau đây, ở bình diện phiên họp thượng hội đồng:
- Việc đào sâu thực hành, thần học và khoa giải thích về tính đồng nghị. Chúng ta phải khám phá lại một điều gì đó cổ xưa, thuộc bản chất của Giáo hội và luôn luôn mới mẻ. Đây là một nhiệm vụ dành cho chúng ta. Chúng ta đang thực hiện những bước đầu tiên trên con đường mở ra khi chúng ta đi dọc theo nó.
- Ý nghĩa của một Giáo hội hoàn toàn thừa tác như chân trời cho việc suy tư về các đặc sủng và thừa tác vụ, thụ phong và không thụ phong, và các mối liên hệ giữa chúng với nhau.
- Các hình thức thi hành thẩm quyền theo lối đồng nghị. Thí dụ, dịch vụ đồng hành cùng cộng đồng và bảo vệ sự hiệp nhất, và các quyết định dấn thân và can đảm về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và về sự tham gia nhiều hơn của họ ở mọi bình diện, cũng như trong diễn trình ra quyết định và thực hiện quyết định.
- Các ý hướng chung quanh phụng vụ, ngõ hầu hiểu lại Thánh Thể theo lối đồng nghị như nguồn hiệp thông.
- Việc đào tạo tính đồng nghị cho toàn thể dân Chúa, đặc biệt liên quan đến việc biện phân các dấu chỉ thời đại, nhằm thực hiện sứ mạng chung.
- Đổi mới cảm thức sống động về truyền giáo, vượt qua sự rạn nứt giữa đức tin và văn hóa, để trở về với việc đem Tin Mừng đến với lòng người.
- Tìm một ngôn ngữ có khả năng kết hợp giữa truyền thống và aggiornamento (cập nhật), nhưng trên hết là đồng hành cùng mọi người, thay vì nói về họ, hoặc nói với họ.
Yêu mến Giáo hội, yêu mến sự phong phú trong tính đa dạng của Giáo hội, không phải là một hình thức của chủ nghĩa đa cảm vì lợi ích của chính nó. Giáo hội xinh đẹp vì Chúa muốn Giáo hội như vậy vì nhiệm vụ được trao phó cho Giáo hội là loan báo Tin Mừng, và mời gọi tất cả mọi người nam nữ tham gia vào động lực hiệp thông, tham gia và sứ mệnh tạo nên lý do tồn tại của Giáo hội, được sinh động nhờ sinh lực muôn thuở của Chúa Thánh Thần.
Yêu mến Giáo hội Châu Âu của chúng ta có nghĩa là đổi mới cam kết của chúng ta để thực hiện sứ mệnh này, ngay trên lục địa của chúng ta trong một nền văn hóa được đánh dấu bằng nhiều sự đa dạng mà chúng ta biết. Adsumus, Sancte Spiritus [Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con có mặt]. Amen.