Trước thềm Thượng Hội đồng Giám Mục về tính đồng nghị, một Thượng Hội đồng hướng tới phân quyền, John Allen của trang mạng CruxNow nhận định một vài động thái gần đây của Đức Phanxicô xem ra đi ngược lại chiều hướng này.



Các động thái

Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đánh dấu năm thứ 25 tại chức của ngài vào năm 2003, nhà thần học Công Giáo người Mỹ Richard McBrien đã phát biểu thay cho nhiều nhà phê bình cấp tiến khi nói rằng di sản của Đức Giáo Hoàng chắc chắn là ô hợp, với điểm tiêu cực lớn nhất là “sự tái tập trung quyền lực của ngài vào ngôi vị giáo hoàng có hại cho giáo huấn của [Công đồng Vatican II] về tính tập đoàn.”

Tất nhiên, Đức Gioan Phaolô II được coi là một nhà bảo thủ. Giả thiết trong nhiều giới cho rằng với sự chuyển tiếp sang Đức Giáo Hoàng Phanxicô cấp tiến hơn, viễn kiến Vatican II về tính tập đoàn, nghĩa là chuyển quyền kiểm soát nhiều vấn đề từ Rôma qua các giám mục địa phương, cuối cùng sẽ được thực hiện.

Ngay từ đầu, Đức Phanxicô dường như đã thúc đẩy những kỳ vọng đó, khi nói vào năm 2015 rằng Giáo Hội Công Giáo có thể sử dụng một “sự phân quyền lành mạnh”. Với “Thượng hội đồng giám mục về tính đồng nghị” được nhiều người ca ngợi, Đức Phanxicô và các phụ tá của ngài đã nói rằng họ muốn việc tham khảo ý kiến và đưa ra quyết định chung trở thành một đặc điểm cốt lõi của đời sống Giáo hội.

Tuy nhiên, một số câu chuyện gần đây dường như kể một điều hơi khác.

Trong một động thái một lần nữa khuấy động tình cảm Công Giáo truyền thống, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuần này đã ban hành một phúc nghị (rescript), nghĩa là một sắc lệnh pháp lý, yêu cầu các giám mục địa phương phải xin phép Vatican trước khi cho phép cử hành Thánh lễ Latinh trước Công đồng Vatican II tại các nhà thờ giáo xứ, hoặc cho phép các linh mục thụ phong sau ngày 16 tháng 7 năm 2021, sử dụng nghi thức cũ hơn này.

Các hãng tin bảo thủ đã ghi nhận sự tương phản giữa lời hoa mỹ về phân quyền của Đức Giáo Hoàng và lực đẩy tập quyền rõ ràng của phúc nghị. Thành thật mà nói, đó không phải là thí dụ duy nhất.

Hai ngày sau, Đức Phanxicô ban hành một công cụ pháp lý khác, công cụ này là một tự sắc, liên quan đến di sản tài chính của Tòa Thánh. Về bản chất, sắc lệnh quy định rằng tất cả tài sản của các tổ chức được tạo ra bởi các cơ quan của Giáo triều La Mã, hoặc bởi các thực thể khác có liên quan đến Tòa thánh, đều thuộc về Vatican và chịu sự kiểm soát của Đức Giáo Hoàng.

Tháng 8 năm ngoái, khi công bố một báo cáo tài chính, Văn phòng Kinh tế đã xác định 92 “thực thể” như vậy, bao gồm các vương cung thánh đường lớn ở Rome – Đức Bà Cả, Thánh Phaolô Ngoại thành, Thánh Gioan Latêranô, ngoài ra còn có Nhà thờ Thánh Phêrô – cũng như một loạt các quỹ tài trợ, tổ chức và quỹ dự trữ được tạo ra trong nhiều năm.

Về mặt kỹ thuật, đây là các cơ quan của Vatican và do đó phải lệ thuộc Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, trên thực tế, từ lâu hầu hết đã hoạt động với quyền tự chủ đáng kể và nhân viên coi tài sản là của họ để quản lý và sử dụng khi họ thấy phù hợp. Do đó, đây là một cú đánh thức khá dữ dội, để thức tỉnh và phát hiện ra rằng không, họ chỉ là “những người được ủy trị”, không phải là “chủ sở hữu”.

Hoặc, hãy xem xét một phúc nghị ban hành tháng 6 năm ngoái xác định rằng trước khi thành lập một nhóm mới như là “hiệp hội công khai của các tín hữu”, với mục tiêu trở thành một dòng tu, giám mục giáo phận trước tiên phải xin phép Vatican. Qui định đó được xây dựng dựa trên một sắc lệnh trước đó từ năm 2020 yêu cầu các giám mục phải xin phép trước khi thành lập một cộng đồng tu trì mới thuộc quyền giáo phận, do đó, đã mở rộng một phúc nghị năm 2016 yêu cầu họ ít nhất phải tham khảo ý kiến của Vatican.

Trước đây, tất cả các bước đó có thể được thực hiện bởi một giám mục giáo phận, với việc Vatican chỉ tham gia vào bức tranh nếu dòng tu mới muốn được công nhận là "thuộc giáo hoàng", không chỉ đơn giản là "thuộc giáo phận". Bây giờ, Vatican phải can dự ngay từ đầu.

Ngoài ra, hãy xem xét một số câu truyện bên ngoài nước Ý chỉ trong vài ngày qua liên quan đến hai tu viện nhỏ của các nữ tu.

Trong trường hợp đầu tiên, hai nữ tu Dòng Clara Nghèo khó đã bị trục xuất khỏi đời sống tu trì theo sắc lệnh của Vatican vì không chịu từ bỏ tu viện của họ trên Bờ biển Amalfi sang trọng của Ý, nơi tài sản ước tính trị giá từ 50 đến 60 triệu mỹ kim. Với lý do số lượng ngày càng giảm, Vatican đã ra lệnh đóng cửa tu viện và bổ nhiệm một người giám sát để xử lý tài sản.

Hai nữ tu không muốn rời đi, trong số những điều khác, họ nói rằng họ muốn chăm sóc một nữ tu 97 tuổi sống trong tu viện từ năm 1955. Sự bất chấp dẫn đến lệnh trục xuất.

Cách đó khoảng 270 dặm về phía bắc, 13 nữ tu Biển Đức đang phải đối mặt với mối đe dọa tương tự sau khi bất chấp lệnh của Vatican để thay thế Mẹ Bề trên của họ. Các nữ tu đã dựng rào chắn trong tu viện, khóa cổng chính và cắt đứt đường dây điện thoại, hy vọng rằng bằng cách nào đó một kháng cáo chống lại sắc lệnh của Vatican sẽ thành công.

Nói một cách tổng quát, người ta có thể thắc mắc tại sao Vatican lại tham gia vào công việc chỉ có tính quản lý vi mô, bởi vì, trong những trường hợp khác, những bế tắc như thế này thường được giao cho các dòng tu và giáo phận liên quan giải quyết, trên cơ sở mối nguy chỉ là quá nhỏ.

Các động lực

Lý do gì vậy? Tại sao vị giáo hoàng của “phân quyền lành mạnh” dường như đang chủ trì một triều đại giáo hoàng ngày càng có tính đế chế?

Để bảo vệ Đức Phanxicô, một số biện pháp tập trung này phản ảnh mong muốn cải cách của ngài.

Chẳng hạn, việc khẳng định quyền kiểm soát đối với các dòng tu mới, một phần là phản ứng trước sự kiện này là một số lượng đáng báo động các dòng tu này đã vướng vào các vụ bê bối lạm dụng. Tương tự như vậy, việc khẳng định quyền sở hữu đối với tất cả các tài sản liên quan đến Vatican được coi là một cách để bảo đảm rằng các biện pháp minh bạch và trách nhiệm giải trình mới của Đức Phanxicô cũng đến được với các thực thể này, bất chấp chúng có thể cách xa hoạt động hàng ngày của Đức Giáo Hoàng bao nhiêu.

Tuy nhiên, ngoài cải cách, gần như chắc chắn có những nhân tố khác đang tác động, một trong số đó có tính cấu trúc và nhân tố khác có tính tâm lý.

Về mặt cấu trúc, các giám đốc điều hành của bất cứ cơ sở chính trị nào thường tìm cách tăng cường quyền lực của ngành hành pháp. Trong cuốn sách nổi tiếng The Imperial Presidency của mình, Arthur Schlesinger đã xác định cả Franklin D. Roosevelt, đảng viên Đảng Dân chủ và Nixon, đảng viên Đảng Cộng hòa, đều là các kiến trúc sư của quyền hành pháp được mở rộng đáng kể ở Hoa Kỳ.

Chỉ trong thời đại siêu phân cực, bất cứ ai cũng ngạc nhiên khi cả vị giáo hoàng bảo thủ lẫn vị giáo hoàng cấp tiến dường như đều thích thẩm quyền giáo hoàng, ở mức độ gần như ngang nhau.

Còn đây là vấn đề tâm lý: Hầu hết các tân giáo hoàng, đặc biệt những vị từng lãnh đạo các giáo phận trong một thời gian, có thể nhậm chức với niềm tin rằng hầu hết các giám mục khác cũng nghĩ như các vị. Xét cho cùng, các vị vừa được bầu với hai phần ba phiếu bầu trong Hồng Y đoàn, và hầu hết những người bạn giám mục của vác vị có thể chia sẻ quan điểm của các vị...

Dựa trên giả định cho rằng “hầu hết các giám mục” muốn những gì Đức Giáo Hoàng muốn, thật dễ dàng để ủng hộ sự phân quyền và tính tập đoàn.

Tuy nhiên, theo thời gian, mọi vị giáo hoàng đều phải tính đến sự kiện này là có nhiều giám mục không thực sự chia sẻ chương trình nghị sự của của các vị. Đức Gioan Phaolô II có Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, cũng như Đức Giáo Hoàng Phanxicô có Đức Hồng Y Gerhard Müller – và trong cả hai trường hợp, Martini và Müller không chỉ nói cho riêng mình.

Khi các vị giáo hoàng bắt đầu nghe thấy tiếng thời gian chung tận tới gần, điều trở nên ít tự nhiên hơn là nghe theo các phán quyết của một bộ phận dễ dàng bị chia rẽ và không tài nào đoán trước được gồm đến khoảng 5,000 giám mục Công Giáo trên khắp thế giới, và dễ dàng bị cám dỗ cai trị bằng sắc lệnh nhiều hơn.

Ngày càng có nhiều nhà quan sát tin rằng chúng ta hiện đang bước vào giai đoạn đó của kỷ nguyên Phanxicô. Do đó, chiều kích hoạt động này của ngôi vị giáo hoàng sẽ được dung hòa như thế nào với các khái niệm giáo hội học có khả năng được trình bày rõ ràng bởi Thượng hội đồng về tính đồng nghị sắp diễn ra, do đó, sẽ rất hấp dẫn để theo dõi.