Chúa Nhật 12 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Ba Mùa Chay.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.

Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng ta là Giacóp, người đã cho chúng ta giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giêsu trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người phụ nữ lại nói: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ... Cha ông chúng ta đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giêsu phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng ta thờ Đấng chúng ta biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây giờ các tín hữu đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng ta mọi sự.” Đức Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”

Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng ta tin. Quả thật, chính chúng ta đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Chúa Nhật này, Tin Mừng trình bày cho chúng ta một trong những cuộc gặp gỡ đẹp đẽ và hấp dẫn nhất mà Chúa Giêsu có – đó là cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari (x. Ga 4:5-42). Chúa Giêsu và các môn đệ nghỉ chân bên một cái giếng ở Samari. Một người phụ nữ đến và Chúa Giêsu nói với bà: “Xin cho tôi chút nước uống” (c. 8). Tôi muốn tạm dừng ngay tại cụm từ này: Cho tôi chút nước uống.

Cảnh này mô tả Chúa Giêsu, khát và mệt mỏi. Một phụ nữ Samaria tìm thấy Người vào giờ nóng nực nhất, giữa trưa, đang xin nước giải khát như một người hành khất. Đó là hình ảnh về sự hạ mình của Thiên Chúa. Thiên Chúa hạ mình trong Đức Giêsu Kitô để cứu chuộc chúng ta. Ngài đến với chúng ta. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã trở nên một người trong chúng ta, Ngài đã hạ mình xuống. Khát như chúng ta, Ngài cũng phải chịu cơn khát như chúng ta. Nghĩ đến cảnh này, mỗi người chúng ta có thể nói: Ngài là Chúa, là Thầy “xin tôi nước uống. Như thế, Ngài cũng khát như tôi. Ngài chia sẻ cơn khát của tôi. Ngài thực sự ở gần tôi, Chúa ơi! Chúa đang chạm đến sự bần cùng của con. Nhưng con không thể tin được! “Chúa đã nắm lấy con từ bên dưới, từ chỗ thấp nhất của con người con, nơi không ai có thể chạm tới” (P. Mazzolari, La Samaritana, Bologna 2022, 55-56). Và Chúa đã đến với con từ bên dưới và Chúa đã nắm lấy con từ bên dưới bởi vì Chúa đang khát và khao khát con. Thật ra, cơn khát của Chúa Giêsu không chỉ thuộc thể xác. Nó diễn tả những khát khao sâu thẳm nhất cuộc đời chúng ta, và trên hết là khát khao tình yêu của chúng ta. Ngài còn hơn cả một kẻ ăn mày. Ngài “khát” tình yêu của chúng ta. Và điều này sẽ bộc lộ vào lúc tột đỉnh cuộc khổ nạn của Người, trên thập giá, nơi mà trước khi chết, Chúa Giêsu sẽ nói: “Ta khát” (Ga 19:28). Khát khao tình yêu đó đã đưa Ngài xuống, hạ mình xuống, hạ cố trở thành một người trong chúng ta.

Nhưng Chúa xin nước uống, lại chính là Đấng cho chúng ta uống. Gặp người phụ nữ Samari, Người nói với bà về nước hằng sống của Chúa Thánh Thần. Và từ thập giá, máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người (x. Ga 19:34). Khát khao tình yêu, Chúa Giêsu làm dịu cơn khát của chúng ta bằng tình yêu. Và Người làm với chúng ta điều Người đã làm với người phụ nữ Samari – Người đến gặp chúng ta trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, Người chia sẻ cơn khát của chúng ta, Người hứa ban cho chúng ta nước hằng sống làm cho sự sống vĩnh cửu trào dâng trong chúng ta.

Cho tôi chút nước uống. Có một khía cạnh thứ hai. Những lời này không chỉ là một lời yêu cầu của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ Samaria, nhưng là một tiếng kêu – đôi khi im lặng – gặp gỡ chúng ta mỗi ngày và yêu cầu chúng ta làm dịu cơn khát của người khác, chăm sóc cơn khát của người khác. Có bao nhiêu người nói với chúng ta “cho tôi chút nước uống” - trong gia đình của chúng ta, tại nơi làm việc, ở những nơi khác mà chúng ta tìm thấy chính mình. Họ khao khát được gần gũi, được chú ý, được lắng nghe. Đó là những người khao khát Lời Chúa và cần tìm một ốc đảo trong Giáo hội để họ có thể uống. Hãy cho tôi chút nước là một tiếng kêu được nghe thấy trong xã hội của chúng ta, nơi mà tốc độ điên cuồng, sự vội vàng để tiêu thụ, và đặc biệt là sự thờ ơ, nền văn hóa lạnh nhạt đó, tạo ra sự khô khan và trống rỗng nội tâm. Và – chúng ta đừng quên điều này – “cho tôi uống với” là tiếng kêu cứu của nhiều anh chị em thiếu nước sinh hoạt, trong khi ngôi nhà chung của chúng ta tiếp tục bị ô nhiễm và biến chất. Kiệt sức và khô héo, xã hội cũng “khát nước”.

Trước những thách thức đó, bài Tin Mừng hôm nay cống hiến nước hằng sống cho mỗi người chúng ta để có thể trở thành nguồn suối tươi mát cho người khác. Và như vậy, giống như người phụ nữ Samari bỏ vò bên giếng và đi gọi những người cùng làng với mình (x. câu 28), chúng ta cũng sẽ không còn chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn cơn khát của chính mình, cơn khát vật chất, trí tuệ của chúng ta, hay cơn khát văn hóa, nhưng với niềm vui được gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ làm dịu cơn khát của người khác, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của người khác, không phải với tư cách là ông chủ, mà là những người phục vụ của Lời Chúa, Đấng đã khao khát chúng ta, Đấng không ngừng khao khát chúng ta. Chúng ta sẽ thấu hiểu nỗi khát khao của họ và chia sẻ tình yêu mà Người đã trao cho chúng ta. Một câu hỏi đặt ra cho chính tôi và tất cả anh chị em nảy sinh: Chúng ta có thể hiểu được cơn khát của người khác, cơn khát của mọi người, cơn khát mà rất nhiều người trong gia đình tôi, trong xóm tôi đang có không? Hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có khao khát Thiên Chúa không? Tôi có biết rằng tôi cần tình yêu của Người như nước để sống không? Và rồi: Tôi đang khát, tôi có quan tâm đến cơn khát của người khác, cơn khát tinh thần, cơn khát vật chất của họ không?

Xin Đức Mẹ chuyển cầu cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta trên đường đi.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi chào tất cả anh chị em, các tín hữu từ Rôma và khách hành hương từ nhiều quốc gia, đặc biệt là những người đến từ Madrid và Spalato.

Tôi chào các nhóm giáo xứ từ Padua, Caerano San Marco, Bagolino, Formia và Sant'Ireneo ở Rôma.

Thứ Sáu này, ngày 17 tháng Ba và thứ Bảy, ngày 18, sáng kiến “24 Giờ cho Chúa” sẽ được lặp lại trong toàn thể Giáo Hội. Đây là thời gian dành riêng cho việc cầu nguyện, thờ phượng và lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Vào chiều Thứ Sáu, tôi sẽ đến một giáo xứ ở Rôma để cử hành Nghi thức Sám Hối. Cách đây một năm, trong bối cảnh này, chúng ta đã cử hành nghi thức trọng thể Thánh Hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để cầu xin hồng ân hòa bình. Hành động phó thác của chúng ta không chùn bước, niềm hy vọng của chúng ta không lung lay! Chúa luôn lắng nghe những lời cầu nguyện của dân Người nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta hãy hiệp nhất trong đức tin và liên đới với anh chị em của chúng ta đang đau khổ vì chiến tranh. Đặc biệt chúng ta đừng quên những người dân Ukraine đang bị vùi dập!

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana