Giờ Chầu Thánh Thể: 24 giờ cho Chúa năm 2023

(Từ tối ngày 17 đến ngày 18 tháng 3 năm 2023)

Chủ đề : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13)

I. KHAI MẠC:

Lời dẫn nhập (Người dẫn đọc)

Kính thưa cộng đoàn, sáng kiến “24 giờ cho Chúa” được Đức Thánh Cha Phanxicô khởi đi từ chiều ngày thứ Sáu đến chiều thứ Bảy trước Chúa Nhật IV Mùa Chay đến nay là năm thứ 9 được cử hành trên toàn thế giới, một sáng kiến cầu nguyện và hòa giải trong Mùa Chay mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn, được cử hành. Để chuẩn bị cho Lễ Chúa Phục Sinh, các nhà thờ sẽ mở cửa trong suốt thời gian cử hành sáng kiến, nhằm giúp cho các tín hữu và khách hành hương có cơ hội dừng đôi phút để chầu Thánh Thể và xưng tội, giúp nhiều người đến bí tích Hòa Giải, trở về với Chúa, sống những giờ phút cầu nguyện và tìm lại ý nghĩa cho cuộc sống.

24 giờ cho Chúa năm nay, ngoài những ý tưởng trên còn có một ý chính là bắt chước người thu thuế kêu xin với Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Chúng ta cùng đặt mình trước Thánh Thể Chúa và hồi tâm cảm nghiệm tình Chúa yêu ta và đắm mình trong lòng thương xót vô biên của Chúa.

Giờ đây chúng ta khẩn cầu xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta làm Giờ Thánh này cho nên.

Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần Đặt Mình Thánh Chúa

Hát : Thờ Lạy Chúa Giêsu

(Vị Chủ sự quì trước Thánh Thể xông hương, hát xong và đọc lời nguyện sau)

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Cha, Đấng sáng tạo trời đất muôn vật hữu hình và vô hình, trong đó có loài người chúng con. Chúng con tôn thờ và kính lạy Ngôi Con là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại, trong đó có mỗi người chúng con. Chúng con tôn thờ kính lạy Thiên Chúa Ngôi Ba là Chúa Thánh Linh, Đấng thánh hóa trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự thật giữa chúng con đây, và giờ phút này, Chúa thấy chúng con đang ở đây với Chúa, trước sự hiện diện của Chúa.

Đã gần hai ngàn năm, Chúa đã sẵn lòng bước lên Thánh Giá ô nhục để rồi sau đó phục sinh và ở lại mãi với chúng con là những người anh chị em của Chúa. Chúng con chiêm ngắm Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.

Hồi tưởng lại trong bữa tiệc Vượt Qua năm xưa, vì yêu thương nhân loại và yêu cho đến cùng, Chúa đã ban Mình và Máu cho các môn đệ, để ở với họ "mãi mãi, cho đến tận thế" (Mt 8,20). Chúa là nguồn gốc và cùng đích đời sống đức tin của chúng con, chúng con thờ lạy Chúa. Vì không có Chúa, chúng con không có ở đây giờ phút này, không có Chúa, chúng con sẽ không hiện hữu, không có Chúa, sẽ chẳng có gì, hoàn toàn không có gì.

Chúa là Đấng "vạn vật được tạo thành" (Ga 1, 3). Chúa là Đấng nhờ Chúa mà chúng con được tạo thành. Chúa đang ở giữa chúng con, cho chúng con được chiêm ngắm Chúa.

Lạy Thiên Chúa đầy tình thương mến, xin ôm ấp tất cả chúng con giờ đây đang thờ lạy trước Thánh Thể tình yêu Chúa. Tình yêu vĩnh cửu mà Chúa Cha dành cho Chúa, cũng như chính Chúa dành cho Chúa Cha, tình yêu của Chúa Cha và Chúa đối với Chúa Thánh Thần, và tình yêu của Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha và Chúa.

Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng con nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng con về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, chấp nhận mất tất cả hầu chiếm được chúng con cho Chúa Cha.

Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, từ hơn hai ngàn năm nay, đã chấp nhận hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người.

Hát : Con Thờ Lạy Hết Tình (Hoài Chiên)

1. Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong phép thánh. Yêu quý nhân loại hiến thân trong hình bánh, nuôi hồn con tháng ngày, cho lòng con vui say. Dâng hiến Cha lành khúc hoan ca tràn đầy.

2. ÐK: Lòng con hân hoan mến tin một Cha. Trần gian bao nhiêu khó nguy lệ sa. Trông cậy ơn Chúa giúp con mau vượt qua. Ðời con tin yêu sống trong tình Cha. Ngày đêm vang lên biết bao lời ca. Dẫu ngàn sầu thương vững tin thiết tha.

3. Chúa ngự trong phép mầu, chỉ vì ơn thương mến, ban xuống nhân loại chúng con không bờ bến. Con nguyện xin tháng ngày, thương đoàn con yếu đuối, tha thứ muôn tội lỗi xưa nay tràn đầy.

Vị chủ sự xướng :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Trước nhan thánh Chúa giờ đây. Chúng con tin thật Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Chúng con ý thức về thân phận tội lỗi bất toàn của chúng con. Chúng con thờ lạy ngợi khen Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con, vì chúng con là kẻ có tội.

Cộng đoàn đáp : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.

Lạy Thiên Chúa là Cha, vì tình thương vô lượng hải hà, Cha đã sai Con Một Cha là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, đi rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại để cứu chuộc chúng con. Ấy vậy mà chúng con vô tình bạc nghĩa vong ơn với Chúa.

Đáp : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con xin Chúa đoái thương gìn giữ Ðức Giáo Hoàng là đấng đại diện Chúa ở trần gian, Ðức Giám Mục Giáo phận chúng con và Cha xứ chúng con. Nhất là xin Chúa bỏ qua những bất toàn của các đấng các bậc. Chúng con lại xin Chúa đoái thương cách riêng đến các linh hồn nơi luyện ngục nhất là những linh hồn khi còn sống đã có lòng tôn kính Phép Thánh Thể.

Đáp : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã chịu chết vì chúng con, nhưng Chúa chưa lấy làm đủ, Chúa còn lập phép Mình Thánh rất đáng kính này để ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Ôi lòng Chúa thương yêu chúng con vô cùng! Chúng con không tài nào suy thấu được. Nhưng chúng con chưa mến yêu và kính thờ Chúa hết lòng, hết sức cho đủ, lại còn xúc phạm tới Phép Mình Thánh Chúa, thậm chí rước Mình Thánh Chúa cách bất xứng.

Đáp : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ngự trị trong gia đình chúng con, và xin cho mọi người trong gia đình chúng con sống với nhau bằng một tình yêu chân thành bắt nguồn từ tình yêu vô biên của Chúa Giêsu Thánh Thể, biết thương xót và tha thứ cho nhau như Chúa đã thương va tha thứ cho chúng con.

Đáp : Lạy Chúa, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.

(Vị Chủ sự cùng giúp lễ đi vào)

II. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM :

Hát : Xin cho con biết lắng nghe

Công bố lời Chúa - (Người dẫn mời mọi người đứng)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 18,9-14)

Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18,9-14)

Đó là Lời Chúa

Gợi ý suy niệm 1 (Mọi người ngồi)

Để xác định thái độ nội tâm và hình thức bề ngoài khi hướng về Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đặt hai nhân vật tương tự đại diện cho con người ngày hôm nay : một bên là người pharisiêu công chính tuân giữ Luật Chúa cách hoàn hảo và bên kia là người thu thuế, tội lỗi, tay sai cho bọn đế quốc, vơ vét tiền bạc trên lưng của đồng bào (Lc 18, 9-14).

Khi đọc lý do tại sao người Pharisiêu lại tạ ơn Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng sự hào phóng của ông thực sự là một người ” tốt “, không chê trách được gì. Điều này dường như không phải là quan điểm của Đức Giêsu, Ngài không kể dụ ngôn này cho những người công chính, nhưng “cho những ai hay tự hào mình là người công chính.”

Người Pharisêu tiêu biểu cho người bảo thủ cảm thấy mình phù hợp với Thiên Chúa và tha nhân, coi khinh kẻ khác. Người thu thuế là kẻ đã phạm một lỗi lầm, nhưng anh nhìn nhận lỗi lầm đó và khiêm tốn xin Chúa tha thứ. Anh ta không nghĩ cứu được mình nhờ công nghiệp riêng mình, nhưng đúng hơn nhờ lòng thương xót Chúa. Sự ưu tiên của Đức Giêsu giữa hai người này rõ rệt, như câu cuối cùng của dụ ngôn minh chứng: Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi, tức là, được tha và hoà giải với Chúa; người Pharisêu trở về nhà trong tình trạng y như hồi ra đi vẫn giữ cảm giác về sự công chính của mình, mà phải mất sự công chính của Chúa.

Trong thực tế, người Pharisiêu đã đặt ra cho mình chỉ tiêu công chính. Ông không như những người khác : ăn chay, nộp thuế… Ông tự xây dựng hình ảnh người công chính cho mình khi quên mất điều quan trọng nhất của lề Luật là tình yêu tha nhân.

Tệ hơn nữa là thái độ của ông. Ông “tạ ơn Thiên Chúa ”; nhưng không được, ông thích liệt kê những kẻ tội lỗi. Trong lời cầu nguyện, ông không cần đến Thiên Chúa. Như thế, ông không công chính với chính mình, sức mạnh nội tâm của ông cho phép ông vượt lên trên mức tầm thường, nhưng ông đã coi thường sự đáng kính của ông. Một người hài lòng với chính mình, làm sao có thể giao tiếp được với Thiên Chúa?

Người thu thuế biết mình không có gì để khoe, và cũng chẳng có ai thấp kém hơn mình để đạp. Anh chỉ biết mình được xếp loại ngang hàng với gái điếm. Anh đứng xa xa, không dám ngước lên trời, đấm ngực và nói lên điều mà lòng anh đang khao khát : “Lạy Chúa, xin thương con là kẻ có tội. ” Chính vì lòng khao khát này mà anh được Chúa đoái thương và lời nguyện xin của anh được Ngài chấp nhận. Một kẻ tội lỗi như anh, có thể chứa đựng lòng thương xót, bởi vì không giống như các pharisiêu đóng cửa lòng mình và thỏa mãn với sự đầy đủ của mình, anh mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đón lấy ơn tha thứ của Thiên Chúa, Đấng mà anh đã đặt tất cả niềm tin và hy vọng của mình.

Giống như hầu hết các dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy hai nhân vật trái ngược nhau. Những người thu thuế hôm qua là những người Pharisêu mới của ngày nay! Ngày nay người thu thuế, kẻ phạm tội, nói với Chúa: “Lạy Chúa con tạ ơn Chúa, vì con không phải như những người Pharisêu có lòng tin kia, giả hình và bất bao dung, lo lắng về sự ăn chay, nhưng trên thực tế sống còn xấu hơn chúng con.” Thật nghịch lý, xem ra dường như có những kẻ cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì con là kẻ vô thần!”

Rochefoucauld nói rằng sự giả hình là đồ cống nạp nết xấu trả cho nhân đức. Ngày nay đó thường là đồ cống nạp nhân đức trả cho nết xấu. Thực vậỵ điều này được tỏ bày ra, nhất là những kẻ tỏ ra mình xấu hơn và vô sỉ hơn mình là, ngõ hầu không xuất hiện kém hơn những kẻ khác. Nhà triết học Tin Lành Soren Kierkegaard viết : ” Ngược lại với tội lỗi không phải là nhân đức, nhưng đức tin”.

Một kết luận thực tế : Rất ít người có lẽ không ai luôn đóng vai trò người Pharisêu hay là luôn trong vai trò người thu thuế, tức là, công chính trong mọi sự hay là tội lỗi trong mọi sự. Phần đông chúng ta có một chút ít cho cả hai trong cuộc sống. Lúc tồi tệ nhất chúng ta ứng xử như quan thu thuế trong cuộc sống, kinh doanh vô đạo đức, và lúc khác chúng ta như người Pharisiêu trong đền thờ, được cho là hợp lý bởi hành vi tôn giáo của chúng ta. Nói cách khác, ngày nay chúng ta phải quay lại với những từ ngữ xung quanh việc đạt tới ý chỉ nguyên thủy. Điều tệ nhất có lẽ là hành động như người thu thuế trong sự sống hàng ngày của chúng ta và như người Pharisêu trong nhà thờ. Những người thu thuế là kẻ tội lỗi, là những người không có áy náy lương tâm, là những kẻ coi tiền bạc và nghề nghiệp trên mọi sự khác. Những người Pharisêu, ngược lại, là rất khắc khe và chăm chú đến lề luật trong sự sống hằng ngày của mình. Như vậy chúng ta xem ra như người thu thuế trong sự sống hằng ngày và như người Pharisêu trong đền thờ, nếu như người thu thuế chúng ta lả kẻ tội lỗi, và như người Pharisêu, chúng ta tin chúng ta là công chính.

Nếu chúng ta đành cam chịu nên một ít của cả hai, bấy giờ chúng ta hãy nên kẻ nghịch của điều chúng ta mới diễn tả: Pharisêu trong sự sống hằng ngày và thu thuế trong nhà thờ! Như người Pharisêu, chúng ta phải cố gắng trong sự sống hằng ngày không làm kẻ trộm và người bất chính, nhưng theo những điều răn của Chúa và trả những món nợ chúng ta mắc; như người thu thuế, khi chúng ta ra trước mặt Chúa, chúng ta phải công nhận rằng chút ít gì chúng ta đã làm là hoàn toàn ân huệ của Chúa, và chúng ta hãy cầu xin, cho chính chúng ta và cho tất cả mọi người, lòng thương xót Chúa. Amen.

Hát: THÁNH VỊNH 50 – Lm. Kim Long

1. Xin thương con lạy Chúa theo lượng từ bi Chúa xóa tội con theo lượng hải hà. Rửa con sạch muôn vàn lầm lỗi, tội tình con xin Ngài tẩy luyện.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài

2. Vâng con nay đã biết bao tội tình vương mắc suốt ngày đêm luôn ở trước mặt. Dám sai phạm với một mình Chúa, từng tà gian ngay ở trước Ngài.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

3. Ban cho con, lạy Chúa cõi lòng thực trong trắng, phú vào con tinh thần vững mạnh. Chớ xua từ con khỏi mặt Chúa, đừng biệt con khỏi Thần Trí Ngài.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

4. Cho con vui được thấy ơn Ngài thương cứu rỗi, đỡ vực con theo lòng quảng đại. Cúi xin Ngài thương mở miệng lưỡi, để hồn con dâng lời tán tụng.

(Đáp ) Lạy Chúa xin thương chúng con vì chúng con đã phạm đến Ngài.

(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)

Công bố lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Mt 18, 21-35)

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

"Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Gợi ý suy niệm 2 (Mọi người ngồi)

Làm người, ai mà chẳng có lúc lầm lỗi : lầm lỗi mình gây nên cho kẻ khác, lầm lỗi kẻ khác gây ra cho mình, hoặc vô tình hoặc cố ý; và lầm lỗi nào cũng gây nên một vết thương. Lầm lỗi cần được tha thứ và vết thương cần được chữa lành. Nhưng làm sao tha thứ? Làm sao chữa lành? Ðó là vấn đề. Nhất là khi sự xúc phạm đến từ những người thân yêu, những người mình tin tưởng, những người đáng ra phải đứng về phía mình..., thì vết thương lại càng đau đớn và sự tha thứ trở nên càng khó !

Phêrô hỏi Chúa Giêsu : "Thưa Thầy, khi anh em lỗi phạm đến con, thì con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có tới bảy lần chăng?" Ông hỏi Chúa Giêsu như thế vì ông tự nghĩ rằng: Theo các Thầy dạy luật, các Rabbi, thì những người công chính nên tha thứ cho những người xúc phạm tới mình 3 lần, sự bất quá tam. Đến lần thứ IV thì không buộc phải tha thứ cho họ nữa! Do đó, ông tự nghĩ: Tha cho anh em đến bẩy lần là điều quá sức, quá quảng đại và đã chứng tỏ rằng mình thực thi như thế là anh hùng và đáng Chúa khen ngợi rồi!

Thế nhưng, câu trả lời của Chúa làm cho ông chưng hửng, cảm thấy hổ thẹn khi so sánh đề nghị của ông với sự đòi hỏi của Chúa thì thấy mình còn quá xa sự trọn lành, xa đòi hỏi của Tin Mừng, Chúa trả lời: “Thầy không bảo con phải tha đến bẩy lần, nhưng đến bẩy mươi lần bẩy” (Mt 18, 22). Chúa còn bảo : "Nếu mỗi ngày, anh em con xúc phạm đến con tới bảy lần, và bảy lần nó trở lại với con mà nói Tôi hối hận thì hãy tha cho nó" (Lc 17,4). Người còn đi xa hơn nữa : "Khi con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em lỗi phạm đến con, thì hãy để của lễ lại đó, đi làm hòa với người anh em trước đã rồi bấy giờ trở lại dâng của lễ của con" (Mt 5, 23-24).

Để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót và tha cho người khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền nhỏ. Chúa Giêsu tuyên bố: “Cha Ta trên trời sẽ xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).

Thật không dễ để tha thứ : Mình có lỗi mà đi làm hòa đã khó, huống chi khi người khác có lỗi với mình và mình là nạn nhân ! Vì "khi một người cảm thấy bị thương tổn, người ấy sẽ bị cám dỗ đầu hàng cơ chế tâm lý của sự tự ái và trả thù, bất chấp lời mời gọi của Chúa Giêsu" (Sứ điệp Mùa Chay 2001 của ÐTC Gioan Phaolô II). Khó, nhưng cần thiết biết bao, vì "tha thứ và xin thứ tha tạo ra một phẩm chất mới trong quan hệ giữa người với người, ngăn chặn vòng xoáy trôn ốc của thù hận và trả thù, trả oán, và bẻ gãy xiềng xích tội lỗi trói buộc trong tâm tư những người thù hận nhau.... không có con đường nào khác hơn là tha thứ và xin thứ tha" (Sứ điệp...).

Lúc sinh thời, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn chủ đề cho ngày hòa bình thế giới năm 2002 là : "Không có tha thứ thì sẽ không có Hòa Bình". Năm 1975 : "Hòa Giải là con đường dẫn đến Hòa Bình"; và chủ đề của năm 1997 : "Hãy trao ban tha thứ, bạn sẽ nhận lại Hòa Bình". Như thế tha thứ là một nổ lực vừa nhân bản vừa thiêng liêng, là một hợp tác không những giữa kẻ gây nên xúc phạm và người bị xúc phạm, mà còn giữa con người với Thiên Chúa.

Tha thứ là một hành vi nghiêm chỉnh, nếu có thể thì rất khó đối với con người nhưng không phải không làm được. Tha thứ cho người khác vì lợi ích của chính ta, chính ta được tha thứ, điều ấy sẽ làm ta hạnh phúc hơn. Người ta không thể nói về sự tha thứ cách nông nổi, khi yêu cầu người bị xúc phạm tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình. Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ. Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất. Tha thứ để làm cho oán tiêu tan, để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người. “Không phải với sự oán giận mà sự oán giận được xoa dịu; với sự không oán giận, sự oán giận mới được xoa dịu”. Tha thứ trong Kitô giáo vượt xa sự không bạo tàn và sự không oán hận. Kitô giáo mời gọi tha thứ vì một lý do khác: “Ngươi này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?” (Sir 27, ). Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi. Ðời tôi là một chuỗi những vấp ngã, được đan kết với bao thứ tha. Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi, nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù, nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân. Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên, đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.

Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ nói rằng: ‘Tôi tha thứ nhưng tôi chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho tôi…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.

Ước gì mỗi người chúng ta, để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa – tha thứ thật lòng. Và khi tha thứ chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ, chúng ta sẽ được thứ tha. Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.

Lạy Thiên Chúa là Đấng Xót Thương và hay tha thứ, xin dạy con bài học nhân ái, độ lượng và thứ tha, để con không giữ lòng hiềm thù, oán hờn và ghen ghét bất cứ ai đã xúc phạm, gây ra đau khổ cho con, xin giúp con luôn tha thứ cho mọi người vô tình hay hữu ý xúc phạm tới con. Amen.

Hát : Bài Ca Thống Hối ( Hoàng Ái Việt )

Đk : Ôi Chúa Giê-su nghe lời thống thiết khấn cầu. Tội lỗi vô ơn, đã làm Chúa những ưu sầu. Ôi Chúa Giê-su con nguyện yêu Chúa sớm chiều. Đáp đền lòng thương suốt đời ca khen tình yêu

1. Biết mấy năm rồi hồn con đã phụ tình Chúa. Biết mấy năm trường lòng Chúa khát khao mong chờ. Trìu mến cuộc đời tâm hồn đắm trong bùn nhơ. Ánh mắt nhân từ luôn nhìn đến chốn mịt mù. Hãy đón con về, về nơi Thánh Tâm mạch sống. Giũ hết tội đời cho hồn trinh khiết sạch trong.

2. Biết mấy lưỡi đòng hồn con đã đâm tình ái? Biết mấy đanh sâu con đóng chân tay Chúa Trời. Chúa vẫn nhân từ mong chờ thứ tha tội con. Con những vô ơn để lòng Chúa những héo mòn. Hỡi Chúa nhân lành này con khóc than tội lỗi. Đón đứa con hư quay về với Thánh tình Cha..

3. Nước mắt chan hòa hồn con ngước lên nhìn Chúa. Khóc lóc đau thương tội lỗi xưa nay xin chừa. Dứt hết tội tình băng hồn đến nơi tình yêu. Tắm nước trong lành cho đời hết kiếp tiêu điều. Hãy đón con về, về nơi Thánh Tâm từ ái. Giúp sức cho con vững lòng chiến đấu từ đây.\

(Thinh lặng giây lát chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa và cầu nguyện riêng)

III. CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ

(Mời cộng đoàn quì)

Chủ sự :

Anh chị em thân mến,

Hiệp cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới, trong giờ phút linh thiêng này, trước Đức Giêsu Thánh Thể, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời cầu nguyện thiết tha để xin Người thương xót chúng ta là những kẻ tội lỗi.

Ý cầu nguyện

(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con)

1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con thờ lạy, chúc tụng và tôn vinh Chúa, vì Chúa đã hiến dâng chính mình lên Thiên Chúa Cha làm của ăn nuôi sống chúng con. Xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các giám mục, linh mục và các thừa tác viên trong Hội Thánh, trở nên những tấm bánh được bẻ ra cho muôn người.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

2. Lạy Chúa Giêsu đang hiện trong Bí tích Thánh Thể, Chúng con yêu mến Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin và kiện toàn lòng mến nơi chúng con, để chúng con luôn luôn xác tín rằng : mỗi khi tham dự bàn tiệc Mình và Máu Chúa là chúng con đón nhận chính Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

3. Lạy Chúa Giêsu là tấm Bánh Cha trên trời ban xuống để nuôi dưỡng chúng con. Xin cho chúng con biết tận hưởng nguồn lương thực thiêng liêng cao quí này với lòng trong sạch, để ngày càng lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến, đợi chờ ngày được tham dự vào sự sống viên mãn mai sau.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xưa trên Thánh Giá, Chúa đã tha thứ cho người trộm lành biết sám hối ăn năn và xin Chúa Cha tha thứ con người nào lầm vì chẳng biết. Xin Chúa thương xót và tha thứ cho chúng con vì những gì chúng con xúc phạm đến Mình Thánh Chúa. Xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con, để Ngài giúp chúng con thêm hiểu biết về Bí tịch nhiệm mầu cao cả này.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

Chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con hiệp cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô dâng lên Chúa những ý nguyện của người, cùng với ý của chúng con vừa nói lên, với bao ý nguyện của anh chị em chúng con trên toàn thế giới, và của nhiều người chưa thể nói ra, Chúa đều biết cả, Chúa thấu hiểu lòng chúng con, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi. Amen.

IV. PHÉP LÀNH MÌNH THÁNH CHÚA

Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng.

Hát : Ca Thánh Thể.

Lời nguyện.

Phép Lành Mình Thánh Chúa.

V. BẾ MẠC

Hát kết thúc

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ