1. Một số lãnh tụ chính trị thuộc hàng quan trọng nhất tại Á Căn Đình xin Đức Thánh Cha Phanxicô về thăm quê hương.

Trong số những người ký vào lá thư thỉnh nguyện trên đây, công bố hôm 13 tháng Ba vừa qua, đúng ngày kỷ niệm 10 năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, có Tổng thống Alberto Fernández, cựu Tổng thống và bà đương kim Phó Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner, và cả Thị trưởng thành Buenos Aires, thuộc phe đối lập, cũng như ứng viên Tổng thống Horacio Rodríguez Larreta. Ngoài ra cũng có nhiều vị tỉnh trưởng, các nhà lập pháp, bộ trưởng, lãnh tụ công đoàn, các giáo sư đại học và nghệ nhân.

Lá thư có đoạn viết: “Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giáo hoàng của ngài, chúng ta, những người Á Căn Đình nam nữ, thuộc các lãnh vực khác nhau của đời sống công cộng, thuộc các nguồn gốc khác nhau về tôn giáo, chính trị và ý thức hệ, chúng ta muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ và sự gần gũi đối với công việc của ngài trong việc bênh vực nhân loại”.

“Mặc dù chúng ta cầu mong và nóng lòng chờ đợi cuộc viếng thăm của ngài, chúng ta tin tưởng nơi sự khôn ngoan của ngài để đồng ý và cho biết khi nào”.

Tại Á Căn Đình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể bị lợi dụng về chính trị, trong một nước, từ hai thập niên, bị chia rẽ giữa phe theo chính trị Kirchner và phe đối nghịch. Theo các chuyên gia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoãn lại cuộc viếng thăm để tránh cho sự hiện diện của ngài bị lợi dụng về mặt chính trị.

Trong các cuộc phỏng vấn những ngày qua, nhân kỷ niệm 10 năm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tuyên bố ngài muốn về thăm Á Căn Đình, nhưng sẽ không về trong năm nay, vì có cuộc tổng tuyển cử vào tháng Mười.

Cựu Tổng thống Macri không ký tên vào lá thư trên đây, cũng như đại biểu quốc hội thuộc phe hữu, ông Javier Milei, một trong những người được coi là có cơ may trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Mười. Lý do tại sao họ không ký không được phổ biến.

2. Giáo hội Ba Lan bảo vệ việc phong thánh cho Đức Gioan Phaolô sau các cáo buộc che dấu tội lỗi lạm dụng

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ba Lan hôm thứ Ba bênh vực việc phong thánh cho Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II và tiến trình phong thánh nhanh chóng để đáp lại một bản tin trên truyền hình Ba Lan cáo buộc rằng ngài đã che đậy các vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ khi còn là tổng giám mục ở Ba Lan.

Các số liệu của Giáo hội Ba Lan cũng cho biết rằng một ủy ban gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau — luật sư, bác sĩ, nhà tâm lý học và nhà sử học — sẽ sớm được thành lập để điều tra các trường hợp giáo sĩ lạm dụng trẻ vị thành niên trong quá khứ.

Một báo cáo vào tuần trước trên TVN24, thuộc sở hữu của công ty Warner Bros. Discovery của Hoa Kỳ, đã nêu tên ba linh mục mà họ cho rằng Đức Gioan Phaolô II đã chuyển không trừng phạt đến nơi đến chốn trong những năm 1970 sau khi họ bị buộc tội lạm dụng trẻ vị thành niên. Báo cáo trích dẫn các tài liệu mật của cộng sản.

Phát biểu sau cuộc họp kéo dài hai ngày của toàn thể các Giám mục, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng - mặc dù nhanh chóng một cách bất thường - quá trình dẫn đến việc tuyên bố Đức Gioan Phaolô người Ba Lan là một vị thánh đã được thực hiện với sự cẩn trọng và trung thực tối đa và phản ánh lòng kính trọng chung mà ngài được hưởng trên cương vị giáo hoàng..

Đức Gioan Phaolô II được tôn kính ở quốc gia chủ yếu là Công Giáo Rôma vì vai trò của ngài trong việc giúp lật đổ chủ nghĩa cộng sản và chấm dứt sự thống trị của Mạc Tư Khoa ở Ba Lan và khu vực Đông Âu. Báo cáo của TVN đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên toàn quốc vào thời điểm Ba Lan đang phải trải qua những căng thẳng với Nga sau khi ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến bảo vệ đất nước.

Đức Tổng Giám Mục Grzegorz Rys cho biết “mọi trang” trong văn khố của Giáo hội trong quá trình bắt đầu ngay sau khi Đức Gioan Phaolô qua đời vào năm 2005 và dẫn đến việc phong thánh cho ngài vào năm 2014 đã được kiểm tra. Đức Karol Wojtyla làm tổng giám mục Krakow từ năm 1964 đến năm 1978, khi ngài trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Cha Rys nhấn mạnh rằng các tài liệu thời cộng sản cáo buộc lạm dụng nên được đọc một cách thận trọng với sự hiểu biết về thời đại.

Các nhà lập pháp Ba Lan đã thông qua một nghị quyết nhằm bảo vệ thanh danh Đức Cố Giáo Hoàng.

Trong một thông cáo, các giám mục Ba Lan đã kêu gọi việc tưởng nhớ “một trong những người Ba Lan vĩ đại nhất” cần được tôn trọng trước “những nỗ lực chưa từng có nhằm làm mất uy tín con người và di sản của Thánh Gioan Phaolô II.”

Tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ đã được dùng làm chiêu bài để tấn công hàng giáo phẩm Công Giáo. Người kế vị trực tiếp của Thánh Gioan Phaolô II, là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, người có lập trường rất nghiêm khắc và đã trục xuất hàng trăm linh mục lạm dụng, đã bị quy trách nhiệm vì đã giải quyết bốn trường hợp khi ngài còn là tổng giám mục Munich tại quê hương Đức của ngài. Tất cả các cáo buộc này đều đã bị bác bỏ. Tuy nhiên, các cáo buộc này đã khiến Đức Bênêđictô XVI rất đau lòng.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bị cáo buộc về việc không phản ứng trước các trường hợp lạm dụng của các linh mục ở quê hương Á Căn Đình và Chí Lợi, khi còn là giám mục và sau đó là giáo hoàng


Source:AP

3. Caritas Áo: 8,8 triệu người Syria bị thương tổn vì động đất

Chủ tịch tổ chức Caritas Áo, ông Landau, cho biết trận động đất cách đây một tháng, ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã làm thương tổn 8 triệu 800.000 người tại Syria, và tình trạng vẫn rất đáng lo ngại.

Ông Landau cũng cho biết thiệt hại vật chất trực tiếp được ước lượng vào khoảng hơn 5 tỷ Euro. Ông nói: “Giả sử không có động đất, thì cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria đã ở mức độ trầm trọng rồi. Từ 12 năm nay, chiến tranh đã tạo nên đau khổ vô cùng cho các nạn nhân và dân chúng, nền kinh tế xuống dốc trầm trọng, trong khi vật giá tăng vọt: nạn nghèo đói là thực tại hằng ngày của nhiều người dân Syria. Một giới răn về tình người là không để dân chúng tiếp tục ở trong tình trạng như vậy”.

Ông Landau kêu gọi chính quyền Áo tiếp tục gia tăng mức độ trợ giúp nhân đạo và cộng tác phát triển giúp Syria.

Ông Andreas Knapp, Tổng thư ký đặc trách ngoại viện của Caritas Áo, cho biết tổng cộng có 13 triệu 760.000 người Syria phải rời bỏ quê hương của họ vì lý do chiến tranh. Trong số những người đó, có 9 triệu người sống dưới mức nghèo đói. Ngoài ra, 12 triệu người Syria chịu đau khổ vì đói, và 550.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng thường xuyên. Trước động đất, có tới 15 triệu 300.000 người Syria phải sống nhờ trợ giúp nhân đạo. Có 2 triệu 400.000 trẻ em không được cắp sách đến trường trong năm 2021. Tình trạng này càng đen tối hơn với thời gian.

Cuộc động đất ngày 06 tháng Hai vừa qua đã làm cho 6.000 người Syria bị thiệt mạng, hàng chục ngàn người bị thương, và tổng cộng có 8 triệu 800.000 người bị thương tổn vị động đất.

Ông Knapp cũng nói rằng: Caritas Áo cùng với các tổ chức đối tác ở địa phương đã thiết lập khoảng 20 nơi trú ngụ cho những người bị mất gia cư, và giúp cung cấp lương thực, chăn mền, nệm, các đồ vệ sinh và thuốc men cho hơn 90 nơi ở thành Aleppo và một số nơi khác. Ông nói thêm rằng để việc cứu trợ được mau lẹ và hữu hiệu hơn, các giới hữu trách cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp giảm bớt cấm vận từ Âu Mỹ. Các biện pháp này cho chuyển đồ cứu trợ tới Syria dễ dàng hơn, nhưng vẫn chưa cho chuyển tiền vào nước này, khiến có việc cứu trợ vẫn rất khó khăn.