1. Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin. Đây là những gì bạn cần biết

Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủy viên Nga về quyền trẻ em, Maria Lvova-Belova vì vai trò của họ trong kế hoạch bị cáo buộc trục xuất hàng ngàn trẻ em Ukraine sang Nga.

Mạc Tư Khoa cho biết tòa án “không có ý nghĩa gì” đối với đất nước, trong khi các quan chức Ukraine ca ngợi thông báo này.

Đây là tất cả những gì bạn cần biết:

Lệnh bắt giữ: Tòa án cho biết có “cơ sở hợp lý để tin rằng Putin phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân” đối với các tội ác bị cáo buộc, vì đã trực tiếp thực hiện chúng cùng với những người khác và vì “ông ấy đã không thực hiện việc kiểm soát đúng đắn đối với cấp dưới dân sự và quân sự, những người đã thực hiện những hành vi.” Công tố viên trưởng ICC Karim Khan cho biết không ai nên cảm thấy như “họ có quyền tự do muốn làm gì thì làm” và hoàn toàn có khả năng Putin sẽ bị xét xử vào một thời điểm nào đó.

Báo cáo về trẻ em Ukraine ở Nga: Chính phủ Ukraine cho biết nhiều trẻ em mất tích đã bị cưỡng bức đưa đến Nga. Chính phủ Nga không phủ nhận việc nhận trẻ em Ukraine và đã biến các gia đình Nga nhận con nuôi thành tâm điểm tuyên truyền. Một số trẻ em đã bị đưa đi xa hàng ngàn dặm và vài múi giờ khỏi cố hương Ukraine. Theo văn phòng của Lvova-Belova, trẻ em Ukraine đã được gửi đến sống trong các cơ sở giáo dục và với các gia đình nuôi dưỡng.

Phản ứng của Nga: Nga đã mô tả các báo cáo về việc di dời cưỡng bức là “vô lý” và cho biết họ cố gắng hết sức để giữ trẻ vị thành niên với gia đình của chúng. Phát ngôn nhân của chính phủ cũng cho biết Mạc Tư Khoa bác bỏ lệnh bắt giữ Putin, trong khi Điện Cẩm Linh nói thêm rằng việc ban hành lệnh bắt giữ Putin là “thái quá và không thể chấp nhận được”. Lvova-Belova đã bác bỏ lệnh bắt giữ, nói rằng thật “tuyệt vời” khi cộng đồng quốc tế chú ý đến công việc của bà, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

Ukraine hoan nghênh ICC: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết đây là một “quyết định lịch sử sẽ dẫn đến trách nhiệm lịch sử”. Chánh văn phòng của Zelenskiy, Andriy Yermak cho biết lệnh bắt giữ Putin “chỉ là bước khởi đầu”. Cho đến nay, các quan chức Ukraine đã có thể tìm lại được 300 trẻ em bị cưỡng bức trục xuất về Nga.

Cách thức hoạt động của ICC: Bất kỳ ai bị buộc tội phạm tội trong phạm vi quyền tài phán của tòa án, bao gồm các quốc gia là thành viên của ICC, đều có thể bị xét xử. Tòa án xét xử cá nhân người bị truy tố chứ không phải quốc gia và tập trung vào những người chịu trách nhiệm cao nhất: các nhà lãnh đạo và quan chức. Mặc dù Ukraine không phải là thành viên của tòa án, nhưng trước đó họ đã chấp nhận quyền tài phán của ICC.

ICC không xét xử vắng mặt, vì vậy Putin hoặc sẽ bị Mạc Tư Khoa giao nộp hoặc bị bắt giữ bên ngoài nước Nga.

Với lệnh bắt giữ này, Putin không thể tùy nghi muốn đi đâu thì đi. Lệnh bắt giữ hạn chế đáng kể những nơi ông ta có thể đến.

Các quan sát viên cho rằng lệnh bắt giữ Putin là một đòn trí mạng đánh vào hệ thống tuyên truyền của Điện Cẩm Linh. Một tổng thống bị coi là tội phạm quốc tế bị tầm nã không thể là một anh hùng dân tộc như các tuyên truyền viên của Điện Cẩm Linh ra sức thêu dệt.

Xa hơn nữa, nó sẽ kích hoạt các cố gắng lật đổ Putin của giới tinh hoa Nga như cách thế duy nhất để cứu nước Nga, cứu những người, từ dân thường cho đến giới kinh doanh, có các lợi ích bị đe dọa do sự cô lập và các biện pháp trừng phạt mà nước Nga phải gánh chịu, và những người đứng trước nguy cơ cũng có thể bị bắt như Putin.

Trên hết, lệnh bắt giữ Putin là một lời cảnh tỉnh trước những kẻ đang ấp ủ trong lòng mưu đồ xâm lược các nước khác, và những hành vi coi thường công pháp và trật tự quốc tế.

Quyết định được đưa ra rất đúng thời điểm, ngay trước chuyến công du Mạc Tư Khoa của Tập Cận Bình. Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Tập được tin là sẽ cung cấp vũ khí cho Nga trong nỗ lực kéo dài cuộc xâm lược thất bại của Putin.

2. Đây là những gì chúng ta biết về Tòa án Hình sự Quốc tế và lý do tại sao cơ quan này ban hành lệnh bắt giữ Putin

Tòa án Hình sự Quốc tế, hoạt động độc lập, được đặt tại The Hague, Hà Lan, và được thành lập theo một hiệp ước có tên là Quy chế Rôma được thông qua tại Liên Hiệp Quốc.

Hầu hết các quốc gia trên Trái đất – 123 quốc gia trong số đó – là các bên tham gia hiệp ước, nhưng có một số ngoại lệ đáng chú ý, bao gồm Nga, cũng như Hoa Kỳ, Ukraine và Trung Quốc.

ICC có nghĩa là một tòa án của “phương án cuối cùng” và không có nhiệm vụ thay thế hệ thống tư pháp của một quốc gia. Tòa án có 18 thẩm phán với nhiệm kỳ 9 năm xét xử 4 loại tội phạm: diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác xâm lược và tội ác chiến tranh.

Lệnh bắt giữ Putin: ICC hôm thứ Sáu đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủy viên Nga về quyền trẻ em, Maria Lvova-Belova, vì cáo buộc âm mưu trục xuất trẻ em Ukraine sang Nga.

Tòa án cho biết có “cơ sở hợp lý để tin rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân” đối với các tội ác bị cáo buộc, vì đã trực tiếp thực hiện chúng cùng với những người khác và vì “ông ấy đã không thực hiện việc kiểm soát đúng đắn đối với cấp dưới dân sự và quân sự đã thực hiện các hành vi đó. “

Báo cáo về trẻ em Ukraine ở Nga: Chính phủ Ukraine cho biết nhiều trẻ em mất tích đã bị cưỡng bức đưa đến Nga. Chính phủ Nga không phủ nhận việc nhận trẻ em Ukraine và đã biến các gia đình Nga nhận con nuôi thành tâm điểm tuyên truyền.

Một số trẻ em đã bị đưa đi xa hàng ngàn dặm và vài múi giờ khỏi cố hương Ukraine. Theo văn phòng của Lvova-Belova, trẻ em Ukraine đã được gửi đến sống trong các cơ sở giáo dục và với các gia đình nuôi dưỡng ở 19 khu vực khác nhau của Nga, bao gồm các vùng Novosibirsk, Omsk và Tyumen ở Siberia và Murmansk ở Bắc Cực.

Vào tháng 4 năm 2022, văn phòng của Lvova-Belova cho biết khoảng 600 trẻ em từ Ukraine đã được đưa vào trại trẻ mồ côi ở Kursk và Nizhny Novgorod trước khi được gửi đến sống với các gia đình ở khu vực Mạc Tư Khoa. Tính đến giữa tháng 10, 800 trẻ em từ khu vực Donbas phía đông Ukraine đang sống ở khu vực Mạc Tư Khoa, nhiều em sống với các gia đình, theo thống đốc khu vực Mạc Tư Khoa.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc về các tội ác chiến tranh: Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm cho biết trong một báo cáo rằng các tội ác chiến tranh do Nga gây ra bao gồm “các cuộc tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng liên quan đến năng lượng, giết người có chủ ý, giam giữ trái pháp luật, tra tấn, hãm hiếp và các hành vi bạo lực tình dục khác, cũng như các hành vi bạo lực trái pháp luật, chuyển giao và trục xuất trẻ em.”

Vậy, Putin có thực sự bị bắt không? Ông ta có thể bị bắt khi ra khỏi nước Nga hay khi một chính quyền khác được dựng nên tại Mạc Tư Khoa trao nộp ông ta cho ICC.

Bất kỳ ai bị buộc tội phạm tội trong phạm vi quyền hạn của tòa án, bao gồm các quốc gia là thành viên của ICC, đều có thể bị xét xử. Tòa án xét xử cá nhân người bị truy tố chứ không phải quốc gia và tập trung vào những người chịu trách nhiệm cao nhất: các nhà lãnh đạo và quan chức. Mặc dù Ukraine không phải là thành viên của tòa án, nhưng trước đó họ đã chấp nhận quyền tài phán của ICC.

3. Biden nói lệnh bắt giữ tội phạm chiến tranh Vladimir Putin do ICC ban hành là chính đáng

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin “có ý nghĩa rất mạnh mẽ”.

“Tôi nghĩ điều đó là chính đáng,” Biden nói với các phóng viên báo chí hôm thứ Sáu.

Nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận thẩm quyền của tòa án không được Nga công nhận, “nhưng tôi nghĩ nó tạo ra một điểm rất mạnh,” ông nói.

Biden nói thêm rằng Putin “rõ ràng đã phạm tội ác chiến tranh”.

Tòa Bạch Ốc cho biết họ hoan nghênh trách nhiệm giải trình đối với những thủ phạm gây ra tội ác chiến tranh.

Khi được hỏi liệu tổng thống Biden có ra lệnh cho cảnh sát bắt giữ Putin khi ông ta đến Mỹ hay không, phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nhận xét rằng việc Putin đến Hoa Kỳ là “rất, rất khó xảy ra”.

4. Công tố viên trưởng của ICC nói rằng có thể Putin sẽ bị xét xử vì những tội danh bị cáo buộc vào một thời điểm nào đó

Công tố viên trưởng ICC Karim Khan cho biết hoàn toàn có khả năng là Vladimir Putin có thể bị Tòa án Hình sự Quốc tế xét xử vào một thời điểm nào đó.

Anh ấy nói: “Không ai nên cảm thấy rằng họ có một tấm vé muốn làm gì thì làm.”

“Tôi nghĩ những người cho rằng không thể xét xử Putin là những người không hiểu được lịch sử bởi vì đã có những phiên tòa xét xử những tên tội phạm chiến tranh lớn của Đức Quốc xã, cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milošević, cựu chính trị gia người Serb Bosnia Radovan Karadžić, cựu sĩ quan quân đội người Serb Bosnia Ratko Mladić, cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor, cựu Thủ tướng Rwanda Jean Kambanda, và cựu tổng thống Chad Hissène Habré. Tất cả họ đều là những cá nhân hùng mạnh, quyền lực, nhưng họ lại thấy mình ở trong phòng xử án mà hành vi của họ đang được xét xử bởi các thẩm phán độc lập. Và điều đó cũng mang lại hy vọng rằng dù khó khăn đến đâu, luật pháp vẫn có thể là tối cao,” Khan nói.

ICC hôm thứ Sáu đã ban hành lệnh bắt giữ Putin và quan chức Nga Maria Lvova-Belova liên quan đến một kế hoạch bị cáo buộc trục xuất hàng ngàn trẻ em Ukraine sang Nga.

“Tôi nghĩ thông điệp này nhắc nhớ những nguyên tắc cơ bản của nhân loại ràng buộc mọi người. Và không ai nên cảm thấy họ có một kim bài miễn tử. Không ai nên cảm thấy họ có thể hành động tùy ý, và chắc chắn rằng, không ai nên cảm thấy rằng họ có thể hành động và phạm tội diệt chủng hoặc tội ác chống lại loài người hoặc tội ác chiến tranh mà không bị trừng phạt,” Khan nói.

Công tố viên cho biết điều quan trọng là ICC phải bắt đầu các cuộc điều tra này càng nhanh càng tốt, tập trung vào hoàn cảnh của các nạn nhân.

Khan nói thêm: “Luật pháp phải hướng tới, và đặc biệt là luật hình sự, phải hướng tới nạn nhân và những người sống sót.

5. Liên Hiệp Quốc nhắc lại thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải gia hạn 120 ngày, trong khi Nga nói rằng họ chỉ đồng ý 60 ngày

Trước khi thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải hết hạn vào cuối tuần này, Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng thỏa thuận nêu rõ nó sẽ được gia hạn thêm 120 ngày - mặc dù Nga cho biết họ đã đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày sau các cuộc đàm phán ở Geneva hôm thứ Hai.

Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải là một thỏa thuận giữa Ukraine và Nga, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, được thành lập vào tháng 7 năm 2022 để bảo đảm lối đi an toàn cho các tàu chở ngũ cốc và hạt có dầu — là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Ukraine.

“Thỏa thuận là công khai, đó là một tài liệu mở. Phát ngôn nhân của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết, nó dự kiến sẽ kéo dài 120 ngày.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA, dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko, hôm thứ Hai đưa tin rằng Nga và Liên Hiệp Quốc đã đồng ý gia hạn 60 ngày thỏa thuận ngũ cốc sau các cuộc đàm phán ở Geneva; trong khi các tài liệu ghi rõ là 120 ngày.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Ba rằng việc bổ sung 60 ngày là một “cử chỉ thiện chí” từ phía Nga khi các phóng viên hỏi tại sao thỏa thuận không được gia hạn thêm 120 ngày.

Khi được hỏi hôm thứ Năm về sự khác biệt trong thời gian gia hạn giữa các phiên bản tiếng Nga và Liên Hiệp Quốc, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng đó có thể là sự thể hiện “sự kém cỏi của Liên Hiệp Quốc”.

Dujarric trả lời nhận xét của Zakharova, nói rằng, “Tôi chỉ nói và đọc một dòng trong thỏa thuận, trong đó nói về thực tế là thỏa thuận dự kiến gia hạn trong 120 ngày.”

Phát ngôn nhân nhấn mạnh rằng Liên Hiệp Quốc không chỉ đạo các cuộc đàm phán hoặc các điều khoản của thỏa thuận. Dujarric cho biết Liên bang Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ là các bên tham gia vào thỏa thuận, với sự chứng kiến của Liên Hiệp Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng Ankara hy vọng sẽ giải quyết vấn đề theo cách tích cực “càng sớm càng tốt”, theo hãng truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu.

“Chúng ta bắt đầu đàm phán với ý tưởng kéo dài hành lang ngũ cốc thêm 120 ngày nữa theo phiên bản ban đầu của thỏa thuận. Những người bạn của chúng ta với phía Nga và Ukraine đã tổ chức các cuộc đàm phán ở cấp độ kỹ thuật. Chúng ta cũng tiếp tục đàm phán ở cấp bộ trưởng,” ông nói.

6. Truyền thông nhà nước Nga cho biết cựu thị trưởng thành phố Nga, bị kết án 14 ngày tù vì dám phê bình Putin

Một tòa án ở Yekaterinburg, Nga, đã kết án nhà phê bình điện Cẩm Linh và là cựu thị trưởng thành phố Yekaterinburg, là ông Yevgeny Roizman 14 ngày tù về tội trưng bày các biểu tượng cực đoan vì đăng lại một video có tựa đề “Tại sao Putin lại giam giữ Navalny” trên mạng xã hội, theo hãng thông tấn nhà nước TASS.

Đoạn video đã được đăng lại trên mạng xã hội Vkontakte, giống như Facebook, trong một nhóm mạng xã hội của những người ủng hộ Roizman, nhưng đó không phải là trang cá nhân của ông ấy, như ông ấy nói trong một video do TASS đăng tải. Roizman nói rằng mình không có tài khoản VKontakte.

Điều khôi hài là tháng 8 vừa qua, một vụ án hình sự khác đã được mở ra để chống lại Roizman vì tội làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Tòa đã cấm ông ấy lên mạng, cắt internet nên ông ấy không thể là người đã đăng video đó.

Roizman, một đồng minh thân cận của Alexey Navalny, cũng bị tuyên bố là một “đặc vụ nước ngoài” ở Nga.

7. LHQ cáo buộc Nga phạm nhiều tội ác chiến tranh ở Ukraine

Theo một ủy ban của Liên Hiệp Quốc, Nga đã gây ra một loạt tội ác chiến tranh trong cuộc chiến ở Ukraine.

Theo một báo cáo của Ủy ban Điều tra Quốc tế Độc lập về Ukraine công bố hôm thứ Năm, Nga đã “vi phạm một loạt vi phạm luật nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo quốc tế” ở Ukraine.

Báo cáo tuyên bố rằng các tội ác chiến tranh do người Nga thực hiện bao gồm “các cuộc tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng liên quan đến năng lượng, giết người có chủ ý, giam giữ trái pháp luật, tra tấn, hãm hiếp và các tội phạm bạo lực tình dục khác, cũng như vận chuyển trái phép và trục xuất trẻ em”.

Một số thông tin cơ bản khác: Tuần này, Tòa án Hình sự Quốc tế cho biết họ đang lên kế hoạch mở hai vụ án tội ác chiến tranh liên quan đến việc Nga xâm lược Ukraine và ban hành lệnh bắt giữ đối với “một số người”, theo The New York Times và Reuters, trích dẫn hiện tại và các cựu quan chức biết về quyết định không được phép phát biểu công khai.

Vào tháng 2, chính phủ Hoa Kỳ cho biết họ đã xác định rằng Nga đã phạm tội ác chống lại loài người.

Vào tháng 3 năm 2022, chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố rằng các thành viên của lực lượng vũ trang Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.

8. Putin nói Nga đang đối mặt với “cuộc chiến trừng phạt”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc phương Tây tấn công Nga bằng một “cuộc chiến trừng phạt”, mà ông đổ lỗi cho sự sụt giảm GDP của nước này.

“GDP giảm 4,7% vì những lý do nổi tiếng, như các bạn đã biết – cuộc chiến trừng phạt, những thách thức chưa từng có từ nền kinh tế toàn cầu và trong hệ thống quan hệ quốc tế,” Putin nói. “Những vấn đề này, như các bạn biết, không phải do chúng ta tạo ra.”

Ông đưa ra nhận xét này tại đại hội thường niên của Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga. Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông trước cộng đồng doanh nghiệp kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở Ukraine

Ông nói thêm rằng Nga đang chuyển hướng nền kinh tế của mình sang các quốc gia chưa áp dụng các biện pháp trừng phạt, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp giúp xây dựng nền kinh tế mới của Nga và cảm ơn họ vì những nỗ lực giúp đỡ nhà nước Nga.

“Các doanh nhân Nga luôn đóng một vai trò xây dựng to lớn ở Nga, đảm nhận những trách nhiệm to lớn trong việc phát triển các lãnh thổ mới, bảo trợ xã hội và bác ái. Và họ luôn tự hào về điều này. Họ là niềm tự hào của đất nước chúng ta”, ông Putin nói.

9. Hệ thống gài mìn RAAM của Ukraine là gì? Thiết bị chặn đứng tiến bộ của Nga

Trước đây, các binh sĩ gài mìn trên đường đi bằng tay, và phải gài trước khi địch quân đến. Trong chiến tranh ở Ukraine, người ta thấy một cách gài mìn mới xảy ra sau khi đối phương đã đến nơi. Nhiều người sẽ thắc mắc đối phương đã đến nơi làm sao còn có thể gài mìn? Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh giải thích như sau: Quân Ukraine dùng trọng pháo bắn các loại đạn pháo đặc biệt, khi chạm đất, chúng không nổ như các loại đạn pháo bình thường, nhưng chúng chỉ bắn tung toé ra các quả mình, nghĩa là chúng rải mìn trên đường đi. Quân Ukraine bắn cả ở phía trước và cả phía sau của đoàn chiến xa Nga. Khi vài chiếc đi trước cán phải mìn nổ tung, những chiếc còn lại quay đầu chạy, lại cán phải mìn ở phía sau, tạo thành một cảnh tượng rất hãi hùng. Trong một video do chính trùm Wagner Yevgeny Prigozhin tung ra để công kích Bộ Quốc Phòng Nga, người ta thấy rõ các tài xế xe tăng Nga hoảng sợ đến mức cán chết các binh sĩ bộ binh Nga đang đứng láng cháng cản đường tháo chạy của họ.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Are Ukraine's RAAM Mine Systems? Equipment Stalling Russian Advances”, nghĩa là “Hệ thống gài mìn RAAM của Ukraine là gì? Thiết bị chặn đứng tiến bộ của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết việc Ukraine sử dụng hiệu quả mìn chống tăng đã giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga ở tỉnh Donetsk.

Trong bản cập nhật hàng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cho biết các nỗ lực của Nga nhằm vào thị trấn Vuhledar, phía nam Bakhmut, “gần như chắc chắn đã chậm lại” sau các cuộc tấn công thất bại lặp đi lặp lại trong ba tháng trước đó.

Một cuộc tấn công mới của Nga tại Vuhledar bắt đầu vào cuối Tháng Giêng được cho là có sự tham gia của Lữ đoàn 155 Thủy quân lục chiến của Hạm đội Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Vương Quốc Anh cho biết hôm thứ Năm rằng một trong những lý do khiến Nga thảm bại trong khu vực này là vì “Ukraine đã áp dụng thành công các hệ thống Gài Mìn Chống Thiết Giáp Từ Xa, gọi tắt là RAAM.”

RAAM do Hoa Kỳ cung cấp là loại đạn pháo 155ly chứa 9 quả mìn chống tăng. Nó có thể rải mìn chống xe tăng và xe thiết giáp cách địa điểm bắn từ 2,5 đến 10,5 dặm hay từ 4 đến 17km, cho phép lực lượng Ukraine rải mìn từ xa thay vì bằng tay.

Được phát triển lần đầu tiên vào năm 1980, đạn có thể được phóng bằng cách sử dụng loạt lựu pháo M109 hoặc M198 hoặc M777 và có thể được kích hoạt trong lãnh thổ của đối phương sau một thời gian định sẵn. Để ngăn chặn chúng, lực lượng Nga phải triệt tiêu các khẩu súng bắn đạn mìn.

Chúng là một phần trong gói hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ dành cho Ukraine được cung cấp kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Đến Tháng Giêng năm 2023, Hoa Kỳ đã gửi khoảng 10.200 viên đạn pháo cho lực lượng của Kyiv.

Các quan chức quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Sáu rằng Ukraine đã phóng mìn phía trên và phía sau các đơn vị đang tiến lên của Nga, “gây hỗn loạn khi các phương tiện của Nga cố gắng rút lui”.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng các lực lượng Nga đã phải vật lộn để đối phó với các loại mìn của Ukraine, đặc biệt là mìn RAAM. Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy xe tăng Nga lao vào bãi mìn và phát nổ.

Trong một đoạn video, các binh sĩ Ukraine đợi quân đội Nga dọn đường qua một bãi mìn trước khi bắn những quả mìn mới vào con đường mới được dọn sạch. Theo Forbes, Ukraine cũng đang sử dụng loại mìn truyền thống TM-62 của Liên Xô.

“Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên chúng ta thấy chúng được sử dụng trong cuộc chiến,” cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh Philip Ingram nói với Newsweek. “Chúng đang chứng tỏ là một hệ thống vũ khí cực kỳ hiệu quả, có thể nhanh chóng triển khai khả năng chống xâm nhập khu vực ở những nơi ít được mong đợi nhất và gây rối nhất”.

Ông nói thêm: “Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng điều động và khả năng hỗ trợ các hoạt động của Nga, mà tác động tâm lý có thể sẽ rất lớn trên tinh thần của binh sĩ Nga”.