1. Lính Dù Nga cũng cắm đầu chạy, bỏ rơi 21 chiến xa, các cuộc tấn công giảm hẳn.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Hai 20 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong ngày qua, quân phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi 69 cuộc tấn công của Nga tại 5 khu vực. Số cuộc tấn công của quân Nga trong một ngày được ghi nhận là thấp nhất kể từ đầu cuộc xâm lược cho đến nay.

Các lực lượng Nga đang tập trung các cuộc tấn công vào Lyman, Bakhmut, Avdiivka, Mariinka và Shakhtarsk ở Donetskk.

Bộ Tổng Tham Mưu tuyên bố Nga đã phóng 6 hỏa tiễn, 13 cuộc không kích và 56 hỏa tiễn tấn công Ukraine, nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự ở các khu vực Donetsk và Zaporizhzhia.

Bakhmut vẫn là tâm điểm của các cuộc giao tranh. Tuy nhiên, đối phương không chiếm thêm được lãnh thổ nào. Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin than thở rằng quân của ông ta lẽ ra đã bao vây được thành phố Bakhmut bằng cách cắt đứt xa lộ T0504 huyết mạch Kostiantynivka-Bakhmut. Tuy nhiên, Bộ Quốc Phòng Nga đã gạt ông ta ra, và không cung cấp đạn dược. Hiện nay, việc đánh chiếm xa lộ T0504 được giao cho hai Lữ Đoàn Dù của Nga.

Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Ukraine, là một trong các đơn vị bảo vệ xa lộ T0504 cho biết cuộc chiến bớt cam go vì quân Nga tỏ ra mất tinh thần, và đang tìm cách rút lui, thay vì tấn công.

Trong 24 giờ qua, 700 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến. Họ cũng để mất 5 xe tăng, 16 xe thiết giáp, 9 hệ thống pháo, và 2 hệ thống phòng không.

Jason Jay Smart, phóng viên đặc biệt cho Kyiv Post, nhận xét rằng lệnh bắt giữ Putin đang có một tác động rất lớn. Để hiểu tại sao, chúng ta cần biết rằng chỉ số tham nhũng hay Corruption Perceptions Index, gọi tắt là CPI, của Nga là 138. Để so sánh, chỉ số CPI của Việt Nam là 87. Nói cách khác, ở Nga tình trạng tham nhũng, ăn hối lộ, hiếp đáp dân lành còn cao hơn cả Việt Nam. Putin không phải là nhà tư tưởng. Ông ta chẳng có học thuyết gì để tập hợp những người vì lý tưởng mà ủng hộ ông ta. Lực lượng đông đảo tung hô ông ta là những người được ông ta ban cho cơ hội để làm giầu bằng cách tham nhũng, ăn hối lộ, hiếp đáp dân lành. Chính vì thế, lệnh bắt giữ Putin tác động rất mạnh lên các tướng lãnh Nga, những người sợ mất những gì họ đã kiếm chác được. Hơn thế nữa, ngay sau Putin họ là những người có nhiều khả năng nhất bị Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, truy tố. Trong thâm tâm những người này, bị Putin cách chức, cùng lắm là về nhà hưởng thú điền viên, chưa chắc đã tệ hại bằng bị ICC truy tố.

Trong tình trạng tinh thần của quân Nga đang giao động mạnh, hôm thứ Hai khi các ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu nhóm họp để tranh luận về việc cung cấp vũ khí cho Kyiv, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết Ukraine cần được giúp đỡ ngay lập tức.

“Chúng ta cần giúp Ukraine nhanh chóng và ngay lập tức,” Reuters tường thuật Colonna nói tại Brussels.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, trước đó cho biết ông hy vọng đạt được một thỏa thuận về mua sắm vũ khí chung cho Ukraine tại cuộc họp, cảnh báo rằng bây giờ hoặc không bao giờ.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 20 Tháng Ba, Nga đã mất khoảng 165.610 quân ở Ukraine. Tổng thiệt hại chiến đấu của địch bao gồm 3.537 xe tăng, 6.869 xe thiết giáp, 2.577 hệ thống pháo, 507 hỏa tiễn phóng hàng loạt hệ thống phòng không, 270 hệ thống tác chiến phòng không, 305 máy bay, 290 trực thăng, 2.160 máy bay không người lái, 907 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.416 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 265 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Hơn 40 quốc gia tuyên bố quyên góp tài chính cho ICC cho đến khi bắt được Vladimir Putin

Bộ Trưởng Tư Pháp của hơn 40 quốc gia đã nhóm tại Luân Đôn để thảo luận về việc gây quỹ cho Tòa án Hình sự Quốc tế để theo đuổi các tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Hội nghị do chính phủ Anh và Hà Lan đồng tổ chức và diễn ra sau khi ICC hôm thứ Sáu ban hành lệnh bắt giữ Putin vì bắt cóc trẻ em từ Ukraine sang Nga.

Trong lời khai mạc, Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab cho biết:

Hôm nay, chúng ta tập trung tại Luân Đôn vì một lý do: đó là để bắt những tội phạm chiến tranh phải chịu trách nhiệm về những tội ác đã gây ra ở Ukraine trong cuộc xâm lược bất công, vô cớ và bất hợp pháp này.

Ông cho biết ICC hiện có 40 điều tra viên làm việc bên trong Ukraine, và cần thêm ngân sách.

Trong một diễn biến có liên quan, không kể những đột biến trên chiến trường, các quan sát viên kỳ vọng rằng Putin sẽ thua trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong vòng 12 tháng tới, và cơ hội để bắt giữ ông ta sẽ rất cao.

Cuộc bầu cử tổng thống Nga dự kiến sẽ được tổ chức tại Nga vào tháng 3 năm 2024. Cuộc bầu cử này sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi Hiến pháp Nga được sửa đổi năm 2020, để Putin đủ điều kiện tái tranh cử. Theo luật bầu cử, vòng đầu tiên sẽ được tổ chức vào Chúa Nhật, ngày 17 tháng 3. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được hơn một nửa số phiếu bầu, vòng bầu cử thứ hai sẽ diễn ra đúng ba tuần sau đó vào ngày 7 tháng 4 năm 2024. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 7 tháng 5 năm 2024.

Nếu thua trong cuộc bầu cử này số phận Putin sẽ y hệt như của nhà độc tài Serbia Slobodan Milošević. Chính vì thế, ngay từ bây giờ Putin đã tung ra nhiều biện pháp để bảo đảm ông ta thắng cử.

Theo một báo cáo, các nhân viên Điện Cẩm Linh tham gia vào chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2024 của Vladimir Putin đã bị cấm sử dụng iPhone của họ vì lo ngại rằng các thiết bị này dễ bị các cơ quan tình báo phương Tây tấn công.

Nhật báo Kommersant của Nga đưa tin rằng các quan chức trong chính sách đối nội của chính quyền tổng thống Nga, các dự án công, Hội đồng Nhà nước và bộ phận kỹ thuật thông tin phải đối mặt với hạn chót là ngày 1 tháng 4 để thay đổi điện thoại của họ.

Điện Cẩm Linh tin rằng iPhone dễ bị tấn công và gián điệp bởi các chuyên gia phương Tây hơn so với các điện thoại thông minh khác, tờ báo viết.

Trích dẫn nguồn tin của mình, tờ báo cho biết các quan chức được khuyến khích thay thế iPhone của họ bằng Android hoặc các thiết bị tương tự do Trung Quốc hoặc Nga sản xuất.

3. Tướng Mỹ về hưu nhận định: Nga Mất Quân Quá Nhanh, Có Thể 'Sụp Đổ' Vào Cuối Năm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Losing Troops So Fast, They May 'Collapse' by Year's End: Ex-General”, nghĩa là “Tướng Mỹ về hưu nhận định: Nga Mất Quân Quá Nhanh, Có Thể 'Sụp Đổ' Vào Cuối Năm”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Ben Hodges, một vị Tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, từng là tướng chỉ huy quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu, dự đoán các lực lượng Nga có thể “sụp đổ” trước cuối năm, và phải chịu thua trong cuộc chiến tiêu hao ở Ukraine.

“Nga đang bị tiêu hao với tốc độ đến mức họ có thể sụp đổ trước cuối năm nay, giả sử phương Tây thực hiện đúng thời hạn những gì chúng ta đã hứa. Chiến tranh là một bài kiểm tra ý chí và một bài kiểm tra hậu cần,” Tướng Hodges đã phát biểu như trên khi đề cập đến đánh giá của chuyên gia quân sự Marcus M. Keupp, người đứng đầu Khoa Kinh tế Quốc phòng tại Học viện Quân sự của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ.

Keupp cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng tin t-Online của Đức rằng các lực lượng Ukraine sẽ sớm có đòn bẩy trong cuộc chiến khi phương Tây tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho họ và Nga mất thêm quân.

Các lực lượng Nga đã trải qua một số thất bại ở Ukraine, bao gồm tình trạng thiếu máy bay chiến đấu và thiết bị, mặc dù có một số tiến bộ nhỏ nhoi gần đây. Trong khi đó, các quốc gia phương Tây bao gồm cả Hoa Kỳ đã tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine.

Cuộc chiến giữa các lực lượng Ukraine và Nga đã kéo dài qua các thành phố lớn của Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh, bao gồm Kyiv, Odesa và Kherson, và cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết.

Gần đây nhất, Bakhmut, thuộc khu vực Donetsk của Ukraine, là nơi diễn ra trận chiến khốc liệt kéo dài hàng tháng giữa các lực lượng Nga và lực lượng bán quân sự chống lại quân đội Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Đức, Keupp đồng ý rằng trận chiến ở Bakhmut minh họa ý nghĩa của “cuộc chiến tiêu hao” trong thực tế.

“Tình hình hiện tại ở Bakhmut đặc biệt tượng trưng cho thực tế này. Nhìn vào các con số sẽ thấy rõ điều này: Để chiếm thành phố này, giới lãnh đạo Nga đã cử các tiểu đoàn tấn công trực diện một cách thiếu suy nghĩ, các đơn vị này nhanh chóng bị tiêu diệt. Nếu họ mất một tiểu đoàn mỗi ngày, họ phải tìm người thay thế. Nhưng từ đâu? Vì vậy, các phần khác của tiền tuyến đang bị làm mỏng đi,” anh nói.

Chuyên gia quân sự nói tiếp: “Hãy chú ý đến khu vực địa lý mà chúng ta đang nói đến: phần mặt trận ở Bakhmut dài 20 km, nhưng toàn bộ mặt trận từ Kherson đến Kharkiv dài hơn 1000 km. Cuộc tấn công dai dẳng của các đơn vị Nga không còn liên quan gì đến tính hợp lý của quân đội nữa.”

Khi các lực lượng Ukraine tiếp tục chiến đấu, Kyiv gần đây đã nhắc lại cam kết giành lại Crimea, nơi đã bị Mạc Tư Khoa sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Truyền thông Ukraine gần đây đã đưa tin rằng các lực lượng Nga ở bán đảo Crimea bị sáp nhập có thể đang “chuẩn bị cho một tình huống có thể xảy ra gọi là di tản bắt buộc.”

Trong một dòng tweet vào thứ Sáu, Hodges đã viết tất cả bằng chữ viết hoa như thế này, “CRIMEA TRONG SỰ KIỂM SOÁT CỦA UKRAINE LÀ CHÌA KHÓA DÀNH CHO BẤT KỲ HÒA BÌNH VÀ THỊNH VƯỢNG THỰC SỰ NÀO.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

4. Vladimir Putin bị Igor Girkin đả kích về chuyến thăm Crimea: 'Chứng đần độn đang nở rộ'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Vladimir Putin Slammed by Igor Girkin Over Crimea Visit: 'Cretinism Blooms'“, nghĩa là “Vladimir Putin bị Igor Girkin đả kích về chuyến thăm Crimea: 'Chứng đần độn đang nở rộ '“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu chỉ huy Nga Strelkov Igor Ivanovich, được biết đến nhiều hơn với tên Igor Girkin, đã công kích chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Crimea, tuyên bố rằng “chứng đần độn đang nở rộ”.

Girkin đã chỉ trích Putin trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 18 tháng 3 trên Telegram, nơi ông dường như khẳng định chuyến thăm không có mục đích gì trong khi đề cập đến Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga.

Ông nói với 800.000 người theo dõi Telegram của mình: “Họ đã ban hành lệnh bắt giữ ông ta, mà ông ta vẫn chưa nghĩ ra một điều chết tiệt nào cả. Một năm trước, khi cần phải đi đến các đơn vị quân đội và các trung tâm huấn luyện, thì ông ta đi ăn chizhikov, nghĩa là ông ta đi thăm các khu phức hợp lịch sử và khảo cổ học được kiểm tra, và được xây dựng bởi các nhà thầu xây dựng quân sự.

Tổng thống Nga coi lãnh thổ này là một phần của Nga và sáp nhập khu vực này, cũng như các khu vực khác ở miền đông Ukraine, vào tháng 9 năm ngoái.

Ukraine và các đồng minh không công nhận việc sáp nhập và Kyiv coi khu vực này đang bị xâm lược.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, đã so sánh Putin với nhà độc tài Đức Quốc xã Adolf Hitler khi đến thăm một trong những thành phố bị bắn phá nặng nề nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm ngoái.

Putin cũng đã đến thăm Crimea bị xâm lược vào hôm thứ Bảy, nơi đã bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014 mà ông đã cố gắng hợp pháp hóa bằng một cuộc trưng cầu dân ý không được Ukraine và Hoa Kỳ công nhận

Chuyến thăm của ông ta diễn ra sau khi ICC phát lệnh bắt giữ ông ta vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, cụ thể là bắt cóc và vận chuyển trái phép trẻ em và thanh thiếu niên Ukraine đến Nga.

Trong khi công kích Putin, Girkin thừa nhận có “cảm xúc lẫn lộn” về lệnh bắt giữ do ICC ban hành. Ông ta tuyên bố rằng đó “không chỉ là một phỉ nhổ vào cá nhân Putin mà còn cả toàn nước Nga.”

Trong quá khứ, Girkin đã chia sẻ những lời chỉ trích về các chính sách đối nội và đối ngoại của Nga, đồng thời đề cập đến những xung đột giữa các nhà lãnh đạo quân sự của đất nước.

Trước đây ông đã nói: “Xung đột giữa ban lãnh đạo công ty quân sự tư nhân 'Wagner' và Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cũng cần được khuyến khích bằng mọi cách có thể, đồng thời không để xung đột kết thúc theo hướng có lợi cho một trong các bên xung đột—cả hai đều quan trọng và có giá trị đối với chúng ta, mỗi bên thực hiện nhiệm vụ của mình trong khuôn khổ kế hoạch của chúng ta.

“Trong tương lai, sẽ có nhiều xung đột như vậy hơn nữa, chúng sẽ không ngừng gia tăng và mở rộng, và các bên nên hạ uy tín lẫn nhau.”

Ông nói thêm rằng các lực lượng Nga “không có cơ hội” kiểm soát một số khu vực của Ukraine sau một mùa đông không thành công.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để xin bình luận.

5. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng lời cảnh báo của thủ lĩnh Wagner cho thấy Nga lo sợ sắp 'đánh mất thế chủ động'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Wagner Chief's Warning Shows Fear Russia About To 'Lose the Initiative'—ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng lời cảnh báo của thủ lĩnh Wagner cho thấy Nga lo sợ sắp 'đánh mất thế chủ động'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các nhà phân tích quân sự, nhà tài chính đứng sau nhóm lính đánh thuê tư nhân Wagner của Nga, Yevgeny Prigozhin, đã ám chỉ những lo ngại của ông rằng Mạc Tư Khoa sẽ “mất thế chủ động” trong cuộc chiến với Ukraine.

Một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, tuyên bố Prigozhin đã nói chuyện với cơ quan liên kết của mình RIA FAN vào ngày 17 tháng 3 và tuyên bố các lực lượng Ukraine đang chuẩn bị một cuộc phản công lớn.

Diễn biến này xảy đến vào thời điểm quan trọng khi cuộc xung đột bước sang năm thứ hai với những dấu hỏi về chiến lược của Nga. Prigozhin được tường trình đã tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine sẽ tiến hành các chiến dịch trên khắp các khu vực phía đông bị xâm lược của đất nước bắt đầu từ giữa tháng Tư.

Báo cáo của ISW, được công bố vào thứ Bảy, ngày 18 tháng 3, cho biết: “Mô tả của Prigozhin về các cuộc phản công sắp xảy ra của Ukraine cũng ngụ ý rằng ông ấy tin rằng các lực lượng Nga sẽ sớm mất thế chủ động trước Ukraine và buộc phải chuyển sang thế phòng thủ thay vì tiếp tục các cuộc tấn công bị đình trệ hoặc không thành công trong các khu vực Kreminna, Bakhmut, Avdiivka hoặc Vuhledar.”

Ông kêu gọi các lực lượng Nga chuẩn bị cho các cuộc phản công bằng cách bảo quản đạn dược và thiết bị.

Prigozhin được cho là đã mô tả các lực lượng Ukraine có đủ sức mạnh chiến đấu để biện minh cho việc nhóm Wagner “không có khả năng hoàn thành việc chiếm đóng hoặc bao vây” Bakhmut, ở miền đông Ukraine bị xâm lược.

Ông tuyên bố Ukraine có ít nhất 19.000 binh sĩ được triển khai ở Bakhmut, một lần nữa nhằm biện minh cho sự thiếu tiến bộ của Wagner trong thành phố.

Theo Tình báo Anh, các binh sĩ Nga đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát Bakhmut đã chứng kiến “mức độ thấp nhất” của các hành động tấn công trong bối cảnh Nga đang “suy giảm quân số” trong thành phố do các thương vong nặng nề.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh hôm thứ Bảy, ngày 18 tháng 3, nhận thấy Nga đang tiến hành một số hành động tấn công cục bộ với tỷ lệ thấp nhất kể từ Tháng Giêng năm nay.

Nga đã giành được một số thắng lợi hạn chế ở Bakhmut khi quân đội của họ đã giành được chỗ đứng ở phía tây sông Bakhmuta, chảy qua trung tâm thành phố.

Theo ISW, chính quyền khu vực của Nga có thể cắt đứt mối liên hệ của họ với Prigozhin.

ISW cho biết Prigozhin tuyên bố chính quyền ở Krasnodar Krai, miền nam nước Nga, đã từ bỏ thỏa thuận trước đó cho phép chôn cất các chiến binh Wagner đã chết trong thị trấn.

Báo cáo của ISW cho biết thêm: “Prigozhin cũng đã công bố một cuộc điện thoại, trong đó một quan chức ở thành phố Goryachiy Klyuch nói với đại diện của Wagner rằng Thống đốc Krasnodar Krai Veniamin Kondratyev đã tước quyền hợp tác với Wagner của ông ta.

“Các quân nhân của Wagner cũng đã phát hành một video kháng cáo đe dọa chính quyền địa phương tuyên bố rằng họ sẽ “đích thân giải quyết vấn đề” với chính quyền nếu họ không phản hồi các kháng cáo.”

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để xin bình luận.

6. Nỗi sợ hãi của các đồng minh của Putin đã trở thành sự thật

Trước và trong cuộc xâm lược của Puin tại Ukraine các tuyên truyền viên của Điện Cẩm Linh đã coi trời bằng vung khi hô hào phóng hạt nhân vào Berlin, Luân Đôn, Los Angeles, Washington và Warsaw. Tuy nhiên, sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Vladimir Putin vì các tội ác chiến tranh vào hôm thứ Sáu 18 tháng Ba, một bầu không khí sợ hãi đang chụp xuống trên những đồng minh của Putin này.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Allies' Fears Come True”, nghĩa là “Nỗi sợ hãi của các đồng minh của Putin đã trở thành sự thật.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.

Các chuyên gia truyền thông ủng hộ Điện Cẩm Linh có thể lo ngại về khả năng đối mặt với cáo buộc tội ác chiến tranh.

Những người dẫn chương trình và khách mời của đài truyền hình nhà nước Nga đã khuyến khích và hợp lý hóa bạo lực chống lại Ukraine. Một số thậm chí còn đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các nước phương Tây.

Mặc dù khả năng Putin phải hầu tòa là khó xảy ra trong khi ông ta đang tại vị, nhưng một số người ủng hộ ông ta mạnh mẽ nhất ở Nga—cụ thể là các tuyên truyền viên của Điện Cẩm Linh làm việc cho các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát—giờ đây có thể có lý do để lo lắng.

Các nhà điều tra ở Hague /hây/ đã nghiên cứu các bằng chứng chống lại Putin trong hơn một năm trước khi ICC ban hành lệnh bắt giữ, cáo buộc nhà lãnh đạo Nga “chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh trục xuất trái phép dân chúng, đặc biệt là trẻ em, và di chuyển dân chúng trái phép từ các khu vực bị xâm lược của Ukraine đến Liên bang Nga.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng Liên bang Nga không công nhận quyền tài phán của ICC và do đó coi lệnh này là “vô hiệu”.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người ở Nga đều có thể coi hành động của ICC là không có vấn đề.

Julia Davis, một nhà phân tích tin tức hàng đầu, người điều hành dự án Giám sát truyền thông Nga, đã viết một bài luận trong tuần này cho tạp chí trực tuyến của Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, gọi tắt là CEPA, về sự bất an ngày càng tăng của các nhà tuyên truyền Nga.

Cô ấy viết rằng trong khi các chuyên gia ủng hộ Điện Cẩm Linh phản ứng với niềm vui khi Putin phát động cuộc chiến hơn một năm trước, thì giờ đây “sự hưng phấn đã được thay thế bằng cảm giác sợ hãi kéo dài, với việc các cơ quan ngôn luận của Putin thường xuyên băn khoăn về khả năng bị tòa án xét xử tội ác chiến tranh. Đó là vấn đề đang nóng bỏng trong tâm trí của họ.

Davis đã trích dẫn các ví dụ về Margarita Simonyan, tổng biên tập của hãng truyền thông RT do Điện Cẩm Linh điều hành, và người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga Olga Skabeeva bày tỏ lo ngại về các tòa án La Hay /la hây/ dành cho những người Nga khác ngoài Putin.

Davis viết trong CEPA rằng:

Một ví dụ về cuộc nói chuyện cực đoan do phương tiện truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát là cuộc thảo luận do Anton Krasovsky, người cũng làm việc cho RT, dẫn dắt vào mùa thu. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10, Krasovsky đã tỉnh bơ nói về việc trẻ em Ukraine chết đuối trong khi bị lính Nga phóng hỏa đốt nhà trước khi chuyển sang nói về vụ cưỡng hiếp.

Những cái đầu biết nói của Nga không chỉ biện minh cho bạo lực chống lại Ukraine, mà họ còn gợi ý sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác vì sự ủng hộ của họ đối với Ukraine.

Jason Jay Smart, người đã tư vấn cho nhiều chiến dịch chính trị ở Âu Châu và làm phóng viên đặc biệt cho Kyiv Post, nói với Newsweek rằng các nhân vật của công chúng Nga, những người thúc đẩy tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, có thể đang rất lo ngại.

“Kể từ khi lệnh bắt giữ của ICC đối với Putin được ban hành, chắc chắn hiện tại đang có một sự hoảng loạn nghiêm trọng ở Mạc Tư Khoa. Putin và những người thân cận của ông ta biết rằng mọi thứ đã sẵn sàng: Không có chuyện 'quay trở lại cách mọi thứ đã từng diễn ra',” Smart nói. “Chắc chắn rằng sẽ có thêm nhiều lệnh bắt giữ được ban hành, có thể sẽ sớm thôi, và họ có thể bị bắt bất cứ khi nào họ xuống một chuyến bay quốc tế, hoặc khi chế độ của Putin sụp đổ—điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.”

Giáo sư Mark N. Katz của Trường Chính sách và Chính phủ Schar thuộc Đại học George Mason nói với Newsweek rằng cũng có một khả năng có thể xảy ra là các chuyên gia Nga nói trên truyền hình về các tòa án dành cho công dân Nga như một hình thức tuyên truyền khác.

“Tôi nghĩ rằng rất nhiều thông tin thổi phồng của giới truyền thông Nga về việc có thể có nhiều phiên tòa xét xử các nhà bình luận ủng hộ Putin và những người khác nếu Mạc Tư Khoa thua cuộc chiến được thiết kế để cho người Nga lý do tiếp tục ủng hộ cuộc chiến chứ không phải để cho rằng họ, và Putin cùng những người thân cận của ông ta, sẽ phải trả giá đắt nếu Nga thua cuộc chiến,” Katz nói.

Ông nói thêm: “Chừng nào còn ở Nga, những người tuyên truyền ủng hộ Putin sẽ không phải đối mặt với các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh — tất nhiên là trừ khi Putin thất thủ và bị thay thế bởi một chế độ thân phương Tây”.

“Một cách bi quan, ta cũng nên tính đến điều này là viễn cảnh bị ICC xét xử có thể giúp thuyết phục những người ở Nga đang có ý định đào thoát sang phương Tây hoặc quay lưng lại với Putin rằng họ không thể mong đợi bất kỳ sự tha thứ nào từ phương Tây vì họ đã ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Putin cho đến nay.”

Newsweek đã liên hệ với Davis và Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

7. Putin nói rằng ông ta hối hận vì đã không thẳng tay với người Ukraine sớm hơn

Cho đến nay, bất kể các thất bại của Nga trên chiến trường có thể thấy rõ qua các rút lui nhục nhã khỏi Kharkiv, Lyman, Kherson… và phải huy động thêm quân trong cái gọi là “huy động bán phần”, các tuyên truyền viên người Nga vẫn khăng khăng cho rằng “cuộc hành quân đặc biệt”, là từ mà họ dùng để chỉ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Trong một diễn biến cho thấy bản thân Putin không nghĩ như vậy, ông ta bày tỏ sự hối hận vì đã không thẳng tay với người Ukraine sớm hơn vào năm 2014.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Reveals Why He Didn't Launch Full Invasion of Ukraine in 2014”, nghĩa là “Putin tiết lộ lý do tại sao ông không phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2014.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chia sẻ lý do rõ ràng khiến ông ta không ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào năm 2014.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình do nhà nước kiểm soát Russia 1, Putin tuyên bố ông muốn giải quyết những biến động trong khu vực mà không gây chiến.

Theo hãng tin TASS do nhà nước Nga kiểm soát, ông Putin nói: “Chúng tôi cho rằng chúng tôi có thể giải quyết tình hình một cách tuyệt đối hòa bình. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến bất kỳ cuộc đối đầu nào.”

“Bây giờ chúng tôi thấy rằng chúng tôi chỉ đơn giản là đang rối tung lên, không ai trong số những người được gọi là đối tác của chúng ta có ý định giải quyết bất cứ điều gì một cách hòa bình.”

Ông nói thêm: “Thứ hai, điều này cũng áp dụng cho việc chúng ta sẵn sàng thực hiện một số hành động nghiêm túc hơn trong khuôn khổ cái gọi là 'Cuộc nổi dậy Crimea' của chúng ta”.

Việc Putin đề cập đến Cuộc nổi dậy Crimea là một sự ví von lạc lõng với Cuộc nổi dậy Ả Rập, nơi người dân khắp Trung Đông nổi dậy chống lại các nhà lãnh đạo độc tài trong một loạt các cuộc biểu tình có mức độ thành công khác nhau.

Tại Crimea, không có chế độ độc tài nào, và người dân cũng chẳng có các cuộc biểu tình đòi lật đổ ai. Ngược lại, Nga đã đưa quân xâm lược trái với ý muốn của người dân và sau đó sáp nhập Crimea vào năm 2014, một năm quan trọng sẽ xác định mối quan hệ của nước này với Ukraine.

Putin đã cố gắng biện minh cho việc sáp nhập bằng một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó đa số người nói tiếng Nga đã bỏ phiếu để gia nhập Nga. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu dân ý bị Ukraine, Mỹ và nhiều quốc gia khác coi là một trò lừa bịp.

Cùng năm đó, phe ly khai do Nga hậu thuẫn tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và kích động xung đột ở miền đông nước này.

Trong khi Nga liên tục phủ nhận có liên quan đến cuộc xung đột, các nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Mạc Tư Khoa.

Cuộc xung đột tiếp tục như một cuộc chiến tĩnh lặng với một số bước đột phá lớn ở cả hai bên cho đến khi Putin ra lệnh xâm lược Ukraine vào năm 2022.

Trước cuộc xâm lược toàn diện, Nga đã chuyển thiết bị quân sự và binh lính đến gần biên giới với Ukraine.

Putin sau đó đã ra lệnh xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái 2022 với mục tiêu “phi Quốc Xã hóa” Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần đưa ra yêu cầu Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea.

Putin, hiện đang chịu lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế, đã đến thăm cả Crimea và Mariupol, một thành phố bị bắn phá nặng nề trong giai đoạn gần đây của cuộc xung đột Ukraine-Nga, trong vài ngày qua.

Lệnh bắt giữ đã được ban hành đối với cáo buộc vận chuyển trẻ em và thanh thiếu niên Ukraine đến Nga, nơi nhiều trẻ em đã bị buộc phải làm con nuôi tại các gia đình ở đó.

Ít có khả năng Putin sẽ phải đối mặt với các cáo buộc khi đang nắm quyền, nhưng có một thực tế là ông ta không thể nắm quyền mãi mãi. Động thái này đã được những người chỉ trích ông ta hoan nghênh rộng rãi.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh để xin bình luận.