1. Năm người cháu thừa kế của Đức Bênêđíctô XVI

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, bí thư riêng của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, cho biết đã phát hiện năm người cháu gần của Đức Cố Giáo hoàng, có thể thừa hưởng gia sản tiền mặt của người còn ở trong tài khoản ngân hàng.

Đức Bênêđíctô XVI qua đời ngày 31 tháng Mười Hai năm 2022 vừa qua, hưởng thọ 96 tuổi.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí, hôm Chúa nhật 19 tháng Ba, nhân dịp đến viếng thăm và cử hành thánh lễ tại giáo xứ ở khu vực Casal Bertone thuộc Roma, Đức Tổng Giám Mục Gänswein, cũng là người thi hành di chúc của Đức Cố Giáo hoàng, cho biết: trước đây tôi nghĩ Đức Bênêđíctô XVI có hai người cháu có thể thừa hưởng gia tài tài chánh, nhưng nay tôi phát hiện có tất cả năm người họ hàng gần nhất, và theo luật, tôi phải viết thư để hỏi họ xem có chấp nhận gia sản này hay không? “Đây không phải là những điều liên hệ đến tác quyền của Đức Cố Giáo hoàng. Tất cả những gì liên hệ đến các sách, tức là đến công việc trí thức của người, đều đã được quyết định rõ ràng. Còn lại một số tiền trong tài khoản ngân hàng thì sẽ được chuyển cho những người có quyền thừa kế, trong khi những gì thuộc về cá nhân, những vật dụng và đồ kỷ niệm, thì hầu hết đã được trao tặng”.

Trong số những vật này, có chiếc áo chùng thâm của Đức nguyên Giáo hoàng, được Đức Tổng Giám Mục Gänswein mang đến tặng cho giáo xứ Đức Mẹ An Ủi ở Casal Bertone. Đây là giáo xứ hiệu tòa của người khi được bổ nhiệm làm Hồng Y. Đức Bênêđíctô XVI rất gắn bó với giáo xứ này và là giáo xứ đầu tiên ở Roma được ngài viếng thăm sau khi được bầu làm Giáo hoàng năm 2005.

Cha sở Luigi Lani tại đây kể rằng: “Giáo xứ có một liên hệ tình cảm và lịch sử với Đức Bênêđíctô, khi người còn là Hồng Y hiệu tòa cũng như khi làm Giáo hoàng. Người luôn giữ một mối liên lạc quý mến, kể cả qua nhiều quà tặng. Những tặng vật này, với những hình ảnh, sắp được đặt trong một phòng trưng bày, chúng ta sẽ bố trí như một phòng bảo tàng tưởng niệm người”.

Trong bài giảng thánh lễ Chúa nhật vừa qua, 19 tháng Ba, tại thánh đường Đức Mẹ An Ủi, Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết những cuộc viếng thăm của Đức nguyên Giáo hoàng tại giáo xứ này có tính chất gia đình; ví dụ vào dịp Giáng Sinh, người vẫn đến và mang các bánh ngọt miền Bavaria để trao tặng.

Khi đến giáo xứ để cử hành thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Gänswein cũng chủ sự cả nghi thức mặc áo cho một vài em bé nam nữ giúp lễ.

2. Giáo huấn của Chúa Giêsu tìm cách tha hóa – hay giải thoát?

Trên tờ The Leaven của Tổng giáo phận Kansas City, Kansas, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann, chủ tịch Ủy ban Phò sinh và Truyền thông của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã đặt câu hỏi: “Did Jesus’ teaching seek to alienate or liberate?”, nghĩa là “Giáo huấn của Chúa Giêsu tìm cách tha hóa – hay giải thoát?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Tôi trưởng thành vào thập niên 1960. Đó là thời bất ổn dân sự, bạo loạn chủng tộc, biểu tình phản chiến và cách mạng tình dục. Một trong những nhãn dán phổ biến vào thời điểm đó nói rằng: Hãy nghi vấn mọi điều.

Các biến cố xã hội ấy trùng hợp với các phiên họp của Công đồng Vatican II và việc thực hiện sớm của nó. Công đồng đã mang lại sự đổi mới tốt đẹp và rất cần thiết cho nhiều khía cạnh của đời sống Công Giáo. Đáng buồn thay, cũng có một sự giải thích sai lầm nghiêm trọng về công đồng đã tạo ra sự nhầm lẫn về mặt đạo đức. Những ý tưởng độc hại của cuộc cách mạng tình dục len lỏi vào giáo hội.

Một huyền thoại văn hóa vĩ đại đã được truyền bá cho rằng một người không thể hạnh phúc hoặc thỏa mãn trừ khi bạn hoạt động tình dục. Tỷ lệ ly hôn tăng đột ngột trong xã hội và Giáo Hội. Luân lý tình dục truyền thống bị coi là lỗi thời. Đức khiết tịnh bị chế giễu. Những tiếng nói có ảnh hưởng trong Giáo Hội đã tìm cách sử dụng “tinh thần công đồng” để thay đổi việc dạy và thực hành luân lý Công Giáo về tình dục.

Với sự sẵn có và chấp nhận văn hóa của thuốc tránh thai, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã cảnh báo rằng sự thân mật tình dục bên ngoài giao ước hôn nhân sẽ trở nên phổ biến, và tác hại gây ra cho trẻ em, phụ nữ, nam giới và xã hội sẽ là một thảm họa. Đức Thánh Cha quả là tiên tri. Sinh con ngoài giá thú, phá thai và khiêu dâm trở nên phổ biến. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục đạt đến mức đại dịch. Trái ngược với dự đoán của những người ủng hộ tránh thai và phá thai, lạm dụng trẻ em và buôn bán trẻ em đã đạt mức kỷ lục.

Niềm hạnh phúc vô song mà những người ủng hộ điều gọi là tự do tình dục hứa hẹn sẽ không bao giờ thành hiện thực. Thay vào đó, chúng ta nhận thấy ở những người trẻ tuổi mức độ lo lắng, trầm cảm và cô đơn cao đến mức đáng báo động. Nội dung khiêu dâm và các hình thức nghiện tình dục khác đã trở nên tràn lan và biến nhiều người thành nô lệ khi còn trẻ.

Việc làm sáng tỏ luân lý tình dục vẫn tiếp tục trong nhiều thập niên. Trong số những ngụy biện văn hóa, có một quan niệm phổ biến cho rằng hoạt động tình dục đồng tính là lành mạnh và bình thường, chỉ là một lựa chọn lối sống khác.

Trong những năm gần đây, sự nhầm lẫn về văn hóa của chúng ta đã làm nảy sinh ý thức hệ phái tính, khẳng định rằng con người có thể phủ nhận phái tính sinh học của mình. Đáng thương thay, nhiều người trẻ tuổi đã bị áp lực phải trải qua chế độ điều trị nội tiết tố chuyển đổi phái tính và cắt xén cơ thể của họ bằng các cuộc phẫu thuật “chuyển đổi phái tính”.

Thật biết ơn, khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, với giáo huấn mang tính bước ngoặt của ngài về thần học thân xác, đã cho chúng ta một ngôn ngữ mới để nói lên vẻ đẹp của tính dục con người và giúp khôi phục sự lành mạnh về luân lý. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô cũng cung cấp giáo huấn rõ ràng trong các lãnh vực quan trọng này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rõ ràng và mạnh mẽ về sự dữ của việc phá thai và sự nguy hiểm của lý thuyết phái tính.

Tôi lấy làm buồn rằng trong quá trình chuẩn bị cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị, đã có một nỗ lực mới của một số người trong giới lãnh đạo giáo hội nhằm khơi dậy sự nhầm lẫn luân lý về tính dục con người. Con đường Đồng nghị của Đức là một thí dụ nổi bật. Ban lãnh đạo Hội đồng Giám mục Đức đã bác bỏ sự sửa sai của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Đáng lo ngại nhất là tuyên bố của Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, người từng khẳng định rằng giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến đồng tính luyến ái là sai vì ngài tin rằng nền tảng khoa học-xã hội học của giáo huấn này không còn đúng nữa. Những phát biểu của Đức Hồng Y Hollerich đặc biệt đáng quan tâm vì vai trò lãnh đạo mà ngài được chỉ định làm tổng tường trình viên cho Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị.

Gần đây nhất, bài báo của Đức Hồng Y Robert McElroy trên tạp chí Dòng Tên America đã cáo buộc rằng Giáo Hội Công Giáo “chứa đựng các cấu trúc và văn hóa loại trừ khiến quá nhiều người xa lánh Giáo hội hoặc khiến hành trình của họ trong đức tin Công Giáo trở nên vô cùng nặng nề”. Đức Hồng Y McElroy ủng hộ điều mà ngài gọi là sự bao hàm triệt để bao gồm mọi người hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội theo các điều khoản của họ. Nhiệm vụ Chúa Giêsu trao cho các tông đồ là làm cho muôn dân thành môn đệ được hiểu là mở rộng lều hội thánh bằng cách dung túng những hành vi trái ngược với giáo huấn của chính Chúa chúng ta.

Đức Hồng Y McElroy dường như tin rằng giáo hội trong 2000 năm đã cường điệu hóa tầm quan trọng của giáo huấn luân lý về tình dục của mình, và sự bao hàm triệt để đó thay thế lòng trung thành với tín lý, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo huấn luân lý của Giáo hội liên quan đến tình dục con người.

Theo tôi, đây là một lỗi nghiêm trọng và nguy hiểm nhất. Sự hiểu biết của chúng ta về luân lý tính dục ảnh hưởng đáng kể đến đời sống hôn nhân và gia đình. Tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình đối với xã hội, văn hóa, quốc gia và Giáo Hội không thể được đánh giá quá cao.

Những người ủng hộ sự bao hàm triệt để trưng dẫn việc Chúa chúng ta liên kết với những người tội lỗi. Trước sự chỉ trích gay gắt của các nhà lãnh đạo tôn giáo, đúng là Chúa Giêsu đã bày tỏ sự quan tâm, lòng trắc ẩn và lòng thương xót đối với những người tội lỗi. Trong mọi trường hợp, Chúa Giêsu cũng kêu gọi những ai muốn trở thành môn đệ của Người phải sám hối và hoán cải.

Chúng ta có phải hiểu lời kêu gọi ăn năn của Chúa chúng ta là nuôi dưỡng nền văn hóa loại trừ hay không? Giáo huấn rõ ràng và đầy thách thức của Chúa Giêsu về hôn nhân hay các hệ quả của dục vọng là nhằm mục đích tha hóa, hay đó là một lời mời gọi tiến tới giải thoát và tự do? Sự bao hàm triệt để có phải là ưu tiên cao nhất của Chúa chúng ta hay không, khi nhiều môn đệ bỏ đi sau bài giảng về Bánh Hằng Sống của Người?

Có ai trong chúng ta nên ngạc nhiên khi lắng nghe những người ở ngoại vi, những người không ở trong Giáo Hội của chúng ta, những người không Công Giáo và thậm chí những người không tin vào Chúa Giêsu, nói rằng nhiều người trong số họ không đồng ý với giáo huấn luân lý phản văn hóa của chúng ta hay không? Điều này có phải có nghĩa là chúng ta nên ăn năn vì đã tạo ra các cấu trúc loại trừ và chấp nhận tinh thần của nền văn hóa thế tục?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ ràng rằng tính đồng nghị không phải là biểu quyết về tín lý và giáo huấn luân lý. Đức Thánh Cha cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng tính đồng nghị là một nỗ lực để lắng nghe Chúa Thánh Thần, chứ không phải tinh thần của thời đại.

Nếu chúng ta cố gắng trở thành môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, há điều này không đòi hỏi chúng ta phải phản văn hóa hay sao? Khi mới thành lập Giáo Hội, điều gì đã thu hút mọi người đến với Kitô giáo? Đó có phải là sự bao hàm triệt để không? Chắc chắn, Tin Mừng của Chúa Giêsu đã được cống hiến cho tất cả mọi người, nam cũng như nữ, Do Thái và Dân Ngoại. Tuy nhiên, trong lời mời của Chúa chúng ta luôn có lời kêu gọi ăn năn, không phải tất cả đều được chào đón theo các điều khoản riêng của họ. Các thư tín của Thánh Phaolô hay bài giảng của Thánh Phêrô dịp Lễ Ngũ Tuần nói về sự bao hàm triệt để, hay chúng là lời kêu gọi hoán cải?

Điều đã tin mừng hóa nền văn hóa vào thời kỳ đầu của Kitô giáo một phần là tình yêu triệt để vốn là đặc điểm của các cuộc hôn nhân và gia đình Kitô giáo. Điều đã thu hút nhiều người đến với Kitô giáo là lời chứng của các trinh nữ tử vì đạo! Phụ nữ đặc biệt cảm thấy được lôi cuốn bởi giáo huấn Kitô giáo, một giáo huấn dạy rằng những người chồng nên sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho người bạn đời của mình như Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống của mình cho cô dâu của mình là Giáo Hội.

Vào tháng 2, Tổng Giáo phận Kansas City sẽ tổ chức khóa tĩnh tâm Các Vết Thương Trao Ban Sự Sống cho những người con đã trưởng thành của ly dị hoặc ly thân. Những đứa con đã trưởng thành của ly hôn đại diện cho một nhóm thương vong lớn của cuộc cách mạng tình dục.

Khi lắng nghe những người ở ngoại vi, chúng ta nên bao gồm cả việc lắng nghe nỗi đau của những đứa trẻ trưởng thành của ly hôn, những người trẻ tuổi lớn lên mà không có sự hiện diện của một người cha yêu thương, những người nghiện nội dung khiêu dâm khi còn nhỏ và những người bị tổn thương về mặt cảm xúc bởi nền văn hóa tình dục không cam kết [hookup culture].

Tin Mừng buộc chúng ta phải nhìn mỗi người như một người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta nhìn mỗi người với niềm mong đợi rằng Thiên Chúa đang cố tỏ mình ra cho chúng ta qua họ. Chúng ta tôn kính mỗi con người, vì hết thẩy đều có giá trị to lớn đến nỗi Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống của mình trên đồi Canvê cho mỗi người chúng ta. Vì lý do này, chúng ta đối xử với mọi con người bằng sự tôn kính và tôn trọng cao nhất — bất kể tuổi tác, chủng tộc, sắc tộc, giới tính, thể lực, khả năng trí tuệ hay khuynh hướng tình dục. Điều này không có nghĩa là chúng ta tôn trọng và tôn kính mọi lựa chọn được thực hiện.

Chúng ta thừa nhận mình là những kẻ tội lỗi cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, và vì thế chúng ta tìm cách nồng nhiệt đón nhận những người đồng loại tội lỗi. Chúng ta tôn trọng người khác đủ để mời họ thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Sống nhân đức khiết tịnh trong nền văn hóa tình dục hóa thái quá này là một thách thức đối với tất cả chúng ta. Chúng ta sẵn sàng và mong muốn bước đi với những người khác trong việc cố gắng đạt được đức hạnh và đồng hành cùng nhau trên con đường hoán cải liên tục.

Tôi cầu xin để Thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ không vô tình phục sinh và thổi luồng sinh khí mới vào sự hỗn độn luân lý. Nếu chúng ta thực sự lắng nghe Chúa Thánh Thần, tôi tin chắc rằng điều đó sẽ không khiến chúng ta từ bỏ giáo huấn luân lý của mình để ôm lấy tinh thần độc hại của một thời đại bị áp bức bởi chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối.