1. Quân Wagner tổn thất nặng ở thành phố Bakhmut. Nga mất 1.020 quân và 27 chiến xa. Putin sợ bị bắt không dám đi Nam Phi

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 24 tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ qua đối phương tập trung nỗ lực chính vào các hoạt động tấn công ở các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiivka, Marinka và Shakhtarsk. Quân phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi hơn 79 đợt tấn công của đối phương.

Quân xâm lược Nga đã tiến hành 37 cuộc không kích, 4 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, một trong số đó đã đánh trúng Kramatorsk và 82 cuộc tấn công bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Đáp lại, không quân Ukraine đã mở 13 cuộc không kích phá hủy một hệ thống phòng không của quân Nga. Hai kho đạn của đối phương bị đánh trúng phát nổ.

Tại thành phố Bakhmut, các cuộc tấn công tại thành phố Bakhmut đang giảm dần và quân Wagner đang được thay bằng quân chính quy Nga.

Đại Tá Serhii Cherevatyi, phát ngôn viên của Cụm vũ trang phía Đông cho biết: “Không phải Wagner đang rút lui, cũng không phải vì chúng bị Bộ Quốc Phòng Nga gạt ra, chúng vẫn ở đó, nhưng do tổn thất nặng nề, tử trận gần hết, nên chúng phải được tăng cường bởi các đơn vị quân đội chính quy của Liên bang Nga, chủ yếu là lính dù”.

Theo bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh, khi thấy quân Wagner có vẻ như sắp chiếm được thành phố Bakhmut, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã hối hả lên kế hoạch đánh thành phố Vuhledar để cũng có một chiến thắng như trùm Wagner Yevgeny Prigozhin. Không may cho ông ta, là quân Nga đại bại ở thành phố Vuhledar đến mức Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 155 bị khai tử.

Đánh thành phố Vuhledar không xong, ông ta chuyển quân qua thành phố Bakhmut, tìm cách cướp công của quân Wagner ở thành phố này. Tuy nhiên, chiến trường ở đây cũng gay go không kém khi quân Ukraine quyết tâm giữ thành phố này.

Từ đầu tuần này, Shoigu rút bớt quân để quay sang đánh thành phố Avdiivka. Chỗ này cũng không xong. Trong khi đó, trùm Wagner Yevgeny Prigozhin sợ Shoigu cướp công quyết tâm đánh nhanh thắng nhanh ở Bakhmut, dẫn đến tình trạng như Đại Tá Serhii Cherevatyi báo cáo: quân Wagner chết gần hết.

Ông cho biết các lực lượng Nga trong khu vực đang “thực hiện vài chục cuộc tấn công mỗi ngày. Đại Tá Cherevatyi cho biết đã có 32 cuộc đọ súng trong ngày qua” trong và xung quanh Bakhmut, đồng thời cho biết thêm rằng cũng có các cuộc không kích do cả máy bay cánh cố định và trực thăng tấn công thực hiện.

Ông lưu ý: “Pháo binh là một yếu tố ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với các hoạt động quân sự ở đó so với hàng không”.

Trong 24 giờ qua, quân Nga mất đến 1020 binh sĩ, 4 xe tăng, 23 xe thiết giáp, 8 hệ thống pháo, 3 hệ thống phòng không.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 24 Tháng Ba, 169.170 quân nhân Nga bị loại khỏi vòng chiến.

Ngoài ra, quân đội Ukraine đã phá hủy 3.574 xe tăng Nga, 6.921 xe thiết giáp, 2.616 hệ thống pháo, 511 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 276 hệ thống phòng không, 305 máy bay, 290 máy bay trực thăng, 2.208 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 911 hỏa tiễn hành trình, 18 tầu chiến 5.464 xe chuyển quân và nhiên liệu, 277 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết Ukraine đã nhận được thi thể của 83 binh sĩ đã hy sinh từ phía Nga. Đáp lại, Ukraine đã bàn giao một số lượng binh sĩ Nga bị thương nặng không được tiết lộ.

Ukraine đã bàn giao cho Nga “tất cả những người bị thương nặng nhưng tình trạng của họ cho phép vận chuyển họ”.

“Trong trường hợp này, đó không phải là trao đổi tù nhân chiến tranh, mà cụ thể là hồi hương: trao trả những tù nhân bị thương nặng mà không có bất kỳ điều kiện nào, theo yêu cầu của luật nhân đạo quốc tế,” ông nói.

Khi được hỏi liệu Putin có dám sang Nam Phi tham dự hội nghị BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi hay không. Ông cho biết theo ý kiến của ông có lẽ là không dám.

Tại Mạc Tư Khoa, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết vẫn chưa có quyết định nào về việc liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi vào tháng 8 hay không.

“Chưa có quyết định nào về việc này,” Peskov nói với CNN.

Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi được gọi chung là các nền kinh tế BRICS đang phát triển nhanh.

Đầu tháng này, Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Lệnh này liên quan đến một kế hoạch bị cáo buộc nhằm bắt cóc trẻ em Ukraine sang Nga.

Nam Phi là một bên tham gia công ước và có nghĩa vụ phải bắt giữ bất kỳ ai có lệnh bắt giữ của tòa án.

2. Nga tiếp tục phản ứng hoảng hốt trước lệnh bắt giữ Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế

Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin bị bắt ở nước ngoài theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, điều đó có nghĩa là “một lời tuyên chiến chống lại Nga”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết hôm thứ Năm, theo hãng thông tấn nhà nước TASS.

“Rõ ràng, một tình huống như vậy sẽ không bao giờ xảy ra, tuy nhiên, hãy tưởng tượng rằng nó đã xảy ra. Người đứng đầu đương nhiệm của một quốc gia hạt nhân đến Đức, chẳng hạn, và bị bắt. Nó có nghĩa là gì? Một lời tuyên chiến chống lại Nga,” ông Medvedev nói khi trả lời câu hỏi của giới truyền thông. “Trong trường hợp như vậy, tất cả vũ khí của chúng ta sẽ nhắm vào Bundestag, văn phòng thủ tướng Đức, v.v.”

Đáp lại nhận xét của Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức Marco Buschmann rằng Berlin sẽ thi hành quyết định của ICC và bắt giữ tổng thống Nga nếu ông đến Đức, Medvedev nói: “Liệu ông ấy có nhận ra rằng đó sẽ là một casus belli, một lời tuyên chiến không?”

Ông Medvedev cũng nhắc lại rằng quyết định của ICC sẽ có tác động bất lợi đến quan hệ của Mạc Tư Khoa với phương Tây.

“Mối quan hệ của chúng ta với thế giới phương Tây vốn đã kém; có lẽ là tồi tệ hơn bao giờ hết. Ngay cả khi Churchill có bài phát biểu về Bức màn sắt, mối quan hệ của chúng ta vẫn tốt hơn. Và thật bất ngờ, họ lại có hành động chống lại nguyên thủ quốc gia của chúng ta”, ông Medvedev nói.

Các quan sát viên ghi nhận Medvedev đã để lộ sự hốt hoảng trước lệnh bắt giữ Putin của ICC. Hôm thứ Hai, ông ta táo tợn tuyên bố sẽ tấn công hạt nhân vào trụ sở của ICC ở Hà Lan, một quốc gia NATO. ICC được tin là đang chuẩn bị tung ra thêm các lệnh bắt giữ mới. Medvedev chắc chắn sẽ có phần.

3. Hội đồng An Ninh Quốc Gia nhận xét rằng xe tăng Nga có thể thoát khỏi đạn Uranium nghèo bằng cách rời khỏi Ukraine

“Putin vừa đe dọa sẽ phản ứng mạnh nếu Vương Quốc Anh gởi đạn Uranium nghèo cho Ukraine. Vậy chúng ta có gởi không? Gởi chứ. Bất kể lời đe dọa của Andrey Gurulyov, phó Duma Quốc gia Nga, đe dọa xoá sổ Vương Quốc Anh bằng vũ khí hạt nhân sao? Mình không làm gì họ cũng đe dọa như thế mà. Các loại xe tăng của Nga có cách nào để tránh né đạn Uranium nghèo không? Đương nhiên là có cách. Họ rút ra khỏi Ukraine là xong.”

Trên đây là các câu hỏi và các câu trả lời của Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace. Hội đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cũng có cùng quan điểm với Vương Quốc Anh.

Ukraine đã có các súng chống tăng hiệu quả. Tại sao Vương Quốc Anh lại gởi thêm đạn Uranium nghèo? Các chuyên gia cho rằng trong khi vũ khí chống tăng làm nổ tung xe tăng, đạn Uranium nghèo chỉ gây ra khả năng sát thương đối với tổ lái khi nó xuyên thủng xe tăng. Nói cách khác, chiếc xe tăng vẫn còn có thể sử dụng được, và sẽ bị tịch thu như một chiến lợi phẩm.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Tanks Can Escape Depleted Uranium Rounds by Leaving Ukraine: NSC”, nghĩa là “Hội đồng An Ninh Quốc Gia nhận xét rằng xe tăng Nga có thể thoát khỏi đạn Uranium nghèo bằng cách rời khỏi Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, gọi tắt là NSC, đã gợi ý rằng cách tốt nhất để các binh sĩ lái xe tăng của Mạc Tư Khoa tránh được đạn Uranium nghèo của Anh gởi tới Ukraine là rút lui qua biên giới.

Luân Đôn tuyên bố hôm thứ Hai rằng cùng với xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 được cung cấp cho Kyiv sử dụng, họ sẽ gửi đạn tăng Uranium nghèo - đặc biệt hiệu quả trong việc xuyên thủng lớp giáp của đối phương. Tin tức đã gây ra một phản ứng dữ dội ở Nga, và Tổng thống Vladimir Putin đã đánh đồng một cách sai lầm giữa đạn dược với vũ khí hạt nhân.

Putin đe dọa sẽ trả đũa nếu đạn Uranium nghèo - đã được sử dụng ở Mỹ, Anh và Nga trong nhiều thập kỷ - được sử dụng trên các chiến trường của Ukraine, nơi quân đội của Mạc Tư Khoa đang thúc đẩy việc chiếm thêm các lãnh thổ mới trước một cuộc phản công mùa xuân của Ukraine.

Phát ngôn nhân của NSC John Kirby đã bác bỏ những lo ngại của Điện Cẩm Linh về các loại đạn uranium đã được làm nghèo trong một cuộc họp báo với các nhà báo. Kirby nói: “Chắc chắn, chúng ta sẽ để Vương quốc Anh tự nói về những quyết định có chủ quyền mà họ sẽ đưa ra về việc cung cấp đạn dược.”

“Nhưng đừng nhầm lẫn: Đây lại là một lý luận kém cỏi khác mà người Nga đang tung ra. Loại đạn này khá phổ biến và đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ.”

“Tôi nghĩ điều thực sự đang diễn ra ở đây là Nga không muốn Ukraine tiếp tục hạ gục xe tăng của mình và khiến chúng không hoạt động được,” Kirby nói thêm.

“Và nếu đó thực sự là mối quan tâm - nếu người Nga rất lo lắng làm sao cho xe tăng của họ vẫn hoạt động bình thường - thì họ chỉ cần đưa chúng qua biên giới trở lại Nga và đưa chúng ra khỏi Ukraine; mà chúng không thuộc về nơi đó ngay từ đầu. Đó sẽ là khuyến nghị của tôi nếu họ lo ngại về các mối đe dọa đối với xe tăng của họ.”

Các viên đạn Uranium nghèo nặng hơn 70% so với chì, tạo ra nhiều động năng hơn đáng kể. Khi tiếp xúc với áo giáp, các bộ phận của đạn sẽ vỡ ra và tự mài sắc, khiến đường đi của chúng trở nên nguy hiểm hơn đối với lính lái xe tăng bên trong xe bọc thép. Nhỏ hơn so với các loại đạn thay thế chì có cùng khối lượng, đạn Uranium nghèo có lực cản khí động học ít hơn và có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Chúng cũng vốn là chất gây cháy nổ.

“Sẽ là một ngày tồi tệ đối với các binh sĩ lái xe tăng của Nga khi họ gặp đạn Uranium nghèo, bởi vì đơn giản là họ không thể làm gì để tự vệ trước những thứ đó,” Mark Voyger - cựu cố vấn đặc biệt về các vấn đề của Nga và Á-Âu cho cựu tướng chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ Âu Châu Ben Hodges—nói với Newsweek.

“Theo như tôi biết, không một chiếc xe tăng nào của Nga có thể chịu được sức công phá như vậy,” Voyger – hiện là thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Phân tích Âu Châu và là giáo sư tại Đại học Hoa Kỳ ở Kyiv – nói thêm.

“Đây là một bước nhảy vọt về chất,” Voyger nói. “Lực lượng thiết giáp của họ đã bị tiêu diệt do sử dụng kết hợp giữa vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo, gọi tắt là NLAW, và Javelin, nhưng đây là một cấp độ hoàn toàn mới của vũ khí chống thiết giáp.”

Đạn Uranium nghèo đã được các lực lượng Mỹ và Anh sử dụng trong các cuộc can thiệp ở Kuwait, Iraq và Afghanistan, và trong các cuộc ném bom trên không vào các mục tiêu ở Serbia và Kosovo vào những năm 1990.

Việc sử dụng chúng có liên quan đến tàn dư bức xạ lâu dài ở các khu vực bị ảnh hưởng, mặc dù vẫn chưa rõ liệu bức xạ này có tác dụng phụ hay không. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, đã nói rằng Uranium nghèo “ít phóng xạ hơn đáng kể so với uranium tự nhiên”. IAEA cho biết, “thiếu bằng chứng về nguy cơ ung thư rõ ràng trong các nghiên cứu trong nhiều thập kỷ” liên quan đến việc sử dụng Uranium nghèo.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Tạp chí Y khoa Anh năm 2021 đã phát hiện ra “mối liên hệ có thể có giữa việc tiếp xúc với Uranium nghèo và các kết quả bất lợi về sức khỏe” ở những người Iraq tiếp xúc với Uranium nghèo trong các cuộc can thiệp của phương Tây vào những năm 1990 và 2000.

Kirby nói với các phóng viên hôm thứ Tư: “Đã có những nghiên cứu về sức khỏe được thực hiện đối với đạn Uranium nghèo. Nó không phải là một mối đe dọa phóng xạ. Nó không phải là điều gì đó gần với lĩnh vực hạt nhân. Đó là lý do tại sao tôi đã mô tả nó trước đó như một 'lý luận kém cỏi'.”

Kirby nói thêm: “Đây là một loại đạn phổ biến được sử dụng đặc biệt cho khả năng xuyên giáp của xe tăng. “Vì vậy, một lần nữa, nếu Nga lo ngại sâu sắc về phúc lợi của xe tăng và binh lính xe tăng của họ, thì điều an toàn nhất đối với họ là chuyển chúng qua biên giới và đưa chúng ra khỏi Ukraine.”

Voyger nói với Newsweek rằng những nỗ lực của Mạc Tư Khoa nhằm giải quyết vấn đề Uranium nghèo nói lên mối quan tâm của họ về tình hình ở tiền tuyến. “Tất nhiên, điều này nhằm gây ra một số phản ứng từ phong trào phản chiến ở phương Tây,” ông nói. “Điểm chính là một nỗ lực để bù đắp cho điểm yếu của họ trên chiến trường.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

4. Nga sắp hết vũ khí

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã TASS của Nga hôm thứ Năm 23 tháng Ba, Medvedev đã bác bỏ tuyên bố của phương Tây rằng Nga sắp hết vũ khí để tiếp tục cuộc chiến với Ukraine, nhưng Reuters báo cáo rằng cuộc xung đột đã khiến Mạc Tư Khoa không thể cung cấp các khí tài chiến tranh quan trọng mà họ đã cam kết cho quân đội Ấn Độ.

New Delhi đã lo lắng về tình huống như vậy, vì Mạc Tư Khoa là nguồn cung cấp thiết bị quốc phòng lớn nhất. Tuyên bố của lực lượng không quân Ấn Độ hôm thứ Năm là xác nhận chính thức đầu tiên về việc này.

Tuyên bố được đưa ra trước một ủy ban quốc hội, ủy ban này đã công bố nó trên trang web của mình vào hôm thứ Ba. Một đại diện của lực lượng không quân nói với ủy ban rằng Nga đã lên kế hoạch “giao hàng lớn” trong năm nay sẽ không diễn ra. Phát ngôn nhân của Đại sứ quán Nga tại New Delhi nói với Reuters: “Chúng tôi không có thông tin có thể xác nhận điều đã nêu”.

Hiện chưa có phản hồi ngay lập tức từ Rosoboronexport, công ty xuất khẩu vũ khí của chính phủ Nga. Báo cáo không đề cập đến chi tiết cụ thể của việc giao hàng, Reuters nói.

5. Máy bay chiến đấu F18 có thể đến Ukraine khi Thủ tướng Phần Lan cân nhắc các lựa chọn

Ukraine đang vất vả xin các đồng minh cung cấp cho họ chiến đấu cơ F16, và vẫn chưa thấy triển vọng nào. Trong một diễn biến bất ngờ, Nữ Thủ tướng Phần Lan, người vừa thăm Kyiv, tuyên bố đang cân nhắc trao F18 cho Ukraine.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Hornet' Fighter Jets May Go to Ukraine as Finland PM Weighs Options”, nghĩa là “Máy bay chiến đấu F18 có thể đến Ukraine khi Thủ tướng Phần Lan cân nhắc các lựa chọn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết đất nước của cô có thể sẵn sàng tặng máy bay chiến đấu F18 biệt danh “Hornet” hay “Ong bắp cày” cho Ukraine.

Ukraine được cho là đã yêu cầu đàm phán ba bên với Hoa Kỳ để thảo luận về khả năng chuyển giao các máy bay phản lực. Tuy nhiên, Antti Kaikkonen, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan, cho biết ông không muốn trao bất kỳ chiếc F18 nào của đất nước mình cho Ukraine.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin hôm thứ Năm không loại trừ khả năng Phần Lan có thể gửi máy bay chiến đấu F/A-18 “Hornet” tới Ukraine để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống lại Nga.

“Chúng ta đã đưa ra quyết định mua máy bay chiến đấu mới, và vâng, tôi nghĩ chúng ta có thể thảo luận về những gì chúng ta sẽ làm với phi đội mà chúng ta đang từ bỏ này,” Marin nói với tờ báo Phần Lan Helsingin Sanomat khi được hỏi về F18, và đợt giao hàng sắp tới các máy bay phản lực mới.

Helsingin Sanomat báo cáo rằng Ukraine đã gửi yêu cầu chính thức cho các cuộc đàm phán ba bên giữa Kyiv, Washington DC và Helsinki để thảo luận về việc chuyển giao máy bay phản lực Hornet từ Phần Lan. Yêu cầu đó được đưa ra vài tuần sau khi Marin gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv.

Trong chuyến thăm ngày 10 tháng 3, Marin đã được Đài Phát thanh Phần Lan trích dẫn nói rằng cô ấy sẽ cân nhắc việc trao cho Ukraine những chiếc Hornet đã ngừng hoạt động, nhưng vài ngày sau cô ấy đã rút lại bằng cách nói rằng “chưa ai hứa hẹn với Ukraine những chiếc máy bay phản lực Hornet Phần Lan.”

Trong cuộc phỏng vấn với Helsingin Sanomat, Marin vẫn không cam kết về việc cung cấp máy bay phản lực, nhưng không đóng cửa khả năng này.

“Đây là một câu hỏi cần được xem xét rất cẩn thận,” Marin nói, trước khi lưu ý rằng Phần Lan phải xem xét an ninh của chính mình do nước này có chung đường biên giới rộng lớn với Nga.

Helsingin Sanomat đã hỏi về đề xuất mà Ukraine đã đệ trình để thảo luận về việc chuyển giao máy bay phản lực. Marin cho biết cô không thể thảo luận chi tiết về những gì cô cho là vấn đề bí mật.

“Ở mức độ chung, tôi có thể tuyên bố rằng Ukraine đã yêu cầu Phần Lan giúp đỡ, giống như tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu và các nước đối tác khác, để có thêm vũ khí cho đất nước,” cô nói. “Nhu cầu của họ đặc biệt liên quan đến đạn dược và tất cả các vật liệu được tiêu thụ hàng ngày ở Ukraine, nhưng họ cũng cần các thiết bị nặng hơn, cả xe tăng, phòng không và cả máy bay chiến đấu”.

Khi được hỏi thêm liệu Phần Lan có từ chối yêu cầu cung cấp Hornet do Ukraine đưa ra hay không, Marin nói rằng cô ấy có thể giải quyết chủ đề này khi Phần Lan công bố gói viện trợ tiếp theo cho Zelenskiy.

“Đường lối hỗ trợ Ukraine là thống nhất. Ví dụ, cuộc thảo luận về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine được tổ chức rộng rãi ở cấp độ Âu Châu và nhiều quốc gia đã đưa ra quyết định này. Chúng ta cũng không thể thoát khỏi cuộc thảo luận này ở Phần Lan, nhưng điều này cũng đang ở trước mặt chúng ta,” Marin nói với tờ báo.

Mặc dù Marin dường như cởi mở với Phần Lan ít nhất là khi nghe đề xuất về Hornet, Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen hôm thứ Năm cho biết ông không muốn trao bất kỳ chiếc Hornet nào của nước mình cho Ukraine, theo Reuters.

“Quan điểm của tôi với tư cách là bộ trưởng quốc phòng Phần Lan là chúng ta cần những chiếc Ong bắp cày này để bảo vệ đất nước của chúng ta,” Kaikkonen nói tại một cuộc họp báo. “Tôi có quan điểm tiêu cực về ý tưởng rằng chúng sẽ được quyên góp trong vài năm tới. Và nếu chúng ta nhìn xa hơn nữa, tôi hiểu rằng chúng bắt đầu bị hao mòn và sẽ không còn nhiều giá trị sử dụng.”

Guy McCardle, biên tập viên quản lý của Báo cáo Lực lượng Hoạt động Đặc biệt (SOFREP), nói với Newsweek rằng Hornet là máy bay phản lực “vững chắc, đã được chứng minh trong chiến đấu”.

Khi so sánh Hornet với MiG-29 mà Ukraine chuẩn bị nhận từ Ba Lan và Slovakia như thế nào, McCardle nói rằng hai loại máy bay phản lực này “tương đối phù hợp”. Ông nói thêm rằng “MiG có tốc độ tối đa cao hơn ở mức 1.519 dặm một giờ nhưng phạm vi không tiếp nhiên liệu thấp hơn. Hornet tự hào có hệ thống điện tử hàng không ưu việt.”

Newsweek đã liên hệ với văn phòng của Marin qua email để nhận xét.

6. Tổng công tố Ukraine gặp chủ tịch Nghị viện Âu Châu tại Brussels

Trong một cuộc họp tại Brussels hôm thứ Năm, Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin đã cảm ơn Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Roberta Metsola vì sự hỗ trợ của cơ quan này trong việc bảo đảm rằng Nga phải chịu trách nhiệm về những tội ác đã gây ra trong cuộc xâm lược của mình.

“Chúng tôi hy vọng rằng quyết định lịch sử của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, về lệnh bắt giữ Putin sẽ củng cố địa vị của ông ta như một kẻ bị hạ bệ đối với thế giới văn minh và sẽ là khởi đầu của các quá trình quốc tế nhằm bảo đảm trách nhiệm trước công lý của từng cá nhân được trao quyền lãnh đạo của quốc gia xâm lược,” Kostin nói thêm.

Nhắc lại yêu cầu của Ukraine về việc thành lập tòa án đặc biệt để đối phó với hành vi gây hấn của Nga, ông kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu và nghị viện Âu Châu ủng hộ đề xuất của ông.

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng rằng Liên Hiệp Âu Châu và Nghị viện Âu Châu sẽ ủng hộ quan điểm của chúng tôi như là cách thực tế và tối ưu nhất để khôi phục công lý và ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra trong tương lai”.

7. Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, kêu gọi gia tăng trừng phạt Nga

Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, hôm thứ Năm đã lên tiếng phản đối bất kỳ sự suy yếu nào của các lệnh trừng phạt đối với Nga theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Hắc Hải, đồng thời kêu gọi G7 thắt chặt giới hạn dầu mỏ để tiếp tục siết chặt doanh thu của Nga.

“Chúng ta biết rằng Nga đang kiếm được ít tiền hơn từ dầu mỏ. Chúng ta thấy các biện pháp trừng phạt kinh tế, bao gồm cả việc áp đặt giá dầu, đang có tác động đến nền kinh tế Nga và khả năng cung cấp nhiên liệu cho cỗ máy chiến tranh của họ.”

Cô Kaja Kallas đã đưa ra lập trường trên khi đến tham dự cuộc đàm phán giữa 27 nhà lãnh đạo quốc gia của Liên Hiệp Âu Châu tại Brussels trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu.

“Chúng ta nên tiếp tục với điều đó,” cô nói, đồng thời cho biết thêm rằng Estonia sẽ đồng ý hạ giá trần một lần nữa. Cô phản đối bất kỳ sự suy yếu nào của các biện pháp trừng phạt chống lại Nga mà Mạc Tư Khoa tìm kiếm trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngũ cốc. Cô nói: “Chúng ta không nên làm suy yếu các biện pháp trừng phạt”.

Mức giá trần do Liên Hiệp Âu Châu áp đặt hiện nay là 60 USD một thùng được xem là còn quá cao. Ba Lan và Estonia đề xuất 30 USD một thùng, trong khi Ukraine hô hào ép xuống còn 10 đến cùng lắm là 20 USD một thùng với lý luận rằng Nga đã tiếp tục bán trong thời kỳ sụt giảm do COVID-19 khiến dầu thô Urals giảm xuống 16,6 USD một thùng vào tháng 4 năm 2020. Điều này cho thấy Mạc Tư Khoa có thể bị ép giá thấp hơn nhiều.

8. 'Hãy xét xử vắng mặt Putin', công tố viên Ukraine kêu gọi

Các nhà lãnh đạo Nga nên bị đưa ra xét xử vì tội xâm lược Ukraine ngay cả khi họ chưa thể bị bắt và đưa ra tòa trực tiếp, công tố viên hàng đầu của Kyiv cho biết.

Andriy Kostin cho biết một tòa án đã được lên kế hoạch xét xử tội xâm lược nên tổ chức điều mà ông gọi là xét xử vắng mặt.

Ông đã nói chuyện với Reuters sau khi gặp công tố viên trưởng của tòa án hình sự quốc tế, gọi tắt là ICC, ở The Hague, nơi đặt trụ sở của tòa án. Tuần trước, ICC đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc ông và ủy viên phụ trách trẻ em của ông phạm tội ác chiến tranh bắt cóc trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.

Mặc dù ICC có thể truy tố các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng ở Ukraine, nhưng ICC không thể truy tố tội ác xâm lược do những ràng buộc pháp lý.

Quốc tế ngày càng ủng hộ việc thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga vì chính cuộc xâm lược kéo dài 13 tháng, bị Ukraine và các nhà lãnh đạo phương Tây coi là tội ác xâm lược. Kostin cho biết tòa án đặc biệt nên giải quyết “lãnh đạo chính trị và quân sự cao nhất, bao gồm cả Putin, vì tội xâm lược”.

Tôi tin rằng nó có thể xử vắng mặt, bởi vì điều quan trọng là phải đưa ra công lý cho các tội phạm quốc tế ngay cả khi thủ phạm chưa bị bắt.

Các tòa án quốc tế rất hiếm khi tổ chức xét xử vắng mặt và các quy tắc của ICC quy định cụ thể rằng một bị cáo bị tình nghi phải có mặt trong quá trình xét xử.

Ví dụ duy nhất gần đây về một phiên tòa quốc tế vắng mặt là trường hợp của Liban, trong đó một tòa án do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn đã kết án ba người đàn ông vì vụ ám sát chính trị gia người Liban Rafik Hariri năm 2005.

Nga đã công khai cho biết họ đã đưa hàng nghìn trẻ em Ukraine đến Nga trong cái mà họ gọi chiến dịch nhân đạo nhằm bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi trong khu vực xung đột.