1. Thêm một giám mục qua đời tại Trung Quốc

Hôm 14 tháng Tư vừa qua, hãng thông tấn Asia News đưa tin: thêm một giám mục lão thành tại Trung Quốc qua đời, đó là Đức Cha Phêrô Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan), 88 tuổi, Tổng giám mục Giáo phận Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, qua đời sau nhiều năm bị bệnh.

Sau ba ngày canh thức để tang, lễ an táng sẽ được cử hành ngày thứ Hai, ngày 17 tháng Tư này.

Tổng giáo phận Phúc Châu được coi là giáo phận đông tín hữu Công Giáo và giàu nhất tại Trung Quốc, với khoảng 300.000 giáo dân, 120 linh mục và hơn 500 nữ tu, nhưng giáo phận này từ nhiều năm nay ở trong tình trạng phân rẽ giữa cộng đoàn hầm trú và cộng đoàn chính thức.

Đức Cha Lâm Gia Thiện vẫn luôn thuộc cộng đoàn Công Giáo hầm trú và trong thập niên 1980, ngài đã bị nhà nước Trung Quốc kết án 10 năm lao động khổ sai. Theo một số tín hữu, từ đầu những năm 2000, ngài muốn được chính thức hóa tình trạng của mình với chính phủ, nhưng bị đa số các linh mục khuyên can.

Giáo phận Phúc Châu chia làm hai cộng đoàn, trong đó có khoảng 20 linh mục ủng hộ cha Lâm Gia Thiện, và 60 linh mục ủng hộ cha Lâm Vận Toàn (Lin Yuntuan). Để cứu vãn sự hiệp nhất của giáo phận, năm 2007, Tòa Thánh bãi chức giám quản giáo phận của cha Lâm Vận Toàn và bổ nhiệm Đức Cha Vinh Sơn Hoàng Thủ Thành, Giám mục Giáo phận Mân Đông (Mindong) làm Giám quản Tông Tòa. Đức Cha qua đời năm 2016. Cha Lâm Gia Thiện vận động với Tòa Thánh để được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Phúc Châu, mặc dù năm 2013 trước đó, Tòa Thánh đã muốn bổ cha Lâm Vận Toàn làm Giám quản Tông Tòa.

Sau khi nhà nước Trung Quốc đã chính thức công nhận Đức Cha Lâm Gia Thiện là Tổng giám mục Giáo phận Phúc Châu và sau đó ngài đã chính thức nhậm chức hôm 09 tháng Sáu năm 2020.

Trước đó, hồi năm 2019, Đức Cha Lâm Gia Thiện đã gửi thư đến hàng giáo sĩ và giáo dân, nhắn nhủ mọi người hãy “hiệp nhất trong tinh thần, trên đường hòa giải, bao dung và chấp nhận nhau trong Chúa Kitô, tránh những nghi ngờ, tấn công và chia rẽ”.

Trong 5 năm qua, từ sau khi Hiệp định tạm thời được ký kết và hai lần gia hạn giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, chỉ có sáu giám mục được bổ nhiệm và hàng chục giáo phận đang bị trống tòa.

2. Đức Thánh Cha xác định dự án viếng thăm Mông Cổ vào tháng Chín năm nay

Đức Thánh Cha Phanxicô xác định dự án viếng thăm Mông Cổ vào tháng Chín năm nay, một quốc gia chỉ có 1.500 tín hữu Công Giáo.

Lần đầu tiên ngài tiết lộ ý định này trong cuộc họp báo trên máy bay khi viếng thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan trở về Roma, hồi tháng Hai năm nay. Hồi đó, ngài nói cuộc viếng thăm đó là một “khả thể” nhưng chưa chắc chắn.

Trong buổi tiếp kiến sáng thứ Sáu, ngày 14 tháng Tư vừa rồi, dành cho Ban quản trị và đại diện các nhân viên hãng hàng ITA Airways, hậu thân của hãng Alitalia, chuyên chở Đức Thánh Cha trong các chuyến tông du nước ngoài, Đức Thánh Cha nói:

“Trong vòng hai tuần nữa, tôi sẽ lên đường thực hiện chuyến tông du thứ 41, đến thăm Hungari”, từ ngày 28 đến ngày 30 tháng Tư này. “Rồi có chuyến đi Marseille bên Pháp, và Mông Cổ, sau đó có các nước khác đang ở trong danh sách chờ đợi”. Đức Thánh Cha cho biết ngài đi Mông Cổ, khởi hành từ Marseille sau chuyến viếng thăm ngày 29 tháng Chín tại thành phố, nơi ngài gặp gỡ các thị trưởng các thành phố các nước ven Địa Trung Hải.

Tháng Tám năm ngoái, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Cha Giorgio Marengo, 47 tuổi, Phủ doãn Tông tòa Ulanbator ở Mông Cổ làm Hồng Y. Mông Cổ trước kia được gọi là Ngoại Mông, nguyên là thành phần của Trung Quốc cho đến năm 1921, sau đó được độc lập với sự giúp đỡ của Liên Xô trong khi Nội Mông tiếp tục là một tỉnh của Trung Quốc. Báo chí cho rằng Mông Cổ có ý nghĩa đối với Tòa Thánh, vì nước này có biên giới dài và quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, là nước mà Tòa Thánh tìm cách cải tiến tình trạng của các tín hữu Công Giáo.

Trước khi đi Marseille, vào đầu tháng Tám năm nay, Đức Thánh Cha sẽ đến Bồ Đào Nha vào đầu tháng Tám, nhân dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon, từ ngày 01 đến ngày 06. Đức Thánh Cha cũng cho biết có thể ngài đi thăm Ấn Độ vào năm tới.

3. Bức tượng Chúa Kitô lớn nhất ở Mễ Tây Cơ được cung hiến vào Chúa Nhật Phục sinh

Vào Chúa Nhật Phục sinh, ngày 9 tháng 4, tượng Chúa Kitô Hòa bình đã được cung hiến tại hạt Tabasco thuộc bang Zacatecas, Mễ Tây Cơ. Tác phẩm điêu khắc hoành tráng nằm trên đỉnh bệ có chiều cao 108 feet hay 33m, khiến nó trở thành tác phẩm điêu khắc lớn nhất trong cả nước.

Bức tượng đứng ở trung tâm của lối đi dạo trên đỉnh “Đồi Tín ngưỡng và Tôn giáo”.

Có mặt tại buổi lễ cung hiến có thống đốc bang Zacatecas, David Monreal Ávila; chủ tịch quận Tabasco, Gil Martínez; và cha xứ Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở thị trấn Tabasco, Cha Luis Manuel Luévano Díaz.

Vị linh mục đã chúc lành cho tác phẩm điêu khắc và đưa ra thông điệp về niềm tin và hy vọng cho hàng ngàn tín hữu có mặt.

Thống đốc Zacatecas cho biết “tác phẩm điêu khắc này là lớn nhất ở Mễ Tây Cơ. Tôi mời tất cả các bạn đến thăm và khám phá những điều kỳ diệu mà Zacatecas mang lại.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Reporte Índigo, Miguel Romo, nghệ nhân tạo ra bức tượng, cho biết phải mất hơn hai năm để hoàn thành.

“Nếu bạn nhìn, khuôn mặt được thực hiện rất đẹp. Tượng Chúa cứu thế ở Brazil rất đẹp, nhưng nó hơi hình học, có bàn tay, khuôn mặt và mọi thứ. Bức tượng tôi đã tạc không phải như thế. Tôi có xu hướng rất thực tế, và nó rất khó ở quy mô này; quy mô nhỏ thì rất dễ, nhưng ở quy mô này thì rất khó”, nghệ sĩ giải thích.

Bức tượng được làm bằng thép và nhiều loại polyme khác nhau. Bên trong tác phẩm điêu khắc có một cầu thang và bốn khu vực nghỉ ngơi cũng như đài quan sát cho du khách.

Tác phẩm điêu khắc được đặt tên là Chúa Kitô của Hòa bình bởi vì qua lễ cung hiến này, những người quảng bá muốn sự yên bình đến với cư dân của Zacatecas, một bang bị bạo lực tội phạm có tổ chức hoành hành.

Một số người cho rằng tác phẩm điêu khắc Chúa Kitô Hòa bình ở Mễ Tây Cơ lớn hơn tượng Chúa Cứu thế ở Brazil. Tuy nhiên, tượng ở Rio de Janeiro cao 29,8m với bệ 8m, trong khi tượng ở Zacatecas cao 29,8m với bệ 3m.

Tác phẩm điêu khắc lớn nhất về Chúa Giêsu là tượng Chúa Kitô Vua, nằm ở Świebodzin, Ba Lan, với chiều cao 36m, tiếp theo là Chúa Kitô của Concord ở Cochabamba, Bolivia, cao 34m

Một tác phẩm điêu khắc khác về Chúa Giêsu có chiều cao vượt quá 29m là Chúa Cứu thế Tihuatlan ở bang Veracruz, Mễ Tây Cơ, có chiều cao 31,3.

Hiện tại, bức tượng Chúa Cứu thế, cao 43m, đang được xây dựng ở Brazil.


Source:Catholic News Agency