1. Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống gọi tự tử được hỗ trợ về mặt y tế là 'khả thi'

Oái oăm là chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống lại là một người ủng hộ việc trợ tử. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “BREAKING: Pontifical Academy of Life president calls medically assisted suicide ‘feasible’”, nghĩa là “Tin giật mình: Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống gọi tự tử được hỗ trợ về mặt y tế là 'khả thi'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, đã lên tiếng ủng hộ việc hợp pháp hóa việc tự tử được hỗ trợ về mặt y tế, gọi nó là “khả thi” bất chấp những giáo huấn rõ ràng của Giáo Hội Công Giáo chống lại điều đó.

“Cá nhân tôi sẽ không thực hành hỗ trợ tự tử, nhưng tôi hiểu rằng hòa giải pháp lý có thể là lợi ích chung lớn nhất có thể thực hiện được một cách cụ thể trong những điều kiện mà chúng ta đang gặp phải,” Đức Tổng Giám Mục Paglia nói trong một bài phát biểu vào ngày 19 tháng 4 tại Liên hoan Báo chí Quốc tế ở Perugia, Ý.

Nhận xét của vị tổng giám mục người Ý là một phần của bài thuyết trình bao gồm một bộ phim tài liệu về một người đàn ông Ý đã đến Thụy Sĩ để chết bằng cách trợ tử.

Hãng tin Ý Il Riformista đã công bố nội dung bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Paglia vào thứ Bảy.

Theo Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, điều 2324 dạy rằng “Cố ý giết chết để tránh đau dù dưới bất cứ hình thức và lý do nào, vẫn là tội giết người. Một tội phạm nghiêm trọng nghịch với phẩm giá con người và với lòng tôn kínhThiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo Thành con người.”

Gần đây hơn, vào năm 2020, Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã khẳng định rằng giáo huấn trong thư Samaritanus bonus, “về việc chăm sóc con người trong các giai đoạn quan trọng và cuối cùng của cuộc đời,” đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn.

Bức thư viết: “Giá trị không thể xâm phạm của cuộc sống là nguyên tắc cơ bản của luật đạo đức tự nhiên và là nền tảng thiết yếu của trật tự pháp lý. Chúng ta không thể trực tiếp chọn tước bỏ mạng sống của người khác, ngay cả khi họ yêu cầu.”

Đầu năm nay, trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 9 tháng 2, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng người hấp hối cần được chăm sóc giảm nhẹ, chứ không phải trợ tử hoặc trợ tử, ngài nói: “Chúng ta phải đồng hành với mọi người trước cái chết, nhưng không kích động cái chết hoặc tạo điều kiện cho việc trợ tử”.

Trong bài phát biểu của mình vào ngày 19 tháng 4, Đức Tổng Giám Mục Paglia nhấn mạnh rằng Giáo hội không phải là “người phân phối những viên thuốc sự thật” khi nói đến việc tham gia với một xã hội đa nguyên về các vấn đề đạo đức thách thức nhất thời nay.

“Tư tưởng thần học phát triển trong lịch sử, trong cuộc đối thoại với Huấn quyền và cảm thức đức tin của dân Chúa, trong một động lực làm phong phú lẫn nhau,” Tổng Giám Mục Paglia nói.

Đức Cha Paglia đã chỉ ra quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2018 về việc sửa đổi Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo để tuyên bố rằng án tử hình là “không thể chấp nhận được”.

Đức Cha Paglia nói rằng: “Sự đóng góp của các Kitô hữu được thực hiện trong các nền văn hóa khác nhau, không phải ở trên như thể họ sở hữu một chân lý tiên nghiệm cũng không phải ở dưới như thể các tín hữu là những người mang quan điểm đáng kính, nhưng tách rời khỏi lịch sử”.

Đức Cha Paglia nói: “Giữa những người theo đạo và những người không theo đạo có mối quan hệ học hỏi lẫn nhau.”

“Do đó, với tư cách là những tín hữu, chúng ta đặt ra những câu hỏi giống nhau liên quan đến tất cả mọi người, khi biết rằng chúng ta đang ở trong một xã hội dân chủ đa nguyên. Trong trường hợp này, về sự kết thúc của cuộc sống trần gian, tất cả chúng ta thấy mình phải đối mặt với một câu hỏi chung: Làm thế nào chúng ta có thể đạt được cùng nhau cách tốt nhất để nói rõ điều tốt trên bình diện đạo đức và điều công bằng trên bình diện pháp lý, cho mỗi người và cho xã hội?”

Đức Cha Paglia chỉ trích việc mở rộng luật ở một số quốc gia để cho phép cái chết êm dịu không tự nguyện. Đồng thời, ngài nói rằng “không thể loại trừ” việc hợp pháp hóa trợ tử “là khả thi trong xã hội của chúng ta”, với điều kiện đáp ứng một số điều kiện nêu trong phán quyết của tòa án hiến pháp Ý năm 2019.

Cụ thể, ngài nói, trích dẫn từ chỉ thị của tòa án, “người đó phải 'được duy trì sự sống bằng cách điều trị hỗ trợ sự sống và mắc một bệnh lý không thể đảo ngược, một nguồn đau khổ về thể chất hoặc tâm lý mà người đó cho là không thể chịu đựng được,” và ngài lưu ý rằng Hạ viện Ý đã thông qua luật như vậy, nhưng Thượng viện thì không.

Đây không phải là lần đầu tiên những nhận xét của Tổng Giám Mục Paglia về trợ tử gây tranh cãi. Vào năm 2019, khi trả lời một câu hỏi về việc trợ tử và liệu một người Công Giáo hay một linh mục Công Giáo có thể có mặt khi ai đó qua đời bằng cách trợ tử hay không, Tổng Giám Mục Paglia nói với một nhóm nhỏ các nhà báo rằng ông sẵn sàng làm như vậy, bởi vì “Chúa không bao giờ bỏ rơi bất kỳ ai”.

“Theo nghĩa này, đồng hành, nắm tay một người sắp chết, tôi nghĩ rằng một nghĩa vụ lớn lao mà mọi tín hữu nên thúc đẩy,” ngài nói vào thời điểm đó, đồng thời cho biết thêm rằng các tín hữu cũng nên tạo ra sự tương phản với văn hóa hỗ trợ tự tử.

Gần đây hơn, vào tháng 8 năm 2022, Đức Cha Paglia đã bị những người phản đối phá thai chỉ trích gay gắt vì trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý đã đề cập đến Luật 194 — là dự luật năm 1978 hợp pháp hóa việc phá thai ở Ý — và coi đó như một “trụ cột của xã hội”. Trong một tuyên bố sau đó, Học viện Giáo hoàng về Sự sống cho biết bình luận đã được đưa ra ngoài ngữ cảnh.


Source:Catholic News Agency

2. Linh mục nói rằng Giáo hội ở Cuba có thể đề xuất chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản sang xã hội tự do

Cha Alberto Reyes của Tổng giáo phận Camagüey gần đây đã nói với tờ báo El Debate của Tây Ban Nha rằng chỉ có Giáo Hội Công Giáo ở Cuba mới có thể dẫn đầu một cuộc đối thoại và đề xuất chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản sang một xã hội tự do.

Trong những tháng gần đây, tình hình kinh tế và xã hội trở nên tồi tệ ở Cuba, nơi mà theo một báo cáo vào tháng 10 năm 2022 từ Đài quan sát Nhân quyền Cuba, gọi tắt là OCDH, cho thấy 72% cư dân “sống dưới mức nghèo khổ và chỉ 14% kỳ vọng rằng cuộc sống cá nhân của họ sẽ được cải thiện trong thời gian tới.”

Sự suy thoái của nền kinh tế Cuba không phải mới xảy ra gần đây và sự bất bình của người dân thể hiện qua các cuộc biểu tình vào tháng 7 năm 2021 tại nhiều thành phố khác nhau đã bị chế độ đàn áp mạnh mẽ. Dù thế, nhiều cuộc biểu tình khác đã diễn ra trong suốt năm qua.

Ngoài ra, hàng ngàn người Cuba tiếp tục coi di cư là một cách thoát nghèo. Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, 6.817 người từ hòn đảo đã đến Mỹ vào tháng 3, nâng tổng số lên 135.090 cho năm tài chính 2023, bắt đầu vào tháng 10 năm 2022.

“Kể từ cùng năm 1959, khi Fidel Castro và những người của ông ta lên nắm quyền, chúng tôi là một hòn đảo đang chạy trốn, nơi ngày càng có nhiều người coi di cư là giải pháp khả thi duy nhất, và chúng tôi bất lực chứng kiến sự vắng mặt ngày càng nhiều của những người mà chúng tôi có quan hệ tình cảm, những người cùng chúng tôi lớn lên; chúng tôi cảm thấy rằng không có chỗ cho hy vọng ở đây. Khi chúng tôi nghe đi nghe lại rằng không có ai thay đổi được điều này, niềm hy vọng tan vỡ trong tâm hồn chúng tôi,” vị linh mục nói với El Debate trong một bài báo đăng ngày 15 tháng Tư.

Cha Reyes, người thường phản ánh trên Facebook về tình hình hiện tại ở Cuba, cho biết người dân đang kêu gọi “sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản và sự xuất hiện của tự do”. Tuy nhiên, chính phủ tìm cách ngăn chặn “nhiều hình ảnh lọt ra bên ngoài” cho cộng đồng quốc tế thấy sự bất bình của công dân nước này.

Vị linh mục nhận xét: “Chính phủ Cuba “đã chứng tỏ sự bất lực của mình trong việc xây dựng một xã hội không chỉ thịnh vượng mà còn có khả năng đáp ứng những nguyện vọng cơ bản nhất của con người”.

Trong những năm đầu tiên của cuộc cách mạng, chính phủ đã tịch thu tài sản và trục xuất các linh mục và nữ tu. Cha Reyes chỉ ra rằng mặc dù trong những thập kỷ gần đây đã có sự cải thiện trong mối quan hệ chính thức giữa chế độ cộng sản và Giáo hội, nhưng tự do tôn giáo trên đảo vẫn chưa hoàn toàn.

Chẳng hạn, vị linh mục đã phải trả giá cho những lời chỉ trích và tố cáo chế độ cộng sản của mình bằng cách trở thành một trong những thành viên của Giáo hội bị An ninh Nhà nước sách nhiễu nhiều nhất, với những lời kêu gọi cảnh cáo, đe dọa bị đưa ra xét xử, và phải chịu những hành vi bạo lực và hoặc sỉ nhục đối với những người chỉ trích chính phủ.

Tuy nhiên, Cha Reyes nói rằng ngài biết ơn Giáo Hội Công Giáo, “đã nói với tôi về cuộc sống vĩnh cửu, nhưng cũng liên tục nhắc nhở tôi rằng cuộc sống trần gian này không chỉ đơn giản là một 'cõi tạm' của cõi vĩnh hằng đó”

Về tương lai của Cuba, vị linh mục chỉ ra rằng “không còn đường lùi nữa,” bởi vì người dân Cuba đã nhìn thấy bộ mặt thật của các thành viên của chế độ, “những người trong nhiều năm đã nói với chúng ta hàng ngày như một tiếng trống rằng họ yêu mến chúng ta biết bao và mong muốn những điều tốt đẹp cho chúng ta.”

“Bây giờ chúng ta biết rằng tất cả chỉ là dối trá, và cả bàn tay lẫn tiếng nói đều không nao núng khi tuyên bố về sự hủy diệt và cái chết, đồng thời kích động chiến tranh anh em chống lại anh em trong một cuộc chiến mà vết thương có lẽ sẽ không bao giờ lành.”


Source:Catholic News Agency

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật

Chúa Nhật 23 Tháng Tư, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 3 Mùa Phục Sinh.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Đức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng ta, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng ta đã làm chúng ta kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng ta đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng ta, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.

Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Vào Chúa Nhật3 Phục Sinh này, Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ làng Emmaus (x. Lc 24:1335). Đây là hai môn đệ cam chịu cái chết của Thầy, quyết định rời Giêrusalem trở về nhà vào ngày Lễ Vượt Qua. Có lẽ họ hơi bất an vì đã nghe những người phụ nữ từ trong mồ đi ra nói rằng Chúa đã sống lại… và họ bỏ đi. Và trong khi họ vừa đi vừa buồn bã nói về những gì đã xảy ra, Chúa Giêsu xuất hiện bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Người. Ngài hỏi họ tại sao họ lại buồn như vậy, và họ nói với Ngài: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay?” (câu 18). Và Chúa Giêsu trả lời: “Việc gì?” (câu 19). Và họ kể cho Ngài toàn bộ câu chuyện. Sau đó, trong khi họ đang đi, Người giúp họ giải thích lại các sự kiện theo một cách khác, dưới ánh sáng của các lời tiên tri, của Lời Chúa, của tất cả những gì đã được loan báo cho dân Israel. Đọc lại: đó là điều Chúa Giêsu làm với họ, giúp họ đọc lại. Chúng ta hãy tập trung vào khía cạnh này.

Thật vậy, đối với chúng ta, điều quan trọng là cùng với Chúa Giêsu đọc lại lịch sử của chúng ta: câu chuyện về cuộc đời chúng ta, về một giai đoạn nhất định, về thời đại của chúng ta, với những thất vọng và hy vọng của nó. Ngoài ra, chúng ta cũng giống như các môn đệ đó, khi đối mặt với những gì xảy đến với mình, có thể thấy mình lạc lõng trước những biến cố này, đơn độc và không chắc chắn, với nhiều câu hỏi và lo lắng, thất vọng, nhiều điều. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nói với Chúa Giêsu mọi sự một cách chân thành, không sợ quấy rầy Người: Người lắng nghe; không sợ nói sai, không xấu hổ trước cuộc đấu tranh của chúng ta để hiểu. Chúa vui mừng mỗi khi chúng ta mở lòng ra với Người; chỉ bằng cách này, Người mới có thể nắm lấy tay chúng ta, đồng hành với chúng ta và làm cho trái tim chúng ta bừng cháy trở lại (x. c. 32). Như thế, chúng ta cũng vậy, giống như các môn đệ Emmau, được mời gọi ở với Người để khi chiều đến, Người sẽ ở lại với chúng ta (x. c. 29).

Có một cách hay để làm điều này, và hôm nay tôi muốn đề xuất với anh chị em: nó bao gồm việc dành ra một ít thời gian, vào mỗi buổi tối, để kiểm điểm ngắn gọn lương tâm. Điều gì đã xảy ra hôm nay trong đời tôi? Đó là câu hỏi. Vấn đề là đọc lại một ngày với Chúa Giêsu, đọc lại một ngày của tôi: mở lòng ra với Người, mang đến cho Người những con người, những chọn lựa, những sợ hãi, những sa ngã và những hy vọng, tất cả những gì đã xảy ra; dần dần học cách nhìn mọi thứ bằng con mắt khác, bằng con mắt của Ngài chứ không chỉ của riêng chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ đó. Trước tình yêu của Chúa Kitô, ngay cả những điều dường như mệt mỏi và không thành công cũng có thể xuất hiện dưới một ánh sáng khác: một thập giá khó chấp nhận, quyết định tha thứ cho một hành vi phạm tội, một cơ hội sửa chữa bị bỏ lỡ, công việc cực nhọc, sự chân thành phải trả giá, và những thử thách của đời sống gia đình có thể hiện ra với chúng ta dưới một ánh sáng mới, ánh sáng của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, Đấng biết cách biến mọi vấp ngã thành một bước tiến. Nhưng để làm được điều này, điều quan trọng là chúng ta phải từ bỏ thái độ phòng thủ: dành thời gian và không gian cho Chúa Giêsu, không giấu giếm Ngài bất cứ điều gì, mang đến cho Ngài những đau khổ của chúng ta, để chúng ta bị tổn thương bởi sự thật của Ngài, để trái tim chúng ta rung động trước sự thật, và hơi thở của Lời Ngài.

Chúng ta có thể bắt đầu từ hôm nay, để dành buổi tối hôm nay một phút cầu nguyện, trong đó chúng ta tự hỏi: ngày hôm nay của tôi thế nào? Niềm vui của nó là gì, nỗi buồn của nó là gì, những thứ trần tục của nó là gì, chuyện gì đã xảy ra? Những viên ngọc trai trong ngày để tán tụng Chúa là gì, chúng có thể không tỏ tường nếu chúng ta không suy tư? Có một chút tình yêu trong những gì tôi đã làm không? Và đâu là những vấp ngã, những buồn phiền, những nghi ngờ và sợ hãi phải mang đến cho Chúa Giêsu để Ngài mở ra cho tôi những con đường mới, nâng tôi lên và khích lệ tôi? Xin Mẹ Maria, Vị Trinh Nữ khôn ngoan, giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang đồng hành với chúng ta và đọc lại – đọc lại – mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta trước mặt Người.

Sau khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, tại Paris, Henri Planchat, linh mục của Dòng Thánh Vincent de Paul, Ladislas Radigue và ba linh mục đồng hành của Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã được phong chân phước. Là những mục tử được khơi dậy bởi lòng nhiệt thành tông đồ, các ngài đã hiệp nhất trong việc làm chứng cho đức tin cho đến mức tử đạo, ở Paris vào năm 1871, trong thời kỳ được gọi là “Công xã” Paris. Một tràng pháo tay cho các Tân Chân Phước!

Hôm qua là Ngày Trái Đất. Tôi hy vọng rằng cam kết chăm sóc tạo vật luôn được kết hợp với tình liên đới hiệu quả với những người nghèo nhất.

Thật không may, tình hình ở Sudan vẫn còn nghiêm trọng, và do đó tôi lập lại lời kêu gọi chấm dứt bạo lực càng sớm càng tốt và quay trở lại con đường đối thoại. Tôi mời mọi người cầu nguyện cho anh chị em người Sudan của chúng ta.

Hôm nay là ngày thứ 99 của Đại Học Công Giáo Thánh Tâm, với chủ đề Vì tình yêu tri thức. Những thách thức của chủ nghĩa nhân văn mới. Tôi hy vọng rằng trường đại học Công Giáo lớn nhất của Ý sẽ đối mặt với những thách thức này với tinh thần của những người sáng lập, đặc biệt là tinh thần của bạn trẻ Armida Barelli, người đã được tuyên Chân Phước cách đây một năm.

Thứ Sáu tới, tôi sẽ đến Budapest, Hung Gia Lợi, trong ba ngày, để hoàn tất chuyến đi mà tôi đã thực hiện vào năm 2021 cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế. Đây sẽ là cơ hội để một lần nữa ôm lấy Giáo hội và một dân tộc rất thân thương đối với tôi. Đó cũng sẽ là một hành trình đến trung tâm Âu Châu, nơi những cơn gió lạnh của chiến tranh vẫn tiếp tục thổi qua, trong khi việc di dời của rất nhiều người đặt ra những vấn đề nhân đạo cấp bách trong chương trình nghị sự. Nhưng giờ đây, tôi muốn ngỏ lời thân ái với anh chị em, hỡi anh chị em Hung Gia Lợi thân mến, vì tôi mong được đến thăm anh chị em như một người hành hương, người bạn và người anh em của tất cả mọi người, và gặp gỡ, trong số những người khác, chính quyền, giám mục, linh mục và những người tận hiến, giới trẻ, cộng đồng đại học và người nghèo. Tôi biết anh chị em đang nỗ lực rất nhiều để chuẩn bị cho sự xuất hiện của tôi: Tôi chân thành cảm ơn anh chị em vì điều này. Và tôi xin tất cả anh chị em hãy đồng hành với tôi trong cuộc hành trình này bằng những lời cầu nguyện của anh chị em.

Và chúng ta đừng quên những người anh chị em Ukraine của chúng ta, vẫn còn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này.

Tôi chân thành chào tất cả các bạn, những người Rôma và những người hành hương từ Ý và nhiều quốc gia – tôi nhìn thấy những lá cờ của rất nhiều quốc gia – đặc biệt là của Salamanca và các sinh viên của Albacete, cũng như nhóm VenetoTrentino của Dòng Malta Quân đoàn cứu trợ.

Tôi chào các tín hữu của Ferrara, Palermo và Grumello del Monte; cộng đoàn Trường Giáo phận Lodi; các bạn trẻ của các thị trấn khác nhau trong các giáo phận Alba, Bergamo, Brescia, Como và Milan; các ứng sinh lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức đến từ nhiều giáo xứ của Ý; các em học sinh Dòng Thánh Tâm Cadonenghe; hợp tác xã “Volœntieri” từ Casoli và nhóm “Mototurismo” từ Agna.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành; và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana