Chúa Giêsu, người làm phép lạ
Một phương thức được các học giả duy tự nhiên tiếp nhận là tìm các song hành giữa Chúa Giêsu và những người khác trong lịch sử cổ thời như một cách chứng minh rằng chủ trương và việc làm của Người không hoàn toàn độc đáo. Mục tiêu của họ là muốn giải thích rằng Chúa Giêsu cũng chỉ là một người trong số những người kia.
Tôi hỏi Boyd, “Ông trả lời điểm này ra sao? Chẳng hạn, có những rabbis thời xưa cũng trừ qủy hay cầu mưa và mưa đổ xuống, nên một số học giả nói rằng Chúa Giêsu chỉ là một điển hình khác của người Do Thái làm phép lạ. Các song hành này có đứng vững không?”
Tôi sẽ thấy Boyd, nhà tranh luận, hành động khi ông trả lời từng điểm một cho một vấn đề phức tạp mà không cần có ghi chép gì cả. Tôi rất mừng đã nắm vững cuộc đàm luận của chúng tôi; việc ghi chép của tôi có lẽ chưa bao giờ theo kịp một phát ngôn nhanh như lửa của ông.
Ông lên tiếng, từ từ nói nhanh hơn, “Thực ra, các song hành sẽ nhanh chóng mất hiệu lực khi ông nhìn kỹ hơn. Vì thứ nhất, nguyên tính trung tâm của siêu nhiên trong cuộc đời Chúa Giêsu đã không có bất cứ song hành nào trong lịch sử Do Thái.
“Thứ hai, bản chất triệt để trong các phép lạ của Người đã phân biệt Người. Trời không đổ mưa khi Người cầu nguyện cho có nó; chúng ta nói tới những điều như mù, điếc, phong cùi, chứng vẹo xương sống được chữa lành, bão tố được dẹp yên, bánh và cá được nhân thừa, con trai con gái được làm cho sống lại. Điều này vượt quá bất cứ song hành nào.
“Thứ ba, nét khác biệt lớn lao nhất của Chúa Giêsu là Người đã làm phép lạ nhân danh thẩm quyền riêng của Người. Người là Đấng đã từng nói: “Nếu tôi, nhờ ngón tay Thiên Chúa, mà trừ được qủy, thì Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông’, Người có ý nói về chính Người. Người cũng nói, ‘Tôi đã được xức dầu để giải thoát người bị giam cầm’, nhưng ông không bao giờ thấy Người xin Chúa Cha để làm điều ấy, Người làm thế bằng quyền phép của Chúa Cha. Và không hề có song hành với việc này.
“Điều ấy cũng đúng với cách khác Chúa Giêsu nói về chính Người, ‘mọi thẩm quyền đã được ban cho tôi’, ‘hãy tôn vinh tôi cũng như các ông tôn vinh Chúa Cha’, ‘trời và đất sẽ qua đi nhưng lời tôi nói sẽ không qua đi’. Ông sẽ không tìm được các giáo sĩ nào nói như thế ở bất cứ nơi nào khác.
Sau khi nghe xong loạt luận lý nhanh như chớp đó, tôi tặc lưỡi nói, “còn trọng điểm của ông là gì?”
Boyd cười, đáp, “bất cứ song hành nào với các rabbis làm phép lạ thẩy đều hết sức, hết sức mong manh”.
Chúa Giêsu và Apôlôniô Kỳ diệu
Tôi sẽ không để cho kỹ năng tranh luận của Boyd làm tôi khiếp sợ. Tôi quyết định nêu một vấn đề khó khăn hơn: các song hành dường như mạnh hơn giữa Chúa Giêsu và nhân vật lịch sử tên là Apôlôniô thành Tyana.
Tôi nói với Boyd, “Ông biết bằng chứng rõ như tôi. Đây là một người ở thế kỷ thứ nhất mà người ta nói là đã chữa lành nhiều người và trừ được nhiều qủy; có thể đã làm một thiếu nữ chết sống lại; và từng hiện ra với một số môn đệ sau khi chết. Căn cứ vào đó, người ta bảo rằng, ‘thấy không, nếu ông cho rằng truyện Apôlôniô là dã sử, tại sao ông không nói như thế với truyện của Ông Giêsu?’”
Boyd gật đầu ra dấu đồng ý với tôi. Ông nói, “Tôi nhận rằng thoạt đầu, điều này khá gây ấn tượng. Lần đầu tiên lúc còn là sinh viên, khi nghe truyện Apôlôniô, tôi thực sự ngỡ ngàng. Nhưng nếu ông nghiên cứu công trình lịch sử một cách thanh thản và khách quan, ông sẽ thấy rằng các điều được cho là song hành không hề đứng vững”.
Tôi cần nghe những điều chuyên biệt, không nói chung chung, nên nói, “Ông làm ơn nói tiếp. Ráng làm mọi sự để đả phá nó”.
“Được thôi. Trước nhất, người viết tiểu sử của ông ta, tức Philostratus, viết một thế kỷ rưỡi sau khi Apôlôniô qua đời, trong khi các sách Tin Mừng dược viết một thế hệ sau Chúa Giêsu. Càng gần với biến cố càng ít cơ hội cho các khai triển dã sử, sai lạc, hay ký ức trở thành lẫn lộn.
“Một điều khác nữa là chúng ta có bốn sách Tin Mừng, được chứng thực với Phaolô, có thể được đối chất đến một mức nào đó với các tác giả không thuộc Kinh thánh, như Josephus và các tác giả khác. Với Apôlôniô, chúng ta chỉ có một nguồn. Vả lại, các sách Tin Mừng thoả mãn các thử nghiệm tiêu chuẩn vốn được sử dụng để lượng định tính đáng tin cậy về lịch sử, nhưng chúng ta không thể nói thế về các câu truyện về Apôlôniô.
“Trên hết, Philostratus được ủy nhiệm bởi một nữ hoàng để viết tiểu sử này nhằm dâng kính một ngôi đền cho Apôlôniô. Bà vốn là một đệ tử của Apôlôniô, thành thử Philostratus có động lực tài chánh để tô vẽ câu truyện và đem lại cho nữ hoàng điều bà cần. Ngược lại, các tác giả Tin Mừng chẳng có lợi gì, trái lại chỉ có thua lỗ, khi viết tiểu sử của Chúa Giêsu, và họ không hề có động lực ẩn giấu nào như lợi lộc tài chánh chẳng hạn.
“Cách Philostratus viết cũng rất khác với các sách Tin Mừng. Các sách Tin Mừng có quan điểm của những nhân chứng tận mắt đầy tự tin như thể các ngài có máy chụp lúc đó. Còn Philostratus thì bao gồm khá nhiều phát biểu có tính thăm dò,như ‘có tường thuật cho rằng...’ hay ‘có người nói rằng thiếu nữ này đã chết; người khác lại nói cô chỉ bị bệnh thôi’. Ông đáng khen ở chỗ đã lùi lại và coi các câu truyện chỉ như các câu truyện.
“Và đây là điều rất quan trọng: Philostratus viết vào đầu thế kỷ thứ ba tại Cappadocia, nơi Kitô giáo đã hiện diện một thời gian lâu. Nên bất cứ vay mượn nào cũng là về phía ông ta chứ không phải về phía Kitô hữu. Ông có thể tưởng tượng các môn đệ của Apôlôniô coi Kitô giáo như kẻ cạnh tranh, nên nói, ‘Ê này, Apôlôniô cũng làm những điều y như Ông Giêsu!’ Giống như thể ‘bố tao có thể đánh bại bố mày!’
“Điểm cuối cùng. Tôi sẵn lòng nhìn nhận rằng Apôlôniô có thể làm nhiều điều lạ lùng hay ít nhất lừa được người ta nghĩ rằng ông đã làm được. Nhưng việc ấy không hề làm hại bằng chứng bênh vực Chúa Giêsu. Ngay cả khi ông chấp nhận bằng chứng ủng hộ Apôlôniô đi chăng nữa, ông vẫn phải đương đầu với bằng chứng ủng hộ Chúa Kitô”.
Chúa Giêsu và “các tôn giáo mầu nhiệm”
Được, tôi tự nghĩ chúng ta hãy thử một keo nữa xem sao. Rất nhiều sinh viên Đại Học được dạy rằng nhiều chủ đề thấy trong đời sống Chúa Giêsu chỉ là các vang vọng của “các tôn giáo mầu nhiệm” trong đó, có các câu truyện về các thần minh chết đi sống lại, các nghi thức phép rửa và hiệp lễ, nên tôi hỏi, “Phải nói gì về các song hành này?”
“Đó là lập luận rất phổ biến vào đầu thế kỷ, nhưng nói chung đã chết yểu vì hết sức vô giá trị. Thứ nhất, xét về thời điểm, nếu ông có ý nói đến việc vay mượn thì hướng đi phải là từ Kitô giáo sang các tôn giáo mầu nhiệm, chứ không phải ngược lại.
“Ngoài ra, các tôn giáo mầu nhiệm là các tôn giáo muốn làm gì thì làm, tự do vay mượn các ý tưởng từ khắp mọi nơi khác nhau. Tuy nhiên, người Do Thái gìn giữ cẩn thận các niềm tin của họ khỏi ảnh hưởng bên ngoài. Họ tự coi họ như một dân tộc riêng biệt và cực lực kháng cự các ý tưởng và nghi thức ngoại giáo”.
Với tôi, song hành tiềm năng đáng lưu ý nhất là các câu truyện huyền thoại về các thần minh chết đi sống lại, nên tôi hỏi, “Há các truyện đó không tương tự như các niềm tin Kitô giáo đó sao?”
Boyd trả lời, “Dù đúng là các tôn giáo mầu nhiệm có các thần minh chết đi sống lại, các câu truyện này chỉ quanh quẩn chung quanh chu kỳ sống chết tự nhiên. Cây trồng chết đi vào mùa thu và sống lại vào mùa xuân. Người ta phát biểu sự lạ lùng của hiện tượng tiếp diễn này qua các câu truyện huyền thoại về các thần minh chết đi sống lại. Những câu truyện này đều luôn được khuôn đúc dưới hình thức huyền thoại. Chúng mô tả các biến cố xẩy ra ‘ngày xửa ngày xưa’.
“Ông hãy tương phản điều đó với việc mô tả Chúa Giêsu Kitô trong các sách Tin Mừng. Các sách này nói về một ai đó thực sự đã sống cách đó mấy thập niên và họ nêu các tên: thí dụ, bị đóng đinh dưới thời Phôngxiô Philatô, khi Caipha làm thượng tế, và cha của Alexader và Rufus vác thập giá của Người. Đó là các chất liệu lịch sử cụ thể. Chúng không có gì chung với các câu truyện về những điều được cho là đã xẩy ra ‘ngày xửa ngày xưa’.
“Và Kitô giáo không có gì liên quan tới các chu kỳ sự sống hay mùa màng. Nó liên quan tới niềm tin rất Do Thái, một điều hoàn toàn vắng bóng nơi các tôn giáo mầu nhiệm, về việc phục sinh người chết và về sự sống đời đời và hòa giải với Thiên Chúa.
“Còn về gợi ý cho rằng các tín lý Tân Ước về phép rửa hay hiệp lễ phát xuất từ các tôn giáo mầu nhiệm, thì quả là vô nghĩa. Thứ nhất, bằng chứng cho những điều được coi là song hành này xuất hiện sau thế kỷ thứ hai, nên bất cứ sự vay mượn nào cũng có thể là từ Kitô giáo, chứ không phải ngược lại.
“Và khi ông nhìn cẩn thận hơn, các tương tự sẽ biến mất. Chẳng hạn, muốn đạt tới bình diện cao hơn trong đạo Mithra (thần ánh sáng Ba tư), các tín đồ phải đứng dưới con bò mộng khi nó bị giết, để được tắm máu của nó, rồi sau đó tham gia với những người khác để ăn thịt nó.
“Bởi thế, cho rằng người Do Thái thấy điều gì đó hấp dẫn về điều này và muốn lên khuôn phép rửa và hiệp lễ của họ theo tập tục man rợ này là cực kỳ vô giá trị, nên phần lớn các học giả đều không thuận ý.
Các Tin Mừng bí mật và các thập giá biết nói
Trái với sự vô trật tự và vô tổ chức của văn phòng ông, trí óc của Boyd hết sức sắc sảo và có hệ thống. Việc phân tích các song hành được rao bán rộng dài này của ông không có chỗ nào để hoài nghi. Nên tôi quyết định tiến sang một lãnh vực khác mà các phương tiện truyền thông hay viết về: “các khám phá mới” thường là chủ đề cho các cuốn sách của các tham dự viên của cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu.
Tôi nói, “Người ta đã viết khá nhiều trong báo chí quần chúng về Tin Mừng Tôma, Bí mật Máccô, Tin mừng Thập giá, và nguồn Q. Liệu thực sự có bất cứ khám phá nào mới làm thay đổi phương cách chúng ta nên nghĩ về Chúa Giêsu không?”
Boyd thở dài thất vọng. “Không, không có khám phá mới nào nói với chúng ta điều gì mới về Chúa Giêsu cả. Tin Mừng Tôma đã được khám phá từ rất lâu, nhưng nay, nó được dùng để tạo ra một Chúa Giêsu khác. Một số lý thuyết về Tin Mừng Tôma có thể mới, nhưng chính Tin Mừng thì không hề mới.
“Còn về nguồn Q, nó không phải là một khám phá nhưng là một lý thuyết đã được lưu hành một thế kỷ rưỡi nay nhằm giải thích các tư liệu mà Tin Mừng Luca và Tin Mừng Mátthêu có chung. Điều mới là cách rất đáng ngờ được các học giả cánh tả sử dụng các phỏng đoán của họ để xẻ nguồn Q có tính giả thiết thành nhiều lớp lang phát triển huyền thoại để nâng đỡ các lý thuyết tiên niệm của họ”.
Tôi biết rằng John Dominic Crossan, có lẽ là học giả có ảnh hưởng nhất trong cuộc hội thảo về Chúa Giêsu, đã đưa ra một số tuyên bố mạnh mẽ về một tin mừng mang tên Máccô Bí mật. Thật vậy, ông ta quả quyết rằng Máccô Bí mật thực sự là bản không bị kiểm duyệt của Tin Mừng Máccô, chứa những vấn đề tâm phúc dành riêng cho những người trong cuộc về phương diện thiêng liêng (4). Một số người đã sử dụng nó để cho rằng Chúa Giêsu thực sự là một ảo thuật gia hay một số Kitô hữu tiên khởi thực hành đồng tính luyến ái. Lý thuyết âm mưu này đã nắm được óc tưởng tượng của các phương tiện truyền thông.
Tôi hỏi Boyd, “Đâu là chứng cớ của sự kiện đó?”
Ông trả lời ngay, “không có chứng cớ nào cả. Điều chúng ta có là một học giả tìm được một câu trích dẫn của Clement thành Alexandria cuối thế kỷ thứ hai được cho là lấy từ Tin Mừng này. Nhưng nay, một cách mầu nhiệm, ngay điều này cũng đã biến mất.
“Chúng ta không có nó, chúng ta không có cả câu trích từ nó, và dù cho chúng ta có câu trích từ nó đi chăng nữa, chúng ta vẫn không có lý do gì để nghĩ rằng nó cung cấp cho chúng ta bất cứ thông tin giá trị nào về Chúa Giêsu lịch sử hay điều các Kitô hữu nghĩ về Người. Trên hết, chúng ta vốn biết rằng Clement có thành tích rất cả tin trong việc chấp nhận các trước tác không xác thực.
“Nên Máccô Bí mật là một công trình không hề hiện hữu được trích dẫn bởi một bản văn hiện không còn hiện hữu của một người viết cuối thế kỷ thứ hai, một người viết có tiếng ngây thơ về những chuyện này. Đại đa số các học giả không dành cho cuốn này bất cứ tính khả tín nào. Chẳng may, nó được báo chí nói tới nhiều vì các phương tiện truyền thông ưa những chuyện giật gân”.
Crossan cũng gán giá trị cho điều ông gọi là Tin Mừng Thập Giá. Tôi hỏi, “Tin Mừng này có khá hơn không?”
“Không, phần lớn các học giả không dành cho nó chút khả tín nào, vì nó bao gồm nhiều tư liệu dã sử kỳ dị. Chẳng hạn, Chúa Giêsu ra khỏi mộ và Người trở thành người khổng lồ, đụng quá trời xanh, còn thập giá cũng ra khỏi mồ và lên tiếng nói! Hiển nhiên, những tin mừng nghiêm trang hơn thì đáng tin cậy hơn bất cứ điều gì tìm thấy trong trình thuật này. Nó phù hợp hơn với các trước tác ngụy thư sau này. Thật vậy, nó phụ thuộc tư liệu Kinh thánh, do đó, nên định niên biểu cho nó trễ hơn”.
Không giống như đa số áp đảo các chuyên gia Kinh thánh, cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu đã dành cho Tin Mừng Tôma một địa vị cực kỳ cao, nâng nó lên cùng vị thế như bốn sách Tin Mừng truyền thống. Ở chương ba, Tiến sĩ Bruce Metzger đã phê phán chủ trương này như là không có cơ sở.
Tôi hỏi ý kiến Boyd, “Tại sao không nên dành cho Tin Mừng Tôma loại danh dự ấy?”
Ông nói, “Mọi người đều thừa nhận rằng Tin Mừng này chịu ảnh hưởng đáng kể của ngộ đạo, một phong trào tôn giáo vào các thế kỷ hai, ba, bốn, một phong trào tự cho là có những thông sáng, hiểu biết bí mật hay các mặc khải giúp người ta biết được chìa khóa mở cửa vũ trụ. Ơn cứu rỗi là nhờ điều ông biết, gnosis có nghĩa là ‘biết’”.
Nên phần lớn các học giả định niên biểu cho Tin Mừng Tôma là vào giữa thế kỷ thứ hai, trong đó, nó rất thích hợp với môi trường văn hóa. Để tôi nói cho ông một thí dụ: Chúa Giêsu được trích dẫn đã nói rằng, ‘Mọi phụ nữ tự làm mình thành người nam sẽ được vào nước thiên đàng’. Điều này mâu thuẫn với thái độ của Chúa Giêsu đối với phụ nữ, nhưng nó rất thích hợp với não trạng ngộ đạo.
“Tuy nhiên, cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu đã võ đoán nắm chặt một số đoạn trong Tin Mừng Tôma và lập luận rằng những đoạn này đại diện cho tuyến phát triển tiên khởi của truyền thống về Chúa Giêsu, thậm chí còn sớm hơn cả các Tin Mừng qui điển.
“Vì không có đoạn nào trong số này bao gồm việc Chúa Giêsu đưa ra các tuyên bố tự tâng cao mình hay làm các việc có tính siêu nhiên, nên họ lý luận rằng quan điểm sớm nhất về Chúa Giêsu là Người chỉ là một bậc thầy vĩ đại. Nhưng trọn tuyến lý luận của họ có tính vòng tròn loanh quanh. Lý do duy nhất để nghĩ rằng các đoạn văn này trong Tin Mừng Tôma có tính tiên khởi là vì chúng chứa quan điểm về Chúa Giêsu được các học giả này vốn tin là Chúa Giêsu nguyên khởi. Nói cho ngay, không có lý do vững chắc nào để thích Tin Mừng Tôma thế kỷ hai hơn các sách Tin Mừng thế kỷ thứ nhất của Tân Ước.
Lịch sử đấu với đức tin
Chúa Giêsu của lịch sử và Chúa Giêsu của đức tin: Cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu tin rằng có một hố phân cách lớn giữa hai Chúa Giêsu này. Theo họ, Chúa Giêsu lịch sử là một con người sáng sủa, dí dỏm, phản văn hóa, chưa bao giờ cho mình là Con Thiên Chúa, trong khi Chúa Giêsu của đức tin là một chùm ý tưởng cảm thấy tốt giúp người ta sống đúng nhưng tối hậu dựa trên mơ tưởng.
Khi tôi nêu vấn đề thì Boyd nói, “Không hề có hố phân cách nào giữa Chúa Giêsu của lịch sử và Chúa Giêsu của đức tin. Nếu ông bác bỏ mọi điều nói Chúa Giêsu là Thiên Chúa và hoà giải người ta với Thiên Chúa, thì đó mới là mâu thuẫn thẳng thừng giữa hai Chúa Giêsu.
“Nói chung, họ định nghĩa Chúa Giêsu của đức tin thế này: có những biểu tượng tôn giáo rất có ý nghĩa đối với người ta, biểu tượng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, biểu tượng thập giá, biểu tượng tình yêu tự hy sinh, biểu tượng Phục sinh. Dù người ta thực sự không tin những điều này thực sự xẩy ra, tuy nhiên chúng vẫn có thể gợi hứng để người ta sống một cuộc sống tốt, vượt thắng cảm giác lo lắng hiện sinh, thể hiện các tiềm năng mới, vực dậy niềm hy vọng giữa cơn thất vọng, v.v...”
Ông lắc vai, nói, “Xin lỗi. Tôi đã nghe những chuyện này nhiều rồi, nghe tai này qua tai nọ!
Boyd nói tiếp, “Nên những người cấp tiến này nói tìm tòi lịch sử không thể khám phá được Chúa Giêsu của đức tin, vì Chúa Giêsu của đức tin không dựa vào lịch sử. Người chỉ là một biểu tượng. Nhưng ông nghe đây: Chúa Giêsu không phải là một biểu tượng của bất cứ điều gì ngoại trừ Người có gốc rễ trong lịch sử. Kinh tin kính Nixêa không nói, ‘chúng tôi muốn những điều này đúng sự thật’. Nó nói, ‘Chúa Giêsu chịu đóng đinh thời Phôngxiô Philatô, và đến ngày thứ ba,Người sống lại từ cõi chết’, và v.v...
“Sự thật thần học dựa vào sự thật lịch sử. Đó là cách nói của Tân Ước. Ông hãy đọc bài giảng của Thánh Phêrô ở chương hai sách Tông đồ Công Vụ. Ngài đứng lên và nói, ‘Các ông là nhân chứng của những điều này; chúng không được thực hiện trong bí mật. Mộ của Đavít vẫn còn đây, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Nên chúng tôi công bố Người là Con Thiên Chúa’.
“Lấy đi các phép lạ là ông lấy đi sự Phục Sinh, và ông không còn điều gì nữa để công bố. Thánh Phaolô nói rằng nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, đức tin của chúng ta là phù phiếm, vô ích, trống rỗng”.
Boyd ngưng một lúc. Giọng ông thay đổi hẳn, từ lối giảng thuyết chuyển sang lối phát biểu tha thiết một xác tín bản thân.
Ông cương quyết nói, “Tôi không đặt căn bản cho đời tôi trên một biểu tượng. Tôi muốn thực tại, và đức tin Kitô giáo luôn bắt nguồn từ thực tại. Điều gì không bắt nguồn từ thực tại là đức tin của các học giả cấp tiến. Họ là các học giả theo đuổi một giấc mơ hão huyền, nhưng Kitô giáo không phải là một giấc mơ hão huyền”.
Kết hợp lịch sử và đức tin
Chúng tôi đã dành khá nhiều thì giờ nói về Chúa Giêsu của cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu biểu tượng, nhưng là một Chúa Giêsu bất lực trong việc cung cấp cho thế giới bất cứ điều gì ngoài niềm hy vọng viển vông. Nhưng trước khi chúng tôi chia tay, tôi muốn nghe về Chúa Giêsu của chính Boyd. Tôi muốn biết liệu Chúa Giêsu được ông tìm tòi và viết những cuốn sách bác học về trong tư cách giáo sư thần học có phải cùng là một với Chúa Giêsu được ông rao giảng tại nhà thờ của ông vào các buổi sáng Chúa nhật hay không.
Tôi nói, “tôi xin hỏi thẳng. Chúa Giêsu của ông, tức Chúa Giêsu ông có liên hệ với, vừa là Chúa Giêsu của lịch vừa là Chúa Giêsu của đức tin”.
Boyd nắm tay để nhấn mạnh, như thể tôi vừa tạo được một cú “touchdown”, ông la lên, “Đúng, đúng y như thế, Lee!”. Nhích ra mép ghế, ông nói rõ chính điều mà nền học giả của ông, và trái tim ông, đã khiến ông tin.
“Vấn đề như thế này: nếu ông yêu một người, tình yêu của ông sẽ đi quá bên kia các sự kiện của người đó, nhưng nó bắt nguồn từ các sự kiện của họ. Thí dụ, ông yêu vợ ông vì nàng đẹp rạng rỡ, nàng tử tế, nàng ngọt ngào, nàng tốt bụng. Tất cả những điều ấy là các sự kiện về vợ ông, và do đó, ông yêu nàng.
“Nhưng tình yêu của ông đi quá những điều ấy. Ông có thể biết mọi điều ấy về vợ ông và không si mê nàng và đặt niềm tin của ông nơi nàng, nhưng ông yêu nàng. Thành thử quyết định đi quá bên kia bằng chứng, nhưng nó cũng dựa trên bằng chứng.
“Yêu chúa Giêsu cũng thế. Có mối liên hệ với Chúa Giêsu Kitô đi quá việc chỉ biết các sự kiện lịch sử về Người, nhưng nó cũng bắt nguồn trong các sự kiện lịch sử về Người. Tôi tin Chúa Giêsu dựa trên bằng chứng lịch sử, nhưng mối liên hệ của tôi với Chúa Giêsu vượt xa bằng chứng này. Tôi phải đặt niềm tín thác của tôi vào Người và bước đi với Người trên căn bản hàng ngày”.
Tôi cắt ngang và nói, “Vâng, nhưng ông có nhìn nhận rằng Kitô giáo đưa ra một số tuyên bố về Chúa Giêsu mà đơn giản thật khó tin không?”
Ông trả lời, “Có, dĩ nhiên tôi nhìn nhận như thế. Đó là lý do tại sao tôi rất vui khi chúng ta có bằng chứng hết sức mạnh mẽ như thế để chứng minh với chúng ta là chúng đúng sự thật”.
Ông nói thêm, “Đối với tôi, câu chuyện tóm lại là như thế này: không hề có cạnh tranh. Bằng chứng chứng minh Chúa Giêsu là người được các môn đệ mô tả: đã làm nhiều phép lạ, đã làm người chết sống lại, đã tự nhận nhiều điều như Người đã tự nhận, vượt nhiều năm ánh sáng quá các lý do khiến tôi nghĩ rằng nền học giả cánh tả của cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu không thể nào chính xác được.
“Những học giả này có được những gì? Chà, chỉ vắn tắt nhắc đến một Tin Mừng ‘bí mật’ đã thất lạc trong một lá thư cuối thế kỷ thứ hai mà bất hạnh một điều là chỉ được nhìn thấy bởi một người duy nhất và nay đã hoàn toàn thất lạc. Có trình thuật vào thế kỷ thứ ba về biến cố Đóng Đinh và Sống Lại nhưng lại nhắc đến cây thập giá biết nói và được một nhúm học giả nghĩ rằng có trước các sách Tin Mừng. Có tài liệu ngộ đạo thế kỷ thứ hai, mà nhiều phần được một số học giả hiện nay định niên biểu khá sớm để nâng đỡ các tiên niệm của chính họ. Và có một tài liệu có tính giả thuyết xây dựng không ổn trên các giả thiết ngày càng bị thái mỏng dần vì sử dụng lối suy luận luẩn quẩn”.
Boyd ngả lưng trở lại trong chiếc ghế ngồi. Ông vừa nói vừa lắc đầu, “Không, tôi xin lỗi ông, Tôi không chấp nhận điều đó. Điều hợp lý hơn nhiều là đặt niềm tin của tôi vào các sách Tin Mừng, vốn hội đủ các thử nghiệm lịch sử một cách hết sức thành công, hơn là đặt hy vọng của tôi vào điều cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu nói”.
Một hợp xướng phê bình
Trở lại quán trọ của tôi, tôi quay lại trong tâm trí cuộc phỏng vấn Boyd của tôi. Tôi cũng cảm nhận như ông: nếu Chúa Giêsu của đức tin không phải là một với Chúa Giêsu của lịch sử, thì Người bất lực và vô nghĩa. Nếu Người không bắt nguồn từ thực tại, nếu Người không thiết lập thiên tính của Người bằng cách sống lại từ cõi chết, Người chỉ là một biểu tượng được cảm nhận là tốt, cũng không liên quan gì như Ôn Già Noel.
Nhưng có bằng chứng là Người không phải như thế. Tôi đã nghe các nhân chứng tận mắt được nhiều người ủng hộ, bằng chứng tài liệu, chứng thực và khoa học nâng đỡ các tuyên bố của Kinh thánh rằng Người là Thiên Chúa nhập thể, và tôi sẵn sàng lên đường một lần nữa để đào sâu các tư liệu có tính lịch sử hơn nữa về cá tính và việc phục sinh của Người.
Trong khi đó, Boyd không phải là tiếng nói cô độc chống lại cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu. Ông là một phần của một phong trào phê bình ngày càng gia tăng gồm không những các học giả Thệ phản bảo thủ nổi tiếng mà cả các học giả được kính trọng khác đại diện rất nhiều xu hướng thần học khác nhau.
Một thí dụ ở ngay trên bàn đầu giường của quán trọ của tôi, nơi tôi với lấy cuốn sách tựa là The Real Jesus [Chúa Giêsu Đích thực] mà tôi vừa mới mua được.Tác giả của nó là Tiến sĩ Luke Timothy Johnson, giáo sư được kính trọng về Tân Ước và các Nguồn Kitô giáo tại Trường Thần học Candler của Đại Học Emory. Johnson là một người Công Giáo Rôma, vốn là một đan sĩ Dòng Biển Đức trước khi trở thành học giả kinh thánh và viết nhiều cuốn sách gây ảnh hưởng.
Johnson phê bình sâu sắc và hữu hiệu một cách có hệ thống cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu, nói rằng nó “không hề đại diện cho tinh hoa của nền học giả Tân Ước’, nó đi theo một diễn trình “đầy thiên kiến chống tính chân chính của truyền thống Tin Mừng”, và các kết quả của nó “đã được ấn định trước thời gian” (5). Ông kết luận, “Đó không phải là nền học giả có trách nhiệm, hay có tính phê phán. Nó là thứ trò chơi đố chữ bê tha” (6).
Ông tiếp tục trích dẫn các học giả nổi tiếng khác, có những ý kiến tương tự, trong đó, có Tiến sĩ Howard Clarke Kee, người gọi cuộc Hội thảo về Chúa Giêsu là “sự nhục nhã học thuật” và Richard Hayes của Đại Học Duke, người điểm the Five Gospels (Năm Tin Mừng), quả quyết rằng “lý lẽ được nhóm này lập luận sẽ không đứng vững ở bất cứ tòa án nào” (7).
Tôi gấp cuốn sách lại và tắt đèn. Ngày mai tôi sẽ tái tục cuộc săn lùng bằng chứng sẽ đứng vững.
Tài liệu đọc thêm
Boyd, Gregory A. Cynic Sage Or Son of God? Recovering the Real Jesus in an Age of Revisionist Replies[Hiền giả khuyển nho hay Con Thiên Chúa? Tái khám phá Chúa Giêsu thưc sự trong một thời đại có những câu trả lời duy xét lại]. Wheaton Ill.: BridgePoint, 1995.
Boyd, Gregory A. Jesus Under Siege[Chúa Giêsu bị Bao vây]. Wheaton, Ill.: 1995.
Johnson, Luke Timothy. The Real Jesus [Chúa Giêsu đích thực]. San Francisco:Harper SanFrancisco, 1996.
Wilkins, Michael J., and J.P. Moreland, eds. Jesus under Fire[Chúa Giêsu bị tấn công]. Grand Rapids: Zodervan, 1995.
Ghi Chú
1. Henry Cmapbell Black, Black’s Law Dictionary[Từ điển Luật của Black], 5th ed. (St. Paul, Minn. :West, 1979) 1139
2. Lee Strobel, “His ‘I Shot Him’ Stunts Courtroom” [Trò Giật gân 'tôi bắn hắn' của ông ta tại Tòa án] Chicago Tribune (June 20, 1975) và “Pal’s Confession Fails; Defendant Ruled Guilty” [Xưng thú bạn bè thất bại; bị cáo bị phán quyết có tội], Chicago Tribune (June 21, 1975).
3. Gregory A. Boyd, Jesus under Siege [Chúa Giêsu bị Bao vây] (Wheaton, Ill.: Victor, 1995) 88.
4. John Dominic Crossan, The Historical Jesus [Chúa Giêsu Lịch sử] (San Francisco: HarperSanFrancisco, 1991) 329.
5. Johnson, The Real Jesus [Chúa Giêsu đích thực]., 3,5,8.
6. Ibid, 26.
7. Ibid.