Đụng độ với cơ quan thực thi pháp luật đã nổ ra vào cuối tuần qua tại một thành phố ở tây nam Trung Quốc sau khi các thành viên của cộng đồng Hồi giáo địa phương cố gắng ngăn chặn việc phá dỡ mái vòm của một nhà thờ Hồi giáo kiểu Ả Rập.

Chính quyền địa phương đã ra lệnh xây dựng lại mái vòm theo phong cách Trung Quốc, điều này đã gây ra phản ứng giận dữ của cộng đồng người Hồi giáo. Cảnh sát chống bạo động bao vây tòa nhà khi người Hồi giáo địa phương tổ chức biểu tình, cố gắng ngăn chặn chính quyền.

Các nguồn tin địa phương báo cáo rằng ý tưởng thay đổi diện mạo của nhà thờ Hồi giáo là một phần trong kế hoạch lớn hơn của chính phủ nhằm tăng cường kiểm soát các nhóm tôn giáo, bao gồm cả các tín hữu Kitô, thông qua chính sách “Hán hóa”.

Nhà thờ Hồi giáo Nạp Gia Doanh (Najiaying, 纳家营) nơi xảy ra các cuộc đụng độ, nằm ở Nạp Cố (Nagu, 纳古) một thành phố thuộc huyện Thông Hải, tỉnh Vân Nam, một khu vực mà người dân tộc Hứa theo đạo Hồi chiếm đa số.

Mọi người đã tập trung bên ngoài tòa nhà vào hôm thứ Bảy tuần trước để cố gắng ngăn chặn việc phá hủy mái vòm, tổ chức các cuộc biểu tình ngồi cả ngày lẫn đêm để cố gắng bảo vệ nó.

Các video được đăng trực tuyến cho thấy cảnh sát chống bạo động sử dụng khiên để chặn lối vào nhà thờ Hồi giáo, với những người biểu tình ném đá vào các đặc vụ.

Một số người biểu tình đã vượt qua hàng rào và phá bỏ giàn giáo, được lắp đặt trước đó để phá dỡ.

Vào hôm Chúa Nhật, lực lượng tăng cường đã đến để tăng cường sự hiện diện của cảnh sát tại nhà thờ Hồi giáo, với đoạn video được đăng trực tuyến cho thấy rất nhiều xe cảnh sát đậu xung quanh tòa nhà.

Nhà thờ Hồi giáo Nạp Gia Doanh có từ thế kỷ 13 và ban đầu được xây dựng theo phong cách của một ngôi đền Trung Quốc.

Tòa nhà hiện tại là kết quả của một cuộc cải tạo được thực hiện vào năm 2004, khi một mái vòm kiểu Ả Rập và bốn tòa tháp được thêm vào. Nó có thể chứa tới 3.000 người để cầu nguyện.

Đối với cộng đồng Hồi giáo địa phương, nhà thờ Hồi giáo là một nơi thờ phượng quan trọng; chính quyền địa phương cũng coi nó là quan trọng và vì lý do này muốn khôi phục nó về phong cách Trung Quốc ban đầu như một phần của kế hoạch rộng lớn hơn là “Hán hóa” các nơi thờ cúng và tôn giáo.

Theo Washington Post, xung đột bắt nguồn từ quyết định của tòa án năm 2020 phán quyết rằng một phần cấu trúc của tòa nhà là bất hợp pháp.

Khi cuộc đối đầu tiếp diễn, chính quyền địa phương đã kêu gọi những người biểu tình đầu hàng cảnh sát trước ngày 6 tháng 6 để được hưởng hình phạt nhẹ hơn.

Trong thành phố, các cuộc gọi điện thoại đã không được trả lời, trong khi cảnh sát được cho là đã gửi các phương tiện có thiết bị gây nhiễu điện thoại di động để cắt đứt hoặc làm gián đoạn liên lạc. Các video và thông tin về cuộc biểu tình cũng đã bị kiểm duyệt trên mạng xã hội Trung Quốc.

Tìm kiếm “Nhà thờ Hồi giáo Najiaying” trên Weibo, một dịch vụ tiểu blog giống như Twitter của Trung Quốc, không trả lại kết quả nào.

Chính quyền Trung Quốc đang thúc đẩy chính sách Hán hóa nhằm tăng cường kiểm soát các tôn giáo. Các nhóm tôn giáo đã được lệnh rao giảng hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bao gồm cả tư tưởng của Tập Cận Bình, và đưa “các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” vào các học thuyết và đạo đức tôn giáo của họ.

Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã tăng cường kiểm soát Tân Cương, đưa khoảng một triệu người Hồi giáo Trung Quốc, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh, vào các trại cải tạo.

Chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận sự tồn tại của các trại như vậy, tuyên bố rằng mọi người đã được gửi đến các trường đào tạo nghề và chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Bên ngoài Tân Cương, những nỗ lực Hán hóa của các nhóm Hồi giáo phần lớn không được chú ý. Trong quá khứ, dân tộc Hứa, một nhóm người Hồi giáo nói tiếng Trung Quốc, được khoan dung hơn; tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, họ cũng phải chịu sự kiểm soát gia tăng.

Tại Vân Nam, Ninh Hạ và Thanh Hải, nơi có đông người Hồi giáo sinh sống, chính quyền đã áp đặt phong cách kiến trúc Trung Quốc cho các tòa nhà, loại bỏ mái vòm và các biểu tượng Hồi giáo như ngôi sao và lưỡi liềm.

Tương tự như vậy, các biểu tượng Hồi giáo và chữ Ả Rập đã bị xóa khỏi biển hiệu của các cửa hàng do người Hồi giáo làm chủ trên khắp đất nước.


Source:Asia News