1. Vatican cảnh cáo các giám mục gây chia rẽ trên mạng xã hội

Lời kêu gọi là một phần của tài liệu dài 20 trang do ban truyền thông của Vatican có tiêu đề “Hướng tới sự hiện diện đầy đủ. Một suy tư mục vụ về sự gắn kết với các phương tiện truyền thông xã hội.”

Vatican kêu gọi các giám mục và các nhà lãnh đạo Công Giáo cấp cao giảm bớt bình luận của họ trên phương tiện truyền thông xã hội, nói rằng một số người đang gây chia rẽ và kích động các cuộc bút chiến làm tổn hại đến toàn bộ Giáo hội.

Lời kêu gọi là một phần của tài liệu dài 20 trang do ban truyền thông của Vatican đưa ra có tiêu đề “Hướng tới sự hiện diện đầy đủ. Một suy tư mục vụ về sự gắn kết với các phương tiện truyền thông xã hội.”

Tài liệu, gửi đến tất cả người Công Giáo, cảnh báo về sự nguy hiểm của tin giả trên mạng xã hội và các hình thức lạm dụng khác đã biến con người thành món hàng mà dữ liệu của họ được bán, mà thường khi họ không hề hay biết hoặc đồng ý.

Tài liệu lên án sự phân cực và chủ nghĩa cực đoan đã dẫn đến “chủ nghĩa bộ lạc kỹ thuật số” trên mạng xã hội, nói rằng các cá nhân thường tự nhốt mình trong các hầm chứa quan điểm cản trở đối thoại và thường dẫn đến bạo lực, lạm dụng và thông tin sai lệch.

Tài liệu cho biết “Phong cách của Kitô hữu nên phản ánh, chứ đừng phản ứng, trên phương tiện truyền thông xã hội. Do đó, tất cả chúng ta nên cẩn thận để không rơi vào những cái bẫy kỹ thuật số ẩn trong nội dung được thiết kế có chủ ý nhằm gieo rắc xung đột giữa những người dùng bằng cách gây ra sự phẫn nộ hoặc phản ứng cảm xúc”.

Tài liệu nhấn mạnh rằng: “Vấn đề luận chiến và hời hợt, và do đó gây chia rẽ, trong không gian truyền thông đặc biệt đáng lo ngại khi nó đến từ giới lãnh đạo Giáo hội: các giám mục, mục tử và các nhà lãnh đạo giáo dân nổi tiếng”

Một số giám mục Công Giáo bảo thủ và các nhà bình luận nổi tiếng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, đã chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô trên Twitter.

“Thật không may, những mối quan hệ tan vỡ, xung đột và chia rẽ không phải là điều xa lạ đối với Giáo hội. Ví dụ, khi các nhóm tự xưng là 'Công Giáo' sử dụng sự hiện diện trên mạng xã hội của họ để thúc đẩy sự chia rẽ, thì họ không hành xử như một cộng đồng Kitô giáo nên làm,” tài liệu cho biết.

Tài liệu cũng nói rằng người Công Giáo phải đặc biệt chú ý đến những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo trong những năm tới, đồng thời kêu gọi người Công Giáo hãy cẩn thận với những cỗ máy đưa ra những quyết định thay cho chúng ta”.

Vào năm 2020, Vatican đã hợp tác với những gã khổng lồ công nghệ Microsoft và IBM để thúc đẩy sự phát triển có đạo đức của trí tuệ nhân tạo và kêu gọi các quy định liên quan đến công nghệ xâm nhập như việc nhận dạng khuôn mặt.
Source:NBC News

2. Nhân vật thứ hai của Công Giáo Mông Cổ qua đời đột ngột

Nhân vật thứ hai của Giáo Hội Công Giáo nhỏ bé tại Mông Cổ, cha Stephano Kim Thành Hiền (Kim Seong Hyeon), đã qua đời đột ngột, sáng ngày 26 tháng Năm vừa qua vì bệnh tim, lúc mới 55 tuổi.

Cha Kim Thành Hiền (Kim Seong Hyeon) là một thừa sai nhiệt thành, linh mục thuộc Giáo phận Đại Điền (Deajeon), Hàn Quốc, nhưng tình nguyện đi phục vụ tại Mông Cổ cách đây hơn 20 năm (2002), theo diện Fidei Donum, Hồng ân Đức tin. Cha đã xả thân thành lập giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời ở Khan Uul, thuộc vùng thủ đô Ulanbator, nơi cha trải qua vài năm, trước khi tiến xa hơn vào các vùng xa xôi chia sẻ cuộc sống của những người du mục chăn súc vật. Cha sống trong một lều (ger) là nhà tiêu biểu của người Mông Cổ và di chuyển bằng ngựa.

Năm 2020, Đức Cha Giorgio Marengo, thừa sai Dòng Đức Mẹ An Ủi (Consolata), sau khi được bổ nhiệm làm Giám mục Phủ doãn Tông tòa Ulanbator, đã bổ nhiệm cha Stephano Kim làm Tổng đại diện của Phủ doãn này. Đức Cha mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Hồng Y hồi tháng Tám năm ngoái và ngài sẽ đến Mông Cổ để viếng thăm vào tháng Chín năm nay. Từ đó, cha Stephano Kim chia thời giờ ra làm hai, giữa việc mục vụ 350 tín hữu Công Giáo thuộc giáo xứ chính tòa, và chăm sóc mục vụ cho cộng đoàn Công Giáo người Hàn Quốc, cũng như những công việc của Phủ doãn Tông tòa.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho hãng tin Công Giáo Asia News, cha Stephano Kim kể lại những năm đầu tiên phục vụ tại Ulanbator, khi nhà thờ còn là một căn lều tròn, tiêu biểu của người Mông Cổ.

Lễ cầu hồn cho cha Stephano Kim đã được Đức Hồng Y Marengo cử hành, chiều ngày 26 tháng Năm, tại nhà thờ chính tòa thánh Phêrô và Phaolô, trước sự hiện diện của nhiều tín hữu Mông Cổ, và các vị thừa sai khác. Đức Hồng Y cám ơn linh mục thừa sai quá cố đã hăng say phục vụ đoàn chiên bé nhỏ trong bao năm qua. Lễ an táng cha sẽ được cử hành vào những ngày tới đây và cha sẽ được an táng tại Ulanbator, gần mộ của Đức Cha Wenceslao Padilla, giám mục đầu tiên của Mông Cổ thuộc Dòng Thừa sai Khiết Tâm Đức Mẹ, quen gọi là các cha dòng Scheut.

Giáo Hội Công Giáo tại Mông Cổ được khai sinh hồi năm 1992, khi nước này được mở ra sau 70 năm dưới chế độ cộng sản, và hiện nay có 1.300 tín hữu. Trong số 77 thừa sai gồm linh mục, nữ tu và giáo dân, cũng có bốn vị người Việt Nam thuộc dòng Don Bosco. Phật giáo Tây Tạng, hay cũng gọi là Phật giáo Kim Cương thừa, là tôn giáo đa số tại nước này. Sau bảy thập niên dưới chế độ vô thần, hơn 30% dân Mông Cổ hiện nay tuyên bố không thuộc tôn giáo nào. Chính tại Giáo hội “vùng ngoại ô” này, Đức Thánh Cha muốn đến viếng thăm mục vụ, như ngài đã nhiều lần loan báo.

3. Bộ Truyền Thông của Tòa Thánh công bố tài liệu hướng dẫn sử dụng phương tiện truyền thông xã hội

Trong một tài liệu mới được công bố vào ngày 29 tháng 5, Bộ Truyền thông của Vatican đưa ra một suy tư thấu đáo và sâu sắc khác thường về “thách thức thúc đẩy các mối liên hệ hòa bình, có ý nghĩa và quan tâm trên mạng xã hội”.

Khi việc sử dụng internet trở nên phổ biến hơn và quan trọng hơn trong cuộc sống hàng ngày, các viên chức Vatican thường bình luận về những nguy cơ và cơ hội do các phương tiện truyền thông xã hội mới mang lại. Nhưng hôm nay, Bộ Truyền thông nhận xét rằng “chúng ta đang sống trong một hệ sinh thái được định hình, trong cốt lõi của nó, bởi kinh nghiệm chia sẻ xã hội,” và giải quyết những thách thức của thực tại mới đó.

Tài liệu có chữ ký của Paolo Ruffini và Đức Ông Lucio Ruiz, lần lượt là bộ trưởng và thư ký của bộ—cho thấy một sự hiểu biết sâu sắc về các phương tiện truyền thông xã hội mới. Mặc dù nó không đề xuất các hướng dẫn cụ thể cho việc sử dụng internet, nhưng nó nhằm mục đích “thúc đẩy sự suy nghĩ chung về trải nghiệm kỹ thuật số của chúng ta, khuyến khích cả các cá nhân lẫn cộng đồng thực hiện một cách tiếp cận sáng tạo và mang tính xây dựng có thể thúc đẩy văn hóa tình láng giềng”.

Tiêu đề của tài liệu — “Hướng tới một Sự Hiện Diện Trọn Vẹn”—không hứa hẹn lắm. Nhưng phần lớn suy tư này được xây dựng dựa trên một dẫn chứng đáng lưu ý về dụ ngôn Người Chăn Chiên Nhân Lành. “Dụ ngôn có thể truyền cảm hứng cho các mối quan hệ trên mạng xã hội vì nó minh họa khả năng xảy ra một cuộc gặp gỡ có ý nghĩa sâu sắc giữa hai người hoàn toàn xa lạ. Người Samaritanô phá vỡ ‘sự phân chia xã hội’: anh vươn ra ngoài ranh giới của sự đồng tình và bất đồng.”

Các nguy hiểm kỹ thuật số

Tài liệu thừa nhận việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào, thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và phản ứng, cám dỗ những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hướng tới suy nghĩ hời hợt và kích thích kỹ thuật số quá mức.

Thay vì tập trung vào một vấn đề tại một thời điểm, sự chú ý từng phần liên tục của chúng ta nhanh chóng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. Trong tình trạng 'luôn mở lên' của chúng ta, chúng ta phải đối đầu với sự cám dỗ muốn ấn lên ấn xuống ngay lập tức vì chúng ta bị cuốn hút về mặt sinh lý vào sự kích thích kỹ thuật số, luôn muốn có nhiều nội dung hơn khi vô tận cuộn lên cuộn xuống và thất vọng vì thiếu thông tin cập nhật.

Ngoài những vấn đề ai cũng biết đó, Vatican cũng kêu gọi sự chú ý đến việc sử dụng các thuật toán mạnh mẽ thu thập dữ liệu về người dùng phương tiện truyền thông xã hội: dữ liệu có thể được thu thập cho mục đích thương mại. Vì lý do đó, Vatican cảnh cáo rằng việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội “không phải là miễn phí: chúng ta đang trả giá bằng số phút chú ý và số byte [tám chữ số nhị phân] dữ liệu của chúng ta”.

Tài liệu cảnh cáo chống lại việc thương mại hóa các tài khoản mạng xã hội, nhưng cũng nhận thấy rằng các thuật toán giống nhau sẽ tập hợp những người có quan điểm giống nhau lại với nhau và “khi mỗi người rút lui vào bong bóng đã được lọc riêng cho mình, mạng xã hội đang trở thành con đường dẫn nhiều người đến sự thờ ơ, phân cực và chủ nghĩa cực đoan.” Vì mỗi chúng ta tiếp xúc với những quan điểm phù hợp với quan điểm của chính mình—và vì những biểu thức sống động hơn của những quan điểm đó thu hút nhiều sự chú ý hơn và một lần nữa nhiều ảnh hưởng hơn, nên mạng xã hội đang “khuyến khích những tác phong cực đoan”.

Phong cách Kitô giáo: những người thợ dệt hiệp thông

Để đề phòng những mối nguy hiểm trên, tài liệu của Vatican khuyến khích các Kitô hữu áp dụng cách tiếp cận “lắng nghe” đối với các phương tiện truyền thông xã hội, tìm kiếm sự hiểu biết thực sự về những người mà họ tương tác. Tài liệu viết: “Phong cách của Kitô hữu nên có tính suy tư, chứ không phản ứng, trên mạng xã hội”.

Hơn nữa, Kitô hữu “có đầu óc kỹ thuật số tự nhiên” (digital native) nên làm việc với những người khác, xây dựng các mối tương quan trực tuyến để tạo ra cảm thức cộng đồng thực sự. “Điều cấp bách là phải học cách hành động với nhau, với tư cách là một cộng đồng chứ không phải với tư cách cá nhân. Không phải với tư cách là những người gây ảnh hưởng cá nhân, mà là những người dệt nên sự hiệp thông: tập hợp tài năng và kỹ năng của chúng ta, chia sẻ kiến thức và đóng góp.”

Bộ Truyền thông thậm chí còn đưa ra một cách để hiểu khái niệm “cộng đồng” vì nó có thể phát triển thông qua phương tiện truyền thông xã hội:

“Vượt xa sự gần gũi về địa lý-lãnh thổ hay dân tộc-văn hóa đơn thuần, những gì tạo nên một cộng đồng là sự chia sẻ chung về sự thật cùng với một cảm thức thuộc về, có đi có lại và liên đới, trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Thông điệp của Vatican cảnh cáo những người có tư chất kỹ thuật số chống lại các biện pháp hời hợt để đạt được thành công trực tuyến, nhắc nhở họ rằng “không hề có ‘người thích’ nào cả và hầu như không có ‘người theo’ nào cả vào lúc vinh quang của Thiên Chúa được biểu lộ vĩ đại nhất!” Tài liệu nhận xét rằng mọi Kitô hữu có sự hiện diện trực tuyến đều là một “người gây ảnh hưởng nhỏ”. Những người khai triển được nhiều người theo dõi hơn thì có nhiều trách nhiệm hơn, nhưng mọi người đều có nghĩa vụ đạo đức là sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho các mục đích tốt, lưu tâm đến khả năng của họ trong việc mang những người khác đến gần Chúa Kitô hơn.

Các vấn đề của chính Vatican

Tài liệu mới của Vatican để lại một số câu hỏi quan trọng chưa được trả lời. “Có một nhu cầu cấp thiết để hành động không chỉ với tư cách cá nhân, mà còn với tư cách là cộng đồng,” Bộ Truyền thông nói với độc giả như thế. Nhưng có rất ít gợi ý cụ thể để xây dựng những cộng đồng như vậy. Cũng vậy, tài liệu đưa ra thông điệp đầy hy vọng rằng “mạng xã hội không phải được đúc trong đá. Chúng ta có thể thay đổi nó.” Nhưng ngoài việc nói rằng chúng ta có thể gây áp lực lên các nhà cung cấp trực tuyến lớn để biến cương lĩnh của họ thành “môi trường nhân bản và lành mạnh hơn”, tài liệu không đưa ra hướng dẫn thực tế nào hơn.

Với 82 đoạn, tài liệu khá dài—đặc biệt là quá dài đối với thông điệp cảnh cáo về tình trạng giảm khả năng chú ý của người dùng internet.